Mỹ phẩm Việt: Tủi thân ngay trên sân nhà

Khác với các đồng nghiệp thường mở hộp trang điểm ra tút lại gương mặt ngay tại bàn làm việc, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ tại quận Tân Bình) thường vào nhà vệ sinh nữ để giặm phấn. Đó là tình cảnh của không chỉ một người dùng mỹ phẩm nội.

Khác với các đồng nghiệp thường mở hộp trang điểm ra tút lại gương mặt ngay tại bàn làm việc, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ tại quận Tân Bình) thường vào nhà vệ sinh nữ để giặm phấn. Đó là tình cảnh của không chỉ một người dùng mỹ phẩm nội.

Sản phẩm chị Thanh thích xài hơn năm qua là phấn two way cake của Thorakao. Chị Thanh nói: “Loại này mình xài hợp, thoa lên da khá mịn, lại rẻ: 64.000 đồng/hộp, nhưng so với hàng hiệu của mấy người bạn đồng nghiệp thì chẳng có đẳng cấp gì, nên mình ngại, ít khi mang ra...”

 

Mỹ phẩm Việt
Mỹ phẩm Việt Nam được thanh niên, thiếu nữ ở Campuchia chuộng. Nhưng ở Việt Nam, ít người tự tin dùng.

 

Lác đác sản phẩm được dùng

 

Chị Trang Anh, từng ngồi giặm phấn made in Việt Nam tại khu dịch vụ làm móng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 (đối diện chợ Bến Thành), kể: “Khi tôi lôi hộp phấn nội ra, tất cả những khách hàng ngồi gần đều nhìn, tỏ ý ngạc nhiên. Tôi hiểu, bởi gần như khách của khu vực này đều là dân sang, xài hàng hiệu. Khu vực chợ Bến Thành, Lê Thánh Tôn cũng chẳng có shop nào bán mỹ phẩm nội cả”.

 

Từng xài mỹ phẩm của Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, và tự cảm nhận làn da hợp với phấn Việt Nam, nên chị Trang Anh là một trong số ít người tiêu dùng không ngại ngùng khi “sô” ra mỹ phẩm nội đang xài.

 

Chị Nguyễn Thị Bé, ngụ tại quận Bình Thạnh, là tín đồ của kem nghệ. Chị cho biết đã hơn năm năm qua thường xuyên xài kem nghệ để thoa da, trị mụn, thoa vết thâm do mụn cho những đứa cháu tuổi dậy thì trong nhà.

 

Chị Bé kể: “Tôi từng xài kem trị mụn nước ngoài giá cả triệu đồng, nhưng tác dụng không hơn kem nghệ. Trong khi đó xài kem Việt Nam sản xuất chỉ có 12.000 đồng/tuýp, lúc nào cũng mua được hàng mới không sợ cận hay hết đát (date)”.

 

Trường hợp khác, cô Trần Mỹ Phong, ngụ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 gặp ai bị rụng tóc cũng mách nước: “Mua tinh dầu bưởi của Việt Nam xức tóc mỗi ngày, sau 1 – 3 tháng là thấy cải thiện rõ, đừng ham mua hàng ngoại giá mắc mà hiệu quả chưa chắc đã bằng”. Cô Mỹ Phong tự tin giới thiệu, bởi cô từng bị rụng tóc, từng xài tinh dầu bưởi và tự thân cảm nhận về chất lượng sản phẩm của mỹ phẩm Việt Nam.

 

Kết quả nghiên cứu thị trường tiêu dùng do công ty mỹ phẩm Lan Hảo tiến hành cho thấy có đến 80% người tiêu dùng chấp nhận xài mỹ phẩm nội với mức giá nội. Ông Huỳnh Kiến Nam, chủ công ty mỹ phẩm Gia Đình, kể: “Chai sữa tắm Familiar cỡ lớn hiện nay chỉ khoảng 50.000 – 60.000 đồng. Tôi có thể thêm các phụ gia vào, để sản phẩm làm cho da mềm, mượt hơn, giàu dưỡng chất, nhưng khách hàng lại không chấp nhận trả 80.000 – 100.000 đồng cho chai sữa tắm nội dù chất lượng thật cao”.

 

Tính đến tháng 9/2012, mỹ phẩm làm đẹp, chăm sóc da tóc của Việt Nam đã có được cả trăm thương hiệu và sản phẩm. Tỷ lệ người tiêu dùng mỹ phẩm Việt tại thành thị và nông thôn đều tăng lên, khoảng 30% mỗi năm, nhưng mỹ phẩm Việt vẫn chỉ chiếm tỷ lệ... 10%, theo hội Hoá mỹ phẩm TP.HCM.

 

Lợi thế thiên nhiên lép vế trước thương hiệu

 

Mỹ phẩm Việt từng khai thác các lợi thế sử dụng thảo mộc thiên nhiên của nước nhà, như: dầu dừa, chanh, bưởi, sả, bạc hà, nghệ, bồ kết… Tuy nhiên, dầu gội chiết xuất bồ kết của Lana, Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao… đã phải lép vế trước loại dầu gội in hình trái bồ kết của một tập đoàn đa quốc gia. Ngay cả dầu gội chống rụng tóc tinh dầu bưởi cũng không tiêu thụ nhiều hơn dầu gội tinh dầu bưởi nhập từ Pháp, dù giá hàng ngoại mắc hơn gần mười lần.

 

Ông Lương Vạn Vinh, chủ công ty hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo, người khởi nghiệp kinh doanh với nghề làm xà bông từ 30 năm trước, cho biết: “Trước đây các nhà sản xuất Việt Nam chỉ làm xà bông bằng dầu dừa. Nhưng hiện nay đa phần đều theo trào lưu thế giới, sản xuất bằng dầu cọ. Bởi các công ty sản xuất công nghiệp toàn cầu đã tinh chế dầu cọ thành các tinh thể (soapchip) dạng hạt, nhà sản xuất xà bông chỉ việc mua về, pha trộn màu, mùi hương tổng hợp rồi sau đó tạo khuôn vuông, tròn, dẹt gì đó theo kiểu riêng của mình, làm cho xà bông có hình dạng đẹp hơn, màu sắc tươi tắn hơn”.

 

Dược sĩ Huỳnh Kỳ Trân, người đã bỏ khá nhiều công sức nghiên cứu sản xuất xà bông chiết xuất hồi và nghệ, có tác dụng phòng chống cúm và làm trắng mịn da, nhưng sản phẩm thiên nhiên này khi tung ra thị trường không thể bán chạy như xà bông hương Camay.

 

Hộp phấn trang điểm của Thorakao sau hàng chục lần cải tiến, đến nay nhà sản xuất tự tin chất lượng không kém hàng hiệu ngoại. Thế nhưng sản lượng bán ra cũng chỉ mới tăng thêm chừng 15%.

 

Mỹ phẩm Việt Nam được bày bán trong siêu thị, cửa hàng, sạp chợ khá ít, như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Lana, Mỹ Hảo, Lan Hảo… và gần như không chen chân được vào các trung tâm thương mại.

 

Theo Bích Nga

SGTT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.