Tăng giá điện: Dân chưa kịp 'ý kiến'

Vẫn còn những câu hỏi treo "lơ lửng" cần Bộ Công thương và EVN giải thích, để người dân, doanh nghiệp dù buộc phải mua điện giá cao hơn, nhưng không thấy bức xúc mỗi lần giá leo thang.

Vẫn còn những câu hỏi treo "lơ lửng" cần Bộ Công thương và EVN giải thích, để người dân, doanh nghiệp dù buộc phải mua điện giá cao hơn, nhưng không thấy bức xúc mỗi lần giá leo thang.

Chưa kịp phát biểu

Như báo chí đưa tin, hôm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối ngày bất ngờ thông báo điều chỉnh tăng giá điện bình quân lên 5%.

Cho dù, đã có những thông tin trước đó như để "đón đầu" nhằm ổn định tâm lý người dân. Chẳng hạn việc Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói về khả năng tăng giá điện, một số nguyên nhân phải tăng và yêu cầu Bộ Công thương, EVN lấy ý kiến người dân trước khi tăng giá điện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất ngờ, vì chỉ ngay sau đó chỉ một ngày, giá điện đã tăng mà chẳng người dân nào được lấy ý kiến.

giá điện tăng, EVN, đầu tư thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước
Ảnh: Vũ Điệp

Lý do để tăng giá điện lần này, theo EVN là nhằm bù đắp một phần chi phí phát điện tăng, do giá than và giá khí tăng (giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37-41% tùy loại). Còn Bộ trưởng Đam giải thích cặn kẽ hơn: nhằm đưa giá điện tiệm cận giá thị trường, chấm dứt tình trạng bù lỗ..., cho dù tăng giá điện cũng phải "trả giá" nhất định là gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp và có thể tạo tâm lý khiến lạm phát quay lại.

Như vậy, không thế nói rằng, việc điều chỉnh giá điện chưa được Chính phủ và các cơ quan liên quan thẩm định, kiểm tra, lý do điều chỉnh giá chưa được cân nhắc. Thực sự, nó đã được cân nhắc về nhiều mặt. Theo cách nói của đại diện Văn phòng Chính phủ và EVN thì dường như giá điện không thể không tăng.

Thực ra, lý do điều chỉnh giá điện sâu xa hơn nằm ở chỗ, trong khi vẫn đang phải chuẩn bị cho một chương trình đầu tư lớn, thì tài chính của EVN vẫn có dấu hiệu mất cân bằng. Nguyên nhân là do những khoản nợ, thua lỗ từ nhiều năm trước để lại quá lớn và chỉ có tăng giá điện mới giúp cân bằng được.

Cần nhớ, từ tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2011 - 2015) của EVN. Căn cứ vào quyết định này, liên bộ Công thương - Tài chính đã tính toán và trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình giá điện năm 2013-2015.

Đến thời điểm này, áp lực tăng giá điện càng lớn, do giá than bán cho điện điều chỉnh như nói ở trên. Riêng khoản này, theo tính toán của Bộ Công thương, làm tăng chi phí mua điện của EVN từ các nhà máy nhiệt điện chạy than khoảng 3000-4000 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính được kiểm toán của EVN tính đến 31/12/2012 cho biết, EVN còn lỗ sản xuất kinh doanh điện khoảng 7.900 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỉ giá khoảng 15.000 tỉ đồng. Với các khoản lỗ này, nếu EVN không tăng giá điện sẽ không có nguồn bù đắp, vì cơ bản ngân sách nhà nước hiện nay không cấp cho tập đoàn này để đầu tư.

Những câu hỏi treo "lơ lửng"

Tuy nhiên, việc quyết định tăng giá điện vào thời điểm này đã hợp lý chưa, những cơ sở để điều chỉnh giá đã thực sự đầy đủ, toàn diện chưa lại là chuyện khác. Có rất nhiều vấn đề dường như chưa được EVN nhắc tới trong bản thông báo về lý do, căn cứ tăng giá điện của mình.

Thứ nhất là vào thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn. Theo các số liệu mới công bố của tổng cục Thống kê, tồn kho nhiều ngành hàng còn rất lớn.

Điện là một khoản chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành của nhiều ngành sản xuất: thép, phân bón, hóa chất, may mặc, xi măng... Do đó, chắc chắn, đợt điều chỉnh giá này là một cú sốc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, làm chồng chất thêm khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, EVN đã đưa ra một số con số tính toán về tác động đến đời sống người dân, từng hộ gia đình như: các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng chỉ tăng 6.800 đ/tháng, 150 kWh/tháng chỉ tăng 10.650 đ/tháng, v.v... Song, chắc chắn, giá điện tăng lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ, vì điện là chi phí đầu vào của rất nhiều ngành, dịch vụ và nó còn có tác động gián tiếp, nhiều vòng đến đời sống, sinh hoạt.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại, đời sống của đa số người dân vẫn vô cùng khó khăn, do rất nhiều cán bộ, công nhân viên chức, cán bộ, công nhân các doanh nghiệp bị giảm lương, chậm lương... Liên tiếp các đợt điều chỉnh giá xăng, nay lại điều chỉnh giá điện, giá gas và rồi có thể là giá nước sạch... đang làm kiệt quệ sức mua của người dân.

Đáng lưu ý, trong các khoản thua lỗ của EVN - một lý do phải tăng giá điện - có cả những khoản thua lỗ do trước đây EVN đầu tư ngoài ngành để lại. Đó là đầu tư vào công ty Viễn thông điện lực EVN Telecom, công ty này thua lỗ, phải giải thể, sáp nhập và nguyên chủ tịch EVN Đào Văn Hưng đã phải mất chức. Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát điện năng hiện nay còn rất cao. Vấn đề đặt ra là tại sao, người dân lại phải trả cả tiền điện cho một phần lý do về đầu tư, quản lý kém hiệu quả của EVN?

Sự minh bạch trong những vấn đề tài chính của EVN để điều chỉnh giá điện còn là vấn đề lớn mà nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân băn khoăn. Theo một chuyên gia trong nhóm thẩm định giá của bộ Tài chính, khi thảo luận về vấn đề điều chỉnh giá điện, sau cuộc họp, EVN thậm chí thu hết lại các tài liệu đã phát nhằm ngăn những tư liệu này... không lọt ra ngoài.

Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, do sản xuất, kinh doanh nhiều ngành đang đình trệ, nhu cầu tiêu thụ điện giảm. Những tính toán về nhu cầu tiêu thụ điện tăng (căn cứ trên mức dự báo tăng trưởng cao) không còn chính xác. Vì thế, khả năng điều chỉnh giảm bớt nhu cầu đầu tư... cũng cần phải được Bộ Công thương, EVN tính tới để giảm đầu tư, giảm mức huy động vốn và giảm sức ép điều chỉnh giá điện.

Còn lý do là giá điện Việt Nam nằm trong nhóm các nước có giá điện thấp nhất khu vực, phải điều chỉnh tăng cho bằng các nước có trình độ phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn hẳn như Thái Lan, Singapore... cũng không thuyết phục nữa.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, giá điện Việt Nam hiện đã cao hơn một số nước như Lào, Myanmar, Indonesia... Còn tại các diễn đàn kinh doanh của hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG) gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định, giá điện của VN hiện nay là đã cao chứ không còn cạnh tranh, là một yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài như những năm trước đây nữa...

Dù sao, giá điện đã tăng và người dân, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận. Nhưng vẫn còn treo lơ lửng bao nhiêu câu hỏi đó, cần Bộ Công thương và EVN giải thích để người dân, DN dù buộc phải mua điện giá cao hơn nhưng không thấy băn khoăn, bức xúc mỗi lần giá leo thang.

Theo TuanVietNam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.