Vàng đang bị chán

Tuần trước một khách hàng đến bán vàng, để đi mua căn hộ. Tuần này số người bán vàng nhiều hơn mua, nhưng họ không gửi tiết kiệm, họ bảo để mua chứng khoán.

Tuần trước một khách hàng đến bán vàng, để đi mua căn hộ. Tuần này số người bán vàng nhiều hơn mua, nhưng họ không gửi tiết kiệm, họ bảo để mua chứng khoán.

Đây là lời của phó tổng giám đốc một ngân hàng kể. Trong dòng thông tin, mấy tháng nay vàng không còn được đề cập thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ còn dân kinh doanh vàng và những người đang sở hữu vàng dù ít dù nhiều xoay xở với thứ kim loại này.

Ghé một tiệm vàng gần chợ Bến Thành, chị chủ tiệm nói đã ngưng mua bán vàng từ đầu năm, nay chỉ thu đổi ngoại tệ. “Vàng ế lắm, chênh lệch lời được 5.000 đồng/chỉ, không đủ trả phí thuê mặt bằng", chị than thở. Thậm chí đến vàng nữ trang chị cũng không buôn bán nữa.

Buôn bán nhỏ là vậy, buôn bán lớn càng ế. Vị phó tổng giám đốc trên kể tiếp: “Tiệm vàng Kim Phú vốn có tiếng trong làng vàng TP HCM, có thời từng ở vị trí nhất nhì giữa các đầu mối, mới đây đã đóng cửa, dẹp tiệm”. Dân kinh doanh vàng không còn kinh doanh vàng vật chất khi giá cứ ì ra, không chạy.

Sau khi đứng mãi quanh mốc 35 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC bắt đầu rớt đều đặn kể từ đầu tháng 5/2015, với độ rơi khoảng 20.000-30.000 đồng/lượng/ngày. Ngày 7/7/2015, giá vàng 9999 được các ngân hàng niêm yết bán ra 34,26 triệu đồng/lượng, mua vào 34,22 triệu đồng/lượng, giảm 2,11% so với đầu tháng 5. 


Các ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng cho biết, trước đây khi giá thế giới xuống, giá trong nước giảm theo, còn có nhu cầu mua vào. Một số người mua trả nợ vàng vay từ những năm trước sót lại, một số mua lai rai từ tiền nhàn rỗi. Giờ cầu gần như vắng bóng.

Có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất giá vàng trong nước mặc dù đang giảm vẫn cao hơn đáng kể so với giá thế giới. Thứ hai, giá vàng xuống “lặng lẽ”, không giảm cái rụp. Lý do của vấn đề thứ nhất là giá vàng nội - ngoại không liên thông, ai cũng biết cả. Người ta chỉ không rõ liệu với đà giảm hiện tại, liệu giá vàng nội có tiệm cận vàng ngoại và nếu tiệm cận, khi nào? Giá vàng nội đang điều chỉnh khoảng 1%/tháng, và trong trường hợp mức độ biến động được duy trì, khả năng 12 tháng nữa giá vàng trong - ngoài nước sẽ ngang ngửa nhau.

Khi giá vàng nội - ngoại không còn khoảng cách, người dân sẽ bán hay mua mới là mấu chốt của vàng. Trong cả ngắn hạn và trung hạn, giá vàng quốc tế đang trong chiều hướng giảm. Cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất đồng đôla, giá vàng thế giới có thể còn giảm mạnh hơn. Như vậy, về lý thuyết giá vàng trong nước sẽ theo chân giá thế giới, trừ khi có những diễn biến bất thường trong chính sách tiền tệ.

Thứ hai vì sao giá vàng nội giảm nhẹ và đều? Muốn giá vàng giảm nhiều, cung phải cao, tức phải có lực bung hàng ra bán. Hiện các tổ chức kinh doanh không ai dại gì trữ vàng trong điều kiện giá xuống. Các ngân hàng cũng không có vàng để bán, vì Ngân hàng Nhà nước không cho họ hạn mức vàng, kiểu như trạng thái ngoại hối để có thể giữ trạng thái âm hoặc dương.

Tuy nhiên, khi thấy cầu yếu, các ngân hàng tự động hạ dần giá mua. Giá mua xuống, họ không dám niêm yết giá bán cao, vì để giá cao chẳng khác nào đẩy người mua ra xa. Người có vàng thấy giá xuống đều, bắt đầu mang ra bán. Vừa bán vừa quan sát, giá xuống không ngừng, lực bán tăng lên.

Một ngân hàng giải thích, thực ra những người bán vàng phần lớn đang nắm giữ từ vài lượng đến vài chục lượng, và việc vàng mất giá hơn 2% là nghiêm trọng với họ. Giữ vàng không giống gửi tiết kiệm, không được hưởng lãi suất, nên người sở hữu chỉ trông vào giá lên, chí ít thì giá ổn định để họ bảo toàn vốn. Giá xuống, mục tiêu bảo toàn vốn không đạt được, việc bán ra là chuyện phải tính đến.

Người Việt vẫn có thói quen giữ vàng làm của để dành, phòng khi cơ nhỡ, nhất là ở vùng nông thôn. Mức giảm “thầm lặng” của giá vàng có thể chưa lan tỏa và ngấm đến tận đó, nhưng ở các đô thị như TP HCM, vàng đang mất dần sức nặng như một kênh đầu tư và tích lũy tài sản.

Ở một khía cạnh nào đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong chính sách làm cho người dân “chán” vàng. Phần hợp lý tiếp theo của “chán” vàng là làm sao để vàng chuyển dịch thành tiền gửi tiết kiệm, hoặc được dùng để kinh doanh, làm ăn, đầu tư vào các kênh khác. Chỉ cần một nửa hay một phần ba trong số hàng trăm tấn vàng trong dân được chuyển hóa thành tiền, đã có thể là lực cầu không nhỏ cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước, như người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng, sẽ có điều kiện để gia tăng dự trữ ngoại hối từ vàng hoặc xuất khẩu vàng, chuyển nó thành ngoại tệ. Tất cả cần một thời điểm đúng và một quyết sách công khai, minh bạch.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.