10 sự kiện xã hội nổi bật năm 2009

- Nhiều vấn đề của năm 2008 tưởng chừng có thể giải quyết triệt để trong năm 2009 nhưng vẫn còn dang dở như vụ Công ty Vedan Việt Nam "đầu độc" sông Thị Vải hay những bức xúc trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Thiên nhiên lại tiếp tục thử thách sức chịu đựng của con người qua những trận bão đổ dồn dập vào miền Trung. Đại dịch Cúm A/H1N1 làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng...

1. Đại dịch toàn cầu cúm A/H1N1 lan rộng ở Việt Nam

Chiều tối ngày 11/6/2009 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên sau 41 năm đã phải chính thức công bố cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch toàn cầu.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế VN có công điện khẩn gửi Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu tăng cường giám sát, đề phòng dịch cúm H1N1. Cửa khẩu Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài được trang bị kịp thời máy đo thân nhiệt.

Tuy nhiên, máy đo thân nhiệt chỉ phát hiện những người đã lên cơn sốt. Người nhiễm virus nhưng chưa phát bệnh có thể bị bỏ qua. Hàng trăm người Việt Nam trở về từ Mỹ, Mexico, Úc...là một trong những nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 từ 1 tăng lên theo cấp số nhân và lan rộng tới từng tỉnh, thành trong cả nước. Thêm vào đó, thời tiết miền Bắc trong những ngày "đại dịch" luôn ẩm ướt, không khí oi nồng cùng ẩm thấp đã vô tình "góp phần" làm cho diễn biến dịch bệnh càng thêm phức tạp, nguy cơ lây lan tăng cao

Tốc độ lan nhanh kinh khủng của đại dịch đã làm đảo lộn hoàn toàn đời sống sinh hoạt của người dân: Hàng loạt trường học cho học sinh nghỉ để tránh cúm, các khu đô thị dân cư có người mắc cúm thì cuống quít, xôn xao, dân công sở luôn trong tâm trạng lo lắng hoang mang và đeo khẩu trang làm việc cả ngày, các cửa hàng bán khẩu trang "được mùa" kiếm bội vì tha hồ tăng giá bán, giá thuốc Tamiflu cũng từ đó mà đội lên từng ngày từng giờ, thêm vào đó, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bởi bệnh nhân vào làm các xét nghiệm về cúm mặc dù chỉ có các triệu trứng cúm thông thường...Tuy nhiên, dường như việc phòng chống dịch bệnh chỉ là việc của cơ quan chức năng khi mà ý thức phòng chống cúm của 1 đại bộ phận dân chúng còn hạn chế.

Tính đến ngày 13/12/2009, Việt Nam đã ghi nhận 11.040 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 47 trường hợp tử vong. Đến nay, số ca dương tính với cúm A/H1N1 và số ca tử vong do cúm vẫn còn rải rác ở khắp nơi trong cả nước.

Trước tình trạng cấp bách trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tài trợ 1,2 triệu liều văcxin Arepanrix ngừa cúm A/H1N1 cho Việt Nam.

2. Đại Hồng thủy nhấn chìm miền Trung và Tây Nguyên

Đầu tháng 11 vừa qua các tỉnh miền Trung đã phải hứng chịu cơn bão số 11, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Tâm bão đổ bộ vào phía nam tỉnh Phú Yên, làm hư hỏng nhiều tuyến phố, nhiều ngôi nhà và phòng học bị tốc mái... Do ảnh hưởng của bão, khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận cũng có mưa rất to khiến tuyến đường sắt bị tê liệt.

Trước tình hình nguy cấp của nhiều khu vực, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã điều động 2 máy bay trực thăng từ TPHCM và 8 ca nô từ tỉnh Ninh Thuận đến tham gia cứu các hộ dân đang bị lũ chia cắt ở hai huyện Tuy An và Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên.

Ngày 4-11, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 1779/QĐ-TTg, trích 225 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009; xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho một số địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Hoàn lưu bão số 11 đã gây ra mưa có cường độ lớn ở Nam Trung Bộ, có nơi lượng mưa đến 200-300 mm liên tục trong nhiều ngày, gây ra lũ lớn ở miền Trung và Tây Nguyên. Lũ trên các sông lên rất nhanh, các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai đã vượt mức báo động III, có nơi vượt mức nước lũ lịch sử.

Cơn bão số 11 đã làm 122 người chết, 145 người bị thương. Nước lũ đã cuốn trôi tài sản trị giá hơn 5.000 tỷ đồng của người dân vùng lũ miền Trung, Tây Nguyên. Thiệt hại cho ngành GTVT ước tính khoảng 17 tỉ đồng.

Trước đó, vào tháng 9 các tỉnh miền Trung cũng đã phải hứng chịu cơn bão số 9 cực kỳ nguy hiểm, con số thiệt hại lên đến 10.000 tỉ đồng, nặng nề nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum.. Bão số 9 đã làm 99 người chết, 14 người mất tích, 252 người bị thương.

3. Hồi chuông báo động về VSATTP vẫn gióng giả

Thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn đề hạn đến 1 năm sau; Quảng cáo "thực phẩm sạch" nhưng sử dụng những nguyên liệu thối, mốc, mất vệ sinh để sản xuất... Tuy nhiên, chế tài xử lý những vi phạm này mới chỉ dừng ở mức hành chính theo Nghị định 40/NĐ-CP của Chính phủ.

Điểm qua những vụ việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện từ đầu năm 2009 tới nay để thấy một sự thật đáng sợ hãi:

+ Vào 21h45 ngày 9-9, tổ kiểm tra tuyến CATP Hà Nội, phối hợp với Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Đống Đa, Đội QLTT số 4 - Chi Cục QLTT Hà Nội phát hiện 1 xe ô tô chở bên trong 3 tấn mỡ động vật mốc đen, có miếng mỡ đang trong quá trình phân hủy.

+ Sáng 14/10, trên đường tuần tra trên tuyến quốc lộ 1A tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 8, thuộc Công an thành phố Hà Nội, đã phát hiện một xe môtô 2 bao tải bì lợn thối có trọng lượng 143kg.

+ Ngày 24/11, Cảnh sát môi trường TP HCM bất ngờ kiểm tra 2 cơ sở sản xuất tại huyện Hóc Môn- Tp.HCM, phát hiện hàng chục tấn mỡ khô, bánh tóp mỡ đang chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Khảo sát trên thị trường Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện ra 1 số lượng lớn mỡ nước đóng can, đóng túi nilon hiện đang được bán một cách công khai, trôi nổi với giá bèo bọt. Số mỡ đó được các nhà hàng, quán nhậu thu mua sau đó chế biến thành các món khoái khẩu như: bánh khoai, bánh chuối, chim rán, gà quay cho đến cơm phở bình dân, hành phi, quẩy, ngô chiên...

Trước tình hình "không biết đâu mà lường" này, một bộ phận người dân chọn cách đặt niềm tin vào các siêu thị, đại siêu thị lớn, các Cty cung cấp thực phẩm sạch. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại 2 Cty, siêu thị lớn là Metro và Vinafood lại gây bàng hoàng: Ngày 14/8, cơ quan chức năng phát hiện tại kho hàng đông lạnh của siêu thị Metro Bình Dương có 6 tấn thịt gà xay nhập khẩu hết hạn sử dụng, cộng với 27 tấn thịt bò, thịt gà xay đông lạnh bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform từ 2,4 đến 10 lần cho phép. Sau các vụ việc này, người tiêu dùng đặt ra một câu hỏi lớn: tại sao các lô hàng thực phẩm "quá đát" này không bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mà lại nhập khẩu trót lọt vào nội địa rồi mới bị phát hiện?

Không chỉ mất vệ sinh ở khâu nguyên liệu, những món ăn quen thuộc hàng ngày còn được chế biến bằng những "công nghệ" hãi hùng. Trong những ly trà sữa trân châu thơm ngon và phong phú về tên gọi có thể là các thành phần không rõ nguồn gốc, món cháo dinh dưỡng cho trẻ em cũng gây hoang mang khi bị phát hiện người bán sử dụng những hóa chất cấm để nấu, còn hạt dưa bị các nhà sản xuất tẩm hóa chất gây ung thư.

Đã có rất nhiều ca ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong xảy ra trên cả nước. Công nhân của nhiều khu công nghiệp, công ty phải nhập viện hàng loạt sau khi ăn cơm tại nhà bếp.

Chỉ khi cơ quan công an vào cuộc thì vấn đề sức khỏe người tiêu dùng mới được đưa lên bàn cân và việc vi phạm của các doanh nghiệp mới bị lật tẩy. Còn lại, trong cả nước hiện có hàng trăm nghìn cơ sở mua bán nguyên liệu, chế biến thực phẩm mà khâu kiểm tra, quản lý vẫn đang bị bỏ ngỏ.

4. Luật Bảo hiểm y tế mới

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới chính thức có hiệu lực thi hành ngày 1-10-2009. Quy định mức đóng BHYT kể từ 2010 sẽ tăng lên 4,5% của mức lương tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hay mức lương tối thiểu. Riêng học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT bằng 3% mức lương tối thiểu.. Điểm mới rất đáng quan tâm của luật BHYT mới, đó là áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo nhiều mức, theo các tuyến, hạng BV và các nhóm đối tượng khác nhau.

Ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo hỗ trợ cho một số đối tượng: người nghèo, người có công, người cao tuổi... và giảm mức đóng khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Quỹ sẽ thanh toán 95% chi phí KCB cho các nhóm đối tượng: người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số... Quỹ thanh toán 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác, người bệnh đồng chi trả 20% còn lại.

Với trường hợp KCB không đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) thì Quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 79% chi phí đối với các trường hợp khám ở cơ sở KCB hạng 3, 50% chi phí đối với cơ sở KCB hạng 2, 30% chi phí KCB đối với cơ sở KCB hạng 1, hạng đặc biệt. Mức thanh toán không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Việc thực hiện chủ trương Luật BHYT mới đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp quản lý chặt hơn chi phí KCB theo BHYT. Tuy nhiên, do có nhiều điểm mới nên trong thời gian đầu thực hiện, mặc dù đã được chuẩn bị từ trước nhưng hầu hết các bác sĩ, bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân đều khá lúng túng. Ngoài ra, nhiều cá nhân và đơn vị cũng vấp phải một số vấn đề nan giải như chậm phát thẻ, nhập nhằng giữa thẻ cũ, thẻ mới… Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lo ngại rằng việc áp dụng Luật BHYT mới sẽ khiến cho bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải

Để kịp thời đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện chính sách BHYT mới có hiệu quả, Bộ Y tế thành lập 22 tổ giám sát, kiểm tra tại 20 cơ sở khám chữa bệnh ở 4 tỉnh, thành phố. Qua đợt giám sát, kiểm tra này những khó khăn nảy sinh trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm y tế mới sẽ sớm được tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện khám chữa bệnh thuận lợi nhất cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế.

5. Vedan nhận giải thưởng vì sức khỏe cộng đồng trong khi vụ "bức tử" sông Thị Vải chưa có hồi kết

Sau khi bị phát hiện "đầu độc" sông Thị Vải, Công ty Vedan VN được yêu cầu nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Đến đầu tháng 12/2009, Vedan VN đã hoàn thành việc nộp 127 tỷ đồng truy thu phí môi trường, trước đó, công ty này cũng hoàn thành nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính 267 triệu đồng.

Giữa tháng 4-2009, các hội nông dân của TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cho khoảng 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi độc chất của sông Thị Vải. Công ty Vedan VN cho biết đồng ý hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tổng cộng 25 tỉ đồng. Những tranh luận về cách gọi "đền bù" hay "hỗ trợ" số tiền đền bù hoặc hỗ trợ giữa Vedan và nông dân 3 tỉnh đã kéo dài trong suốt năm 2009, cho đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất.

Ngày 25/9, Hội nông dân của 3 tỉnh trên đã đưa ra mức đề nghị Cty Vedan hỗ trợ hơn 596 tỷ đồng, chỉ bằng 45-48% so với thiệt hại thực tế, tuy nhiên, Vedan VN cho rằng số tiền trên là quá cao và không có cơ sở, và phải chờ đánh giá của hội đồng khoa học (do Bộ Tài nguyên - môi trường thành lập) để có cơ sở đưa ra con số thiệt hại cụ thể. Vedan cũng cho rằng việc gây ô nhiễm sông Thị Vải là do nhiều nguyên nhân, nhiều Cty khác cùng gây ô nhiễm chứ không chỉ trách nhiệm riêng của Cty Vedan. Vedan cho rằng phải chờ đánh giá của hội đồng khoa học (do Bộ Tài nguyên - môi trường thành lập) để có cơ sở đưa ra con số thiệt hại cụ thể.

Sáng 7/12, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra kết luận Vedan đóng góp 90% việc biến Thị Vải thành "dòng sông chết", tuy nhiên Vedan bác bỏ khẳng định này. Vedan chỉ thừa nhận từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải trong khoảng 10-11 km mà chưa xác định phạm vi gây ra ô nhiễm đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan.

Trong lúc vụ bức tử sông Thị Vải (Đồng Nai) chưa có hồi kết, nông dân chưa nhận được tiền bồi thường thì đầu tháng 10, Vedan bất ngờ nhận giải thưởng "Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" do cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại TPHCM phối hợp với Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu và Chất lượng TPHCM (NATUSI) trao tặng.

Giải thưởng này do Trung tâm NATUSI đứng ra tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực từ Cơ quan đại diện Bộ KHCN tại TP.HCM. Vụ trưởng – Trưởng CQ đại diện Bộ KHCN tại TP.HCM Bùi Văn Quyền là Trưởng BTC, bà Nguyễn Thị Sinh – GĐ NATUSI là thư ký BTC chương trình lễ tuyên dương. Tham gia giải thưởng này, Vedan VN đã phải nộp cho NATUSI 40 triệu đồng cùng với việc “xung phong” ủng hộ đồng bào bão lụt 100 triệu đồng ngay tại chính sân khấu trao giải tối 11/10.

Giải thưởng trao cho Vedan đã gây nên sự bức xúc trong dư luận, Vedan đã trả lại giải thưởng. Sau khi sự việc được phát hiện, bà Sinh lí giải sự việc này là do nhân viên của NATUSI đã nhầm lẫn việc viết tên Vedan vào giấy chứng nhận từ danh sách sơ tuyển.

Liên quan đến sự việc này, ông Hoàng Thủy Tiến – Phó Cục trưởng Cục VSATTP, Bộ Y tế đã bị lãnh đạo Bộ Y tế tạm đình chỉ chức vụ để làm kiểm điểm, vì ông Tiến chính là người đã ký trước 3 tờ giấy chứng nhận cho sản phẩm của Vedan VN. Cùng với ông Tiến còn có 3 vị lãnh đạo khác của Bộ Y tế cũng tham gia vào BTC và HĐ xét duyệt giải thưởng này. Ngày 11.11, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định kỷ luật ông Tiến, Cục phó Cục ở mức khiển trách.

Lãnh đạo Bộ KHCN cũng quyết định mức kỉ luật cảnh cáo ông Bùi Văn Quyền. Về phía NATUSI, bà Nguyễn Thị Sinh cũng đã có yêu cầu buộc thôi việc nhân viên N.T.H.Vân. Theo bà Sinh cho biết thì nhân viên N.T.H.Vân là nhân viên văn thư đánh máy, đã gõ nhầm tên của Vedan vào giấy chứng nhận, gây ra sự cố nhầm lẫn tai hại, đáng tiếc nói trên.

6. Hà Nội tổ chức lại giao thông

Trước đây, Hà Nội đã có ít nhất ba lần tiến hành phân làn giao thông rầm rộ. Tuy nhiên, cả ba lần xuất quân hùng hậu, kết quả lại trở về số không. Và lần này, một trong những giải pháp tuy chỉ mang tính tình thế nhưng lại có những hiệu quả nhất định, đó là việc tổ chức phân luồng lại giao thông bằng cách: dùng dải phân cách bịt các ngã ba, tư, giao cắt phân các dòng phương tiện xung đột trực tiếp ra xa, xén vỉa hè, dải phân cách, sử dụng các hàng rào inox có thể kéo dài ra và gấp gọn lại khi cần thiết.

Kết quả là thành phố đã khống chế được gần 40 điểm đen về ùn tắc giao thông. Trên đà "chiến thắng", Sở giao thông tiếp tục mở rộng "Đề án phân làn" ra khắp các tuyến phố. Sau khi phương án này bước đầu hiệu quả, một số ý kiến cho rằng, cách Sở Giao thông vận tải đang triển khai trùng với đề án mà họ là tác giả, từ đó nảy sinh nhiều tranh cãi quanh "bản quyền" của sáng kiến này.

Cùng với tình hình ùn tắc giao thông phần nào đã được giải quyết, việc đóng lại giải phân cách giữa đã và đang gây không ít khó khăn cho người đi bộ. Mặc dù đã bấm tín hiệu, đèn đỏ đã bật sáng nhưng các phương tiện vẫn "phớt lờ" và phóng ào ào. Thêm vào đó, vào mùa tựu trường, khi có sự gia tăng đột biến của các phương tiện tham gia giao thông, nhiều tuyến đường của Hà Nội trước đây ít ùn tắc nay rơi vào cảnh tắc nghẽn thường xuyên, kéo dài. Chính Liên ngành công an và giao thông Hà Nội thừa nhận, việc phân làn đã làm phát sinh một số điểm ùn tắc mới.

Vẫn còn quá sớm để nói "cuộc cách mạng trong tổ chức lại giao thông" sẽ giúp Hà Nội giải quyết xong hết "điểm đen" ùn tắc. Nhưng ít ra, người Hà Nội vẫn có quyền hy vọng tình hình giao thông sẽ được cải thiện, sau những tín hiệu tốt đẹp đầu tiên này.

7. Bắc Bộ “vật vã” trong khô hạn

Bắc Bộ đang khô hạn nghiêm trọng. Nước sông Hồng thấp nhất trong vòng 107 năm. Mực nước sông Hồng, đoạn qua địa phận Hà Nội đang ở mức rất thấp, có những đoạn “sông Hồng con” (được tạo bởi dải cát bãi giữa sông và bờ sông) cạn trơ đáy, bùn đất nứt nẻ. Giao thông đường thủy trên sông Hồng có đoạn đã gần như tê liệt, nhiều diện tích trồng lúa phải chuyển sang trồng màu.

Không chỉ sông Hồng cạn nước mà mực nước trên sông suối khác, hồ thủy điện và hồ thủy lợi cũng đang ở mức rất thấp. Các hồ chứa dù “đói” nước vẫn nhận lệnh xả lũ ứng cứu hệ thống thủy lợi đang khát cháy.

Thủ phạm chính gây ra tình trạng khô hạn được xác định là do hiện tượng El-Nino. El-Nino đã khiến cho mùa lũ ở Bắc Bộ kết thúc sớm (vào giữa tháng 8) hơn trung bình nhiều năm và lượng mưa ở đây cũng thiếu hụt nhiều. dự báo, El-Nino sẽ còn ảnh hưởng mạnh tới miền Bắc nước ta đến tận tháng 4.2010, sau đó mới suy yếu dần. Do vậy, khả năng xảy ra khô hạn trên diện rộng là hiện hữu.

EVN cho biết, với mức thiếu hụt nghiêm trọng về nước chứa tại các hồ thủy điện vào năm 2010, đơn vị này sẽ phải tăng cường mua và sản xuất điện từ nhiều nguồn khác nhau. Dù vậy, chắc chắn hiện tượng thiếu điện vẫn sẽ diễn ra trong mùa hè tới.

8. Bát nháo phòng khám Đông y Trung Quốc

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội và TP HCM có rất nhiều phòng khám Đông y do bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên hầu hết các phòng khám này đều sai phạm: không có giấy phép hành nghề, giấy phép hết hạn, đơn thuốc kê bằng tiếng Trung Quốc mà không được dịch sang tiếng Việt, nhiều loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cấp phép lưu hành, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, quảng cáo, hành nghề quá phạm vi cho phép...

Vấn đề bức xúc nhất mà cộng đồng phản ánh về các phòng khám Đông y Trung Quốc trong thời gian qua chính là các phòng khám quảng cáo không đúng sự thật hoặc quá nội dung cho phép. Với lỗi vi phạm về quảng cáo, theo quy định sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng, song để phát hiện được lỗi này ở các cơ sở phòng khám Đông y nói riêng, cũng như các cơ sở hành nghề y nói chung thì cộng đồng, mỗi người dân phải cùng giám sát, tố cáo vi phạm, các ngành liên quan cũng phải có trách nhiệm cùng ngành y tế phát hiện vi phạm.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các Sở Y tế tăng cường kiểm tra hoạt động các phòng khám y học cổ truyền có thầy thuốc Trung Quốc tham gia. Sau hơn 1 tháng liên tục thanh kiểm tra các phòng khám Đông y Trung Quốc, Sở Y tế Hà Nội cho biết hầu hết phòng khám Trung Quốc tại Hà Nội đều sai phạm. Sở Y tế TPHCM cũng xử lý không ít phòng khám kiểu này.

9. Mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) kéo dài, nhiều trường hợp tử vong

Mùa dịch SXH năm nay kéo dài hơn với số lượng bệnh nhân đông hơn, đặc biệt có nhiều ca nặng có xuất huyết dạ dày, đường tiết niệu, tiểu cầu giảm xuống thấp... Từ tháng 5/2009, dịch SXH bùng phát tại TPHCM, sau đó nhanh chóng lan ra cả nước, trong đó dẫn đầu là Hà Nội.

Các bệnh viện trở nên quá tải do bệnh nhân SXH nhập viện ngày càng nhiều, bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí phải chấp nhận sang khoa khác nằm hoặc điều trị tại nhà. Lượng tiểu cầu chữa SXH thiếu trầm trọng.

Tính đến trung tuần tháng 9, có gần 58.000 bệnh nhân SXH. Tại miền Bắc, bệnh nhân tăng hơn tám lần, miền Trung và Tây Nguyên tăng gần hai lần. Cả nước có 44 trường hợp đã tử vong. Nguy hiểm hơn nhiều bệnh nhân SXH bị biến chứng nặng, bệnh nhân bị sốc dengue, giảm yếu tố đông máu, suy gan, suy thận, suy hô hấp, rối loạn thần kinh, trụy tim mạch và dẫn đến tử vong nhanh.

Theo chẩn đoán của các bác sĩ, dịch SXH năm nay rất khó lường, không dễ điều trị như mọi người vẫn nghĩ và rất có thể có những người mắc SXH lần 2. Chỉ riêng trong tháng 10, cả nước có 14 ca tử vong do SXH, nâng con số tử vong vì căn bệnh này lên tới 55 ca. Tính từ đầu năm đến thời điểm này đã có 74.242 người mắc SXH, tăng 16,8% so với năm 2008.

Đến cuối tháng 10, trong khi các tỉnh phía Nam đang giảm số ca bệnh mắc SXH mới thì các tỉnh phía Bắc lại tăng đỉnh điểm với gần 7.000, trong đó Hà Nội có 519 người mắc/tuần. Bộ Y tế nhận định năm nay là năm Hà Nội có dịch SXH bùng phát mạnh nhất vì quay lại dịch lớn trong quãng thời gian 10 năm. Nguy hiểm hơn, có bệnh nhân vừa nhiễm cúm A/H1N1 và SXH. Các bác sĩ lo ngại rằng bệnh nhân cùng mắc 2 loại dịch thì rất dễ bị biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Cuối vụ dịch, tại Hà Nội, nơi có nhiều biến động nhất so với các tỉnh thành trên toàn quốc trong đợt dịch SXH đã giảm 30% số ca mắc mỗi tuần nhưng nguy cơ tử vong thì lại ở mức cao và xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng.

10. Thí điểm sinh viên đánh giá giảng viên

Các trường ĐH đang thí điểm việc sinh viên (SV) đánh giá giảng viên theo chỉ thị của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc đánh giá này chưa đi vào thực chất mà còn nặng về hình thức, tác dụng chưa cao vì chưa công khai và chưa có chế tài đối với giảng viên bị đánh giá yếu.

Tại các trường, việc đánh giá mới chỉ diễn ra ở một tỉ lệ SV nhất định, chứ không phải toàn bộ SV trong trường, do kinh phí bỏ ra để in bảng hỏi không nhỏ. Các tiêu chí đánh giá hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, không thể loại trừ trường hợp SV đánh giá giảng viên theo cảm tính.

Hiện việc SV đánh giá giảng viên vẫn còn được thực hiện khép kín, tại hầu hết các trường kết quả đánh giá chỉ có 3 người được biết, đó là đại diện ban giám hiệu, lãnh đạo khoa và bản thân giảng viên. Hầu hết các trường đều cho rằng việc SV đánh giá giảng viên chỉ là kênh thông tin mang tính tham khảo chứ chưa thể lấy kết quả này làm tiêu chí đánh giá năng lực của giảng viên.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế VN có công điện khẩn gửi Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu tăng cường giám sát, đề phòng dịch cúm H1N1. Cửa khẩu Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài được trang bị kịp thời máy đo thân nhiệt.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.