83 người chết, nhiều vùng ngập trong lũ

Đến trưa nay 4-11, toàn tỉnh Phú Yên có 65 người thiệt mạng. Tại Quy Nhơn, trâu, bò, heo gà cùng người trú ẩn trên nóc nhà, nhiều trẻ em và người già kêu cứu khi thấy xuồng cứu hộ chạy qua.

Phóng viên đang có mặt tại các vùng lũ miền Trung gửi về những thông tin và hình ảnh xót lòng từ cơn lũ dữ. Thống kê mới nhất cho thấy đã có 83 người thiệt mạng do bão lũ ba ngày qua, trong đó số người chết ở Phú Yên lên đến 65 người.

Phú Yên: 65 người chết do bão lũ

Trưa nay 4-11, UBND tỉnh Phú Yên cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, số người chết do bão lụt ở địa phương đã lên đến 65 người, gồm 3 người chết trong bão và 62 người chết do lũ sau bão. Ngoài ra còn có 16 người mất tích.

Trong đó, đau thương nhất là huyện miền núi Đồng Xuân với 30 người chết, huyện Tuy An 20 người chết, thị xã Sông Cầu 13 người, TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa mỗi nơi 1 người. Số người mất tích là 16 người (huyện Đồng Xuân: 12, huyện Tuy An: 3 và thị xã Sông Cầu: 1 người), 20 người bị thương (huyện Phú Hòa: 1, Đồng Xuân: 1, Tây Hòa: 7, Đông Hòa: 7, Tuy An: 3 và huyện Sơn Hòa: 1 người).

Toàn tỉnh có 413 nhà bị sập hoàn toàn, tập trung nhiều nhất ở huyện Đông Hòa với 99 cái; 5.542 nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung nhiều nhất ở huyện Tây Hòa với 1.035 cái; 22 tàu thuyền bị chìm (huyện Đông Hòa: 15, Tuy An: 5, Phú Hòa: 2). Còn thiệt hại về sản xuất nông lâm ngư nghiệp vẫn chưa thể thống kê được.

Cho đến 11g30 sáng nay, tuyến đường sắt từ ga Tuy Hòa đi Diêu Trì (tỉnh Bình Định) vẫn bị tắc ở nhiều đoạn, hiện có 4 đoàn tàu với 2.000 khách bị kẹt tại Phú Yên và tỉnh đang huy động 10 xe khách để trung chuyển số khách này ra ga Diêu Trì. Trong khi đó, do lũ sông Ba đang dâng lên cao nên nhiều xã dọc sông thuộc hai huyện Tây Hòa và Phú Hòa bị chia cắt và chìm sâu trong nước.

Trước đó, vào lúc 6 giờ sáng ngày 4-11, nước sông Ba đã làm sạt lở 2 m trên ĐT 645 (thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) nên nước lũ tràn mạnh và gây ách tắc hoàn toàn giao thông trên tuyến đường này.

Nhiều đường giao thông liên thôn, liên xã, huyện lộ, tỉnh lộ, nhiều khu dân cư ở TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, các huyện Tuy An, Đồng Xuân… hiện vẫn ngập trong nước lũ.

Trước thiệt hại quá lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà cho biết tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ gấp 120.000 thùng mì tôm để cứu đói ngay cho người dân các vùng bị nạn và 4.000 tấn gạo để cấp cho dân ngay sau khi nước rút.

Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chi viện lực lượng, phương tiện về các vùng bị thiệt hại nặng để giúp dân khôi phục nhà ở và các cơ sở hạ tầng khác; đề nghị Trung ương cấp 15 ca nô (trong đó, có 5 chiếc trên 90 CV) và 1 tàu công suất lớn đủ điều kiện hoạt động cứu hộ trong gió cấp 8, cấp 9; đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án điều tiết xả lũ liên hồ giữa các tỉnh nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ lưu.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 200 cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 550 tỷ đồng, 1.500 tấn lúa giống, 10 tấn hạt giống rau màu các loại, 120.000 liều vắc- xin ngừa lở mồm long móng và 50.000 lít thuốc sát trùng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Công tác cứu hộ cứu nạn đang được các cơ quan, đơn vị chức năng của trung ương và tỉnh triển khai khẩn trương và tích cực. Theo lời nhiều bậc cao niên, đây là cơn bão lũ gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Phú Yên trong vòng 50 năm nay với số người chết quá lớn và hậu quả tàn khốc, ảnh hưởng lâu dài nhiều mặt đến đời sống người dân.

Quy Nhơn: Nhiều người dân kêu cứu trên nóc nhà

Sáng nay 4-11, nhiều phường phía bắc TP Quy Nhơn vẫn còn chìm trong biển nước. Chính quyền, quân đội đang tìm mọi cách ứng cứu người dân vùng lũ.

Tại phường Nhơn Phú và Nhơn Bình nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước. Trâu, bò, heo gà cùng người trú ẩn ngổn ngang trên nóc nhà. Nhiều trẻ em và người già chới với kêu cứu khi thấy xuồng cứu hộ chạy qua.

Trời hửng nắng, nước rút dần, mọi phương tiện cứu hộ đang cấp tốc huy động. Tại sân bay Phù Cát, trực thăng liên tục cất cánh mang mì tôm và nước uống thả xuống các vùng bị cô lập. Dưới đất, xuồng cao tốc quân đội lao vào những nơi còn mắt kẹt để sơ tán dân và rải nước uống, lương thực.

Tại bệnh viện lao và bệnh viện tâm thần Bình Định hàng trăm bệnh nhân bị mắt kẹt ở đây đang thiếu đói trầm trọng. Ba ngày qua những gói mì tôm và nước uống được chia đều cho nhau để cầm cự. Nhiều người nhà của bệnh nhân đã nhai sống mì tôm cứu trợ và uống nước để qua cơn đói. Nhiều đoàn xe cứu trợ của các tổ chức nhân đạo cũng kịp đến nơi khi nước rút. Hiện tại, công tác cứu trợ vẫn đang được tiếp tục đến với bà con vùng lũ.

Ông Vũ Hoàng Hà - Bí thư tỉnh Bình Định - cho biết chiều nay phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ có cuộc họp khẩn cấp tại Bình Định để bàn phương án tác chiến cứu hộ người dân vùng lũ.

Khánh Hòa: Ngập nặng ở huyện Diên Khánh

Tính đến 15g ngày 4-11, theo Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã có 7 người chết, 3 người mất tích, 9 người bị thương do bão lũ.

Trong số 7 người chết có 3 người ở huyện Cam Lâm, 2 ở Ninh Hòa, 1 ở Diên Khánh, 1 ở Vạn Ninh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 200 căn nhà bị sập và trôi (riêng huyện Vạn Ninh hơn 100 căn), hơn 3.800 hộ với hơn 15 ngàn người phải di dời; 120 đìa nuôi tôm cá bị sạt lở, hơn 2000 lồng bè bị vỡ…

Ngày 4-11, mưa bão đã gây ra lụt lội ở nhiều xã thuộc huyện Diên Khánh. Nước ngập trắng trên đồng, lên cả đường phố, vào nhà dân, trụ sở chính quyền xã…

Ninh Thuận: Hàng nghìn gốc nho, bắp, lúa… vẫn nằm trong nước

Hôm nay 4-11, mưa đã ngớt nhưng hàng nghìn gốc nho của TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn… vẫn còn chìm trong biển nước do lượng mưa lớn và nước đầu nguồn các con sông đổ về từ ngày hôm qua.

Nhiều xã, thôn của huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam… còn bị cô lập do mực nước vẫn còn cao. Một số hình ảnh do cộng tác viên Tuổi Trẻ Online từ Ninh Thuận ghi nhận được.

Quảng Ngãi: Tạm thoát lũ

Sau 2 ngày bị lũ hoành hành gây chia cắt nhiều khu dân cư, đến đầu giờ chiều nay 4-11, tỉnh Quảng Ngãi đã tạm thoát lũ. Mực nước trên các sông của tỉnh Quảng Ngãi đang rút xuống, trời đã ngớt mưa.

Các tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện bị nước lũ chia cắt trong những ngày qua đến nay người và phương tiện đã qua lại được. Ngành giao thông tỉnh này đang tập trung khắc phục những đoạn đường bị sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Trong khi đó, hệ thống lưới điện ở một số huyện miền núi hiện vẫn bị cúp.

Ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đợt bão lũ lần này sẽ khiến Quảng Ngãi càng khó khăn hơn trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 ập đến tháng 10 vừa qua.

Đã khôi phục cấp điện cho nhiều tỉnh

Theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cơn bão số 11 đã gây sự cố trên diện khá rộng nhưng tính đến 16g30 ngày 3-11, các các sự cố trên lưới điện truyền tải 500KV và 200KV, 110KV đều cơ bản được khắc phục xong.

Về lưới điện phân phối, theo EVN, các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kontum… đều đã đóng điện cho trên 90% nhu cầu sử dụng điện của các địa phương. Tuy nhiên, còn các tỉnh như Bình Định, do nước ngập trên diện rộng và nước lũ ở mức cao đặc biệt tại khu vực Phú Tài, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, TP Quy Nhơn nên đến nay chỉ khôi phục cấp điện cho khu vực TP. Quy Nhơn, thị trấn Bồng Sơn…

Đặc biệt, theo EVN, khó khăn khôi phục cấp điện bậc nhất hiện tại là điện lực Phú Yên. Tại tỉnh này, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều tuyến giao thông liên huyện vẫn bị chia cắt do ngập nước, nên chỉ cung cấp được khoảng 3% công suất, chủ yếu gồm các nhu cầu tiêu dùng điện quan trọng tại TP. Tuy Hòa.

EVN cho biết đang chỉ đạo trực tiếp các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư và hứa sẽ khắc phục một cách nhanh nhất các sự cố, sớm cung cấp điện trở lại.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.