Ai nỡ xử phạt người... trêu ghẹo!

PGS - TS Nguyễn Thị Thiềng thuộc Viện Nghiên cứu Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về pháp luật dân số cho rằng chính sách về dân số hiện nay quá thiên về xử phạt vi phạm mà chưa xử lý được cái gốc để phát sinh các vi phạm đó...

Theo PGS - TS Nguyễn Thị Thiềng, nguồn gốc của các vi phạm về dân số bắt nguồn từ chính điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ an sinh cho người già chưa tốt, và hệ thống y tế còn nhiều rủi ro... Và khi vẫn còn quan niệm con cái chính là tấm thẻ bảo hiểm xã hội cho tuổi già thì người nghèo vẫn tiếp tục đẻ. Khi dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh còn chưa đầy đủ, một số người vẫn nghĩ đẻ nhiều thêm để có một số con an toàn... Theo bà Thiềng, muốn khắc phục các vi phạm về dân số trước hết phải giải quyết những việc đó, tăng cường tuyên truyền rồi mới đặt ra vấn đề xử phạt...

Nhiều điểm chưa khả thi

Thưa bà, dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến có nhiều quy định khác "sốc" như: Phạt tiền các hành vi trêu chọc người sinh con một bề; phạt từ 5-7 triệu đồng nếu ai đó đọc sách về sinh con theo ý muốn. Bà nhận định gì các khoản phạt như vậy?

- Về ý tưởng tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà soạn thảo. Tôi đã nghe rất nhiều câu bình luận về người sinh con một bề như "xây nhà tình nghĩa thì xây làm gì", thậm chí là "thằng mất giống, mất nòi"... Những câu nói ác ý đó thúc đẩy nhiều người cố kiếm được con trai; sinh nhiều con. Việc này cần phải được ngăn chặn. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy việc xử phạt như dự thảo nêu là khó khả thi. Căn cứ để xử phạt chỉ là một lời nói mấy ai ghi âm lại được, khó chứng thực. Rồi quan hệ láng giềng, bạn bè họ hàng, gia đình khiến người bị chê bai không nỡ tố người kia ra chính quyền. Quan trọng nữa là lấy đâu ra cán bộ để đi nghe và xử lý những hành vi trêu ghẹo thường xuyên như thế. Còn việc cấm người dân đọc sách về sinh con theo ý muốn rõ ràng là không khả thi. Theo tôi, quy định này chỉ nên áp dụng cho các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học, xuất bản.

Những quan điểm cứng nhắc, những hình thức xử phạt quá nghiêm khắc đó nếu được ban ra sẽ làm giảm đi tính nghiêm túc của các văn bản pháp luật; gây ức chế cho người dân, thậm chí phản tác dụng.

Nếu phạt phải có thưởng

Bà đánh giá thế nào về các hình thức xử phạt ngày càng gia tăng trong các văn bản pháp luật về dân số?

- Hiện trong xã hội ta vẫn tồn tại hai hệ thống quan điểm. Một là tăng cường các mức xử phạt, hai là không nên phạt, thậm chí là khuyến khích, thưởng cho những người sinh ít con. Tôi đã từng nghiên cứu ở các vùng quên nghèo, nơi có nhiều gia đình sinh con thứ 3. Tài sản của họ chỉ có bồ lúa, bồ khoai. Nếu UBND xã cử dân quân vào xúc lúa khoai thì con cái họ không có gì để ăn. Ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) năm 1999, nhiều gia đình sinh con thứ 3 không dám đưa con đi làm khai sinh vì sợ bị phạt. Vì thế, bọn trẻ không thể làm giấy tờ để đi học hoặc hưởng các chế độ phúc lợi khác của Nhà nước...

Việc phạt tiền không chỉ phát sinh những tiêu cực như thế, mà thực tế là không hiệu quả; số lượng phạt rất ít. Đấy là chưa kể đến hậu quả xã hội là gây ra áp lực, ngăn cản quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, trong đó có quyền sinh đẻ. Theo khảo sát của chúng tôi vào năm 1999, các tỉnh thí điểm phạt tiền, dân số lại tăng cao. Trong khi đó, một số tỉnh áp dụng phương thức thưởng cho những gia đình ít con, tỷ lệ sinh lại giảm xuống. Tuy nhiên muốn đánh giá hai phương thức này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Vậy theo bà, thế nào là một giải pháp hữu hiệu?

- Phương thức phạt có bản chất là xã hội hóa công tác dân số. Có nghĩa là lấy tiền phạt để đầu tư lại cho công tác dân số. Còn chi thưởng không thì đòi hỏi khả năng tài chính tốt của địa phương. Vì thế nếu buộc phải đưa ra một quy định xử phạt thì cần đến một giải pháp dung hòa, phạt người vi phạm và thưởng cho người chấp hành tốt, không nên chỉ phạt không.

Về lâu dài ,cần phải giải quyết trước cái gốc của vấn đề dân số hiện nay như cải thiện điều kiện kinh tế, y tế của các vùng khó khăn, tăng cường các chế độ hỗ trợ cho người già, tuyên truyền giáo dục thực sự hiệu quả...

Ngăn chặn lựa chọn giới tính

Thưa bà, dự thảo nghị định cho thấy mục tiêu quyết liệt ngăn chặn các hành vi làm mất cân bằng giới. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê ngày 1/4 vừa qua, tỷ lệ nam/ nữ hiện nay của nước ta là 96,7nam/100 nữ, tỷ lệ này được đánh giá là khá cân bằng. Vậy, việc này phải được hiểu thế nào?

- Tỷ lệ đó tính trên tổng dân số. Tuy nhiên, những nghiên cứu sơ bộ cho thấy cần báo động về sự chênh lệch giới tính ngay khi sinh. Trước đây, thời chiến tranh, một số lượng lớn nam giới hi sinh, dẫn đến số lượng nam giới ít. Còn hiện nay, tỷ lệ nam giới đang tăng mạnh, có nghĩa là số bé trai đang nhiều hơn số bé gái.

Chỉ cách đây 1 năm, sách lựa chọn giới tính còn được bán công khai. Có vẻ như quan điểm của các nhà khoa học lẫn các nhà chính sách vẫn chưa thống nhất?

- Nhiều nhà nghiên cứu về giới tính cho rằng, việc lựa chọn giới tính tốt sẽ giảm tỷ lệ sinh và cân bằng giới tính. Tuy nhiên, trên thực tế không diễn ra như vậy. Cân bằng tự nhiên vẫn là một giải pháp tốt nhất. Còn về chính sách, có thể nói là chậm hơn thực tế. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn việc lựa chọn giới tính là rất nên. Các giải pháp xử lý tình trạng siêu âm phát hiện giới tính, nạo phá thai vì mang thai là con gái... đã được đưa ra lâu nay và dự án nghị định cũng nhắc lại. Tuy nhiên, làm thế nào để khả thi, hiệu quả hơn là một điều phải bàn kỹ hơn.

Cán bộ đi trước, làng nước theo sau

Việc xử lý đảng viên, công chức vi phạm trong lĩnh vực dân số đã được triển khai lâu nay. Tuy nhiên, một số đảng viên vẫn cố tình vi phạm, bà đánh giá thế nào?

- Hiện tượng này đúng là có diễn ra. Tôi cũng biết một số đảng viên lén lút sinh con thứ 3. Thậm chí một số chi bộ đảng còn không xử lý nghiêm đảng viên vi phạm pháp luật dân số. Tôi cho chủ trương đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và xử lý nghiêm các đối tượng này nếu vi phạm là rất hợp lẽ. Dân gian có câu, cán bộ đi trước, làng nước theo sau. Vấn đề là phải thường xuyên kiểm tra để xử lý.

Dự thảo nghị định chỉ đưa ra những hình thức xử phạt người dân vi phạm, trong khi sự lơ là của cán bộ dân số, lãnh đạo các cấp lại không bị xử lý. Theo bà có nên bổ sung các hình thức xử phạt đối với cán bộ dân số, lãnh đạo cơ quan chức năng không hoàn thành nhiệm vụ về quản lý công tác này?

- Điều này là hoàn toàn đúng, nên bổ sung vào. Không chỉ dự thảo này mà còn nhiều văn bản khác đã bỏ qua vấn đề. Theo tôi phải quy trách nhiệm cho những người thực hêịn mà phải là đích danh người đứng đầu một cơ quan nào đó.

Xin cảm ơn bà.

Theo Hồ Sỹ Lực



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.