Bác sĩ chạy sô như... showbiz
Chưa hết giờ làm, một số bác sĩ ở bệnh viện công đã “khăn gói” lên xe thẳng tiến tới các bệnh viện tư. Bệnh viện, bác sĩ, bệnh nhân được gì, mất gì?
Bác sĩ ra bệnh viện tư kết hợp phẫu thuật cho bệnh nhân để kiếm thêm thu nhập là chuyện bình thường. Ảnh: L.N |
Chạy mệt nghỉ
Trong chiếc iPhone của mình, bác sĩ Trần T. (Bệnh viện Gia Định, TPHCM) khoe có chi chít lời nhắc về lịch trực, số ca mổ tại Bệnh viện Vạn Hạnh hay Hạnh Phúc, nơi ông làm thêm. Ông nói mình rất ít khi có mặt ở nhà vào ban đêm, phần lớn thời gian này trực tại Bệnh viện Vạn Hạnh. Ban ngày ông làm ở bệnh viện công, ban đêm, ngoài một đêm trực ở bệnh viện nhà nước, 5 đêm làm thêm.
“Thu nhập ở bệnh viện tư, phòng khám tư nơi các bác sĩ chạy sô cũng không phải là “khủng” như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế, không phải ngành nào cũng dễ dàng kiếm việc để làm thêm ngoài giờ. Các bác sĩ thuộc ngành lao, nhiễm khuẩn hay xương khớp muốn chạy sô cũng không dễ”. Trần Ngọc M. (bác sĩ ngành lao đã nghỉ hưu) |
Trong gần 4 giờ, cả làm việc và di chuyển, bác sĩ V. được trả thù lao khoảng 2 triệu đồng. Bận rộn hơn nữa là bác sĩ thuộc hàng “sao” của những ngành “hot” như sản khoa, ngoại khoa, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình, nhi… Họ chạy sô còn hơn cả ca sĩ. Thậm chí, không ít lần phải bớt xén thời giờ công để làm việc tư khi có ca phẫu thuật theo yêu cầu.
Theo lịch, 5 giờ chiều, TS.BS Nguyễn V. K. (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) có mặt tại Bệnh viện FV. Nhưng khi ông vừa rời khỏi cổng bệnh viện, Bệnh viện STO Phương Đông gọi cho ông: Có một ca mổ gấp. Vị bác sĩ yêu cầu tài xế quay đầu xe. Mổ xong ở STO, ông K. qua FV rồi đến BV chuyên về thần kinh sọ não ở quận Bình Tân. Mỗi cuộc mổ dịch vụ ông được trả 5-7 triệu đồng. Gần như ngày nào ông cũng chạy sô như vậy.
Chị N.T.T.T, ở quận Gò Vấp, TPHCM đăng ký khám thai ở Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. Chị yêu cầu mổ sinh cho chị là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến ngày sinh, chị T. nhập viện và tất nhiên, vị bác sĩ chị yêu cầu sẽ có mặt để thực hiện ca mổ bất kể thời gian nào. Trường hợp sản phụ T. không phải là hy hữu. Các bác sĩ bệnh viện công chăm sóc khách hàng của bệnh viện tư ngay cả trong giờ hành chính không phải chuyện lạ.
Vẫn là chuyện lương
Bác sĩ Nguyễn V. S (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM) nói với phóng viên rằng, nếu chỉ nhìn vào đồng lương nhà nước, có lẽ bác sĩ khó mà yêu nghề được. Với thâm niên hơn 10 năm, tổng thu nhập của một bác sĩ không vượt quá 10 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền trực đêm và phụ cấp.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh T. từng công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM phải nói lời chia tay sau gần 10 năm gắn bó. Bác sĩ này nói rằng, thu nhập ngoài lương của trưởng, phó khoa ở bệnh viện công cũng chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đó là những khoản tiền phẫu thuật dịch vụ, tham gia hội chẩn theo yêu cầu… “Nói thế để thấy rằng, việc bác sĩ mở phòng mạch tư, chạy sô làm thêm tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân là hoàn toàn chính đáng để đảm bảo cuộc sống. Hồi còn làm ở bệnh viện công, tôi cũng phải chạy sô như thường”, bác sĩ T. nói.
Việc làm thêm ngoài giờ của bác sĩ được coi là chính đáng và không vi phạm đạo đức hay luật pháp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, với cường độ chạy sô không ngừng nghỉ, liệu bác sĩ có đảm bảo sức khỏe và sự minh mẫn để thăm khám cho người bệnh? Đấy là chưa kể áp lực công việc tại bệnh viện công. Nhiều bác sĩ phải thường xuyên làm việc trong tình trạng quá tải bệnh nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trung bình mỗi ngày, bác sĩ khám cho khoảng 80 trường hợp. Con số này tại Bệnh viện Bạch Mai, Ung bướu TPHCM là 200. Giám đốc một bệnh viện công ở quận 5, TPHCM nói rằng, bệnh viện không cấm bác sĩ mở phòng mạch hay chạy sô ngoài giờ. Tuy nhiên, sẽ bị kỷ luật nếu bỏ trực hay ăn gian giờ để làm thêm. “Chúng tôi luôn khuyến khích bác sĩ làm thêm để ổn định cuộc sống khi lương còn thấp, nhưng cũng khuyên họ đừng để ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện công nơi công tác”, ông nói.