Bát nháo "lò" cung cấp... gia sư

Chỉ cần thuê một địa điểm kinh doanh rộng chừng 5m2, 1 bộ bàn ghế, 2 tấm bảng treo để ghi các thông tin tuyển dụng và đôi ba nhân viên... là thành trung tâm cung cấp gia sư (TTGS)... Mỗi ngày, các trung tâm này có thể lừa không ít phụ huynh, học sinh, sinh viên...

Gia sư... rởm!

Trong vai một sinh viên tốt nghiệp Đại học chưa có việc làm, tôi tìm đến TTGS trên đường Tạ Quang Bửu. Chị Phương (phụ trách quản lý) nói: "Đã qua đại học thì em có thể dạy được tất cả các khối lớp phổ thông".

Đưa cho tôi bản hợp đồng lao động (có sẵn chữ ký khá nguệch ngạo của giám đốc nhưng không có con dấu doanh nghiệp - PV), chị Phương cho biết: "Ký vào bản hợp đồng này coi như em chính thức trở thành thành viên "đội ngũ giảng dạy" của trung tâm với mức phí 200 ngàn đồng cộng thêm 30% thu nhập tháng đầu tiên là 250 ngàn đồng phí dịch vụ".

Trong lúc tôi đọc bản hợp đồng, chị Phương dặn thêm: "Để bảo đảm uy tín cho em cũng như của trung tâm, khi đến gặp phụ huynh nhận lớp em phải nói là mình tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy".

Bằng chiêu thức này, không chỉ sinh viên rơi đúng "bẫy" mà các phụ huynh cũng trở thành nạn nhân của những TTGS "ma". Rất nhiều bạn khi tìm đến đúng địa chỉ trung tâm cung cấp mới... ngớ người vì gia đình này không có nhu cầu thuê gia sư và cũng chưa từng nhờ đến sự giúp đỡ của trung tâm nào. Có khi chỉ một địa chỉ nhưng có đến 4, 5 sinh viên tìm đến từ sự giới thiệu của 4, 5 trung tâm khác nhau.

Bạn Bích Tuyền, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tâm sự: "Tôi đã đóng cho Trung tâm K. (Khương Trung, quận Thanh Xuân) 400 ngàn đồng để làm gia sư cho một học sinh lớp 7. Khi đến gia đình này mới biết bị lừa vì đã có một sinh viên khác đến nhận lớp từ hôm trước do một trung tâm khác giới thiệu. Quay lại trung tâm đòi tiền cọc nhưng họ không chịu trả, thậm chí không ai thèm tiếp chuyện mình".

Còn anh Thành, chủ một cơ sở ráp đồ trên đường Kim Giang, quận Thanh Xuân cho hay: "Con tôi học lớp 5 và tôi cũng từng nhờ Trung tâm T. gần nhà giới thiệu gia sư, nhưng các sinh viên đến dạy hầu như không biết gì về nghiệp vụ sư phạm, chẳng những diễn đạt lúng túng vụng về mà còn không biết trả lời những câu hỏi rất đơn giản có trong sách, Hỏi ra thì em nào cũng nói mình tốt nghiệp sư phạm!".

TTGS lừa cả hai bên

Anh Nguyễn Minh Thành, nhà ở ngõ 94 Trần Hưng Đạo, Hà Nội từng là nhân viên tiếp tân cho một TTGS "ma" - cho biết: "Địa bàn các trung tâm "ma" hoạt động thường nằm trong con hẻm nhỏ, nơi có thể "qua mắt" được cơ quan chức năng. Người xin việc khi đã tìm đến ít ai bỏ về dù thấy trung tâm có xập xệ đến mấy, do nhân viên rất mồm miệng, biết thu hút và lôi kéo người lao động và phụ huynh học sinh. Còn nếu bị phát hiện, trung tâm phải nhanh chân đóng cửa chuyển sang một địa bàn khác hoặc "xui" lắm sẽ bị tịch thu vài ba bộ bàn ghế, chịu nộp phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng thì có bao nhiêu đâu".

Mánh đầu tiên mà các TTGS đều thực hiện là ăn tiền phí giới thiệu. Đây là khoản tiền mà bắt buộc các "gia sư" phải đóng để được giới thiệu suất dạy, thường là 50 - 100 nghìn đồng/suất, cũng có khi nhiều hơn. Nếu trong thời gian dài mà trung tâm không giới thiệu được suất dạy, gia sư có thể yêu cầu hoàn trả lại. Nhưng ở các trung tâm "bịp", gia sư sẽ nhận được câu trả lời là ráng chờ thêm ít bữa nữa, hoặc lời khất, tuần sau sẽ có suất... cho đến khi gia sư mệt mỏi, bỏ cuộc thì thôi.

Một mánh khác được TTGS "bịp" hay thực hiện là ăn phần trăm tiền lương tháng của gia sư. Thông thường, khi đưa ra các lời thông báo tuyển giáo viên hay sinh viên dạy kèm, họ đưa ra một mức lương cao, thật hấp dẫn. TTGS trên đường Tạ Quang Bửu, khi dán thông báo tuyển gia sư, ghi rõ: Lớp 12, Toán là 600 nghìn đồng/4 buổi, lớp 11, Toán, Hóa, Lý là 500 nghìn đồng/4 buổi... nhưng trong giấy giới thiệu dành cho gia chủ lại ghi một giá khác, thấp hơn so với giá thông báo tuyển gia sư. Nhờ vào khoản chênh lệch đó, trung tâm sẽ ăn phần trăm của gia sư cao hơn. Rất nhiều sinh viên không để ý đã bị mắc lừa ở chỗ này.

Một số TTGS khác có những mánh lừa quái chiêu hơn. Cụ thể: Trung tâm liên hệ với người nhà mình (thường là anh em họ hàng) giả làm người có nhu cầu tìm gia sư dạy. Sau khi thỏa thuận, họ nhận sinh viên vào dạy nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng, họ sẽ tìm đủ mọi lý do để cắt hợp đồng với gia sư. Kết cục, các gia sư sẽ khóc dở mếu dở, tiền mất mà lương mới lại bị gia chủ quỵt.

Mỗi ngày trung tâm "ma" có thể thu lợi ít nhất từ 10 - 20 người đóng phí xin việc và thuê dạy. Số tiền này được chia chác cho nhau nên những nhân viên của TTGS ma luôn tìm mọi cách giăng "bẫy" và ra sức để thu được càng nhiều tiền của người lao động và phụ huynh học sinh càng tốt. Họ không màng đến sự thiệt hại của ai hoặc nếu rủi ro nhất, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, họ chấp nhận đóng một khoản phạt nhỏ nhưng lợi nhuận vẫn nhiều...

Các gia chủ muốn con mình có được gia sư ưng ý, tốt nhất nên liên hệ với các TTGS lớn, có uy tín để tránh tình trạng "tiền mất tật mang". Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để dẹp loạn những TTGS rởm này.

Theo Q.Minh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.