Bệnh dại: SOS!

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2009 đến nay đã có 7 người chết vì bệnh dại, tập trung chủ yếu ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Nhiều gia đình sau khi chứng kiến cái chết đau đớn, vật vã đầy thương tâm của người thân mới giật mình.

Hàng năm, nghành Thú y tỉnh Yên Bái đã có những đợt tiêm phòng chống dịch nhưng phần vì do chủ quan, thậm chí có người vì tiếc số tiền qui ra... vài kilôgam thóc nên đã tỏ ra thờ ơ.

Những cái chết thương tâm

Vượt cả trăm kilômet đường đá, chúng tôi tìm đến gia đình em Triệu Văn Nam, 11 tuổi, ở thôn Ngòi Nhầu (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Yên Bái) khi gia đình đang tổ chức lễ cúng tuần cho em. Thắp nén nhang lên bàn thờ không có di ảnh, chị Hoàng Thị Nhan, mẹ em Nam nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về cái chết thương tâm của con mình. Cách đây gần một tháng, trong lúc em Nam dắt trâu lên núi thả, khi đi qua nhà hàng xóm, thì bị con chó cắn một miếng vào bắp chân.

Vết thương rớm máu, tưởng không việc gì vì trước đó em đã có lần bị chó cắn nên Nam vẫn dắt trâu đi chăn, tối về chỉ kể qua loa với mẹ. “Tôi cũng không nghĩ đến việc phải đưa cháu đi tiêm phòng! - chị Nhan ngậm ngùi. Con chó đấy là của nhà hàng xóm nuôi, nó vẫn thường chạy sang nhà tôi ăn cơm rơi. Với lại, từ trước tới nay ở cái thôn này rất nhiều người bị chó cắn, không thấy ai đi tiêm phòng dại bao giờ mà cũng có việc gì đâu! Ai ngờ...”.

Mấy ngày sau Nam lên cơn co giật, vết chó cắn sưng lên và tím đen lại. Lúc đó gia đình mới tá hỏa chạy sang nhà hàng xóm hỏi thăm thì được biết con chó cũng bỏ ăn và đi đâu mất mấy hôm không về. Mặc dù gia đình đã sang cả xã bên tìm thầy lang cao tay về đắp lá nhưng Triệu Văn Nam cũng chỉ cầm cự được mấy hôm rồi mất. “Thương tâm lắm cô chú ạ! Cháu co giật từng cơn, người lúc nóng, lúc lạnh, sùi cả bọt mép, mắt như lồi hẳn ra ngoài, ngầu đỏ. Thế rồi cháu “đi”, chân tay vẫn còn co quắp phải bóp rượu mãi mới duỗi ra được. Chắc đau đớn lắm...”. Chị Nhan nấc lên, nghẹn ngào.

Trước đó, chính cha mẹ em Triệu Văn Nam cũng vừa mới đi đám tang ông Trần Văn Thạch, 58 tuổi, ở thôn Tân Lập, cùng xã, cũng chết vì bệnh dại. Người nhà ông Thạch cho biết, hôm ấy thấy con chó nuôi của nhà bị ốm, bỏ ăn mấy ngày, nước dãi cứ nhểu ra. Ông Thạch tiếc rẻ mang ra làm thịt ăn. Hai hôm sau ông cũng lên cơn co giật, phát bệnh rồi mất.

Sau khi ông Thạch mất, gia đình tưởng là ông bị “con ma nó bắt đi” nên đã mời thầy mo đến cúng ma mấy hôm liền. Đang cúng thì bị công an đến lập biên bản, mời lên xã làm việc. Phải đến khi cán bộ thú y xã giải thích cặn kẽ người nhà ông Thạch mới biết ông chết vì bệnh dại chứ chẳng phải do “con ma nó bắt đi” như người ta đồn đại.

Cái chết quá nhanh của bà Nguyễn Thị Ngọ, 67 tuổi, ở thôn Tân Bình xã Tân Hương cùng huyện khiến người dân ở đây hết sức bàng hoàng. Anh cán bộ thú y xã đi cùng chúng tôi đến nhà bà Ngọ cho biết, do con chó bà Ngọ mới mua ở chợ về tự nhiên cắn liên tiếp hai đứa cháu ngoại của bà trong lúc cháu bà đang chơi đùa với nó. Xót cháu, bà Ngọ đánh con chó và bị nó cắn một miếng. Vì đã chứng kiến một vài cái chết thương tâm do bị chó dại cắn, bà Ngọ nhanh chóng đưa cháu đến trạm xá xã tiêm phòng cho cả cháu lẫn mình nhưng khoảng chục ngày sau bà vẫn lên cơn dại, vã mồ hôi, sợ ánh sáng, sùi bọt mép rồi qua đời...

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, bệnh dại đã xuất hiện tại Yên Bái từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây số người chết và mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh này có chiều hướng gia tăng. Tiếp xúc với người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết họ đều không biết rằng virus bệnh dại rất dễ lây truyền sang vật nuôi khác và cả con người qua nước bọt từ vết cắn, do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt con vật mang mầm bệnh dại (để chó liếm vào vết trầy xước...) hoặc qua không khí theo đường hô hấp...

Người dân dường như chưa thấy hết mối nguy cơ tiềm ẩn ngay trước mắt họ. Vậy nên, mặc dù các cấp chính quyền đã khuyến cáo các gia đình nuôi chó, mèo... nên tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh dại nhưng số gia đình tiêm phòng cho chó nuôi vẫn giảm theo từng năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hoàng Thạch, Trạm trưởng Trạm Thú y Yên Bình cho biết: “Mặc dù mỗi mũi tiêm chỉ có 8.500đồng, nếu mua thêm bảo hiểm thì cũng chỉ 12.000đồng/năm nhưng nhiều gia đình do chủ quan, thậm chí có người vì tiếc số tiền có thể qui ra... vài kilôgam thóc nên mặc cơ quan chức năng khuyến cáo cứ khuyến cáo, còn tiêm hay không là việc của họ!”.

Tiếp xúc với nhiều người dân ở xã Bảo Ái, chúng tôi nhận thấy họ còn hết sức... hồn nhiên khi nghĩ rằng chó nuôi trong nhà thì... việc gì phải đi tiêm phòng cho tốn kém!? Có người còn phát biểu thẳng thừng: “Các ông nhà nước chỉ vẽ chuyện để thu tiền của dân! Nếu bị chó cắn, cùng lắm thì theo dõi xem con chó sống chết thế nào là xong!”. Vậy nên, việc tiêm phòng cho vật nuôi ở địa phương này mấy năm nay dường như... dậm chân tại chỗ! Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ái Lương Văn Vân trăn trở: “Có một thực tế là người dân ở đây chưa ý thức được lợi ích của việc tiêm phòng cho vật nuôi nói chung và tiêm phòng bệnh dại nói riêng.

Ngay như con trâu được ví là đầu cơ nghiệp, giá trị 5-7 triệu đồng, tiêm một mũi hết có 5.000 đồng nhiều nhà tiếc tiền còn không tiêm huống hồ bắt họ bỏ ra tám nghìn bạc tiêm cho một con chó. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 trên địa bàn xã đã có hiện tượng chó bị ốm, bỏ ăn, chỉ nằm một chỗ, nước dãi chảy ra... Một số gia đình vì tiếc nên đã làm thịt để ăn hoặc mang đi bán, có thể đã bị truyền bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với con vật nên mới dẫn đến chuyện đáng tiếc xảy ra. Sau vụ việc này, chúng tôi sẽ tổ chức tiêm phòng cho tất cả vật nuôi, đặc biệt là chó. Nếu nhà nào không tiêm sẽ tổ chức lực lượng đem đi tiêu hủy...”.

Ông Bùi Hoàng Thạch cũng thừa nhận, do một thời gian khá dài trên địa bàn huyện Yên Bình không phát hiện bệnh dại trên động vật, chính quyền địa phương thiếu quan tâm sâu sát đến công tác phòng tác dịch bệnh; không triển khai tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, cũng chưa có biện pháp mạnh trong việc vận động nhân dân đưa chó đi tiêm phòng định kì, nuôi chó phải nhốt, xích... vậy nên, số lượng chó nuôi được thả rông rất lớn mà không có cơ quan chức năng nào kiểm soát nổi. Chỉ đến khi đàn chó ở 7 thôn của xã Tân Hương phát dại, cắn làm chết 2 người chính quyền xã mới vội vã chỉ đạo tiêm phòng cho khoảng 500 con chó.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Để “bào chữa” cho sự thiếu quan tâm sâu sát trong công tác phòng chống dịch bệnh, một cán bộ có trách nhiệm của huyện Yên Bình đưa ra lý do: Địa bàn huyện quá rộng với 25 xã, thị trấn, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức kém... trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y lại quá “mỏng”, không sao “kham” hết.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân địa phương vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng cho chó; ngay cả người bị chó cắn cũng tặc lưỡi cho qua, thậm chí có nhà còn giết chính con chó ấy để ăn hoặc bán mà không biết phải giữ con chó lại để theo dõi. Đến khi dịch bệnh xảy ra, số người chết vì bệnh dại ngày một tăng, chính quyền vội vã vào cuộc thì đã muộn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi số người chết vì bệnh dại trên địa bàn tăng đến mức báo động, lãnh đạo huyện Yên Bình lúc bấy giờ mới vào cuộc bằng việc thành lập một Ban chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại và có công điện khẩn gửi các xã, thị trấn. Một người dân ở thôn Tân Minh (xã Mông Sơn) bức xúc: “Người dân chúng tôi do không được ăn học, kém hiểu biết đã đành! Đằng này lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện cũng chủ quan không kém. Đến ngay chính bản thân các ông ấy cũng không ý thức được mối nguy hiểm do bệnh dại mang lại thì người dân biết đâu mà lần. Không riêng gì cái vụ bệnh dại này đâu, việc gì cũng thế, cứ để cho nước đến chân rồi mới nhảy...”.

Khi chúng tôi tìm đến trụ sở UBND huyện Yên Bình, PCT. UBND- Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại huyện, ông Nguyễn Dũng Giang cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, Trạm Thú y huyện đã cử ngay một số cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức 3 lớp tập huấn cho gần 100 cán bộ y tế thôn bản và thú y viên, cùng với việc cung cấp tài liệu, hướng dẫn cách bắt giữ, cách tiêm phòng bệnh dại cho cả người lẫn vật nuôi. Kết quả cho đến nay, đã có 9 xã cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng dại cho hơn 4.860 con chó. Riêng đàn chó ở các thôn Tân Minh (xã Mông Sơn), Tân Lập (xã Bảo Ái) và ở một số nơi có người tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn... đã được bao vây, tiêu diệt...”.

Ông Giang cũng cho biết, UBND huyện Yên Bình đã yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bệnh dại và cách phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan trong nhân dân. Đồng thời yêu cầu các xã phải tổ chức các lực lượng triển khai ngay chiến dịch tiêm phòng cho đàn chó bên cạnh việc huy động lực lượng lùng bắt, tiêu hủy những con chó ốm, chó nghi mắc bệnh trước khi tiêm.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.