Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cháu bé bại não ‘sống trên lưng’ bà nội

Bé Trương Minh Đức (sn 2013) ở Nà Ngỏn, Xuân Nội, Trà Lĩnh, Cao Bằng bị bại não từ lúc lọt lòng, nay lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống hàng ngày của em dù đi đâu cũng trên lưng, trên đôi chân bà nội.

Bé Trương Minh Đức (sn 2013) ở Nà Ngỏn, Xuân Nội, Trà Lĩnh, Cao Bằng bị bại não từ lúc lọt lòng, nay lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống hàng ngày của em dù đi đâu cũng trên lưng, trên đôi chân bà nội.

Chồng và con trai mất, con dâu bỏ đi, một mình nuôi cháu trai bại não

Vào xóm Nà Ngỏn, xã Xuân Nội (Trà Lĩnh, Cao Bằng) đúng những ngày rét mướt tê tái của vùng cao. Cái lạnh mang đến cảm giác đau nhức cả cơ thể.

Đường từ huyện Trà Lĩnh vào đến Nà Ngỏn lầy lội, khó đi, cộng với thời tiết khắc nghiệt, địa hình xung quanh là đá núi khổ cằn khiến cho tình hình kinh tế địa bàn càng khó khăn.

Những mái nhà cũ, chênh vênh, mong manh, trống hoác không che ấm nổi những con người nghèo khổ trong cơn giá lạnh nơi đây.

Ở xóm Nà Ngỏn này, nhiều người dân còn nghèo, còn khổ, còn thiếu ăn và còn mặc rét, nhưng chẳng ai khổ bằng tình cảnh của bà Hoàng Thị Núm (SN 1957) và cháu nội là Trương Minh Đức (SN 2013).

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cháu bé bại não ‘sống trên lưng’ bà nội - Ảnh 1.

Ngôi nhà cũ kỹ dựng từ trước năm 1945, được làng xóm sửa đi sửa lại nhiều lần là nơi ở của hai bà cháu.

Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, ọp ẹp, tối tăm, bà cụ Hoàng Thị Núm đặt đứa cháu nội trên tấm chăn mỏng, vỗ về trò chuyện. Đáp lại thi thoảng chỉ là những từ "ọ, ẹ" khó nhọc của cháu Đức.

Buông tiếng thở dài, bà Núm nói về cuộc đời mình đầy buồn tủi: "Cái số kiếp của tôi như con chim rừng mồ côi, lạc bày cứ bay mỏi cánh, kêu mãi trong đêm".

Cuộc sống khó khăn triền miên, chồng mất sớm, gia tài của bà chính là con trai và căn nhà nhỏ của cha mẹ dựng từ những năm 1945.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cháu bé bại não ‘sống trên lưng’ bà nội - Ảnh 2.

Trong căn nhà cũ, ọp ẹp đến cả cái chiếu nằm của hai bà cháu cũng chẳng lành lặn.

Dù còn nghèo khổ, nhưng các con khôn lớn lập gia đình cũng phần nào khiến bà yên tâm khi về già. Chẳng ngờ, những éo le, vất vả cứ đeo đuổi cuộc đời người phụ nữ Tày này. Vì nay cả con trai của bà cũng đã không còn, rồi con dâu cũng bỏ nhà mà đi.

Vừa trò chuyện, thi thoảng bà Núm lại nghẹn ngào, ngừng câu chuyện giữa chừng, vỗ về đứa cháu nội đang nằm ú ớ.

"Khi sinh cháu nó được 3 tháng thì bố nó mất do bị bệnh gan chú ạ. Được một tuổi thì mẹ cháu bỏ nhà đi đến nay không biết ở đâu nữa. Nay bà cháu dựa vào nhau mà sống thôi". Lời chia sẻ của bà Núm.

Hàng ngày bà ở đâu là cháu ở đó. Đã năm năm trôi qua, bất kể ngày cũng như đêm, hễ cháu nội có khò khè khó thở hay khi trái gió trở trời đau nhức lại khiến cho bà cụ Núm mất ăn, mất ngủ.

Bà ăn rau dại quanh vườn, nhường cho cháu ăn thịt.

Theo kết quả chẩn đoán từ bệnh viện địa phương, cháu Trương Minh Đức bị bại não bẩm sinh. Hiện tại, mọi hoạt động của cháu đều diễn ra tại chỗ, mọi sinh hoạt đều bị động dựa vào sự hỗ trợ từ người khác.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cháu bé bại não ‘sống trên lưng’ bà nội - Ảnh 3.

Trương Minh Đức ở xóm Nà Ngỏn, xã Xuân Nội bị bại não bẩm sinh.

Hàng tháng, cháu Đức được hưởng trợ cấp 675.000đ. Về phần bà Hoàng Thị Núm, từ tháng 01/2018 bắt đầu được nhận mức hộ trợ cho người chăm sóc nuôi dưỡng là 270.000đ/tháng.

Ở vùng này nước nôi khan hiếm, nên thậm chí những khoản như nước nôi sinh hoạt của hai bà cháu cũng có lúc phải mua. Thành thử, mọi chi phí sinh hoạt của hai bà cháu từ tiền điện, nước, gạo, muối, thịt thà, cá, mắm, đến thuốc thang cho cháu đều là nhờ vào khoản tiền trợ cấp này của Nhà nước.

Bé Đức dù đã 5 tuổi nhưng ăn miếng rau, thìa cơm bà nội cháu đều phải nhai nhuyễn rồi bón cho từng miếng một.

"Nó thích ăn thịt thôi, nhiều khi hết tiền, không mua được thịt là nó lại bỏ bữa, không chịu ăn gì. Tôi thì già rồi, hái ít rau quanh vườn là cũng ăn qua bữa thôi". Bà Núm tâm sự.

Cuộc sống của Đức là sống trên lưng bà nội. Bất kể làm việc gì từ giặt giũ, nấu nướng hay cuốc vườn người ta cũng thấy người bà hơn 60 tuổi còng lưng cõng cháu. Bà Núm bảo, có những hôm thấy mệt trong người muốn đặt cháu xuống để nghỉ cũng khó vì, ngoài bà nội ra, bé Đức không chịu cho ai bế.

"Quen rồi chú ạ, bây giờ tôi chỉ mong sao được sống lâu hơn và thật khỏe để lo cho cháu, làm đôi chân cho cháu..."

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cháu bé bại não ‘sống trên lưng’ bà nội - Ảnh 4.

Chỉ khi bé Đức nằm ngủ hay ăn thì bà Núm mới đặt cháu khỏi lưng.

Nguyện cõng cháu cả đời chứ không muốn phải gửi ở trung tâm nuôi dưỡng nào cả

Nhìn thấy sự vất vả khó khăn của bà Hoàng Thị Núm, nhất là khi tuổi ngày càng cao, thường xuyên đau yếu, có người đã khuyên bà ‘hay là gửi cháu cho trung tâm nuôi dưỡng’?

Đáp lại, bà chỉ lẳng lặng ôm chặt lấy cháu nội mình. Bà bảo, dù cuộc sống có ra sao cũng quyết nuôi cháu cho tới khi nào bà không còn sống nữa thì thôi.

Bà nói: "Bây giờ hai bà cháu dựa vào nhau thôi. Nhưng mai này tôi già đi, không biết thằng bé sẽ ra sao? Cứ nghĩ về cuộc sống của nó là thấy nặng, thấy đau lòng lắm! Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho bà cháu, xem có thể chữa khỏi được cho cháu không."

Trong ngôi nhà tối tăm, bà Hoàng Thị Núm nghẹn ngào chia sẻ về tình cảnh của hai bà cháu.

Chị Lục Thị Trang – Phụ trách LĐTB&XH của xã Xuân Nội là người gần gũi và nắm khá tường tận về hoàn cảnh của hai bà cháu.

"Hoàn cảnh của hai bà cháu khó khăn nhất xã Xuân Nội này. Là cán bộ công tác ở đây, nắm rất rõ về hoàn cảnh của hai bà cháu, nhưng khi nào đến thăm nhà cũng chảy nước mắt vì thương họ mà không nói nên lời. Cầu mong được mọi người giúp đỡ cho cháu đi khám bệnh 1 lần nữa xem bệnh có khỏi được phần nào không."

Chị Lục Thị Trang – Phụ trách LĐTB&XH của xã Xuân Nội, Trà Lĩnh, Cao Bằng


Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.


Theo Trí Thức Trẻ

hoàn cảnh khó khăn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.