Các hãng xe máy đồng loạt tăng giá: Sự im lặng đáng ngờ...

Mặc cho báo chí lên tiếng chỉ trích, mặc cho những người tiêu dùng "thấp cổ, bé họng" phẫn uất, phớt lờ luôn cả những yêu cầu của một vài cơ quan chức năng, các hãng xe máy tại Việt Nam "hò dô ta...cùng móc túi người tiêu dùng". Kiếm chác tiền từ mồ hôi, nước mắt của người tiêu dụng nhiều nhất phải kể đến các loại xe máy của ông "anh cả" Honda, sau đến Yamaha và...

Vẫn là sự im lặng...

Chuyện nhiều loại xe máy của hãng Honda Việt Nam được bán cao hơn giá đề xuất từ nhiều năm qua đã trở thành vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Cách đây 7-8 năm là những chiếc Wave Anpha, mỗi chiếc tăng gần 2 triệu đồng. Từ đầu năm 2007 đến nay, giải "quán quân" về tăng giá, trốn thuế thuộc về xe Air Blade (mỗi chiếc tăng gần chục triệu đồng). Tệ hại nhất là thời điểm từ giữa năm 2009 đến nay, hầu hết các loại xe của hãng Honda Việt Nam đều đồng loạt tăng giá. Sự thách thức trắng trợn của các HEAD thuộc Honda đối với các cơ quan chức năng đã không gặp phải bất cứ sự "kháng cự" nào nên các hãng khác như Yamaha, SYM cũng "tát nước theo mưa", tăng giá vài triệu đồng một sản phẩm.

Vào thời điểm hiện tại, giá xe Air Blade thường đang được bán với giá 35,5 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất gần 10 triệu đồng); Air Blade Fi có giá 37,6 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất 5,6 triệu đồng); Wave RS vành đúc có giá 20,7 triệu (cao hơn giá đề xuất 2,6 triệu đồng); Wave RS vành nan hoa có giá 18,7 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất 2,6 triệu đồng); Wave RSX có giá 21,3 triệu đồng (cao hơn giá đề xuất 4,3 triệu đồng)... Đây là giá bán tại HEAD số 1B Trần Phú (Hà Đông) vào buổi sáng ngày 25/10/2009.

Khi được hỏi tại sao giá bị đẩy lên cao, cô nhân viên ở đây trả lời: "Đây là giá bán chính thức. Giá trên trang web của Honda Việt Nam chỉ để... tham khảo"?!. Giá cao ngất ngưởng như vậy nhưng cô nhân viên vẫn đề nghị: "Anh nên đăng ký trước để mua xe". Hiện tượng ăn theo Honda Việt Nam cũng đã xuất hiện ở nhiều loại xe của các hãng khác. Ví dụ như xe Nouvo LX 135 của hãng Yamaha cũng đang được bán với giá từ 34 triệu đồng - 36 triệu đồng/chiếc (giá niêm yết là 32 triệu đồng/chiếc); xe Shack của hãng SYM có giá từ 49 triệu đồng - 50 triệu đồng/chiếc (giá niêm yết là 45 triệu đồng/chiếc)...

Đã có lúc, đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyên: "Nên tẩy chay xe máy Honda, tìm mua xe của các hãng khác". Có thể nói, lời khuyên này thể hiện sự bất lực của những tổ chức, cơ quan được coi là có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người dân khi lợi ích của họ bị xâm hại. Sự trốn thuế, ép giá người tiêu dùng mua sản phẩm với giá cao hơn niêm yết của các hãng xe máy phải bị phát luật trừng trị mới thỏa đáng.

Người dân phải lựa chọn sản phẩm nào đây? Yamaha hay Suzuki? Khi đang ế ẩm, hàng nào cũng phải bán đúng giá vì họ không có sự lựa chọn. Liệu có gì đảm bảo khi người tiêu dùng tẩy chay Honda, quay ra mua xe máy của các hãng khác và hãng này sẽ "thương" người dân, giữ nguyên giá bán? Khi hành vi trốn thuế chưa bị xử lý thì đừng hy vọng các hãng xe máy tại Việt Nam xem trọng quyền lợi người dân và lợi ích của Nhà nước.

Dù đã có những lời khuyên "chán ngắt" nhưng vẫn phải thừa nhận, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Cục quản lý cạnh tranh vẫn còn dũng cảm hơn nhiều cơ quan chức năng khác. Công tác chống gian lận thương mại, chống trốn lậu thuế là trách nhiệm chính của ngành Thuế và đơn vị Quản lý thị trường. Nhìn vào diễn biến bát nháo của thị trường xe máy trong thời gian qua thì dễ nhận thấy sự im lặng đáng sợ của những "quả đấm" chủ lực này. Độc giả Nguyễn Văn Chính (Thái Bình) bức xúc: "Tôi nghi ngờ năng lực của những cán bộ Thuế và Quản lý thị trường đang theo dõi ngành kinh doanh xe máy. Tại sao họ để việc các hãng xe máy đua nhau tăng giá, trốn thuế, móc túi dân mà không xử lý? Sự im lặng của những người có trách nhiệm quản lý mặt hàng xe máy thật đáng ngờ".

Trách nhiệm bị bỏ ngỏ

Trong khi nhiều cơ quan chức năng im lặng thì người tiêu dùng buộc phải "cầu cứu" các cơ quan báo chí. Rất nhiều người dân đã thể hiện sự bức xúc trên từng trang giấy: "Nhiều vụ án lớn đã có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Vậy tại sao các anh không phanh phui tiêu cực, để các hãng xe máy chèn ép người tiêu dùng? Không lẽ cứ để họ làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân mãi sao? Tiếc rằng, các cơ quan báo chí chỉ có thể lên tiếng phản ánh chứ không thể đưa ra những quyết định xử phạt hành vi tăng giá, trốn thuế của các hãng xe máy, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Rất, rất nhiều lời giải thích từ phía lãnh đạo của Cty Honda Việt Nam. Đáng lưu ý nhất là sự ngụy biện: Một số loại xe tăng giá là do được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm, cung không đủ cầu. Chúng tôi sẽ tăng sản lượng trong thời gian tới và nhắc nhở các HEAD bán đúng giá đề xuất. Với thông tin như thế này, một mặt lãnh đạo Cty Honda Việt Nam ngầm quảng cáo cho sản phẩm của mình (tăng giá vì xe tốt, người mua đông), mặt khác vị này có ý nói, lượng xe máy sản xuất không đủ để bán (phải tăng cong suất). Tuy nhiên, chưa hẳn đã đúng như vậy. Tại hầu hết các HEAD, xe Air Blade(loại xe "hot" nhất) lúc nào cũng bày bán rất nhiều và không hề có hiện tượng khan hàng. Vấn đề chính là ở chỗ, các HEAD đã bắt tay nhau đồng loạt tăng giá. Với chiêu này, người tiêu dùng "chạy đâu cho thoát" vì chạy đâu cũng... thế thôi!

Theo MTuấn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.