Cấm xe trên 15 tấn qua cầu Bà Rén: Thêm đường, tăng chi phí

Khu Quản lý đường bộ V vừa thông báo cấm xe trọng tải trên 15 tấn qua cầu Bà Rén (thuộc quốc lộ 1Ac đoạn qua Quế Sơn, Quảng Nam) để sửa chữa vì cầu đã xuống cấp nặng, buộc xe tải phải chạy đường vòng. Ít thì phải đi gấp đôi bình thường, có trường hợp gấp 7-8 lần.

Tuyến lưu thông huyết mạch Bắc - Nam buộc phải chuyển làn qua đường Hồ Chí Minh, doanh nghiệp kêu trời vì chi phí tăng thêm.

Khu Quản lý đường bộ V (Cục Đường bộ Việt Nam) vừa có công điện khẩn về việc cấm tất cả các xe có trọng tải trên 15 tấn qua cầu Bà Rén (thuộc quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Theo công điện, các xe buộc phải hạ tải hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh. Quyết định đột ngột này đã khiến hàng trăm doanh nghiệp vận tải bất ngờ. Sáng 23-11, hàng đoàn xe tải, xe container vẫn nối đuôi nhau qua cầu, hầu hết tài xế đều không hề hay biết việc cấm qua cầu và phải đi theo phân luồng mới.

Cầu “đột ngột” xuống cấp

Theo ông Lê Đức Vỹ - trưởng Ban thanh tra đường bộ III (Cục Đường bộ VN), lý do cấm xe có trọng tải trên 15 tấn qua cầu Bà Rén kể từ ngày 20-11 là do cầu Bà Rén xuống cấp nghiêm trọng, Cục Đường bộ VN đã đồng ý với kiến nghị của Khu Quản lý đường bộ V về việc giảm tối đa tải trọng qua cầu Bà Rén bằng cách phân luồng xe.

Theo đó, từ nay đến hết ngày 28-2-2010, xe có trọng tải trên 15 tấn phải đi theo lộ trình: xe đi từ Nam ra Bắc trên quốc lộ 1A đến ngã ba Bà Di (Bình Định) sẽ rẽ lên quốc lộ 19, nếu xe từ Quảng Ngãi thì phải ngược về phía nam và đến ngã ba Thạch Trụ rẽ vào quốc lộ 24 để ra Bắc.

Tất cả các xe này đều lưu thông theo đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Thạnh Mỹ (Quảng Nam) rồi theo quốc lộ 14B ngoặt xuống Đà Nẵng và tiếp tục ra Bắc theo quốc lộ 1A. Với những xe đi từ Bắc vào Nam, khi đến địa phận Đà Nẵng (phía nam hầm Hải Vân hoặc ngã tư Hòa Cầm) bắt buộc phải chuyển hướng rẽ sang quốc lộ 14B và theo đường Hồ Chí Minh đi tiếp vào Nam. Nếu các phương tiện không di chuyển theo hướng phân luồng này phải hạ tải trước khi qua cầu Bà Rén.

Lý giải việc đột ngột cấm xe tải trên 15 tấn qua cầu Bà Rén, ông Nguyễn Hữu Phát - phó trưởng Phòng quản lý giao thông (Khu Quản lý đường bộ V) - cho rằng đây là tình huống bất khả kháng bởi cây cầu đã xuống cấp quá nặng, trong đó nhịp số 7 đang có dấu hiệu không chịu nổi tải trọng lớn.

Theo ông Phát, từ những năm 1990, cầu Bà Rén đã nằm trong danh mục sửa chữa thường xuyên, năm năm trở lại đây cây cầu này đã lọt vào “top” những cây cầu yếu nhất trên quốc lộ 1A và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

“Dù biết cầu yếu nhưng thực tế lâu nay tất cả xe lớn nhỏ vẫn qua cầu bởi chúng tôi không quản lý được trọng tải. Đây chính là lý do khiến cầu Bà Rén không chịu nổi. Hiện các đơn vị đã tổ chức cắm biển báo và cử cán bộ đứng tại các chốt phân luồng trên quốc lộ 1A và trên trục đường Hồ Chí Minh để hướng dẫn phương tiện lưu thông” - ông Phát cho biết. Ông Phát còn nói cầu Bà Rén được đưa vào danh mục xây dựng mới từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn đang ở giai đoạn tư vấn, thiết kế.

Ngồi trên đống lửa

Đang ăn trưa tại thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), anh Hà Xuân Hưng - tài xế xe container chở hàng từ TP.HCM đi Trung Quốc - thở dài khi nhận được thông tin cấm xe tải qua cầu Bà Rén: “Nếu buộc xe đi theo đường Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp vận tải sẽ khó”. Theo anh Hưng, chủ xe sẽ không chịu nổi chi phí vì số kilômet đường sẽ tăng, chưa kể nhiều đèo khiến nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn. Thêm vào đó, hầu hết tài xế xe tải Bắc - Nam lâu nay hầu như không đi đường Hồ Chí Minh nên không quen đường. “Giờ mà chạy tuyến đó thì ngán tai nạn lắm” - anh Hưng tâm sự.

Anh Thành, tài xế xe tải chạy tuyến Gia Lai - Hà Nội, cho hay: “Lâu nay tôi thường đi đường Hồ Chí Minh, nhưng từ ngày bão số 9 đến nay đường bị hư hỏng nặng, buộc tôi phải chuyển sang tuyến quốc lộ 1A ra Bắc”. Một tài xế xe container của Công ty vận tải Dương Việt Nhật (đóng tại Hà Nội) lè lưỡi khi cho rằng nếu đi đường Hồ Chí Minh để vào Nam thì tốT nhất nên nghỉ chạy vì chi phí rất lớn. “Vá một lốp xe 200.000 đồng, trong khi ở quốc lộ 1A chỉ 40.000 đồng. Đã vậy không có chỗ để vá” - tài xế này nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải ở miền Trung như ngồi trên đống lửa khi nhận được thông báo hạ tải cầu Bà Rén. Ông Nguyễn Xuân Lư - tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam - nói doanh nghiệp ông đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vận chuyển 30.000 tấn cát từ Thăng Bình (Quảng Nam) ra cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) bằng xe tải trên tuyến quốc lộ 1A. Nếu việc lưu thông qua cầu Bà Rén gián đoạn thì “khả năng vỡ hợp đồng với đối tác nước ngoài là rất lớn”.

Theo ông Lư: “Không thể chở một xe cát đi ngược vào Quảng Ngãi, vòng lên Kontum rồi xuống Đà Nẵng giao hàng được, như thế mất thêm trên 350km nữa. Nếu hạ tải thì không biết đến khi nào mới xong hợp đồng”. Còn ông Phạm Ba - phó giám đốc Công ty vận tải Minh Hương (Đà Nẵng) - cho rằng cấm xe tải trên 15 tấn thì 30 đầu xe container của ông coi như “đứng bánh”. Còn đi đường Hồ Chí Minh để đưa hàng vào TP.HCM hoặc ngược lại thì chi phí sẽ tăng rất cao. “Điều này chắc chắn chủ hàng không thể nào chịu nổi” - ông Ba kết luận.

Theo chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng Trần Viết Hòe: “Rất nhiều doanh nghiệp sẽ khốn đốn khi nghe thông tin này”. Ông Hòe nói đây là thời điểm cuối năm, thời điểm “vào mùa” của các doanh nghiệp vận tải, vì vậy việc phân luồng, cấm không cho xe tải trên 15 tấn qua cầu Bà Rén là một “gáo nước lạnh” giội xuống đầu các doanh nghiệp vận tải.

Theo Đ.Nam - T.Vũ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.