Câu chuyện cảm động về 3 người phụ nữ 9 năm cùng nhau trông nom nghĩa trang liệt sĩ

Suốt 9 năm qua, 3 người phụ nữ có chồng đều là liệt sĩ sống tại xóm Vụ Ngoại, xã Yên Lộc (Ý Yên, Nam Định) đã cùng nhau quét dọn, trông nom nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Suốt 9 năm qua, 3 người phụ nữ có chồng đều là liệt sĩ sống tại xóm Vụ Ngoại, xã Yên Lộc (Ý Yên, Nam Định) đã cùng nhau quét dọn, trông nom nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Ba người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hè (SN 1944), bà Nguyễn Thị Hột (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1950), đều trú tại xóm Vụ Ngoại, xã Yên Lộc.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, điểm chung duy nhất của họ là đều tiễn chồng đi khi tuổi mới “mười tám, đôi mươi” để giành độc lập cho dân tộc, nhưng không may tất cả đã hy sinh.

Ba người, mỗi người một lý do nhưng đều một mực chờ chồng mà bỏ qua tuổi thanh xuân, nhất quyết không đi thêm bước nữa. Khi nhắc về ngày nhận được giấy báo tử của chồng, các bà đều ngậm ngùi.

cau chuyen cam dong ve 3 nguoi phu nu 9 nam cung nhau trong nom nghia trang liet si - 1

Suốt 9 năm qua, 3 người phụ nữ ấy đã luôn trông nom, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc, giữ cho khuôn viên luôn sạch sẽ.

Mùng 2 tết, năm 1978 bà Nguyễn Thị Nghĩa bất ngờ nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Trần Văn Hải, hy sinh tại chiến trường Campuchia. Khi ấy, hai đứa con vẫn còn thơ dại. Dù mọi người khuyên bà đi bước nữa nhưng bà từ chối, một lòng nuôi con, mong chờ ngày tìm được chồng mang về quê hương.

Bà Nguyễn Thị Hột – vợ liệt sĩ Phạm Văn Thâu, khi mới 27 tuổi đã nhận giấy báo tử của chồng, hy sinh năm 1974 tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc tiễn chồng đi kháng chiến, hai người kết hôn chưa đầy 5 tháng, bà đã mang thai nhưng chồng của bà một đi không trở lại và không bao giờ có cơ hội nhìn thấy mặt con.

cau chuyen cam dong ve 3 nguoi phu nu 9 nam cung nhau trong nom nghia trang liet si - 2

Sau công việc đồng áng, 3 bà lại cùng nhau dọn dẹp, hương khói cho các liệt sĩ.

Không được may mắn như bà Nghĩa và bà Hột còn có đứa con làm chỗ dựa, bà Nguyễn Thị Hè – vợ liệt sĩ Đinh Văn Tâng, khi kết hôn chưa đầy 4 tháng thì phải tiễn chồng vào Long An chiến đấu.

Năm 1972 ông Tâng hy sinh, không kịp để lại cho vợ giọt máu nào. Do không có con nên năm 1974 bà nhận một cậu con trai của người anh về nuôi cho đỡ cô quạnh tuổi già.

Đau đáu mong mỏi có ngày đón chồng trở về quê hương dù khi ấy chỉ còn là nắm đất, nên năm 2008, 3 người phụ nữ ấy đã cùng nhau tình nguyện đứng ra chăm sóc, hương khói cho những phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc. Họ hy vọng, ở nơi nào đó, chồng mình cũng được người khác nhang khói như công việc các bà đang làm tại đây.

Hình ảnh 3 người phụ nữ sau khi làm những công việc đồng áng xong lại tranh thủ thời gian để chăm nom nghĩa trang liệt sĩ của xã đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.

cau chuyen cam dong ve 3 nguoi phu nu 9 nam cung nhau trong nom nghia trang liet si - 3

Bà Nguyễn Thị Nghĩa vẫn mong mỏi sẽ tìm được phần mộ của chồng trước ngày bà mắt mắt xuôi tay.

Và rồi may mắn đã mỉm cười với bà Hè và bà Hột. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Hè đã tìm được mộ chồng của mình khi có người trong tỉnh Long An tìm thấy và báo tin về.

Tháng 7/2012, bà Nguyễn Thị Hột cũng đã đưa được hài cốt chồng về nghĩa trang quê nhà. Chỉ còn bà Nghĩa, suốt gần 40 năm qua, bà vẫn chưa tìm được phần mộ của chồng.

Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lộc (Ý Yên, Nam Định) có 65 ngôi mộ, trong đó có 20 ngôi mộ vô danh, ngôi mộ nào cũng sạch sẽ, trang nghiêm, thơm mùi hương khói, những khóm hồng.

cau chuyen cam dong ve 3 nguoi phu nu 9 nam cung nhau trong nom nghia trang liet si - 4

Công việc của các bà thầm lặng, như là một lời tri ân đến các liệt sĩ.

Nói về việc làm của mình, bà Nguyễn Thị Hột tâm sự: “Chúng tôi làm công việc này không phải vì gì cả, đơn giản chúng tôi thực tâm thành kính trước sự hy sinh của những người chiến sỹ, những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc".

Trước việc làm của 3 người phụ nữ ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các bà mượn mảnh đất nhàn rỗi xung quanh nghĩa trang để trồng cấy. Nhưng tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày càng hạn chế, nên ngoài 1,3 triệu đồng trợ cấp hương khói liệt sĩ các bà không có khoản thu nhập nào thêm.

Trước khi chia tay chúng tôi, 3 bà đã nói rằng: “Bằng mọi điều kiện chúng tôi vẫn cứ duy trì công việc đang làm cho đến khi nào không bước đi được nữa”.

Theo Minh Trang (Khám phá)

câu chuyện cảm động

nghĩa trang liệt sĩ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.