Chuyện khó tin về một cặp vợ chồng tuổi teen

Vào tháng 12/2006, đám cưới giữa chú rể đang học lớp 8 với cô dâu đang học lớp 9 tại xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khiến người dân ngỡ ngàng.

Ở lớp là học sinh, về nhà là vợ chồng, sau gần một năm chung sống, đôi “vợ chồng nhí” sinh một đứa con đầu lòng.

Đó trường hợp của cậu học sinh Klum Nhông, dân tộc Tà Ôi (SN 1992, hiện đang là học sinh lớp 12B3, Trường THPT Hương Lâm, A Lưới, Thừa Thiên – Huế), còn vợ là Hồ Thị K. (SN 1988, sinh viên năm 1, Lớp Văn thư, Trường Cao đẳng Đông Du Đà Nẵng).

Học lớp 8, cưới vợ lớp 9

“Đang học lớp 8 thì Klum Nhông đùng đùng về thúc mẹ chuẩn bị một con trâu, một con bò, 6 con lợn… để mang sang nhà gái để thách cưới. Thấy con nói vậy, tôi ngạc nhiên, vì con mình đang là học sinh mà cưới vợ. Hỏi ra mới biết người yêu của Nhông đã mang bầu 4 tháng rồi”, bà Hồ Thị Viên, mẹ Nhông kể lại.

Theo tục lệ của người đồng bào dân tộc Tà Ôi, gia đình Nhông phải sắm lễ mang sang nhà gái để thách cưới. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng bà Hồ Thị Viên cũng đành chạy vạy, lo đủ lễ vật sang nhà gái rước dâu về.

Tuy vậy, cặp vợ chồng này lại không bỏ học. Hàng ngày, Nhông chở vợ đến trường và cả hai vào lớp học bình thường như bao bạn bè khác, hết buổi học “đôi vợ nhí” lại về nhà và lo lắng công việc gia đình.

Sau năm tháng về làm dâu, K. sinh được một đứa con trai và đặt tên là là Klum Quốc (nay gần 3 tuổi). Khi sắp sinh con, K. xin nhà trường nghỉ 2 tuần để sinh và sau đó tiếp tục đi học bình thường. Sáng ra đi học, K. phải cho con bú rồi giao lại bà nội trông coi.

Vất vả, đôi vợ chồng học sinh vẫn quyết tâm đến trường và đạt kết quả cao trong học tập.

Học lớp 12 nuôi vợ học Cao đẳng

Sau 3 năm chúng sống, hai vợ chồng Nhông học hành bình thường, buổi đến trường buổi lên nương rẫy đi làm để nuôi mình ăn học và nuôi con. Vào tháng 8/2009, K. thi đậu vào Trường Cao đẳng Đông Du Đà Nẵng và xa gia đình.

Để có tiền nuôi con, nuôi mình và vợ, hàng ngày, Nhông phải thức dậy từ 4 giờ sáng đạp xe 20km đường rừng đến trường. Sau khi tan buổi học 1 giờ chiều, Nhông mới về nhà, ăn tạm miếng cơm, củi mì… rồi lên rừng đến tối mịt mới về, kiếm lấy mây, lá nón, đót để bán lấy tiền.

“Mỗi tháng em phải gửi cho vợ gần 1,5 triệu đồng. Vài ba tháng, vợ về một lần thăm chồng con và mang gạo đi nấu ăn. Mặc dù đang học cuối cấp nên thường xuyên học thêm nhưng em phải nghỉ học để lên rừng lấy đồ mang về bán. Hiện gia đình em có 5 sào ruộng, 2 ha rừng, mới trồng được 1ha cao su. Vợ em thích học lắm. Em chỉ mong cây trồng nhanh lớn đem bán, vợ con mạnh khỏe mà thôi!”, Nhông tâm sự.

Mỗi buổi đi học về, Nhông tranh thủ qua nhà ông bà ngoại thăm con được 5 đến 10 phút là về nhà lót dạ chén cơm, củ mì… để ra ruộng, lên rừng tối mịt mới lại về nhà. Và ông bố học sinh ngày nào giờ có dự định thi vào Trường Đại học Nông lâm Huế trong kỳ thi tới.

Mấy năm học vừa qua, dù có vợ nhưng Nhông luôn đạt học sinh tiến tiến của lớp và luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

"Các bạn đừng như mình"

Việc đang là học sinh mà nghỉ học lấy chồng, lấy vợ là câu chuyện “truyền kiếp” của bà con đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Vân Kiều, Cờ Tu…ở những xã vùng biên huyện A Lưới. Mỗi năm tại xã A Roàng, A Đớt, Đông Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy…

Từ năm 2000, chính quyền các xã ở huyện A Lưới đã có những biện pháp ngăn chặn nạn tảo hôn và tình trạng này cũng đã giảm được một phần nào. Tuy vậy, hàng năm, ở một số xã vẫn còn một vài cặp "vợ chồng trẻ con" lỡ là đã có bầu buộc phải cưới lén lút không thông qua xã đăng ký kết hôn.

Nhưng rất ít cặp vợ chồng học sinh làm được như vợ chồng Nhông, họ thường nghỉ học ngay sau lễ cưới.

Dù vậy, chàng học sinh lớp 12 cũng không giấu được nuối tiếc: “Mình đã sai rồi, nếu mình suy nghĩ được như ngày hôm nay thì mình, vợ, con không phải khổ như thế này nữa. Giờ chỉ biết cố gắng thôi, có sức lực nào thì mình cũng như vợ sẽ học đến cùng”.

Cứ vào đầu năm học, lúc nào Nhông cũng mạnh dạn xin nhà trường đứng lên giữa trường khuyên: “Các bạn đừng như mình nữa, nếu yêu nhau thì hãy giữ mối tình thời học sinh trong sáng, các bạn đừng vấp ngã như mình. Đang là học sinh có vợ, con khổ lắm”.

Theo Đắc Thành



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.