Có một "góc tối" trong lòng phố cổ

Tôi sững sờ và ngỡ ngàng với những gì đang diễn ra trước mắt mình: Một bà lão đang nằm dúm dó trên chiếc giường cũ kỹ và rách nát. Căn phòng 18m2 tối om như hang chuột. Các vật dụng nằm ngổn ngang và thốc lên một thứ mùi ẩm mốc đến buốt óc.

Bà tên là Tạ Thị Tuyên, sinh năm 1932, là vợ của hai liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiễn chống Pháp và Mỹ. Tôi trộm nghĩ, nếu chẳng may gặp phải mưa to, gió lớn, cái "góc tối" này có thể sụp xuống và cướp đi tính mạng của bà lão bất cứ lúc nào...

Nhắc đến Thủ đô Hà Nội văn minh và lịch lãm, người ta vẫn hình dung đến những dây nhà chọc trời, những ngôi biệt thự sang trọng hay những căn nhà mát mắt trong xu thế phát triển chung của thời đại. Những căn nhà cấp bốn lụp xụp hay những chỗ ở tạm bợ, lay lắt chỉ có thể tồn tại ở những vùng quê "khỉ ho cò gáy". Ấy vậy mà vẫn còn đó những "ổ chuột" đúng nghĩa ngay giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hai lần khóc thầm lặng lẽ

Nếu không có sự mách bảo của bà hàng nước tốt bụng, có lẽ tôi cũng không thể nào biết được tại số nhà chung 75 Thuốc Bắc - phường Hàng Bồ tại đang tồn tại một "góc tối" như vậy. Trong ngôi nhà ẩm thấp và sộc sệch của bà cụ, mọi thứ đều vô giá trị, chỉ duy nhất một vật dụng có thể làm bừng sáng cả căn phòng. Đó là tấm Huân chương Kháng chiến (Hạng Nhì) mà bà vinh dự được Nhà nước trao tặng vào năm 1985 sau những cống hiến quên mình của bà trong những tháng ngày mưa bom lửa đạn của đất nước. Tính đến nay, bà đã có thâm niên hơn 50 năm tuổi Đảng. Vậy mà những ngày gần đất xa trời, bà vẫn phải sống trong một căn phòng nhỏ, ẩm thấp và nguy hiểm thế này.

Tiếp xúc với bà, tôi đi từ ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên không phải vì bất ngờ mà bởi sự vô cảm đến vô tâm của những người có trách nhiệm của phường Hàng Bồ. Bởi lẽ, với hoàn cảnh của bà và với một thực tế nhãn tiền như thế này, bà phải được quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để có thể dưỡng già sau bao nhiêu năm tháng bà phải chịu đựng những mất mát, đau thương từ hai cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc.

Năm 1949, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Thịnh, người cùng làng. Cuộc sống vợ chồng diễn ra chưa được bao lâu thì chồng bà phải lên đường ra chiến trạn và sau đó bị địch bắt, tra tấn đến chết. Sự hy sinh đó của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 2004, liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh đã được Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Bà lặng lẽ sống trong nỗi đau riêng. Ở những năm 50 của thế kỷ trước, số phận của một người đàn bà góa chồng gần như đã được định đoạt: Hoặc là chấp nhận một đời lẻ loi, hoặc phải chịu cảnh vợ lẽ của ai đó. Bà Tuyên không là ngoại lệ, đã xác định một cuộc sống âm thầm, một mình một bóng trên đường đời. Nhưng, đến năm 1960, một lần nữa, hạnh phúc lại mỉm cười với bà. Được sự động viên, khuyên bảo của người thân, bà kết hôn với ông Thạch Chinh là bộ đội Campuchia tập kết ra Bắc.

Đất nước còn chia cắt, hạnh phúc bé nhỏ của biết bao gia đình đã bị xé nát bởi chiến tranh... Cùng với hàng triệu thanh niên thời ấy, ông Chinh lại nhập ngũ, vào Nam chiến đấ và hy sinh vào năm 1972, để lại người vợ và 3 con nhỏ thơ dại.

Sống trong bóng tối

Bà ở vậy thay chồng nuôi các con khôn lớn với muôn vàn khó khăn bằng đồng lương công nhân và khoản trợ cấp ít ỏi của liệt sỹ Thạch Chính. Cuộc sống của 4 mẹ con nay đây mai đó cho đến năm 1962, bà được cơ quan thương tình cấp cho một căn buồng tại số nhà tập thể của công ty ở 75 phố Thuốc Bắc để làm nơi cư trú. Căn buồng này được xây vào đầu thế kỷ 20, xây hình ống, vẻn vẹn có 18m2 (bao gồm cả lối đi chung giữa các hộ trong cùng số nhà và không hề có vách ngăn). Trước đây, cái xó xỉnh này là nơi cư ngụ của bà và các con, cháu. Sau đó, vì quá chật hẹp và khổ cực, các con bà phải đi tìm chỗ ở mới, chỉ còn bà và đứa cháu ngoại vẫn ở lại nơi này vì không có điều kiện để đi thuê chỗ khác. Với khoản tiền trợ cấp cho vợ liệt sỹ chưa đến 700 ngàn mỗi tháng không đủ để bà sinh hoạt nói gì đến việc thuê nhà.

Hiện nay, ngôi nhà bà đang sống đã xuống cấp trầm trọng. Quanh năm không có ánh sáng mặt trời, do tồn tại tạm bợ nhiều năm không được sửa chữa nên trần nhà bị mối, mục và dột nát. Trần tường nứt nẻ và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chính cảnh sống tù túng và bí bách như vậy mà nhiều năm nay, bà bị viêm phổi mãn tính. Những đêm trời trở lạnh, bà liên tục bị căn bệnh hành hạ. Đứa cháu ngoại thương bà lắm nhưng cũng không biết làm gì hơn ngoài việc xoa lưng cho bà dịu bớt cơn đau.

Món nợ để đời

Nhiều người hàng xóm biết chuyện đã cảm thông và chia sẻ với bà. Họ khuyên bà nên làm đơn xin được cấp nhà tình nghĩa. Vì Nhà nước có chế độ quan tâm, giúp đỡ những gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà. Với trường hợp của bà thì xứng đáng được nhận sự trợ cấp nhà tình nghĩa từ nhiều năm trước. Trong khi đó, gần chục năm qua, không biết bao nhiêu lần lặn lội chống gậy hết hường Hàng Bồ lại đến quận Hoàn Kiếm để mong được các cấp chính quyền giúp đỡ. Tuy nhiên, đáp lại lời thỉnh cầu của bà chỉ là những chữ khô khan và vô cảm: "Chúng tôi đã nhận được đơn của bà", thế là bà cứ chờ đợi và cứ đợi, trong mỏi mòn, vô vọng.

Sau khi chứng kiến hoàn cảnh bà Tuyên và tìm hiểu rõ sự bất hạnh của bà. Tôi rất nhiều lần gọi điện đến phường Hàng Bồ để liên hệ "xin" được gặp bà chủ tịch Giang Thị Bình với mong muốn tìm hiểu ngọn ngành sự việc để có thể giúp được gì đó cho bà lão. 3 lần gọi điện, cả 3 lần máy điện thoại bàn không có người nghe. Tôi nhấc máy, gọi đến một số điện thoại khác của ủy ban phường. Một giọng gắt gỏng cất lên: "Không có số bà Bình đâu, muốn gặp thì 3 giờ đến mà gặp". Ngay sau đó, mát được cúp cái rụp và tiếng bíp bíp liên hồi như những cái tát đến rát mặt.

Đúng 3 giờ, tôi và một đồng nghiệp tìm đến phường. Một cán bộ trực hàng chính hỏi mà không cần nhìn vào người đối diện: "Có việc gì không?". Tôi trình thẻ nhà báo, xin được gặp chủ tịch. Cán bộ này phán một câu lạnh như tiền: "Ngồi đó mà đợi, không biết khi nào mới về" Không thể ngồi đợi quá lâu, chúng tôi phải quay về.. Sau đó một ngày, tôi lại gọi đến máy bàn trong phòng làm việc của chủ tịch phường. Chưa kịp mừng vì đã gặp được bà chủ tịch, tôi cũng lại chưng hửng vì nhận được một câu trả lời lạnh lùng: "Tôi bận họp!".

Tôi chưa làm được một việc mà lương tâm của một người cầm bút hối thúc tôi phải làm: Gặp chính quyền sở tại để tìm hiểu hoàn cảnh thương tâm của bà lão gần đất xa trời, vợ của hai liệt sĩ: Nếu có thể, cùng với các cấp chính quyền tìm cách giúp đỡ bà láo có một chỗ ở thoáng đãng để cuộc sống của bà những năm tháng cuối đời này có thêm chút ý nghĩa.

Chúng ta - các thế hệ đương đại - nợ những người đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước quá nhiều. Mọi nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa nếu có, cũng chỉ giúp người thân của họ xoa dịu được phần nào nỗi đau mất người thân và chỗ dựa cả về tình cảm lẫn vật chất. Món nợ này, muôn đời sau cũng không thể trả được, nhưng ít nhất, với trường hợp cụ thể như bà Tuyên, sự thiếu quan tâm của chính quyền sở tại dường như đang khiến cho món nợ ngày càng dày lên.

Theo Đào Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.