Cọc cạch mà hạnh phúc

Năm năm tính từ ngày thành vợ thành chồng, có với nhau cô con gái vừa hơn 2 tuổi. Cái cách mà họ yêu và đến với nhau khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Anh là một người không may mắn về hình thức, người ta hay gọi anh là chú lùn. Chị xinh, cao như người mẫu. Chuyện của họ, khiến nhiều người phải ngẫm lại về hình ảnh "tình yêu của chân dài".

Anh tên Văn Tiến Dương, cao dưới 1m30, chị tên Trịnh Thị Ngọc Hạnh với chiều cao đúng nghĩa một "chân dài".

Văn Tiến Dương không có gì đặc biệt, ngoại trừ hình thể của anh như trẻ lên 10, cái miệng hay cười và khuôn mặt nhìn hiền lành đến khù khờ. So với vợ mình, Dương như "người dưới vực sâu nhìn lên bầu trời". Thế cho nên, khi gọi điện thoại, xin phép được gặp anh để hỏi chuyện về "mối tình đũa lệch" ấy có cảm giác như Dương vừa hạnh phúc vừa ngại ngùng.

Ngồi với nhau ở phòng khách Công ty Bạch Tuyết và Bảy chú lùn - ngôi nhà thứ hai của Văn Tiến Dương, anh hay lặp đi lặp lại câu nói: "Mình phải tự hào chứ, mình vậy nè, mà vợ mình vậy nè. Biết người cao to có lấy được người vợ xinh như vợ mình không?". Mà có lẽ, đúng như anh nói thiệt. Chị Ngọc Hạnh vợ anh rất xinh và mấy ai tin được họ lại nên vợ nên chồng.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2004, khi Văn Tiến Dương vào làm công nhân thợ khắc chữ nổi, hộp đèn quảng cáo cho một công ty ở quận 1. Cái nghề khắc chữ nổi, hộp đèn quảng cáo ở đất Sài Gòn cũng phiêu lưu như chính thân phận của những người theo nghề này. Có khách thì ở công ty lâu, công ty vắng khách giải thể thì thợ cũng tự động... biến mất theo công ty. Ở công ty nhận làm biển quảng cáo này, Ngọc Hạnh là cô gái đẹp, còn Dương, là anh công nhân vừa lùn vừa xấu, Hạnh lại còn nhỏ hơn anh cả chục tuổi. Ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, Dương đã mến cô công nhân này. Mặc, từ chuyện "yêu ngay cái nhìn đầu tiên" cho đến chuyện "được yêu lại" là cả một quãng đường dài. Có khi, không phải ai cũng vượt qua được.

Dương nói với tôi, trước khi gặp Hạnh, anh cũng từng thích một cô gái cạnh nhà anh ở quận 8. Nhưng, thích là để đêm về nằm nghĩ ngợi vớ vẩn vậy thôi, chứ một con người vốn nặng mặc cảm về khiếm khuyết hình thể như anh thì ít dám mơ nhiều. Chuyện tình mộng tưởng của Dương với cô hàng xóm nọ cũng sớm tan biến khi cô ấy về nhà chồng. Ngày bên kia pháo nổ, anh bên này nước mắt chảy ngược vào lòng. Mà có khi cũng tại anh không chịu mở lời, chứ biết đâu khi anh thổ lộ thì sẽ có một kết thúc khác. Là giả dụ vậy thôi, chứ chuyện đó cũng... khó có thể trở thành sự thật.

Sau cái đận "thất tình" ấy, Dương không dám nghĩ về một chuyện tình khác. Mà ngay thời niên thiếu, anh cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện "cặp kè" với cô bạn gái nào đó để cho biết với người ta. Thế nên, khi mến Ngọc Hạnh, anh cũng chỉ để yên trong lòng và "nhăm nhe" chờ một điều kỳ lạ.

"Hạnh à, tình cảm của tui dành cho Hạnh là thiệt. Không biết ý Hạnh ra sao?", lấy hết can đảm trong một lần đi ăn, Dương thổ lộ với Ngọc Hạnh. “Thì biết là anh có tình cảm rồi, nhưng cứ... để đó đi. Một tuần nữa tui trả lời”, Hạnh nói mà không biểu lộ tình cảm gì. Dẫu trước đây, những lần chăm sóc của Dương cũng làm cô rung động ít nhiều.

Chắc không cần phải diễn tả nhiều về cảm giác hồi hộp của Văn Tiến Dương trong một tuần mòn mỏi chờ đợi ấy. Hàng nghìn viễn cảnh đã được anh vẽ ra, kể cả chuyện "mình sẽ nghỉ việc nếu Hạnh từ chối tình cảm vì... quê". Rồi cái ngày "phán quyết" ấy cũng tới.

Sáng đó, Dương diện bộ cánh đẹp nhất để đến công ty. Vừa đến nơi, đã thấy Hạnh đứng ngay cửa đợi, thấy Dương cô nói rất nhanh: "Yêu đương cho đàng hoàng à". Nhắc đến chi tiết ấy, cho tới giờ Dương vẫn không đủ ngôn ngữ để diễn tả hạnh phúc hôm đó của mình. "Chỉ thấy lâng lâng thôi, anh ạ. Mình không biết mình là ai nữa. Từ hồi bé đến giờ, mình có dám mơ đến chuyện có ngày yêu và được yêu đâu".

Dương kể chuyện nghe thương lắm. Khi Dương vừa ngoài 20, thương đứa con trai bị thiệt thòi về hình thể, một lần mẹ Dương đã từng nói với anh: "Hay mẹ về miền Tây cưới vợ cho con, nha". Dương biết, là do bà thương anh mới nói vậy. Nhưng câu nói của mẹ anh vô tình chạm phải nỗi đau anh đã cố chôn giấu nhiều năm trời. "Dĩ nhiên, mình không thể chịu cái chuyện "bỏ tiền mua vợ". Nhưng mà nghe mẹ nói, mình vừa thương mẹ vừa tủi phận mình", Dương nói.

Từ ngày Hạnh đồng ý lời tỏ tình của Dương, anh trở thành một con người khác. Nhưng, chuyện người ta chịu yêu mình và chuyện mình có đủ tự tin để đi cùng người ấy ra đường bất chấp lời xầm xì hay không lại là chuyện khác.

Chị Hạnh kể những ngày đầu mới yêu, nhìn anh Dương tội lắm. Ra đường khi nào anh cũng mặc cảm, phía trước người ta dòm ngó, phía sau người ta bàn tán. Bữa đi chơi nào với nhau về, anh Dương cũng buồn. Mỗi lần như vậy, Hạnh chỉ nói đơn giản: "Anh ngộ quá. Đáng lẽ người mắc cỡ là em, mà em không ngại thì thôi. Việc gì anh phải buồn hoài". Mà nói là nói vậy, chứ bằng sự nhạy cảm của một "kẻ mạnh" Hạnh thừa sức hiểu được nỗi buồn của Văn Tiến Dương.

Có lần vào cuối tuần, Văn Tiến Dương rủ Ngọc Hạnh đi công viên nước Đại Thế Giới chơi. Ra đến công viên nước, vừa đến bể bơi, Dương chợt lạnh người bởi những tràng cười rộ của những người xung quanh. "Miệng lưỡi thiên hạ mà, kệ họ đi anh", Hạnh thỏ thẻ với Dương. Nhưng, Dương đã không vượt qua nổi nỗi mặc cảm ấy. Buổi hẹn hò hôm ấy kết thúc trong không khí nặng nề, và những lần hẹn hò sau cũng như thế. Phải rất lâu sau, Dương mới vượt qua được chuyện mặc cảm có người yêu vừa xinh vừa cao hơn mình.

Yêu nhau được ít lâu, Dương đưa Hạnh về Câu lạc bộ Chim Cánh Cụt để làm quen với bạn bè mình. Và cũng để chị Bạch Tuyết, người được Dương luôn xem là điểm tựa tinh thần của mình "dòm ngó" thử Hạnh có được người, được nết hay không? Chị Bạch Tuyết nói, chuyện chú lùn quen một cô gái... vừa cao vừa đẹp như trường hợp của Dương không phải là điều quá bất ngờ. Đẹp là một chuyện, còn tính nết như thế nào lại là chuyện khác. Sau nhiều lần "kiểm tra tính nết" Hạnh, chị Bạch Tuyết mỉm cười gật đầu với Dương như đảm bảo: "Con nhỏ này được à!". Vài tuần sau đó, họ chính thức dẫn nhau về ra mắt gia đình.

Thật ra, ngay cả khi yêu Hạnh, Dương cũng chưa bao giờ dám mơ về một mái ấm. Anh cũng đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ để bắt đầu "một chuyện tình cấm đoán", nhưng may mắn thay, điều đó đã không xảy ra. Mẹ Hạnh khi gặp Dương, bà chỉ hỏi cô: "Con thương nó thiệt không?". Hạnh trả lời: "Dạ, thương thiệt". Nói là vậy thôi, chứ ai không xót con gái mình khi thấy Hạnh chọn người như Dương làm kẻ trăm năm. Nhưng bố mẹ của Hạnh hẳn phải “cấp tiến” lắm, khi không cấm đoán, không bàn ra tán vào về tình yêu của con gái mình. “Chỉ cần nó lấy được người nó thương và thương nó”, mẹ Hạnh như vậy.

Thế là vài tháng sau, một đám cưới nhỏ diễn ra với sự chứng kiến của hai gia đình cùng một ít bạn bè thân thuộc. Văn Tiến Dương chính thức biết cuộc sống gia đình là như thế nào.

"Ngay từ năm lớp 5, mình đã mang mặc cảm rất nhiều về hình thể của mình. Thậm chí, tôi không có nhiều bạn vì mặc cảm ấy. Mình chơi với họ, cứ sợ họ sẽ ăn hiếp hoặc sai khiến mình cho vui. Vậy là ít bạn. Lớn lên chút nữa thì kiên quyết nghỉ học vì... chán chính mình. Và chưa bao giờ trong đầu mình dám hình dung về một mái ấm. Nên, cái ngày mình và Hạnh thành vợ thành chồng, niềm hân hoan đêm ấy và nhiều ngày sau, chắc không ai có thể hiểu hết đâu. Chỉ có những người lùn như mình mới cảm nhận được thôi", Văn Tiến Dương nói rất thật.

Chuyện tình yêu của Dương và "chân dài" Ngọc Hạnh không có nhiều tình tiết gay cấn, họ yêu nhau thật lòng, đến với nhau và nên vợ nên chồng. Mọi thứ đơn giản vậy thôi, nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua được cái mặc cảm tưởng chừng đơn giản này như Dương.

Hai năm sau đám cưới giản dị ấy, họ hân hoan đón niềm vui được lên chức cha mẹ. Những ngày Hạnh mang thai, là những ngày Dương chỉ quanh quẩn bên vợ. Tâm trạng hưng phấn khiến Dương không thể làm gì được trong nhiều tháng liền. Bé gái Văn Gia Miêu ra đời trong căn nhà nhỏ của mẹ anh ở quận 8. Cái tên của bé cũng do bà nội đặt. Tôi nghĩ, Dương hạnh phúc bao nhiêu thì sự hạnh phúc của mẹ anh sẽ nhiều hơn thế. Dẫu bà không nói ra, nhưng tình thương của bà dành cho Dương bao giờ cũng nhiều hơn những người con lành lặn khác.

Chị Bạch Tuyết nói, nhìn Dương vậy thôi, chứ lâu lâu cũng thấy anh hùng dũng với vợ lắm. Có điều, cái kết của sự hùng dũng ấy luôn... kỳ lạ. Như có lần, Dương về nhà, thấy vợ chưa chuẩn bị xong cơm nước tối đó. Anh đứng giữa nhà, la làng lên theo kiểu: "Em làm gì mà ở nhà sáng tới giờ không lo được bữa cơm?". Rồi không đợi cho vợ trả lời, Dương hầm hầm bước ra khỏi nhà và... chạy thẳng đến Câu lạc bộ Chim Cánh Cụt. Vừa đến CLB, Dương tìm ngay chị Bạch Tuyết để... vừa khóc vừa kể sự vụ "kinh hoàng" vừa xảy ra. "Chắc vợ em nó bỏ em quá, chị ơi. Em vừa la nó dữ quá mà". Chuyện chồng la vợ rồi chạy đi khóc với người khác như vậy, đây là lần đầu tôi được nghe. Thấy cũng ngộ ngộ(!). "Chị khuyên Dương về nhà, bình tĩnh mà nói nhẹ nhàng với vợ thôi. Vợ chồng nào mà không có hục hặc. Nó vừa mếu máo, vừa đi về... xin lỗi vợ theo kịch bản của chị. Y như rằng, ngày mai nó qua chơi, nụ cười đã nở toe toét trên môi", chị Bạch Tuyết cười ngất.

Bé Văn Gia Miêu giờ đã 2 tuổi, rất linh động và giống cha. Suốt buổi phỏng vấn hôm ấy, bé liên tục đùa giỡn với ba mẹ và làm duyên rất nhiều trước ống kính máy ảnh. Niềm vui trọn vẹn của đời người đã thật sự ở lại với Văn Tiến Dương, tôi nghĩ vậy. Còn chuyện, cái hồi vợ đi sinh con, anh đi nuôi vợ. Dương nói cái đận ấy mình cũng thấy ngài ngại, ai ngồi cạnh vợ cũng to cao, còn mình nhỏ xíu, nhìn rất kỳ. Nhưng khi nghe tiếng con khóc chào đời, anh đã không còn nghĩ gì, không còn biết mình là ai. Chưa bao giờ, anh dám mơ đến ngày được nghe tiếng bi bô gọi "ba, ba" đầy yêu thương.

Theo Ngô Nguyệt Hữu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.