Dạy không được thì buộc thôi học!

Chúng tôi có trích đăng lá thư của phụ huynh Lê Thị Mỹ Dung kể lại câu chuyện con mình bị trường buộc thôi học vì đã có hành vi quậy phá trong trường. Câu chuyện đã gây xúc động dư luận bởi những ứng xử của người trong cuộc khá xa lạ với quan niệm giáo dục.

Đặc biệt là hiện tượng bao thư đối với các thầy cô và chủ trương buộc thôi học những học sinh cá biệt để giữ uy tín cho nhà trường. Nhiều ý kiến của bạn đọc đã gửi về bày tỏ những chính kiến cá nhân đồng thời chia sẻ thêm những câu chuyện của mình. Để có thông tin khách quan, chúng tôi cũng đã liên hệ với trường trung học phổ thông dân lập cấp 2 – 3 Đăng Khoa (Phú Nhuận, TP.HCM), nơi xảy ra sự việc, để ghi nhận ý kiến.

Ông Nguyễn Kế Ngãi, trưởng phòng giáo vụ trường Đăng Khoa:

Chưa đuổi học sinh cá biệt bao giờ

Chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp của trường là học sinh có học lực trung bình trở lên. Về hạnh kiểm, những năm trước, học sinh hạnh kiểm trung bình chúng tôi cũng nhận hết, thậm chí ở lại lớp nhà trường cũng nhận luôn. Còn năm vừa rồi, trường có chủ trương chỉ tuyển học sinh có hạnh kiểm loại khá trở lên để đi vào quy củ, tổ chức tốt hơn. Nhà trường thấy rằng cần phải có sự chọn lựa để tạo uy tín đối với phụ huynh. Thực tế mà nói các em học sinh yếu kém nhiều khi cũng gây khó khăn cho trường. Trường có sử dụng biện pháp giáo dục, cử đội ngũ quản nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh chứ chưa đuổi học học sinh cá biệt bao giờ.

Về trường hợp em Ân (chúng tôi đã phản ánh – PV) là như thế này. Em đó ở nội trú, đã vi phạm rất nhiều trong hoạt động nội trú như đánh các em học sinh khác. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc liên tục, phụ huynh cam kết liên tục. Chính thầy hiệu trưởng cũng từng đứng ra bảo lãnh xin cho một cơ hội nữa nhưng cách nay hơn một tháng em đó lại hăm dọa, đánh các em học sinh khác.

Vì vậy thầy tổng quản nhiệm mới đề nghị cho ra nội trú. Nhà trường gợi ý cho chuyển trường vì vi phạm nhiều quá, nếu ở đây thì đạo đức không tốt, ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp sắp tới. Ở đây chúng tôi giáo dục, uốn nắn các em rất nhiều, em đó cá biệt đến mức chúng tôi không thể giáo dục được nên buộc phải cho ra khỏi khu nội trú. Không giáo dục được thì buộc phải cho ra thôi. Ngay cả em Ân cũng đã từng làm cam kết. Khi vi phạm, lên đây thầy hiệu trưởng có nói: “Thầy hết cách với con rồi”.

Trường của chúng tôi trước giờ rất thành công trong giáo dục học sinh cá biệt. 10 năm nay chưa bao giờ có chủ trương đuổi học sinh cá biệt nào cả. Chưa bao giờ buộc các em học yếu phải ra khỏi trường. Đội ngũ quản nhiệm có những thầy cô rất “cứng tay”. Biện pháp giáo dục cụ thể cũng khó nói lắm, chúng tôi theo dõi, lập ra một danh sách riêng là những “học sinh cần phải quan tâm”, từ đó có những biện pháp cụ thể.

Ông Võ Ngọc Khánh, giáo viên quản nhiệm trường Đăng Khoa:

Hy vọng qua trường mới sẽ thay đổi được

Ân là một trong những học sinh có nhiều vi phạm. Nhiều lần trường đã tạo điều kiện cho sửa chữa nhưng vẫn lặp lại. Em này hay đánh người vô cớ. Đơn cử như khi ngồi xem tivi với các bạn ở đây, bạn nào làm phiền là Ân cầm điều khiển tivi chọi ngay, quýnh khơi khơi vậy đó.

Tôi có nhiều lần mời phụ huynh của em đến làm việc. Cuối cùng nhà trường đưa ra quyết định cũng rất tế nhị là cho Ân chuyển trường, kêu gọi gia đình thay đổi môi trường học cho em. Hy vọng qua trường mới sẽ thay đổi được tính cách của em. Nếu để đây em lại đánh nhau, lỡ gây án mạng thì nhà trường cũng ngại. Thực ra mà nói mức độ vi phạm của Ân không thể chấp nhận được ở trong trường. Từ đầu hè chúng tôi đã báo gia đình, gợi ý cho Ân chuyển trường nhưng gia đình xin cho em được ở lại học và cam kết sửa đổi.

Ngoài Ân, cũng có một vài em có biểu hiện cá biệt. Có em lúc mới vào thì hạnh kiểm khá nhưng thời gian sau xuất hiện tư tưởng “ma cũ bắt nạt ma mới”, muốn lên làm đại bàng, đại ca ăn hiếp mấy bạn nhỏ. Chúng tôi rất e ngại chuyện đó. Những em hay đánh nhau được xếp vào diện học sinh “không thể dạy được nữa”.

Tùy theo mức độ vi phạm, nếu có thể giáo dục thì chúng tôi uốn nắn. Nhưng nếu vi phạm lặp đi lặp lại, không chịu sửa thì chúng tôi trình lên lãnh đạo xin ý kiến. Với những em có biểu hiện nghịch ngợm, chúng tôi mời phụ huynh vào trao đổi để gia đình cảm thấy không muốn con đi theo con đường sai và cho con chuyển trường khác học.

Theo Trung Dũng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.