“Giải cứu” nông sản - không thể chờ đợi những tấm lòng

Cuộc giải cứu dưa hấu minh chứng thị trường trong nước không hề bế tắc. Đã đến lúc cần giải pháp bền vững để nông sản Việt không chết trên sân nhà.

Cuộc giải cứu dưa hấu minh chứng thị trường trong nước không hề bế tắc. Đã đến lúc cần giải pháp bền vững để nông sản Việt không chết trên sân nhà.

Những ngày trung tuần tháng 5, vẫn là những lời khẩn cầu “xin hãy cứu dưa” của những dân ở hai huyện Bình Sơn và Đức Phổ (Quảng Ngãi) vọng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng như trên tường Facebook cùa các nhóm thiện nguyện, các hiệp sĩ tham gia giải cứu dưa hấu.

Số lượng hơn 600 tấn dưa vẫn khắc khoải chờ tấm lòng, nghĩa cử của cộng đồng xã hội, đông đảo người dân đã từng sẻ chia với đồng bào miền Trung ruột thịt.

 - 1

Nước mắt người dân khi dưa không được thu mua như hứa hẹn của thương lái

Hiệp sĩ giải cứu dưa hấu Trần Hữu Như Anh, một lần nữa rời TP Hồ Chí Minh, về đất Quảng thu mua dưa cho người dân. Như Anh không đành lòng khi nghe lời kêu cứu mà theo anh là đầy tuyệt vọng của bà con miền Trung. Khi mọi người rầm rập đổ về khu du lịch trong đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua, Như Anh quyết định cắt ngắn ngày nghỉ lễ với vợ trẻ, con thơ, để về với bà con xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đang ngày đêm ngóng cổ chờ được giải cứu dưa.

Hơn một tháng trời ròng rã “ăn với dân, ngủ với dân” Quảng Nam, Quảng Ngãi, Như Anh hiểu vì sao phải dấn thân cứu dưa. Tài sản của người dân chính là những quả dưa mà họ dãi nắng dầm mưa chăm chút, đến ngày thu hoạch thì thương lái lại chơi trò ép giá. Để rồi, bán thì tiếc đứt ruột, bởi giá lại rẻ hơn bèo, để thì chỉ trâu bò ăn cũng không hết. Cầm lòng bán cho thương lái mà mắt ai cũng ngân ngấn nước.

 Minh bạch và công khai

Ở đầu cầu Hà Nội, tiếp nhận dưa từ Như Anh chuyển ra là doanh nghiệp trẻ Đặng Như Quỳnh. Gần 2.000 tấn dưa trong vòng không đầy một tháng, chuyển ra đến đâu là  được phân phối đi các địa phương. Không ai có thể hình dung nổi, để được mua một trái dưa, bà con phải rồng rắn xếp hàng như thời bao cấp. Âu cũng là tấm lòng của người dân muốn được sẻ chia với người dân đang trong hoạn nạn.

Sự chung tay, góp sức của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, nhóm “giá tùy tâm” do Ngô Anh Tuấn (Phú Thọ) phụ trách, nhóm Thiện từ tâm (Hà Tĩnh, của hàng trăm tình nguyện viên không tính công sức, đã cứu gần 4 nghìn tấn dưa trong thời gian không đầy một tháng.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải đã viết trên Báo Tuổi trẻ hôm chủ nhật rằng: Chuyện các hiệp sĩ Đặng Như Quỳnh, Trần Hữu Như Anh đã giúp bán cả ngàn tấn dưa hấu cho bà con nông dân, sẽ là nguồn dữ liệu quý giá để phân tích và rút bài học kinh nghiệm cho toàn ngành nông sản của Việt Nam.

Thành công đầu tiên của cuộc giải cứu dưa chính là minh bạch và công khai. Giá mua, phí vận chuyển, giá bán đều được các nhóm giải cứu công khai trên báo chí, trên mạng xã hội.

 - 2

Không thể mãi trông chờ vào những tấm lòng

Đã có những cá nhân sẵn lòng mua quả dưa 7kg với giá 500.000 đồng, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Tài chính TP Việt Trì đã mua ủng hộ trương trình “giá tùy tâm”- một trái dưa một tấm lòng của nhóm hiệp sĩ Ngô Anh Tuấn - 28 quả dưa với số tiền là 28 triệu đồng. Số tiền tùy tâm ấy được các bạn công khai chuyển đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Giá tùy tâm”- phương thức kinh doanh rất mới, đầy táo bạo mà Ngô Anh Tuấn vẫn đang nung nấu quyết tâm thực hiện ở chuỗi hệ thống bán lẻ của mình, để người Việt có cơ hội chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Trong lúc Ngô Anh Tuấn đang bán cho hết số dưa vừa mới đưa từ Tịnh Hiệp ra, Trần Hữu Như Anh đang “xoay vần” với dưa của bà con Bình Sơn, thì Đặng Như Quỳnh đang chuẩn bị cho cuộc giải cứu vải thiều, chất lượng VietGap, tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ cho bà con Bắc Giang - cũng đang rơi vào tình cảnh chờ mà không thấy thương lái. Trên tường Facebook của mình, Như Anh thông báo đã đặt cọc tiền cho 60ha vải thiều chất lượng VietGap, tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ.

Không thể mãi chờ đợi các tấm lòng

Ước mơ của các hiệp sĩ Đặng Như Quỳnh, của Trần Hữu Như Anh và Ngô Anh Tuấn với nông sản Việt sẽ hé mở đường ra cho nông sản Việt, tiêu thụ chính trên thị trường nội địa. Họ đang trăn trở, vì sao hoa quả ngon, loại đầu bảng lại cứ phải ra nước ngoài?

Các hiệp sĩ đã khơi thông được điểm nghẽn trong phân phối và chứng minh rằng, thị trường tiêu thụ trong nước không hề bế tắc. Tại sao nông sản Việt Nam cứ phải thẳng đường tiến về cửa khẩu biên giới, để chấp nhận biết bao nhiêu rủi ro, thua lỗ vì “chơi dao” lại cầm đằng lưỡi?

Rõ ràng, người nông dân bán dưa được giá cao, nghĩa là có lời, người mua được mua với giá thấp hơn nhiều so với thị trường, bởi các hiệp sĩ đã cắt bỏ khâu trung gian trong phân phối, lưu thông. Đành rằng, đợt giải cứu lần này, các hiệp sĩ, các nhóm thiện nguyện đều không đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu. Sau khi trừ chi phí (giá mua, vận chuyển) số tiền lãi họ đều chuyển đến giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Hoàn cảnh, số tiền giúp đỡ cũng đều được công khai minh bạch trên mạng xã hội.

Cuộc giải cứu thần tốc trên tinh thần thiện nguyện đã bừng giấc ngủ dài của các cơ quan có trách nhiệm lo đầu ra cho sản phẩm của nông dân, “nóng” trên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 12.5, Bộ Công Thương ký giấy mời hỏa tốc gửi đến các bộ, ngành liên quan dự hội nghị bàn các giải pháp, phát triển sản xuất, tiêu thụ trái cây, rau quả một cách bền vững.

Xin cảm ơn các hiệp sĩ đã thắp lên ngọn lửa, để nông sản Việt không chết trên sân nhà.

Theo Khám Phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.