Hà Tĩnh: Kinh hoàng... mắm ruốc!

Từ lâu thói quen phải có mắm ruốc làm gia vị trong một số món ăn mới trở nên hấp dẫn và không thể thiếu... Thế nhưng, với những gì mà chúng tôi được chứng kiến tại một số cơ sở làm mắm ruốc có truyền thống ở xã Thạch Kim, Thạch Bằng (huyện Lộc Hà).

Một lần nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại hai địa phương này là hồi chuông cảnh báo đến người tiêu dùng...

Sân phơi là ruộng và bãi biển

Có mặt tại cơ sở sản xuất mắm ruốc của bà Trần Thị Tuyết, xóm Xuân Hải, xã Thạch Bằng vào đúng thời điểm những người công nhân đang làm việc tại cơ sở đem ruốc ra phơi. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sân được dành cho sản xuất, chế biến mắm ruốc.

Sân mà chủ cơ sở này sử dụng là cánh đồng mà chính quyền xã cho thuê với 200m2, sát ngay bên mép sân phơi ruốc là những ruộng lạc của nhân dân trong xã và điều đáng nói hơn là, khu vực này nằm ngay bên con đường dẫn vào trụ sở UBND huyện Lộc Hà, những làn xe chạy ngang qua bụi đất bay mù mịt, phủ kín vào khu vực sân phơi mắm ruốc phía dưới đường. Bụi bặm là thế nhưng tại đây vẫn không hề có một thiết bị che chắn nào nhằm giảm bớt bụi và vệ sinh.

Chưa kể nơi đây là khu vực sản xuất lạc, nhân dân vẫn thường xuyên phun thuốc trừ sâu. Mặt dưới của sân phơi không phải tráng xi măng mà trải tấm bạt lót trên cát để phơi ruốc. Dưới nắng, và bụi ấy, những người làm công nơi đây vẫn miệt mài vận chuyển mắm ruốc sau khi đã qua chế biến ra phơi, thiết bị của họ cũng chỉ là những chiếc cào để đảo lên cho ruốc nhanh khô, tuyệt nhiên không có đồ bảo hộ nào ngoài đôi ủng mà họ mang vào cho đỡ bẩn chân chứ không nhằm đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm của mình đang làm ra cho người tiêu dùng.

Mắm ruốc là thức ăn cho ruồi

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tiếp tục có mặt tại thôn Long Hải, xã Thạch Kim, những gì đang diễn ra còn kinh khủng hơn mà chúng tôi đã nhìn thấy trước đó. Những cơ sở này sản xuất ngay bên cạnh bãi rác và mương nước thải của nhân dân trong xã. Khi có ý định đi vào khu vực của các chủ cơ sở này, ngay lập tức gặp sự ngăn cản của những người chủ ở đây, phải lấy lí do là dân buôn chúng tôi mới có thể có mặt tại đó.

Điều đầu tiên nhìn thấy được là ruồi đen đặc đang đậu trên những sân phơi ruốc, chốc chốc từng đàn lại hốt hoảng bay lên khi có sự xuất hiện của con người, để rồi sau đó mau chóng tìm lại “món ăn” ưa thích của chúng. Thêm vào đó, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ những bao bì đựng cá mắm chất xung quanh phía ngoài, muốn đi vào phía trong chúng tôi phải trang bị cho mình chiếc khẩu trang mới có thể đi tiếp.

Đang mải quan sát, bất ngờ có dòng nước do những người làm ở đây “làm vệ sinh” chảy qua các bao bì đựng con mắm ruốc thu mua từ ngư dân làm nguyên liệu nằm bên đường. Mặc dù cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi như vậy nhưng bà chủ cơ sở này vẫn hồ hởi nói rằng:

“Hiện nay chúng tôi làm không đủ cung cấp cho thị trường đâu, không những cung cấp cho các thành phố lớn mà còn xuất sang nước ngoài…”. Nghe chủ cơ sở này nói mà chúng tôi không khỏi giật mình thay cho các “thượng đế”, bởi lẽ ai đó mà được chứng kiến tận mắt như chúng tôi chắc hẳn không tránh khỏi lo sợ về thói quen ăn mắm ruốc của mình lâu nay.

Ngay cạnh các cơ sở làm mắm ruốc là khu vực mà phần lớn người dân Thạch Kim sử dụng làm nơi đại tiện, bởi lẽ theo chính quyền xã cho biết, hiện nay có tới hơn nửa số hộ gia đình trong xã chưa có nhà vệ sinh, vì thế bãi biển mặc nhiên trở thành nơi dùng chung của người dân ở đây.

Hiện nay, có một thực trạng chung của các cơ sở làm mắm ruốc ở Thạch Bằng và Thạch Kim là thiếu sân phơi, cho nên tất cả đều được tận dụng, bất kể nó nằm ngay cạnh đường, bãi rác hay nơi đại tiện của người dân nơi đây. Ai dám chắc được rằng trong mắm ruốc đem tiêu thụ trên thị trường không mang mầm bệnh?

Ý kiến của chính quyền

Khi đem những vấn đề này trao đổi với chính quyền địa phương, ông Phạm Xuân Đức - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Hàng năm có vài đợt cán bộ trên huyện về kiểm tra, thậm chí đã có một số cơ sở bị phạt, còn đóng cửa thì chưa. Vì thế đến nay các cơ sở này vẫn hoạt động đều đặn mỗi khi vào vụ ruốc từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau...”. Không hiểu vì lí do gì mà các cơ quan chức năng huyện Lộc Hà vẫn mặc nhiên làm ngơ cho các cơ sở này sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh nghiêm trọng trong suốt thời gian dài…

Trên thực tế, việc các cơ sở làm mắm ruốc ra đời là một việc làm cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh địa phương, bởi có tới 2/3 số dân là hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp. Không những thế các cơ sở này còn tiêu thụ giúp nhân dân các nguồn lợi từ biển, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể , tạo công ăn việc làm cho bà con.

Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan ban ngành sớm quan tâm cũng như tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở này. Thường xuyên phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở và công nhân đang làm việc tại đây, nếu không một ngày không xa mắm ruốc sẽ không còn chỗ đứng trong danh mục thực phẩm của người tiêu dùng.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.