Hành trình "khai hoa" của những bà mẹ có HIV

Khao khát được một đứa con mạnh khỏe luôn là một ước mơ cháy bỏng của người có HIV (NCH). Thế nhưng nhiều NCH hiện không biết làm thế nào để biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Không ít người đã tình nguyện đánh bạc với số phận, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm HIV, để có được một đứa con chưa chắc không nhiễm HIV.

"Có thể chia các cặp vợ chồng có HIV mong muốn có con thành 2 nhóm: Cả 2 đều là NCH hoặc là "cọc cạch" (vợ có HIV nhưng chồng không có hoặc ngược lại). Với mỗi nhóm lại có cách dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con riêng. Tuy nhiên, cả 2 nhóm đều giống nhau ở "khâu liều", nghĩa là đều quan hệ tình dục trực tiếp để có con". N.T.L, một tuyên truyền viên đồng đẳng của Nhóm Vì ngày mai tươi sáng (Hà Nội), giải thích về cách sinh con của những NCH hiện nay.

L. tâm sự: Trường hợp của L., thuộc nhóm "cọc cạch", tức là chồng có HIV nhưng vợ không. "Khi yêu, em đã biết anh ấy có HIV rồi. Nhưng vì yêu quá nên vẫn quyết định lấy nhau. Lúc đầu, cả 2 vợ chồng đều xác định sẽ không có con. Nhưng ước mơ có được một đứa con ngày càng lớn dần và chúng em quyết định phải sinh một em bé", L. kể.

Qua tìm hiểu, L. loáng thoáng chuyện nếu áp dụng phương pháp lọc rửa tinh trùng thì có thể sinh được một em bé khỏe mạnh. Thế là, cả 2 vợ chồng L. tìm đến một BV Phụ sản để "hỏi dò". Đáng tiếc, câu trả lời từ một BS lại là: "Không lọc rửa tinh trùng cho người có HIV vì... có quy định như thế".

Hết hy vọng được lọc rửa tinh trùng ở Việt Nam, hai vợ chồng L. đã tính đến chuyện sang Thái Lan. Nhưng nếu sang đó sẽ mất 2.500 USD/lần (khoảng 24 ngày), chưa kể đến chi phí thuê phiên dịch, lo chỗ ăn chỗ ở... Như vậy, dù có sinh được đứa con khỏe mạnh thì vợ chồng L. cũng rơi vào tình trạng khánh kiệt. Bởi vậy, sau bao đêm thức trắng, vợ chồng L. quyết định... liều, tức là quan hệ tình dục bình thường để sinh con.

L. thành thực: "Tất nhiên là sợ nhiễm HIV lắm chứ nhưng ước mong có con còn lớn hơn, vì vậy em đành đánh bạc với số phận một lần". Vợ chồng L. từng bước áp dụng kinh nghiệm mà nhiều lần cặp có HIV khác "mách", đó là L. đi khám kiểm tra xem mình có HIV không, rồi kiểm tra viêm nhiễm phụ khoa, siêu âm tử cung, soi buồng trứng... Về phía ông xã L., cũng đi kiểm tra CD4, tải lượng virut (nếu CD4 cao,tải lượng virut âm tính thì khả năng lây nhiễm sang con càng ít)... Khi mọi kết quả đều ổn, L. phải "canh" trứng rụng để đi siêu âm. Hôm BS thông báo, khả năng thụ thai cao trong 6 - 12 giờ thì vợ chồng L. "tiến hành" ngay, không hề sử dụng bao cao su.

"May là 1 lần "ăn" ngay chị ạ. Chứ nhiều cặp phải làm đi làm lại nhiều lần mới thụ thai được. Như vậy, nguy cơ lây HIV từ chồng sang vợ (hoặc ngược lại) sẽ cao hơn nhiều" - L. khoe. Nói vậy, nhưng không có nghĩa là đã hết lo lắng, trong suốt thời gian mang thai, cả 2 vợ chồng L. luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng, khắc khoải chờ đợi và nơm nớp lo sợ về một kết cục xấu nhất.

"Ông trời cũng thương nên giờ em vẫn chưa có HIV. Hoàng tử của vợ chồng em cũng thế, giờ cháu đã dược 3 tuổi. Em thấy mình may mắn vô cùng, chứ một số trường hợp dù cha mẹ đã áp dụng đủ mọi cách nhưng đứa con vẫn nhiễm HIV, khổ lắm..." - L. chia sẻ.

L. kể về hoàn cảnh một cô bạn tên T. rất đáng thương. Biết mình có HIV, T. đã uống thuốc dự phòng đầy đủ và còn khẩn khoản xin BS được mổ đẻ. Nhưng BS kiên quyết không đồng ý mổ, sau 10 tiếng đau đẻ dữ dội, T. mới được mổ cấp cứu. Sau đó, cháu bé sinh ra đã nhiễm HIV.

Chưa thể khẳng định vì T. không được mổ nên cháu bé bị nhiễm HIV nhưng khả năng này là có. Rất nhiều NCH phản ánh các cán bộ y tế cũng rất e ngại "đụng dao kéo" cho họ. Đây là một điều rất đáng buồn, vì sự kỳ thị NCH vẫn tồn tại ngay trong chính ngành y tế - P., một bà mẹ có HIV bức xúc lên tiếng.

Chị P. tâm sự rằng, sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác tủi nhục khi phải chịu sự kỳ thị của nhân viên y tế và những người xung quanh trong thời gian nằm chờ sinh con. Trước khi vào viện để làm thủ tục, chị P. không hề biết mình có HIV. Khi biết tin này, chồng chị đi xét nghiệm và cũng có kết quả dương tính. Anh ta "sốc" mạnh tới mức để vợ nhập viện và sinh con một mình. Đau đớn tột cùng, nhưng chị P. vẫn gượng sống để chờ sinh con. Nỗi buồn đau còn tăng gấp bội vì chị P. được "ưu tiên" mặc riêng một màu áo vàng trong phòng luôn có chữ HIV, còn nhân viên y tế và những người xung quanh đều nhìn chị P. với ánh mắt dò xét, khinh khỉnh.

Những ngày nằm chờ sinh, tôi khiếp sợ vô cùng, chỉ lo con mình sinh ra lại nhiễm HIV, tôi đâu có biết mình nhiễm HIV để uống thuốc dự phòng từ khi mang thai 28 tuần tuổi. Chờ tới khi em bé được 18 tháng, khi biết chính xác con mình không nhiễm HIV, tôi mới thực sự thấy có động lực để sống. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi vẫn giấu rằng mình có HIV vì sợ con mình sẽ phải chịu sự kỳ thị như mình đã từng phải chịu - chị P. tâm sự.

Các bà mẹ có HIV, cũng là những tuyên truyền viên đồng đẳng, còn kể rất nhiều câu chuyện về hành trình sinh con của NCH. Nhưng một điều dễ nhận thấy trong mọi câu chuyện là hiện nay còn rất nhiều bà mẹ có HIV mù tịt thông tin các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chỉ đến khi có người đến tuyên truyền, các bà mẹ có HIV mới mở mang kiến thức thêm một chút. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn ngại ngần, không dám đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vì sợ bị lộ, bì kỳ thị...

Theo Phương Liên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.