Huyền bí "rừng ma"

Với người Vân Kiều miền tây Quảng Trị thì mảnh đất an táng cho người chết trong dòng họ dưới tán rừng được gọi là "rừng ma". Họ bảo vệ "rừng ma" để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình...

Trở lại với rừng

Dòng sông Sê Pôn chia đôi đường biên giới Việt Lào. Bên kia dòng Sê Pôn, những cánh rừng hoang vu thuộc tỉnh Savanakhet (Lào) trải dài hút tầm mắt. Bên này - nước Việt, vùng đất thuộc các xã A Dơi, Xã Thanh, Xã Thuận, Xã Xí... huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là những khu rừng xanh tốt, rậm rạp và đó chính là những khu "rừng ma".

Tôi tìm đến nhà già làng bản Pa Roi (xã A Dơi) lúc trời vừa nhá nhem tối. Già Pả Chiêng vừa trở về nhà sau một ngày làm việc trên nương, ông đón khách lạ với vẻ ngờ ngợ, cảnh giác "Anh vào đây có việc gì, đã báo cho cán bộ biên phòng chưa!". Tôi đưa giấy giới thiệu, nói đã báo với cán bộ biên phòng và muốn vào đây để xin phép tìm hiểu về những khu "rừng ma" của bản. Nghe tôi nói vậy, già Chiêng xởi lởi mời khách cùng ăn bữa cơm tối...

Đêm, bên bếp lửa cháy bập bùng giữa nhà sàn, già Chiêng chậm rãi kể chuyện "rừng ma" cho tôi nghe. Già bảo: "Người Vân Kiều quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật của tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trong rừng, có sinh ra, lớn lên thì cũng phải chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc; ngôi nhà để ở, con nước để uống, nên khi chết chỉ trở lại với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi. Khi chết, người Vân Kiều sẽ chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời khẩn nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Vậy nên, chốn ấy như linh hồn của dòng tộc người Vân Kiều miềng vậy".

Theo già Chiêng, mỗi dòng tộc trong các bản của Vân Kiều miền Tây Quảng Trị được gọi là một xâu. Mỗi xâu sẽ có một "rừng ma" riêng với hàng trăm ngôi mộ được chôn từ đời này sang đời khác. Tục chôn người của bà con Vân Kiều cũng rất đơn giản, sau khi người chết qua đời, nếu chết do đau ốm, bệnh tật tuổi cao... thì sẽ được người trong dòng họ chôn bên phải, người nào chết xấu như đi rừng gặp nạn, bị tai nạn giao thông... sẽ được chôn về phía bên trái của "rừng ma".

"Sống" dưới đại ngàn

Mặt trời vừa ló dạng, bản Pa Roi như tỉnh giấc. Người lớn trong bản vội vã về trị trấn cho kịp gùi măng, đấu gạo. Hồ Thảng - chàng thanh niên của bản Pa Roi mà già Chiêng sai làm nhiệm vụ dẫn chúng tôi vào "rừng ma" cũng đã có mặt. Con đường vào rừng thiêng âm u đến kỳ lạ, sương núi giăng ngang vắt trên từng tán lá rừng.

Vừa đi, Hồ Thảng vừa kể với tôi những câu chuyện về "rừng ma" của xâu mình đầy niềm tự hào. Theo Hồ Thảng, thuở xưa, rẻo đất Pa Roi nép mình bên dòng sông Sê Pôn chỉ có lác đác vài khu "rừng ma" của người Vân Kiều bản địa. Sau đó, thấy vùng đất này bằng phẳng lại tốt tươi nên người các nơi khác đổ về làm ăn sinh sống và định cư nơi đây ngày càng đông. Dần dần, các xâu đều khoanh đất cho xâu mình để chôn cất người thân đã mất nên ngày nay mới có nhiều rừng thiêng đến thế.

Đường một lúc một khó đi hơn, cây cối rậm rạp, Hồ Thảng phải luôn tay chặt các cành dây leo để mở đường cho tôi đi. "Vì dân bản chôn người chết xong thì ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về nhà để con ma không đuổi kịp, không trở về làng làm hại mùa màng. Người dân không để lại dấu đường vì sợ người chết nhớ thương người những người đang sống mà về bắt bệnh" - Hồ Thảng giải thích.

Đến giữa trưa, chúng tôi đặt chân đến khu "rừng ma" của xâu già làng Pả Chiêng. Hàng chục nấm mồ hiện ra trong sương giăng mờ mờ. Những ngôi mộ rêu xanh phủ kín, nếu không tinh ý, có thể đạp lên mộ ngay dưới chân mình...

Người chết...bảo vệ rừng

Người Vân Kiều rất tự hào về khu "rừng ma" của xâu mình. Theo quy ước thì người của xâu nào chết phải được chôn ở phần đất của xâu đó. Không ai được xâm phạm hay tranh giành phần rừng của người khác. Mặc dù chôn không dấu, không vết nhưng không bao giờ có chuyện nhầm lẫn từ xâu này sang xâu khác.

Theo tục chôn của người Vân Kiều, sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, khi nào con lợn trong chuồng, con dê trên rẫy đã lớn, người Vân Kiều sẽ tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất. Việc cúng bái của người Vân Kiều cũng không cầu kỳ. Tùy thuộc vào ý nguyện và điều kiện của từng nhà mà lễ vật cúng khác nhau.

Trái ngược với việc cúng bái đơn giản, nơi chôn người chết (rừng ma) đối với người Vân Kiều là vô cùng linh thiêng, với nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt. Theo già làng Pả Chiêng, suốt cuộc đời gắn với rừng, nên người Vân Kiều xem các khu "rừng ma" là một phần tài sản của dòng họ mình, không ai nỡ chặt phá. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu xâu. Sau đó vị đầu xâu sẽ đừng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng thần mới được vào khai thác.

Người Vân Kiều quan niệm rằng, ngôi mộ của người chết là chốn linh thiêng, không ai được đào bới, cải táng, Hôm vào rừng ma, chúng tôi bắt gặp hàng trăm ngôi mộ bị mưa rừng xói lở hoặc bị thú đào bới tanh bành. Hồ Thảng giải thích: "Biết những ngôi mộ của bà con mình bị xói lở nhưng dân bản cũng không thể đắp lại. Luật ở bản đã quy định rồi, để người sống được yên không ai được dọn dẹp, xây dựng gì ở phần mộ đó cả".

Theo Phan Phương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.