Kỳ vọng sự thay đổi thật sự sau quyết định dừng chặt cây

Tintuconline đã có bài phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh - chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành truyền thông về vấn đề này.

Sau phản ứng của dư luận Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định dừng việc chặt cây trên các con phố. Trước quyết định của UBND Thành phố và phong trào kêu gọi bảo vệ cây xanh của cộng đồng, Tintuconline đã có bài phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh - chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành truyền thông về vấn đề này.



Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê)


- Theo ông, liệu có phải vụ chặt cây xanh này bị dân phản ứng là do chính quyền làm truyền thông kém như Chủ tịch Hà Nội nhận định không? Hay còn nguyên do khác?
 
- Vấn đề lớn nhất trong vụ này là sự thiếu minh bạch thông tin. Cũng có thể nói là công tác truyền thông cho các chính sách công ở ta là rất yếu. Không chỉ ở vụ này, mà nhiều quyết sách khác ít được lòng dân đồng thuận là vì dân không hiểu, không biết các quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến xã hội, đến cuộc sống của họ như thế nào, trong bao lâu, và vì sao phải chấp nhận các thay đổi đó.
 
Cho đến hôm nay, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã có quyết định sửa chữa sai lầm rồi, tôi sẽ không bàn nhiều nữa. Nhưng một điều có thể thấy là đa số người dân ủng hộ quyết định mới này của ông. Tất nhiên, họ cũng kỳ vọng ở sự thay đổi thật sự sau quyết định dừng chặt cây xanh.
 
- Cách ứng xử về truyền thông của chính quyền có gì đáng nói?
 
- Thứ nhất, thông tin về kế hoạch chặt hạ và thay cây mới chưa được truyền thông rộng rãi đến nhân dân. Đó là sai lần thứ nhất. Cái sai thứ hai là đại diện chính quyền lại có những phát biểu coi thường sự tham gia của người dân. Tuy vậy, như tôi nói, ông Chủ tịch UBND đã hành xử đúng khi cho dừng chặt cây để rà soát lại toàn bộ chiến dịch.
 
- Bài học nào cần rút ra ở đây là gì thưa ông?
 
- Cần có một sự quan tâm đúng mức về hiệu quả truyền thông, trong mọi quyết sách có ảnh hưởng ít hay nhiều đến cuộc sống của người dân. Bất cứ trong điều kiện nào, chính quyền phải làm cho nhân dân hiểu rõ kế hoạch cụ thể, minh bạch hoá mọi nội dung trong kế hoạch thực thi, phân tích rõ sự cần thiết và những tác động của các quyết sách đó.
 
Nếu như chính sách đúng mà không được truyền thông tốt thì vẫn có thể bị hiểu lầm và bị phản ứng. Đừng trách nhân dân không hiểu. Đầu tiên phải trách người làm truyền thông không làm cho dân hiểu hoặc hiểu sai.
 
- Quan điểm của ông như thế nào về việc chặt cây của TP Hà Nội?
 
- Tôi tin là trong số 6700 cây trong kế hoạch, ít nhiều cũng có những cây thực sự cần phải thay thế. Tôi sẽ ủng hộ dự án, nếu biết chắc những cây nào cần phải chặt và thay thế, kế hoạch thực hiện thế nào, bao giờ thì bù đắp lại được những biến động, thay đổi môi trường mà việc chặt cây gây ra. Và việc chặt bỏ và thay thế cây mới phải được làm theo một lộ trình và kế hoạch kỹ thuật chặt chẽ để giảm thiểu tác động môi trường và cảnh quan. Tất nhiên, những cây không chứng minh được là cần thiết phải chặt bỏ thì không được chặt và phải bảo vệ.


Mọi cách làm, mọi sáng kiến đều có thể có hiệu quả, nếu làm bài bản và thiết thực.

 
- Hiện tại có nhiều bạn trẻ đang tới từng gốc cây một để dán những dòng chữ “Vì một Hà Nội xanh” theo ông cách làm này có hiệu quả hay không?
 
- Mọi cách làm, mọi sáng kiến đều có thể có hiệu quả, nếu làm bài bản và thiết thực.
 
- Là người làm truyền thông, theo ông chúng ta nên làm cách nào để kêu gọi việc dừng chặt cây này hiệu quả nhất?

 
- Chúng ta đang làm đúng, qua báo chí, qua mạng xã hội, qua kiến nghị trực tiếp của những công dân có trách nhiệm. Rõ ràng, với những quyết định mới nhất về việc dừng chặt cây xanh, các nỗ lực truyền thông của cộng đồng đã phát huy tác dụng. Quan trọng nhất là phải có cái đầu tỉnh táo để biết làm thế nào, làm đến đâu là đúng, đừng a dua cảm tính.

Dương Thảo/Vietnamnet


Bình luận