Lo âu trước giờ “G”

Bắt đầu từ ngày 1-1-2010 sẽ cấm, hạn chế xe 3, 4 bánh thô sơ ở 67 tuyến đường trên địa bàn TPHCM.

>> 12 ngày nữa đến hạn cấm và hạn chế xe ba bánh

Chưa đầy 10 ngày nữa là đến thời điểm TPHCM cấm, hạn chế xe 3, 4 bánh thô sơ hoạt động trên nhiều tuyến đường.

Trước giờ “G” ngày 1-1-2010, UBND TP đã nhiều lần gia hạn lùi thời gian thực hiện để các địa phương và người dân có sự chuẩn bị, thế nhưng khi khảo sát, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì hàng ngàn người sinh sống bằng phương tiện này vẫn chưa tìm được một nghề mới ổn định.

“Gác” xe chờ tiền hỗ trợ

Không chờ đến ngày cấm, cách đây 3 tháng, anh Đào Thái Mỹ (ngụ 46/5 Tân Mỹ, phường Tân Thuận Tây, quận 7) đã mang chiếc xích lô, phương tiện mưu sinh chính của gia đình sau hơn 20 năm gắn bó, xếp vào một góc gọn gàng, chuyển sang chạy xe ôm trước chợ Tân Thuận Đông.

“Có đứa em làm công nhân, thường vào ban đêm, nên ban ngày tranh thủ nó nghỉ ngơi, tôi mượn xe máy của nó để mưu sinh trong khi chờ địa phương giải quyết tiền hỗ trợ theo quy định”- anh Mỹ cho biết.

Tuy nhiên theo anh Mỹ, anh đã lên phường 2 lần điền tờ khai có sử dụng phương tiện xe 3, 4 bánh nhưng đến nay vẫn chưa thấy phường gọi lên giải quyết hỗ trợ theo quy định là 7 triệu đồng/hộ xóa đói giảm nghèo. Lần mới nhất là đầu tháng 11 thì phường vẫn nói “chờ... quận giải quyết!”.

Khác với anh Mỹ, ông Lê Văn Thọ (ngụ khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7) lại không mong chờ phường gọi lên hỗ trợ chuyển nghề mà chỉ muốn chính quyền xác định cụ thể những tuyến đường cấm xe 3, 4 bánh thô sơ hoạt động để “né” khỏi bị phạt.

Đưa chúng tôi xem những loại giấy tờ (bằng lái xe, giấy kiểm định, giấy chứng nhận nguồn gốc) của chiếc ba gác máy mà ông đang chạy, ông Thọ ngậm ngùi: “Nhà nước cấm đường nào, tôi trừ tuyến đường đó ra và ai kêu chở đồ gì thì chở chứ ở tuổi 60 như tôi mà nói chuyển đổi nghề thì khó lắm. Nếu Nhà nước có cho vay vốn mua xe tải thì tôi cũng chào thua vì làm sao đi học để có cái bằng lái!”.

Tâm tư của ông Thọ cũng là suy nghĩ chung của nhiều chủ phương tiện lớn tuổi, đã gắn với nghề chạy ba gác nhiều năm qua.

Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, hàng trăm người chạy ba gác cũng mang hàng trăm lo toan khác nhau. Anh Nguyễn Thanh Tùng, giọng buồn buồn, nói: “Một, đến hai năm nữa không biết tôi mua nổi chiếc xe 3 bánh Trung Quốc không, Tết đến nơi mà chưa có tiền mua quần áo cho 2 đứa nhỏ, huống gì...!”.

Gần đó, anh Mai Công Pháp không giấu được nỗi lòng: “Nếu nghỉ chạy ba gác, chắc tôi sẽ cho đứa lớn (đang học lớp 11) nghỉ học, còn đứa kế (học lớp 10) ráng gượng xem sao, đứa út mới 4 tuổi lo tới đâu hay tới đó”.

Nhận tiền xong, không biết làm gì

Có thể nói quận 8 là địa phương có số người sử dụng phương tiện xe 3, 4 bánh nhiều nhất, nhì TP, tập trung chủ yếu ở các phường có nhiều lao động nghèo. Qua ghi nhận, hầu hết số hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo đang sử dụng phương tiện đều được quận 8 ưu tiên hỗ trợ trước so với các hộ khác.

Bà Ngô Thị Lệ Thu (ngụ số 287/1 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8) cho biết cách đây một tháng, phường mời hộ bà lên nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề. Do nằm trong diện xóa đói giảm nghèo nên hộ bà Thu được nhận 7 triệu đồng.

Bà Thu lắc đầu: “Nhận tiền xong đem trả nợ coi như hết. Nhà tôi có 2 chiếc ba gác máy, đăng ký một chiếc với phường nhận 7 triệu đồng, chiếc còn lại vẫn để đứa con chạy kiếm thêm đồng ra đồng vô. Nếu phường tịch thu cái xe thì coi như hết cách...”.

Cùng nỗi lo, anh Nguyễn Văn Ngàn (ngụ số 299 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8) âu sầu: “Nghe đâu vài ngày nữa phường sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho hộ có xe 3, 4 bánh không phải diện xóa đói giảm nghèo. Nhận số tiền này nhưng chẳng biết làm gì vì bao nhiêu năm gắn với nghề, giờ khó kiếm việc làm khác!”.

Một số hộ khác cũng phản ánh: Nếu quận 8 chi trả hỗ trợ bằng cách quy đồng đều phương tiện là không hợp lý. Ông Lê Văn Tư cũng ở xóm ve chai so sánh: “Tôi có chiếc ba gác máy được nhận 5 triệu đồng, người có xe đẩy tay cũng nhận được như vậy, trong khi trị giá đầu tư hai loại xe này thì khác xa nhau!”.

Nỗi lo người nhập cư

Ngoài những phương tiện như ba gác đạp, ba gác máy, hình ảnh xe đẩy tay rong ruổi khắp nơi cũng là loại phương tiện bị cấm, hạn chế ở 67 tuyến đường kể từ 1-1-2010, trong đó những người dân nhập cư không nằm trong đối tượng được hỗ trợ.

Phường 3, quận 8 là nơi có nhiều xe đẩy tay mua ve chai hoạt động, hầu hết những chủ phương tiện này đều là dân từ các nơi khác đến. Theo chân chị Lê Thị Tình (quê Bắc Ninh) về căn nhà trọ chị thuê cùng với 8 người khác cùng quê ở hẻm 213 đường Âu Dương Lân, khu phố 2, phường 3, quận 8, chúng tôi phần nào hiểu rõ tâm tư của các chị.

Căn nhà trọ rộng chừng 60 m² là chỗ ở của 9 người cùng 9 chiếc xe đẩy tay được xếp chật như nêm. Chị Tình kể: “Tôi vào đây được 4 năm. Ban đầu đi mua ve chai bằng xe đạp nhưng sau đó thấy xe đẩy tay tiện hơn nên bỏ 450.000 đồng ra mua. Giờ cấm xe đẩy tay, chúng tôi chỉ còn biết đem bán ve chai và dùng lại phương tiện cũ thôi!”.

Anh Trần Minh Cương (quê Nam Định), tạm trú huyện Hóc Môn và đang mưu sinh bằng nghề chạy ba gác ở chợ đầu mối Hóc Môn, cũng lo lắng: “Tôi có KT3 nhưng nghe nói không được hỗ trợ gì. Không chỉ riêng tôi, ở chợ này có hơn 300 người làm nghề này là dân nhập cư. Sắp tới không biết lấy tiền đâu để chuyển đổi phương tiện?”.

Khi khảo sát, chúng tôi không ít lần đặt câu hỏi với những người mưu sinh bằng xe 3, 4 bánh: Chủ trương cấm được Nhà nước lùi lại nhiều lần nhưng sao chú, bác không chuẩn bị trước? Và câu trả lời là: Tụi tôi là dân lao động nghèo không có tiền mua xe khác, nghèo nên học vấn thấp dẫn đến không biết chuyển nghề gì để có thu nhập tương đương!

Theo Quý Hiền- Thu Hồng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.