Mổ não chữa động kinh: Có phải “ngang ngửa với thế giới”?

Ngoài việc mổ não chữa tâm thần hoang tưởng đang gây nghi ngờ trong dư luận, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tỵ - giám đốc Bệnh viện (BV)Đa khoa Bình Định - còn thực hiện rất nhiều ca mổ não chữa động kinh. Theo lời ông Tỵ, kết quả cũng thuộc loại “ngang ngửa với thế giới”. Sự thật có đúng như vậy không?

Từ phản ảnh của bạn đọc cũng như chỉ dẫn của một số bác sĩ (BS), chúng tôi đã tìm đến các bệnh nhân sau mổ động kinh ở BV Đa khoa Bình Định.

Tiền mất tật mang

Ngày 15-9, qua điện thoại, anh T. - cha bé P. (2 tuổi, ngụ TP.HCM) đang điều trị tại BV Đa khoa Bình Định - cho biết: “Nhìn con mà đứt ruột. Trước mổ cháu vẫn chạy chơi, bi bô nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng chân yếu đứng không được, mắt trợn lên, vài phút sau thì đi lại bình thường. Khám ở BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), BS nói cháu bị động kinh và cho thuốc uống. Thấy báo đăng BV Đa khoa Bình Định mổ não chữa bệnh này, chúng tôi đưa cháu ra. BS Tỵ nói hẹp hộp sọ phải mổ, thành công trên 85%. Nào ngờ...”.

Anh T. kể tiếp: “BS lại cắt cả hai miếng hộp sọ từ trên trán đến giữa đỉnh đầu, đường kính 6-8cm/miếng và nói hai năm sau ra ghép lại. Sau mổ bị nhiễm trùng gây viêm não, cháu co giật liên tục, chân co quắp, mắt mở nhưng không còn nhận biết được bố mẹ nữa”.

Anh dự định ngày 19-9 đưa con về lại TP.HCM. Ngày 24-9 qua điện thoại, anh nghẹn ngào cho biết: “Cháu đang sốt cao, co giật liên tục, không còn biết gì cả, không khóc được nữa, không ăn, cho nước cũng không nuốt được. BS nói sau này không hi vọng cháu nói được, não đã bị hủy hết. Hai bên trên trán giờ đây lõm sâu vào như cái hố. Viện phí, rồi tiền thuốc mua thêm lên đến gần 200 triệu đồng”.

Một trường hợp khác là bé H. 3 tuổi, từ TP.HCM ra BV Đa khoa Bình Định mổ. Cha cháu cho biết: “Các BS ở TP.HCM nói cháu bị động kinh và cho uống thuốc. Theo một số bài viết trên báo, chúng tôi đưa con ra BV Đa khoa Bình Định, BS Tỵ cũng nói cháu hẹp hộp sọ, phải mổ. Ông Tỵ mổ và bỏ luôn miếng hộp sọ - từ nửa trên trán lên tới giữa đỉnh đầu - rồi lấy da đậy lại. Khi cháu bú thấy chỗ đó thoi thóp như con nít mới đẻ. BS nói đụng nhẹ không sao, sau ba năm nếu phát triển mà không đóng lại thì trở ra BV Đa khoa Bình Định để lắp miếng sọ nhân tạo. Tốn gần 40 triệu đồng nhưng chưa thấy hiệu quả gì”.

Chị B. - mẹ bệnh nhân P.P. 16 tuổi, ở ngoại thành TP.HCM - kể: lúc 3 tháng tuổi cháu bị sốt cao, co giật. Từ đó đi khám và chữa động kinh tại phòng khám trẻ em ở đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, bệnh tình rất ổn, chỉ lên cơn nhẹ mỗi tháng 1-2 lần vào lúc ngủ. Ngày 28-6-2009, chị đưa con ra BV đa khoa Bình Định mổ. “Cháu mổ ngày 18-7, 12 giờ khuya ra khỏi phòng mổ, xuống phòng cấp cứu và nằm chung với người bị tai nạn giao thông máu me đầm đìa. Gần đó có bệnh nhân tâm thần mới mổ ra đau quá rên la ầm ĩ, con tôi không ngủ được, thức giấc lại lên cơn giật” - chị B. nói.

Theo lời chị B., lúc mới ra khám BS cho chụp CT, MRI... sau mổ thì chụp CT liên tục, ngày hai lần hết 1,6 triệu đồng, rồi tiền thuốc trên 2 triệu đồng/ngày. Chị B. đem theo 70 triệu đồng mà không đủ. Sau này cho chụp CT chị đành phải từ chối. Ngày 10-8-2009 P.P. xuất viện.

Lúc mới về cứ 2-3 ngày giật một cơn, không ngủ được, tay chân run, nói khó nghe hơn trước. Phải cho uống lại thuốc động kinh của phòng khám trẻ em mới dịu lại. Chị B. bức xúc: “Lúc đầu BS Tỵ nói mổ xong thì không cần uống thuốc động kinh nữa. Nhưng sau mổ lại nói phải uống từ 6 tháng đến 2 năm. Tại BV tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng hơn. Con mình là còn may”.

Bệnh nhân N.V.H. (27 tuổi, ở Nghệ An) được chẩn đoán “rối loạn tâm thần thể động”. Bệnh nhân mổ ngày 27-7-2009, xuất viện 11-9 trong tình trạng liệt chân trái, hay cáu gắt và khó tiếp xúc. Viện phí trên 48 triệu đồng. Gia đình cho biết anh H. bị bệnh năm 17 tuổi. Sau mổ về không còn đập phá kích động nhưng thỉnh thoảng vẫn nói nhảm, phải uống thuốc chữa tâm thần và liệt nửa người trái.

Bệnh nhân N.T.H. (33 tuổi, ngụ tại Long Thành, Đồng Nai) bị rối loạn tâm thần, nhập viện BV đa khoa Bình Định ngày 9-6-2009. Được ông Tỵ mổ, xuất viện ngày 1-9 với chẩn đoán: động kinh/rối loạn tâm thần, dù người nhà khẳng định rất nhiều lần với ông Tỵ là bệnh nhân không có động kinh.

Tổng chi phí điều trị, ăn ở tốn kém gần 70 triệu đồng để rồi bệnh nhân về nhà trong tình trạng liệt nửa người trái, thức trắng đêm, bỏ ăn, nói nhảm. Ngày 4-9, gia đình phải đưa bệnh nhân nhập viện BV Tâm thần TP.HCM điều trị và xuất viện sau đó khoảng 10 ngày với chẩn đoán: liệt nửa người trái, di chứng tổn thương não sau phẫu thuật não.

Ngày 15-9 sau chụp cộng hưởng từ kết quả cho thấy: xuất huyết não trán phải, có phù nề xung quanh, máu tụ dưới màng cứng mỏng ở trán hai bên, không gây hiệu ứng choán chỗ. Ngày 1-10, bệnh nhân tái khám tại BV Tâm thần TP.HCM, BS cho biết: hiện những biểu hiện của bệnh tâm thần, ảo thanh, ảo giác ở bệnh nhân vẫn còn và phải tiếp tục dùng thuốc chữa tâm thần. Bệnh nhân bị liệt nhẹ dây 7 ngoại biên, liệt nhẹ tay trái, liệt nặng chân trái, phải tập vật lý trị liệu, châm cứu. Khả năng phục hồi chức năng vận động rất chậm và thậm chí khó hồi phục.

Khả năng thành công vô cùng thấp

Theo PGS.TS Võ Văn Nho - chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh VN, có nhiều phương pháp chữa động kinh, trong đó có phẫu thuật nhưng chỉ định rất hạn chế và phải rất thận trọng, khả năng thành công rất thấp. Muốn đánh giá phải qua theo dõi bệnh nhân nhiều năm liền, thậm chí mười năm.

Về hẹp hộp sọ - là do khớp sọ dính sớm từ trong bào thai - ông Nho cho rằng cắt khớp sọ nhằm làm bung hộp sọ ra để não phát triển với hi vọng có thể cải thiện về mặt tâm thần và vận động. Phải mổ sớm trước 6 tháng tuổi nhưng khả năng thành công cũng rất thấp và gần như rất hiếm hoi. Sau 6 tháng đến 2 tuổi mà mổ thì tỉ lệ thành công vô cùng thấp, hay nói khác hơn là không thành công.

Một giáo sư, tiến sĩ chuyên gia đầu ngành về ngoại thần kinh phân tích thêm: chỉ định mổ não chữa động kinh phải rất dè dặt và có đầy đủ các thiết bị đặc biệt như CT, MRI, PET CT, X knife, gamma knife... Phẫu thuật chỉ thực hiện sau khi định vị được thật chính xác vị trí thương tổn thực thể. Vì để đường dao đến vị trí cắt bỏ sẹo sẽ tàn phá những nhu mô kế cận và tạo sẹo mới.

BS Phạm Quỳnh Diệp - trưởng khoa khám trẻ em BV Tâm thần TP.HCM - thắc mắc: trẻ đang điều trị ở TP.HCM hay các tỉnh đã đi khám, chụp CT, MRI đều không phát hiện hẹp hộp sọ, sao cứ ra BV Đa khoa Bình Định thì BS nói hẹp hộp sọ, động kinh phải mổ? Trẻ bị rối loạn TIC (giật nhẹ cơ, nháy mắt, lâu lâu giật tay nhẹ...) ra BV Đa khoa Bình Định cũng nói hẹp hộp sọ và mổ. Vậy tiêu chuẩn nào để chẩn đoán hẹp hộp sọ ở trẻ em VN?

Theo Kim Sơn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.