Một ngày thử làm gái tẩm quất

Theo giới thiệu của một người bạn cũ, tôi xin vào một quán tẩm quất, thư giãn trên phố Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. Sau 10 phút “phỏng vấn” tôi được nhận vào thử việc ngay hôm đó.

Ca làm việc bắt đầu từ 6h30 có mặt để trang điểm. Theo thỏa thuận tôi học việc 1 tuần không có lương. Vì người mới nên tôi không biết đến “quy định” ăn mặc khi làm việc là phải hở những chỗ cần phải hở. Chị quản lý châm chước cho tôi mặc quần ngố, áo phông.

Trời mùa thu tối rất nhanh, những chiếc đèn mờ màu đỏ được bật lên, rèm được kéo ra. Theo hướng dẫn, công việc hôm nay của tôi chỉ đứng nhìn các chị làm để học.

Giọng miền Nam hút khách Thủ đô

Tôi làm cùng ca có 5 người tuổi cũng ngoài 20. Chị D được giao hướng dẫn tôi. “Quán mình chỉ tẩm quất, xoa bóp thôi, không có giác hơi nên không vất vả lắm. Mọi người có vẻ khó gần nhưng thực ra dễ nói chuyện lắm”, chị D chị đưa tôi đi xem toàn bộ quán và nói.

Nhân viên trong quán có riêng tôi lạc lõng vì cách ăn mặc, còn người nào cũng áo hai dây, quần đùi hoặc váy siêu ngắn. “Em mặc như thế khách vào nhìn đã nóng nực rồi, khi làm việc mình cũng nóng lắm, cứ mặc cho thoải mái nhất, dễ chịu nhất”, một “đồng nghiệp” nhắc nhở tôi.

Ngồi tới gần 8h mới có một khách tới, hình như là khách quen của chị D nên chị đưa luôn lên tầng hai, gọi theo một tách cà phê đen nóng. Tôi ngỏ ý muốn theo lên xem làm, chị từ chối luôn “anh ấy không thích nhiều người đâu em”.

Khi mang cà phê lên phòng, tôi thấy chị D ngồi lên lưng của người khách đang bóp vai. Còn ông khách chỉ có mảnh vải che ngang người, mắt lim dim.

Còn lại mấy chị em ngồi vừa chơi bài vừa xem tivi, trong nhóm có 2 chị nói giọng miền Nam. Gần 9h, có hai người khách chừng ngoài 40 tuổi vào quán hơi sặc mùi men. Được biết, đây là khách của hai chị miền trong.

Chị X (SN 1983, quê ở Phù yên, Sơn La) nói với cái vẻ hơi ghen tỵ “hai đứa nó lúc nào cũng vào hàng top của quán đấy, tiền bo nhiều lắm vì chúng biết nhiều mẹo moi tiền của khách bằng cái giọng miền Nam. Người miền Bắc mình nghe giọng của nhau quen rồi nên thích lạ”.

Tôi nói em chưa mua được áo hai dây, quần ngắn thì chị X nói sẽ cho tôi mượn. “Nhiều khách không đưa tiền bo đâu mà họ nhét vào áo ngực…” - chị X nói thêm tác dụng của việc mặc hở hang.

Tẩm quất phục vụ... mọi nhu cầu

Theo chị D kể, quán mở được gần 6 năm, thay mấy đời quản lý rồi. Chỉ có chị là nhân viên kỳ cựu nhất. "Làm nghề này nhiều khi cũng tủi lắm em ạ, đa số là không có chồng, người yêu cũng chỉ là khách qua đường".

Khách vào quán không phải đại gia, chủ yếu là dân lao động bình thường có cả những thanh niên mới lớn tò mò đi cho biết. Bo cũng chỉ mấy chục, có người còn chẳng bo mà đòi hỏi rất nhiều. Mấy đứa "nhãi ranh" (bọn mới lớn) chỉ bằng tuổi em út mình thôi, cậy có tiền cũng bắt các chị phục vụ "đến nơi, đến chốn".

Mỗi khách vào quán những nhân viên ở đây đấm bóp cả tiếng cũng chỉ được 20.000 công. "Bây giờ còn cao chứ năm ngoái bọn chị có 12.000 thôi", chị X nói thêm.

Thấy tôi nói mình là sinh viên, nhiều chị hỏi rất kỹ, nhưng tôi chỉ cười "Thì làm ở đây hợp với thời gian của em, ban ngày em đi học suốt". Chị X tiếp lời "Rồi em cũng bỏ sớm thôi, sinh viên như em vào đây làm gì cho phí".

Các chị kể, năm trước một sinh viên tên H làm được mấy hôm bị khách đánh cho thâm tím mặt mày vì "không cho nó abc"... H. còn bị ông chủ (kiêm bảo kê) đánh và hãm hiếp cũng không dám kêu ai cả. Nhiều cô gái đến đây làm cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng nuốt nước mắt ra đi.

Th (SN 1986, quê ở Nho Quan, Ninh Bình) đi làm nghề này được hơn 1 năm nhưng cũng thấm nhiều "nỗi đau". Không dám về quê mặc dù nhớ con, nhớ nhà, nhiều nhân viên nói đến đây làm chỉ để "kiếm ít vốn rồi mở cửa hàng cắt tóc".

"Nhiều ông khách còn gọi điện đến nhà làm riêng hoặc đến nhà trọ của nhân viên. Ở đó họ làm gì chỉ có biết kêu trời. Bản thân tôi, vì muốn kiếm tiền nên đã đến tận nhà nếu khách có nhu cầu" - Th nói.

Cướp khách quen, ma cũ "dần" ma mới

Quy tắc không tranh dành khách của nhau nhưng cũng có những cuộc chiến ngầm tranh giành khách giữa các nhân viên ở đây. Đánh nhau, ghen tỵ giữa "ma mới, ma cũ" cũng khá sôi nổi. Ngày mới vào làm ở đây Th cũng bị một "ma cũ" đón đợi ở chợ KG, đánh cho trận nhớ đời vì cướp khách quen của người ta.

Đến gần 10h trời bắt đầu mưa, khách vào cũng ít nên mấy chị em ngồi tán gẫu. Nhìn ra ngoài trời mưa, mùi hôi trên sông Tô Lịch theo gió bay vào nồng nặc đến khó chịu. Không biết làm gì, mấy chị em vừa chơi bài vui vừa tán gẫu.

Th. thở dài và nhắc về đứa con trai 4 tuổi đang sống với bố và mẹ kế ở quê. “Không biết bố nó có biết mặc áo ấm cho nó không, Dương (tên con trai chị) hay bị ho lắm, lâu rồi chẳng về thăm, gọi điện về thì con kia (mẹ kế của Dương) cứ nhảy dựng lên làm như mình đòi lại chồng”.

Chị X bắt đầu nói về người chồng cùng nghề, hai vợ chồng cùng làm tẩm quất nên đành gửi con về quê chồng ở Nam Định. “Lấy chồng trẻ con khổ một đời”, X than thêm về cuộc sống cùng người chồng kém chị 4 tuổi. Câu chuyện cứ kéo dài đến hơn 11h, hôm nay mưa vắng khách nên chị quản lý ra hiệu cho về sớm.

Chia tay quán, chị còn không quên dặn tôi mai nhớ mang “đồng phục” đi làm. Chị X còn nhắn với khi rảnh cứ đến nhà chị chỗ cầu Lủ (Thanh Xuân, Hà Nội) để "chị dạy thêm cho".

Kết thúc một ngày làm việc sởn da gà, tôi quay lại nhìn cái quán “ Café - Tẩm Quất, Thư Giãn” một lần nữa rồi ra về khi mưa càng mau hạt.

Theo Thủy Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.