Bàn tay tài hoa với bộ móng loằng ngoằng
Chúng tôi gặp ông Lưu Công Huyền khi ông đang tô vẽ những hình rồng, phượng ở một nhà thờ họ gần nhà. Nghe tiếng gọi, ông dừng nét bút, quay lại, cười tươi. Gương mặt ông đen sạm, gầy gò.
Hiện tại, móng tay ngắn nhất dài 15cm, móng tay dài nhất hơn 50cm.
Dù bộ móng dài, nhưng ông Huyền vẫn làm thành thạo công việc của một thợ xây. Đặc biệt, ông còn có biệt tài vẽ, tô hoa lá, hình rồng, phượng. Hơn 20 năm qua, ông vẫn gắn bó với công việc này.
Tại những ngôi đình, chùa, chỉ cần ông đến vẽ một lần, người dân đều
truyền tai nhau về nét chữ đẹp, tinh tế. Thêm nữa, ai cũng ấn tượng với
bộ móng tay của ông. Có người thuê ông chỉ vì tò mò muốn chiêm ngưỡng bộ
móng “khủng” ấy.
“Thời gian đầu tôi để móng tay, người thân phản đối ghê lắm. Mọi người
sợ tôi để móng tay dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không thể lao động
được, nhưng rồi tôi đi viết thư pháp, làm thợ xây, tô vẽ hình, kiếm ra
tiền nên mọi người từ bỏ ý định bắt tôi cắt móng tay”, ông Huyền kể.
Ông nói tiếp: “Mọi người cứ nghĩ tôi để móng tay dài thế không làm được
gì, nhưng không phải vậy, tôi vẫn tô vẽ bình thường, thậm chí còn nhanh
như người không để móng tay. Tôi chỉ gặp khó khăn khi cầm, vác những vật
nặng như viên gạch, bao xi măng”.
Dị nhân Lưu Công Huyền cho biết, thời gian đầu, khi móng tay còn ngắn, không mấy người để ý tới ông, nhưng khi bộ móng tay dài khoảng 30 cm, nhiều người thấy sợ, thậm chí trẻ nhỏ còn khóc thét lên. Ông cũng phải hạn chế đến hội hè, đám cưới, phần vì sợ bộ móng tay bị va đập hỏng, phần vì sợ nhiều người sẽ phát hiện.
“Hồi nhỏ, tôi có ý định làm thầy cúng bắt ma nên mới có ý định để móng tay dài. Để móng tay được một thời gian, thấy không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe, cuộc sống nên tôi quyết định nuôi bộ móng cho đến bây giờ. Tôi sẽ nuôi bộ móng tay này cho đến lúc già”, ông Huyền nói.
Ông Nguyễn Hải Sơn, người dân ở xã Giao Yến nói: “Ban đầu khi nhìn thấy bộ móng tay dài loằng ngoằng của ông Huyền, tôi đã nghĩ rằng ông ấy khó có thể lao động. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến ông Huyền xây, đắp hoa văn ở đền thờ gần nhà, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng và có suy nghĩ khác. Nét vẽ của ông ấy rất tinh tế, rất đẹp”.
Không dám ngâm tay xuống nước vì sợ hỏng móng
Ông Lưu Công Huyền là con thứ 7 trong thuần nông có 10 anh chị em. Năm 31 tuổi, ông bắt đầu nuôi móng tay. Ông kể, việc giữ gìn, chăm sóc bộ móng tay để không bị gãy rất khó khăn. Suốt 35 năm qua, ông rất ít khi động tay vào nước, ra chỗ đông người.
“Đặc biệt, lúc mưa, khi đi ra đường tôi phải bọc bộ móng tay vào túi nilon. Nếu để móng tay dính nước, bộ móng sẽ mềm ra như bún và sau đó dễ bị mủn ra và rụng. Hằng ngày, mỗi lần tắm giặt, tôi đều phải nhờ vợ giúp đỡ”, ông Huyền nói.
"Dị nhân" Lưu Công Huyền cho biết, mỗi năm ông vệ sinh bộ móng tay khoảng chục lần. Những lần đó ông đều phải nhờ đến hai người giúp đỡ. Bàn tay của ông được đặt trên bàn, một người giữ móng để tránh bị gãy, một người dùng mảnh sành cạo nhẹ từng vết bẩn bám trong móng tay đến khi sạch sẽ.
“Cũng có nhiều người đến xem bộ móng tay, họ gợi ý tôi cắt bỏ bộ móng tay rồi bán cho họ, đổi lại sẽ nhận được số tiền lớn, nhưng tôi đã từ chối, quyết tâm giữ chọn bộ móng tay cho đến lúc già. Đối với tôi, niềm vui lớn nhất là nuôi và giữ được bộ móng tay đến giờ này”, ông Huyền chia sẻ.