Mỹ nhân mặc áo tù: Kẻ lụy tình khốn khổ

Đếm ngón tay, Nguyễn Thị Nga bảo, đã ở tù được chẵn 10 năm. Qua TV, Nga thấy nơi mình ở, làng Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội đã đổi thay nhiều lắm. "Nếu được ra tù, không có người đón, chắc tôi chẳng thể tìm thấy nhà mình"- Nga nghẹn ngào tâm sự.

Mỹ nhân khoác áo tù

Ngày vui ngắn ngủi

Người đàn bà khi đã yêu thì như con tằm, có thể rút hết ruột gan vì người mình yêu. Nga ngã vào chốn lao tù cũng chính bởi nỗi thương yêu quá ngưỡng khờ dại, u mê.

Chục năm ở tù, Nga thành "cựu binh", bởi thế, cô giữ "chức" buồng trưởng một buồng phạm nhân nữ ở Trại giam số 6 đặt tại nơi heo hút, xa xôi này. Người ta bảo, kẻ thù của nhan sắc là tuổi tác, nhưng với Nga, dường như nhan sắc là món quà vô tận mà đất trời hào phóng ban tặng. Mọi người cùng buồng giam với mỹ nhân này bảo, mỗi mùa xuân qua, Nga lại đẹp thêm lên. Đằm thắm, mặn mà. Hút hồn nhất là đôi mắt.

Nga sinh năm 1972. Thời xuân thì, hình bóng yêu kiều của Nga đã hừng hực trong trái tim biết bao chàng trai. Thế nhưng, ngày ấy, Nga đã chối từ tất cả. Cô rời bỏ quê nghèo Hoài Đức (Hà Tây cũ) để tìm về Hà Nội tìm kiếm cơ hội thay đổi đời mình. Tại chốn phồn hoa ấy, cô đã phải lòng một chàng sĩ quan quân đội. Nga về nhà chồng trong niềm hân hoan ngây ngất. Hạnh phúc cứ thế nhân lên khi những đứa con đẹp như tranh ra đời.

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” - Nga vẫn nghĩ vậy bởi theo cô thì hải trình đến bến ác của mình như một trò đùa của số phận. Một lần về thăm nhà, hứng chí, chồng Nga đã nhảy lên chiếc xe tải của ông chú ruột chạy thử. Như con ngựa bất kham, chiếc xe đã gây tai nạn chết người khủng khiếp. Trả giá cho sự hiếu động ấy, chồng Nga đã phải ngồi tù. Gia đình ấm êm vậy là tan nát, xẻ nghé chia đàn.

Từ một sĩ quan thành một người tù, chồng Nga đã không chịu nổi cú sốc ấy. Bởi thế, khi mãn hạn tù, người mà Nga trọn thương trọn nhớ đã hoàn toàn thay đổi. Anh ta sa vào vô vàn thói hư, tật xấu như thể trút giận lên chính đời mình. Rượu chè, ma túy… không thứ nào chồng Nga không thạo. Khi ấy, mọi toan lo cho gia đình bé nhỏ đều một tay Nga xốc vác.

Nỗi đau… ngọt ngào

Chồng nghiện mỗi ngày một nặng thêm, sạp hoa quả nhỏ ở chợ Long Biên của Nga không gánh nổi những cơn vật vã liên miên ấy. Khu chợ nơi Nga ngụp lặn nuôi chồng ngày đó là mảnh đất của người tứ xứ, đầy rẫy những tệ nạn xã hội. Có người bảo, ở Hà Nội, nếu muốn mua bất cứ thứ gì giá rẻ thì cứ ra chợ đầu mối ấy, kể cả ma túy. Vậy là, để đảm bảo cuộc sống gia đình, để người chồng không phải khổ sở bởi những cơn vật thuốc hành hạ mỗi ngày, Nga đã quyết định dúng tay vào tội ác.

Cô quyết định buôn ma túy để… phục vụ chồng. Nga bảo, hồi đó Nga không còn lựa chọn nào khác. Mỗi lúc thấy chồng lồng lộn, vật nhào bởi đói thuốc, Nga như đứt từng khúc ruột. Dù không muốn nhưng Nga vẫn phải chạy vạy kiếm đủ tiền để chồng khỏa lấp cơn nghiền. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Và, việc Nga sa lưới pháp luật cũng là "trò chơi" của số phận. Hôm đó, bỗng dưng có việc, chồng Nga vắng nhà. Và, lạ lùng, chẳng hiểu bởi lý do gì, hôm đó Nga cũng không ra chợ. Chiều, đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa thì có khách đến lấy "hàng".

Khách quen nên chẳng dò xét, Nga lôi ma túy cất ở một nơi bí mật trong nhà ra bán. Số ma túy này, Nga mua ở chợ Long Biên, đem về nhà bán lẻ cốt "lấy công" làm lãi. Đúng khi giao hàng, không biết từ đâu, công an ập vào. Sau này, khi mọi chuyện đã rõ mười mươi, một điều tra viên nói với Nga rằng, việc bắt giữ cô cũng chỉ là… tình cờ.

Kẻ mà công an đưa vào "tầm ngắm" là chồng cô, chứ không phải là cô. Án tù đằng đẵng 14 năm khiến Nga quỵ ngã. Nga đi tù, mất chỗ dựa, chồng cô phải "tự thân vận động". Cũng nghề buôn ma túy, từ khi Nga mặc áo số, ăn cơm tù đến nay, chồng cô đã phải 3 lần đi trại. Hôm gặp chúng tôi, Nga bảo, chồng cô mới ra tù và vừa đưa hai con vào thăm.

Niềm hi vọng cuối cùng

Nhớ đến các con, Nga lại khóc. Ngày Nga vào tù đứa lớn mới 3 tuổi, đứa bé mới bi bô gọi mẹ. Thế mà lần mới vào thăm đây, chúng đều đã lớn. Bố đi tù, ở với ông bà nên hai đứa con không có cơ hội vào trại thăm mẹ. Cái đêm biết chồng sắp đưa hai con vào thăm, Nga không sao chợp mắt. Cô hồi hộp muốn được gặp con ngay để xem chúng đã lớn đến chừng nào. Cô lo sợ con sẽ không nhận mình, sự lạnh nhạt của con với người mẹ xa lạ sẽ là điều khiến Nga đau đớn nhất. Chục năm sống ở trại, chứng kiến nhiều cảnh ngộ buồn thương khiến Nga suy nghĩ.

Trong buồng của Nga, có những bạn tù trẻ tuổi. Họ phạm tội bởi sống trong một gia đình chẳng ra gì. Bố mẹ họ đều dính vào vòng lao lý. Chán nhà, giận bậc sinh thành, họ đã đánh mất mình. Nga sợ những đứa con của cô cũng giận bố, giận mẹ mà thờ ơ với chính người đã dứt ruột sinh ra chúng. Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy. Điều đó khiến Nga mừng rơi nước mắt.

Hôm chồng Nga đưa các con tới thăm, Nga dậy sớm, hồi hộp đến phòng gặp thân nhân của trại và yên lặng chờ đợi. Cái giây phút thiêng liêng ấy rồi cũng tới. Thật bất ngờ, vừa nhác thấy bóng mẹ, hai đứa con Nga đã ùa tới. Ba mẹ con cứ thế ghì chặt nhau mà khóc.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.