Nhộn nhạo “chợ nạo thai”

Những gương mặt lấm lét, hoang mang, tay che phần bụng, lúp xúp. Xung quanh họ, các tay cò mồi lăng xăng…

Chập tối, dãy cửa hàng trên đường Giải Phóng, Hà Nội, đã lục tục đóng cửa. Con phố sau một ngày nắng rát, bụi bặm uể oải bước vào thời khắc cuối ngày. Thế nhưng, khúc đường đối diện bệnh viện Bạch Mai vẫn tấp nập người vào ra. Đoạn đường dài chừng 200 mét nhưng có đến hơn 20 phòng khám sản khoa tư nhân nằm san sát, đông đúc như phiên chợ chiều.

Đèn điện bật lên, sáng lấp lóa. Những tấm biển quảng cáo cỡ lớn lòe loẹt, được thiết kế rõ ràng hai chữ: “HÚT THAI” nổi bật hẳn so với khu nhà nghỉ tranh tối tranh sáng gần đó.

Nửa giờ sau, trong vai một cặp tình nhân “trót nhỡ” cần giải quyết gấp hậu quả, tôi cùng một đồng nghiệp nữ dò dẫm vào khu vực luôn nhộn nhịp không kể giờ giấc này. Khách hàng là những cặp vợ chồng trẻ, có khi là một đôi tình nhân mặt mũi non choẹt, hoặc chi là một cô gái dáng vẻ quê mùa, gương mặt tái dại vì lo lắng. Họ đến rồi đi, thầm lặng, nhanh chóng và hầu hết đều đeo khẩu trang che kín mặt.

Một vòng quanh chợ kì lạ

Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm vào sát vỉa hè. Bất ngờ, người đàn ông trung niên, đeo khẩu trang y tế, chạy ra chặn đầu xe, vẫy khách: “Mời hai em vào đây, cơ sở mình phục vụ tận tình, chu đáo lắm, đảm bảo vệ sinh, bí mật tuyệt đối”.

Chúng tôi chưa kịp tính thế nào, từ phía sau, một người phụ nữ gầy nhom, ăn vận tềnh toàng tiến lại nói thầm với cô “bạn gái”: “Chị dính mấy tháng rồi, vào phòng khám nhà em đi, đang có khuyến mãi đấy”.

Cô đẩy chúng tôi vào trong. Căn phòng rộng chừng 20m vuông, lạnh lẽo và ẩm thấp. Sát mép tường, người hộ lý ngồi sau chiếc bàn nhỏ dường như đã quá quen với những gương mặt trai gái lấm lét. “Mời anh chị lên tầng 2, phòng bên tay phải”, giọng chị vô hồn.

Trong ánh sáng yếu ớt, lờ nhờ ở dãy hành lang nhỏ hẹp, tôi thấy một đám đông có cả nam lẫn nữ đang ủ rũ ngồi đó.

Tôi và cô đồng nghiệp đẩy cửa bước vào. Căn phòng nhỏ sộc lên một thứ mùi kì lạ, pha trộn bởi mùi cồn, mùi mồ hôi và mùi tanh rất khó chịu. Đằng sau tấm ri đô dày đã bạc màu là tiếng leng keng của những dụng cụ bằng sắt va chạm vào nhau.

Một cô gái bất ngờ gào rú: “Em đau quá, chị cho em về đi, em không làm nữa đâu”.

Tiếng bác sĩ an ủi: “Cái thai to quá rồi, em phải cố lên”.

Hai mươi phút trôi qua, cô gái đã “giải quyết hậu quả” xong. Thấy gương mặt xanh xám của chúng tôi, vị bác sĩ thông cảm: “Em đừng sợ, không đau chút nào đâu, tại cái thai của chị này to quá thôi. Chị làm nhẹ lắm!”

Tôi hỏi: “Ở đây có nhận giải quyết tất cả các tuổi thai à?”.

Bác sĩ quả quyết: “Chỉ trừ là ngày mai đẻ, còn lại chị đều có thể làm được”.

Tôi dè dặt: “Nhưng nếu có biến chứng gì xảy ra thì sao?”

Vị bác sĩ buông kính, thay đổi thái độ: “Chúng tôi làm không chết người là được. Muốn trách nhiệm này nọ, mời anh chị vào bệnh viện”.

Chỉ trong vòng gần hai giờ, các “nạo thai viên” làm việc không nghỉ ngơi, xử lý xong bốn trường hợp. Ngoài dãy hàng lang, vẫn còn hơn chục đôi nam nữ đang chờ đến lượt mình.

Mỗi ngày tôi phá bỏ gần 30 ca

Rời chợ “nạo hút thai” trên đường Giải Phóng, với bao nỗi ám ảnh, chúng tôi tìm đến “ổ nạo hút Phùng Hưng” nằm trên phố Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội, mà tên xe ôm rỉ tai: “Rầm rộ hơn trên này nhiều”. Khu vực này nằm sát cạnh bệnh viện Quân y 103 Hà Nội.

Ở đây cũng có những áp phích được bày biện ê hề trước cửa bắt mắt giống như quảng cáo cho chương trình đại nhạc hội nào đó. Phòng khám nào cũng “mổ trĩ, bó bột, đốt sùi mào gà, điều trị lậu”.

Tuy nhiên, theo tay xe ôm đầu đường: “Quảng cáo cho vui thế thôi chứ ngạch chính vẫn là khoản nạo hút kia. Không hiểu người đâu ra đông thế, họ làm cả ngày lẫn đêm mà không hết việc”.

Những trang thiết bị được cánh cò mồi bảo là hiện đại nhất nhì thành phố Hà Nội thực sự làm chúng tôi bất ngờ.

Trong những căn phòng lụp xụp được thuê mướn tạm bợ, chiếc máy siêu âm nằm đó, hoen rỉ, ọp ẹp. Drap trải giường xỉn màu, nhàu nát. Đống đồ nghề được vứt lỏng chỏng cạnh thùng băng vệ sinh phụ nữ.

Nữ bác sĩ được quảng cáo là ưu tú tại một bệnh viện trung ương là một phụ nữ trẻ, có đôi mắt lờ đờ: “Đã vào đến đây, các em không phải nghĩ, chị làm nhiều rồi. Ngày nào ít cũng năm đến bảy ca. Những ngày đông khách có khi lên đến 26, 27 ca”.

Tôi giật mình nhẩm tính, với tần suất riêng tại khu phố này trong gần 20 phòng nạo hút công khai, mỗi ngày, người ta đang tâm vứt bỏ đi hàng trăm sinh linh mà lẽ ra chúng có quyền được sống.

Đó là chưa kể nhiều mạng sống, hạnh phúc của các cô gái dại dột phụ thuộc vào bàn tay phù phép của các bác sĩ “Vì tiền hơn vì đạo đức nghề nghiệp”

Bành trướng do nhu cầu ngày càng tăng

Được biết, khách hàng ở đây chủ yếu là cánh thanh thiếu niên từ các huyện ngoại thành phía Tây thành phố Hà Nội. Giá cả một lần nạo hút thai không hề rẻ, khoảng trên dưới 3 triệu đồng một ca. Tuy nhiên một bác sĩ bật mí khi tôi ngỏ ý xin bớt giá “Ở đây làm là được giá lắm rồi, đã vậy còn nhanh, gọn lẹ, bí mật. Nếu em muốn rẻ thì đến bệnh viện. Thế nhưng, nói trước, nếu thai của em quá lớn, họ chẳng nhận đâu, lại đòi giấy tờ gì phiền phức lắm. Đắt đỏ gì em ơi, có người đã bốn, năm lần tìm đến “giải quyết” cơ đấy.

Bà bán nước trước cổng bệnh viện 103 than thở: “Trước đây chỉ có lác đác vài phòng khám sản, giờ sao nhiều thế”. Thấy làm ăn được, cánh y bác sỹ về vườn cũng chạy chọt mở phòng khám, công khai làm loại dịch vụ này. Chúng tôi thấy chướng tai gai mắt lắm, không hiểu sao nó vẫn ngang nhiên tồn tại.

Rất dễ để hiểu, rằng những cơ sở “dã chiến” này tồn tại là do nhu cầu của khách hàng, vì các bệnh viện không nhận nạo phá thai trên 22 tuần tuổi.

Chính sự dễ dãi của những khách hàng tạo nên “tên tuổi” cho các dãy phố này.

Bác sĩ Đặng Thị Hiền, tư vấn viên Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, đau xót cho biết: “Thai nhi đủ 22 tuần tuổi đã hình thành gần như hoàn thiện tất cả các bộ phận. Đứa trẻ đó vẫn có thể sống được nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng kỹ lưỡng trong môi trường riêng biệt. Phá bỏ những thai nhi như thế, chẳng khác nào giết người”.

Thai từ 18 đến 22 tuần thường sử dụng biện pháp cô vắc. Đây là phương pháp nong tử cung bằng cách đặt túi nước kích thích tử cung co bóp. Sau đó, thai sẽ được sinh non ra ngoài. Nếu không theo dõi điều chỉnh, sự co bóp này mạnh quá có thể gây vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi rùng mình khi nghe bác sĩ nói: “Trong quá trình thực hiện phương pháp gắp bỏ thai, phần xương cứng của thai nhi rất dễ làm xước thành tử cung, gây chảy máu, viêm nhiễm. Nếu người bác sĩ không có kĩ thuật, chuyên môn cao, chỉ cần làm mạnh tay một chút có thể gây thủng tử cung.

Bác sĩ Hiền khẳng định: “Những bệnh viện lớn có các trang thiết bị hiện đại, rủi ro còn không tránh khỏi, huống hồ là những cơ sở tư nhân, tạm bợ và chụp giật”.

Khi thai phụ quá tuần yêu cầu làm các kỹ thuật nạo, hút để phá bỏ thai, bệnh viện thường từ chối. Có người năn nỉ, bác sĩ không được, còn hăm dọa: “Bác sĩ không làm, em ra ngoài làm, lỡ có chuyện gì, bác sĩ ân hận ráng chịu”.

Cần phải có biện pháp mạnh

Có thể thấy rằng, khi các bệnh viện quá tải sự tồn tại của các cơ sở nạo hút tư nhân là điều tất yếu. Nhưng hầu hết những cơ sở nà dang đi quá giới hạn của mình. Họ tự ý “vượt rào”, liều lĩnh nhận phá thai cho tất cả các trường hợp, trong khi đó trang thiết bị cũng như trình độ y bác sĩ chưa thể đáp ứng.

Trong Thông tư số 01/2004/TT- BYT quy định về hành nghề y, dược tư nhân do Bộ Y tế ban hành các phòng khám sản, phụ khoa tư nhân chỉ được phép thực hiện thủ thuật đình chi thai dưới sáu tuần tuổi.

Việc phá thai bằng thuốc cũng không được phép làm tại các phòng khám này mà phải được thực hiện tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Ngay cả tại bệnh viện tuyến trung ương, việc phá thai cũng chỉ được giới hạn dưới 22 tuần tuổi. Từ thời điểm này trở đi, phải có hội chẩn và sự đồng ý của giám đốc bệnh viện hoặc chỉ thực hiện trong những trường hợp cực kỳ đặc biệt.

Ông Nguyễn Trung An, Phó cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết: “Những phòng khám sản khoa tư nhân vẫn lén lút hoạt động trái phép với giấy phép được cấp là do lượng người có nhu cầu đến rất đông. Đồng thời, Bộ Y tế quản lý chưa nghiêm minh. Tâm lý chung, những trường hợp mang thai trước hôn nhân, muốn bỏ thai thường đến những nơi bí mật, nhanh gọn để tiến hành nạo hút”.

Bên cạnh đó, trong tình hình số ca nạo hút có chiều hướng gia tăng mạnh thời gian qua, sự quản lý giám sát đối với những cơ sở tư nhân này chưa thực hiện chặt chẽ. Chế tài xử phạt vẫn chưa thực sự rõ ràng, có hiệu quả. Vì thế, những con phố này vẫn ngang nhiên hoạt động nhộn nhịp.

Muốn dẹp bỏ nó, ngoài việc cần những chế tài mạnh tay, chị em phụ nữ cũng cần phải ý thức được tính an toàn cho bản thân mình. Khi đã trang bị đầy đủ kiến thức kế hoạch hóa gia đình, bạn không nên nhắm mắt tiếp tay cho các cơ sở này, dần dần phố nạo hút thai sẽ biến mất.

Theo



Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.