Những cậu ấm vi phạm pháp luật: Tại sao lại xử lý nửa vời?

Chuyện một cậu ấm, bỗng nhiên giở chứng, gây xì-căng-đan theo kiểu "coi trời bằng vung" đã không còn là chuyện lạ. Việc những cậu ấm này bị xử lý... mới lạ.

Dân chơi tại TP Qui Nhơn (Bình Định) không quên chuyện cậu ấm, con trai vị Chánh án TAND tỉnh Bình Đình (đã nghỉ hưu) kẹp ba, rú còi sên, lạng lách, vượt đèn đỏ, Khi bị dừng xe, cậu ấm quát "biết bố mày là ai không? Không dẹp ra tao cán chết?".

Bỏ mặc tờ biên bản dày đặc lỗi vi phạm: Không bằng lái, không giấy tờ xe, vượt đèn đỏ, đèo ba người, lạng lách Cậu ấm này thản nhiên bỏ đi với lời tuyên bố: "Chúng mày giữ xe tao dễ, thả xe tao khó nghe con".

Kết cục, những lỗi vi phạm của cậu ấm chỉ bị "nhắc nhở". Không những thế, cậu không thèm đến trụ sở CA để lấy xe về. Cực chẳng đã, một chiến sĩ phải mang xe máy đến tận cơ quan của cậu, cậu mới "chiếu cố" nhận cho.

Ngày 11-8-2007, tại sân bay Đà Nẵng, Đỗ Hoài Phương Minh đỗ ô tô sai quy định. Khi lực lượng an ninh nhắc nhở, đã tỏ thái độ bất hợp tác, chửi thề rồi bỏ đi. Bất ngờ, Minh mở cốp ô tô, lấy kiếm lao vào tấn công lực lượng bảo vệ sân bay, gây náo loạn một khu vực, làm nhiều hành khách hoảng sợ.

Trước đó, cậu ấm này đã từng rút súng ngắn bắn nhiều phát đạn để thị uy, gây khiếp vía cho một số người trong quán karaoke Hoàng Dung tại khu phố Thạnh Bình (thị trấn Anh Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương) vào năm 2000. Sau một thời gian khá ầm ĩ, Minh chỉ bị phạt hành chính 5 triệu đồng (?!).

Ngày 18-1-2008, một thanh niên điều khiển xe máy đến khu vực thị tứ Cầu Voi thuộc ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) rồi nẹt pô, rú ga khiêu khích CSGT đường bộ và Cảnh sát 113, CA tỉnh Long An đang làm nhiệm vụ. Khi bị lực lượng cảnh sát truy đuổi, hắn đã đánh hai chiến sĩ cảnh sát bị thương nhẹ. Hai chiến sĩ khác chạy đến tiếp cứu cũng bị hắn đánh tới tấp.

Một số người dân nơi đây nhận ra kẻ côn đồ là cậu ấm Bùi Đức Hậu. Khi được hỏi vì sao lại đánh người thi hành công vụ, Hậu nói : "Thấy ghét là đánh!"(!). Lúc bị tạm giữ ở phòng CSGT, cậu ấm không trả lời thẳng vào các câu hỏi của các chiến sĩ cảnh sát mà chỉ gằn giọng: "Có gì kêu ba tui lên nói chuyện".

Đầu tháng 11-2009, con trai ông Chủ tịch UBND TP Ninh Bình (đang công tác trong ngành hải quan) đã vô cớ dùng dùi cui, "xuống tay" với một thanh niên vì "dám" đỗ xe máy trước đầu ô tô của y do tắc đường(?!).Vụ việc xảy ra ngay sát đường hầm đường bộ Kim Liên (Đống Đa, TP Hà Nội).

Theo lời kể của nạn nhân, lúc tắc đường anh có nghe thấy tiếng còi ô tô phía sau nhưng không thể tránh đi đâu vì đường chật như nêm cối. Khi đường vừa thông, một thanh niên cởi trần lao xuống, lấy dùi cui bổ thẳng xuống đầu anh (đang đội mũ bảo hiểm). Chưa kịp đứng dậy, nhát dùi cui thứ hai lại giáng xuống, nạn nhân giơ tay đỡ và bị vỡ toàn bộ xương cánh tay...

Trên đây chỉ là một vài vụ việc đã bị "lộ sáng", nhưng tất cả những cậu ấm trên, không có ai bị xử lý đúng người, đúng tội. Dư luận ít biết vì hầu hết những vụ các cậu ấm, cô chiêu nổi loạn, "coi trời bằng vung" đều bị cho chìm xuống với vô số lý do.

Ví dụ như ở vụ Đỗ Hoài Phương Minh, Viện Kiểm sát và CA quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã kết luận "không đủ hành vi phạt hành chính. Trong khi đó, một số luật sư cho rằng, hành vi dùng súng bắn xuyên qua quần một nữ tiếp viên của cậu ấm Đỗ Hoài Phương Minh là đủ để truy tố y về tội "Cố ý giết người". Việc "múa kiếm" ở sân bay cũng phạm hai tội: Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và Chống người thi hành công vụ.

Trên thực tế, không phải người bố, người mẹ nào làm lãnh đạo khi có con phạm tội đều tìm cách chạy tội cho con. Nhiều khi chính những người xử lý vụ việc đã tự điều chỉnh hồ sơ theo hướng có lợi cho các đối tượng để làm quen, tâng công với bố mẹ của chúng. Đơn giản hơn, có khi chỉ vì quan niệm "tránh voi chẳng xấu mặt nào".

Một số nhà tâm lý cho rằng, khi con một vị lãnh đạo nào đó gây xì-căng-đan mà bị xử lý theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột" thì sẽ có hiệu ứng rất xấu trong dư luận, làm xói mòn lòng tin của người dân.

Chính vì thế, khi đã phạm tội thì có là con ai, cũng phải xử lý theo nguyên tắc: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cậu ấm, cô chiêu không những có ý nghĩa giáo dục với chính bản thân người vi phạm mà còn giữ uy tín cho những cán bộ trong bộ máy lãnh đạo cao cấp.

Theo MTuấn



Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.