Những 'nạn nhân' của đại gia lừa đảo nghìn tỷ ở miền Tây

Là nông dân suốt ngày chỉ biết đến ruộng đồng, cha mẹ bị cáo này đã nhiều lần ngất xỉu khi hay tin con trai vướng lao lý.

Sợ mất việc, Mẫn lập hồ sơ khống theo chỉ đạo của giám đốc để vay tiền, khiến hàng chục người hầu tòa và 5 ngân hàng không thu hồi được trên 825 tỷ đồng.

>> Đại gia bay đi Mỹ, 8 ngân hàng ôm hận 1.600 tỷ

Sáng 21/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử 27 bị cáo trong "đại án" xảy ra tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) bước vào phần xét hỏi. Trong ngày xử đầu tiên, ngoài thủ tục khai mạc phiên tòa, thời gian còn lại dành hết cho cơ quan công tố đọc cáo trạng 68 trang của VKSND Tối cao.

Trong vụ án này cơ quan tố tụng xác định, ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam, đã bỏ trốn) và con gái Lâm Ngọc Hân có vai trò chủ mưu, cầm đầu. 

Hai người được chỉ đạo thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ngân hàng là bị cáo Lâm Minh Mẫn (35 tuổi, nguyên kế toán trưởng) và Trịnh Thị Hồng Phượng (phó giám đốc Công ty Phương Nam).

1
Lâm Minh Mẫn được cho là thành khẩn khai báo. Ảnh: Việt Tường.

Quê xã Thiện Mỹ của huyện Châu Thành (Sóc Trăng), Mẫn được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn. Là nông dân suốt ngày chỉ biết đến ruộng đồng, cha mẹ bị cáo này đã nhiều lần ngất xỉu khi hay tin con trai vướng lao lý.

Những người bạn từng ở trọ chung với Mẫn trong những năm học đại học tại Cần Thơ nhận xét, bị cáo rất hiền và thật thà. Tuy nhiên, khi về quê làm việc cho ông Khuân, Mẫn đã có những thủ đoạn gian dối vì trung thành với chủ, nếu không làm theo sẽ bị mất việc.

"Làm kế toán tại Công ty Phương Nam, tùy thời điểm mà Mẫn nhận lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, anh không có thu nhập nào khác nên rất sợ bị ông Khuân cho nghỉ việc, bởi bị cáo là lao động chính của gia đình. Sau nhiều năm ở trọ, Mẫn mua nhà và đang trả góp thì bị bắt", một người bạn rất thân của Mẫn nói.

Là kế toán trưởng khi Phương Nam được xem như công ty gia đình của ông Khuân, Mẫn chỉ biết làm theo lệnh của chủ. Trong 19 báo cáo tài chính khống thể hiện kết quả kinh doanh có lãi do Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản, Phượng 2 bản.

"Phượng ký theo ủy quyền của ông Khuân và nữ bị cáo không được hưởng lợi gì. Đối với 10% vốn mang tên Phượng tại Công ty Phương Nam là tiền góp của ông Khuân, bị cáo chỉ đứng tên cho đúng thủ tục", một luật sư cho biết.

2
Ông Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Từ những báo cáo tài chính khống do Mẫn lập ra, 5 ngân hàng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang đã cho Công ty Phương Nam vay hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, nhà chức trách xác định cha con ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt gần 785 tỷ đồng và các ngân hàng không thu hồi được 825,5 tỷ.

Theo cơ quan công tố, từ năm 2008 đến tháng 4/2011, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng đã ký 6 hợp đồng tín dụng với Công ty Phương Nam, cho vay 1.870 tỷ đồng. Tháng 5/2011 đến tháng 3/2012, VDB Sóc Trăng có đến 55 lần giải ngân 447 tỷ đồng cho Phương Nam.

Có lần, khi 182,3 tỷ đồng từ VDB Sóc Trăng chuyển vào tài khoản Phương Nam, công ty đã dùng đến 120 tỷ đồng để trả nợ cho các ngân hàng khác. Hiện, VDB Sóc Trăng không thu hồi được trên 314 tỷ đồng. Ông Thắng với 4 người nguyên là cán bộ của nhà băng này bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) - sở giao dịch Hậu Giang với Công ty Phương Nam từng ký với nhau 5 hợp đồng tín dụng và 3 phụ kiện hợp đồng tín dụng, tổng số tiền đã giải ngân trên 1.580 tỷ đồng. Theo cáo trạng, nguyên Giám đốc LPB Hậu Giang là bị cáo Đỗ Hùng Sở cùng 7 thuộc cấp chịu trách nhiệm gây hậu quả cho ngân hàng với số tiền không thu hồi được gần 249 tỷ đồng.

Ba ngân hàng còn lại là Sacombank Sóc Trăng không thu hồi được trên 132 tỷ đồng, Vietcombank Sóc Trăng 77 tỷ đồng và Ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu trên 53 tỷ đồng.

3
Đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân đang bị truy nã quốc tế. Ảnh: Nhật Tân.

Sau khi vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Công ty Phương Nam bị phát hiện, cha con ông Khuân đã bỏ trốn sang Mỹ. 

Lúc đó, một người cháu của đại gia thủy sản được ông Khuân giao nhiệm vụ điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, người này chỉ là "ông chủ giả" vì có tên trong danh sách cổ đông nhưng thực sự không góp vốn.

Biết không thể tránh được lao lý khi ông chủ bỏ lại khối nợ nghìn tỷ đồng tại quê nhà, Mẫn đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và cơ quan chức năng để tái cơ cấu Thủy sản Phương Nam. Từ những lời khai thành khẩn và số liệu kế toán do Mẫn cung cấp, cơ quan điều tra sớm kết thúc vụ án, đưa 27 bị cáo ra xét xử.

Trong đó, Mẫn và Phượng bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung cao nhất, có mức án từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. 25 bị cáo còn lại là nguyên cán bộ ngân hàng, bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Khoản 3 Điều 179 Bộ Luật hình sự. Mức án cao nhất của điều khoản này từ 10 đến 20 năm tù.



Danh tính kẻ cướp xe ô tô, đánh tử vong người dân ở Hà Nội
Sau khi sử dụng ma túy, Ma Vũ Duy gây ra 2 vụ trộm cắp xe ô tô của người dân ở tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội. Chưa dừng lại đó, do ảnh hưởng của ma túy, Duy cởi quần áo đi bộ trên đường. Khi bị người dân truy đuổi, đối tượng chạy vào nhà dân và dùng xẻng tấn công khiến một người tử vong.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.