Những thân phận nơi "địa ngục" trần gian

Có những nghịch lí vẫn tồn tại một cách khó tin ngay giữa đời thường, có những “địa ngục” ở ngay giữa trần gian...

Nghịch lí ấy là, những cặp uyên ương khi yêu nhau, tưởng như sẽ chết nếu không lấy được nhau, nhưng khi đã nên nghĩa vợ chồng lại hành hạ nhau đến chết vì những lí do vụn vặt.

Địa ngục trần gian ấy là bao nhiêu gia đình đang phải sống chung với nạn bạo lực, mà nạn nhân chủ yếu vẫn là người phụ nữ chân yếu tay mềm...

Chị T ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là một trong những nạn nhân của nạn bạo hành gia đình dai dẳng đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình và vị thành niên trong tình trạng khủng hoảng tinh thần nặng nề. Mới cưới nhau được 3 năm, chị T đã không ít lần phải nghĩ đến chuyện li hôn người chồng vũ phu, nhưng đâu rồi lại vào đấy, chị không thể làm được điều mình muốn. Anh C, chồng chị, về cơ bản là người tốt.

Nhưng anh vẫn còn nặng nề tư tưởng gia trưởng, phong kiến nên coi chuyện “đánh vợ” chỉ là... dạy vợ. Lúc vợ chồng “cơm dẻo canh ngọt” thì anh cũng là người chồng, người cha tốt, biết chăm sóc vợ con. Anh cũng là người năng động, biết kiếm tiền nên cũng lo được cho vợ con một cuộc sống khá tươm tất. Song, lúc vợ chồng có chuyện bất đồng ý kiến, nếu vợ nghe theo thì không sao, nếu cãi lại anh sẽ không ngần ngại cho chị vài cái tát để chừa tính... cãi chồng.

Những lúc ấy, không chỉ đau vì cái tát nổ đom đóm mắt của chồng, chị T còn cay đắng nghĩ, tại sao, đôi cánh tay ấy, vẫn dang rộng cho chị gối đầu suốt đêm không biết mỏi, vẫn đôi bàn tay ấy thường âu yếm vợ và rồi vẫn đôi bàn tay ấy lại có thể tàn nhẫn đến thế. Đã bao lần định viết đơn li hôn rồi chị lại xé đi, bởi nghĩ rằng “ngọc còn có vết”, vợ chồng bỏ nhau rồi, con cái ở với ai và mỗi người liệu có tìm được cuộc sống hạnh phúc hơn không? Chị thầm ước ao ghen tị với người bạn bên hàng xóm, chưa bao giờ bị chồng nói chuyện bằng... vũ lực.

Chị đọc trên báo thấy nhiều người vợ chịu nỗi đau chồng ngoại tình, cờ bạc, rượu chè mà vẫn bị chồng đánh như cơm bữa nếu dám... “có ý kiến”. Không chỉ là cái tát, cú đấm như chị vẫn phải chịu đựng, mà là những trận đòn như thời trung cổ. Thậm chí có chị còn bị chồng lột quần áo và làm nhục ngay trước mặt hàng xóm, có chị bị chồng cướp đi cả sinh mạng chỉ vì dám giết một con gà làm cơm đãi khách bên ngoại....

Chị lại nghĩ, mình cũng chưa đến nỗi cực khổ cho lắm, nếu bây giờ làm căng lên, gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ, có thể trở thành hư hỏng hay lệch lạc nhân cách, lúc ấy mình lại ân hận vì đã chỉ biết sống riêng cho mình. Chị lại xé đơn, lại tiếp tục... “sống trong sợ hãi” vì rằng chẳng biết những cơn nóng giận của chồng có thể rót xuống đầu mình bất cứ khi nào...

Anh Nguyễn Văn Long, trú tại xóm Nội, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đôi mắt đỏ hoe, xúc động kể với TTTĐ: Chị gái của anh là Nguyễn Thị Lưu (SN1976) đã bị chồng là Nguyễn Văn Doanh bạo hành đánh đập và cướp đi sinh mạng. Cụ thể là, chiều ngày 31/5/2009, chị Lưu đi gặt lúa giúp chị Oanh- chị ruột Doanh. Thấy chị Oanh ốm nặng, chị Lưu cho chị Oanh 200.000 đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Về nhà, chị đã bị chồng mình chửi mắng và dùng dây cu loa đánh liên tiếp vào người, vào mặt.

Không dừng lại ở đó, đến 21 giờ cùng ngày, Doanh bắt chị Lưu đi cùng lên nhà bố mẹ vợ để tiếp tục chửi vợ cho bố mẹ vợ nghe. Sau khi được gia đình giảng giải, khuyên ngăn, Doanh chở vợ về nhà. Vào khoảng 22 giờ 50 phút, nhận được tin báo, anh Long vội tới nhà chị Lưu thì thấy chị đã ngừng thở, mặt bầm tím, môi thâm, cổ hằn nhiều vết tím đỏ. Gia đình vội đưa chị Lưu đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Chị Lưu và anh Doanh đã kết hôn được 15 năm và đã có 2 đứa con, một trai, một gái.

Chị Lưu là người hiền lành, chịu khó, hết mực vì chồng, con nhưng không hiểu vì lí do gì mà chị liên tục bị anh Doanh đánh đập vũ phu. Chị Lưu cũng đã nhiều lần kêu cứu tới UBND xã Tân Hưng đề nghị được giúp đỡ, can thiệp về những trận đòn vô cớ của chồng, như: Ngày 7/8/2006, khi buộc lúa ngoài đồng, chị đã bị chồng ôm rơm, đổ xăng, châm lửa đốt lúa và đẩy chị vào đống lửa nhằm thiêu đốt. Chị Lưu đã cố tìm cách thoát ra khỏi đống lửa thì lại bị chồng tiếp tục dùng dây cu roa đánh đập khiến quần áo chị rách tả tơi, bầm tím khắp người… Đơn kêu cứu của chị cũng đã được chính quyền xã can thiệp, nhưng chỉ bằng phương pháp hòa giải, nên sau đó chị vẫn tiếp tục bị chồng ngược đãi.

Một thực tế rất đau lòng là những nạn nhân bị bạo hành thường giấu nhẹm chuyện mình bị đánh. Họ sợ mang tiếng, sợ xấu hổ, sợ làm buồn lòng người thân nên cứ âm thầm chịu đựng.

Chị L ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại bị chồng bạo lực theo một cách khác. Hình thức bạo lực của anh, các con không biết, hàng xóm không hay, bởi lẽ anh chỉ bạo lực với vợ... trên giường. Ngày mới kết hôn, L rất hạnh phúc vì chồng là một người “đàn ông đích thực”, mỗi ngày qua đi với hai vợ chồng tràn ngập niềm vui và không thể thiếu cái gọi là “cuộc sống vợ chồng”. Song, càng ngày chồng L càng tỏ ra bệnh hoạn trong cuộc sống chăn gối.

Dù chị đang “đến tháng”, đang mệt mỏi vì vừa phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, dù đang đau ốm... thì chị vẫn phải chiều anh “chuyện ấy”. Tệ hơn nữa, anh mua băng đĩa lậu về xem, vào các trang web “đen” để “cập nhật kiến thức” rồi bắt chị phải làm một “diễn viên phim cấp 3” thứ thiệt. Nghĩa là trong phim làm sao thì anh bắt chị làm đúng như vậy, thậm chí anh còn nhiều “phát minh” hơn cả trong phim.

Chị cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì những “kiểu yêu” đó. Đã bao lần chị nhẹ nhàng phân tích nhưng anh không chịu hiểu, hoặc có hiểu nhưng không chịu nghe mà vẫn cố tình bắt chị chiều theo những nhu cầu dục vọng thấp hèn của mình. Chị mệt mỏi, đau đớn, chán chường..., nhưng cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện nhờ ai hòa giải vì xấu hổ, cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện li hôn, vì sợ gia đình tan vỡ, con cái khổ...

Qua những vụ việc đau lòng trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt bằng những việc làm và hành động cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về gia đình đến tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng nam giới vì đó là thủ phạm chính của nạn bạo lực gia đình. Chỉ có hiểu và nắm được luật thì người phụ nữ mới có cách ứng xử phù hợp để bảo vệ mình.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.