Những tin vui làm ấm lòng người Việt trong đợt rét kỷ lục

Trong ảm đạm vẫn có những tin vui làm ấm lòng người dân cả nước, xua tan mọi rét buốt.

Đợt rét kỷ lục ập đến ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cả nước. Việc phải đối mặt với những thiệt hại về tài sản, khó khăn trong việc buôn bán đi lại, bất cập trong giữ gìn sức khỏe… dường như khiến lòng người trùng xuống, buồn tẻ hơn.

Tuy nhiên, trong ảm đạm vẫn có những tin vui làm ấm lòng người dân cả nước, xua tan mọi rét buốt:

Bé trai bị đâm xuyên sọ vượt ‘bão’ ngoạn mục

Sáng 26/1, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thông báo, bé Dương Minh Phát – bé sơ sinh bị đâm xuyên sọ từng gây rúng động cả nước đã được xuất viện về đón Tết cùng gia đình.

bé trai bị đâm xuyên sọ, hồi phục, xuất viện, đón Tết

Bé Phát vui vẻ đùa giỡn với mọi người

Mới 7 tháng tuổi, bé Phát đã liên tục phải trải qua những biến cố khốc liệt (vết đâm xuyên sọ, 3 cuộc đại phẫu), có cả những lúc cuộc sống tưởng trừng như đã dừng lại đối với em. Do đó, thông tin bé đã vượt “bão” ngoạn mục không chỉ là niềm vui vô bờ bến của gia đình, của các y bác sỹ trực tiếp chạy chữa cho em mà còn khiến người dân cả nước hoan hỉ vui mừng.

Hơn nữa, bác sĩ Khanh nhận định: “Không thể ngờ mổ xong tinh thần bé hồi phục rất nhanh, đôi mắt có thần. Cháu bé còn rất vui vẻ, dễ tiếp xúc, biết cười giỡn. Sau này lớn lên bé sẽ là một người rất lạc quan”.

bé trai bị đâm xuyên sọ, hồi phục, xuất viện, đón Tết

Mẹ bé đã bao lần như hóa điên, sụp đổ khi chứng kiến những diễn tiến thăng trầm về sức khỏe của con.

Ôm con trai bé bỏng trong tay, chị Võ Thị Hồng Duyên không khỏi bồi hồi xúc động: “Suốt những ngày tháng qua, em tự dằn vặt mình, cảm thấy đau đớn vì có lỗi với con. Tai nạn ập tới với con ngay trước mắt mà em chẳng thể bảo vệ cháu. Được đón con xuất viện về quê, năm nay có lẽ là cái Tết lớn nhất với cả gia đình. Thế là quá đủ, quá ấm rồi ạ...”.

Được biết, khi mổ, các bác sĩ đều nương theo vết sẹo cũ nên giữ được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt cháu bé. Trước mắt, tinh thần, nhận thức của bé Phát hoàn toàn bình thường, tuy nhiên tương lai lâu dài, sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình hết sức quan trọng.

Rét đậm: Người trồng hoa ly phấn khởi thoát bế tắc

Khoảng 1 tuần trước người dân ở các vựa hoa ly vẫn đang trong tình trạng "hoa cười người khóc" vì tình trạng nắng ấm kéo dài khiến hoa nở sớm, phải bán rẻ bù lỗ, nguy cơ mất mùa hoa Tết. Tuy nhiên, đợt rét ky lục đang diễn ra là liều thuốc hữu hiệu giúp hoa ly nở chậm hơn, đem lại cơ hội mới cho họ.

Trước đó, nhiều người dân ở Mê Linh (Hà Nội) đã kỳ công thuê xe đem hoa ly lên Sa Pa “lánh nạn” chờ Tết  vì nơi này có thời tiết và nhiệt độ thích hợp để giữ hoa ly được lâu hơn. Đây được cho là một hành động liều lĩnh vì nếu thời tiết không như dự kiến thì khả năng lỗ nặng càng cao do chi phí vận chuyển rất lớn.

Người trồng hoa ly vui mừng khi thấy tuyết rơi ở Sa Pa - Ảnh 3.
Tuyết rơi khiến người trồng hoa ly rất phấn khởi bởi điều đó có thể giữ hoa ly lâu nở hơn. Người dân chăm sóc, bảo bọc hoa ly rất kĩ, hy vọng hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết.

Tương tự, vì lo hoa nở sớm mất Tết, nhiều hộ dân trồng ly ở thôn Đoài Thượng (Ninh Bình) đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư máy điều hòa nhiệt độ và thiết kế cơ sở hạ tầng để tạo không gian lạnh ngăn không cho hoa ly nở sớm.

Chính vì vậy, dù thực tế rất nhiều người gặp khó khăn vì rét đậm thì với những hộ dân trồng ly lại tỏ ra phấn khởi và vui mừng. Họ đã phần nào thoát khỏi tình trạng bế tắc, thay vào đó có thêm hy vọng về một cái Tết sung túc đầy đủ hơn.

Băng giá, tuyết rơi: người Sa Pa thêm cơ hội kinh doanh

Vì hiếu kỳ với cảnh tuyết rơi và băng giá ít thấy, đợt rét kỷ này lục Sapa đón nhận rất nhiều khách du lịch đến thăm quan. Bằng chứng là từ cuối tuần trước, ngay khi có dự báo thời tiết là Sa Pa (Lào Cai) sắp trải qua đợt rét kỉ lục, người dân khắp nơi đổ lên đây chờ ngắm tuyết khiến nhiều khách sạn ở trung tâm thị trấn "cháy phòng".

Người Sa Pa không nghèo và cũng chẳng chết rét vì tuyết rơi 1

 Hầu hết người Sa Pa đều có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và rất giỏi chào mời khách du lịch.

Và những ngày gần đây, thời tiết khắc nghiệt biến Sa Pa lộng lẫy như những bản làng ở châu Âu xa xôi, là lý do hấp dẫn khiến ngày càng đông khách du lịch đổ xô về đây để trải nghiệm và… dốc túi trả tiền dịch vụ. Lẽ dĩ nhiên kéo theo các hoạt động kinh doanh ở vùng này càng thêm sôi động và đắt khách.

Trong một bài viết mới đây trên báo Trí thức trẻ, những người am hiểu Sapa và chính những người dân nơi đây đều khẳng định rằng mỗi người dân ở thị trấn Sa Pa, nói rộng ra là huyện Sa Pa đều biết cách làm du lịch kiếm tiền, kể cả những đồng bào bản địa người Mông, người Dao, người Hà Nhì sống trên núi cao và những người Kinh di dân lên Sa Pa tìm kế mưu sinh.

Người Sa Pa không nghèo và cũng chẳng chết rét vì tuyết rơi 2

Những đứa trẻ dân tộc dễ dàng kiếm tiền khi có đông du khách như muốn chụp ảnh chúng phải trả tiền hoặc mua một món đồ...

Tuy rằng có quan điểm chê trách những khách du lịch đến đây đang vô tâm vui vẻ trước nhiều phận đời khốn khổ ngay trước mắt họ, thế nhưng ngược lại nhiều người dân Sapa thậm chí còn mong tuyết rơi dầy hơn, kéo dài hơn. Vì thực tế, điều kiện thời tiết như trong khoảng thời gian này mang lại cơ hội làm giàu rất lớn, và những khó khăn cũng có thật nhưng họ đã quen và đủ sức vượt qua.

Có thể lưu giữ tinh trùng và phối giống "cụ rùa" Hồ Gươm

Sự việc "cụ rùa" Hồ Gươm qua đời tuần trước gây khá nhiều tiếc nuối cho người dân Hà Nội vì “cụ” đã có thời gian dài gắn bó với hồ Hoàn Kiếm và người Thủ đô. Do đó thông tin này là niềm vui không nhỏ cho đông đảo người Việt những ngày cuối năm.

Cụ thể, sau khi qua đời xác "cụ rùa' đang được lưu giữ trong kho lạnh của Bảo tàng Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm KH&CN VN để nghiên cứu và bảo quản lâu dài. Tại đây, qua quá trình kiểm tra, các chuyên gia cho biết khả năng cao "cụ rùa" là giống đực, trái với các ý kiến từ trước cho rằng, "cụ" là giống cái. Cùng với đó, ông Tim McCormack, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - Tổ chức Indo-Myanmar Conservation cũng đưa ra khẳng định, "cụ rùa" hồ Gươm là cá thể đực.

 

Xác cụ rùa" có kích thước dài 2,08m; rộng 1,08 mét, nặng 169kg.

Trước thông tin này, PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN VN cho rằng, nếu "cụ rùa" là giống đực cần nhanh chóng lấy và bảo quản tinh trùng trong điều kiện đặt biệt. Làm như vậy để khi khoa học phát triển, có thể sử dụng phối giống tạo "truyền nhân" của "cụ rùa". Cách này cũng như nhiều nam giới hiện nay lưu giữ tinh trùng để thụ tinh.

Còn nếu "cụ rùa" là giống cái có thể lưu giữ buồng trứng để bảo quản lâu dài nhưng khả năng thực hiện chức năng duy trì nòi giống sẽ khó hơn nhiều.

Vân Khánh (tổng hợp)/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.