Những vụ trốn tù quái gở

Thượng tá Nguyễn Hồng Oanh, Phó trưởng phòng Trinh sát thuộc Cục quản lý trại giam (V6), Bộ Công an cho biết: Âm mưu vượt tù trốn trại thì nhiều, nếu không nói là ngày nào cũng có, nhưng số vụ việc thật sự đã diễn ra thì rất ít.

Khoảng 10 năm trở lại đây, trên toàn bộ mấy chục trại giam lớn nhỏ do Cục quản lý, mỗi năm chỉ có không đầy 30 vụ với trên dưới 30 đối tượng thực hiện được việc bỏ trốn. Thống kê gần nhất, năm 2008, cả nước có 22 vụ, 25 đối tượng trốn tù. Chỉ có 5 đối tượng hiện đang bị truy nã, còn 20 đối tượng khác thì đã bị bắt lại và nhận thêm hình phạt mới.

Rất đáng ngạc nhiên, thực tế là những đối tượng tù cao, án nặng thì lại ít khi tìm cách bỏ trốn. Thông thường, chuyện trốn tù thường rơi vào trường hợp những đối tượng có hoàn cảnh éo le hoặc vì họ có những nhận thức lệch lạc, từ đó dẫn đến hành vi manh động.

Yeik M"Lô sinh năm 1960, người dân tộc Êđê, ngụ tại Ea Tiêu, Krông Ana, Đắk Lắk. Gia đình y thuộc loại khá giả, có của ăn của để, có người làm thuê. Lợi dụng lúc vợ vắng nhà, gã đàn ông lực lưỡng này đã giở trò đồi bại với con gái riêng của vợ. Lĩnh án 12 năm tù, M"Lô được đưa sang Gia Lai thụ án tại Trại giam Gia Trung, huyện Mang Yang.

Ngày 25-1-2003, M"Lô được phân công theo một tổ phạm nhân của phân trại III đi làm cỏ lúa trên cánh đồng giáp suối A Jun của thôn 2, xã A Jun, huyện Mang Yang. Lợi dụng địa hình phức tạp với ruộng, rừng, suối xen kẽ, gã tù - đã bỏ ra nhiều ngày nghiên cứu địa hình và sắp đặt kế hoạch - bất ngờ bỏ chạy cắt mặt đám đông người dân đi làm ruộng và lủi nhanh vô rừng bạch đàn. Sợ nguy hiểm tính mạng thường dân, cán bộ quản giáo chỉ bắn chỉ thiên, không dám bắn ngăn chặn bước chân chạy trốn của gã.

Những biện pháp vây bắt của Trại Gia Trung ngay sau đó đã không đem lại kết quả. Thời điểm này, tình hình an ninh trật tự ở Tây Nguyên đang có nhiều xáo trộn. M"Lô đã viết thư gửi vào trại, đe dọa sẽ sang Campuchia gặp UNHCR (Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn) đặt điều "tố cáo", bôi nhọ, nếu trại vẫn tiếp tục truy bắt y.

Sau hơn 2 tháng truy lùng, trinh sát của trại đã phát hiện ra tung tích của kẻ đào thoát. Yeik M"Lô dựng chòi sống một mình trong rừng sâu ở huyện Krông Ân, cách làng 40km. Gia đình bố mẹ ruột và một số bà con dòng họ vẫn bí mật tiếp tế cho gã. Đường vào rừng, nơi gã trốn rất phức tạp, nếu huy động lực lượng vây bắt, M"Lô sẽ phát hiện và bỏ trốn ngay. Vì vậy, đêm 11-3-2003, tổ truy bắt lên đường với chỉ có 3 trinh sát.

11h đêm, trong rừng tối như mực, không thông thạo đường đi nước bước nên tổ truy bắt đã không giành được lợi thế bất ngờ. Nghe động, tên tội phạm bật dậy ngay và dùng rựa chém xối xả vào những người vây bắt. Phải vật lộn hơn 10 phút, các trinh sát mới tước được hung khí và còng tay gã. Trên đường được giải ra khỏi rừng, cách làng gần nhất 13km, M"Lô vẫn tiếp tục quẫy đạp, chống cự. Trong khi khống chế, áp giải tên tội phạm, Thượng sĩ Nguyễn Văn Vinh đã bị cọc nhọn đâm bị thương. Hơn 3h sáng, cả tổ mới khiêng được M"Lô ra đường để tống gã lên xe đặc chủng đưa về trại.

Động cơ dẫn đến toàn bộ chuyện bỏ trốn, chống cự quyết liệt của M"Lô hóa ra chỉ là vì... tự ái. Cưỡng hiếp con riêng của vợ, ngoài bản án phải trả, gã còn bị gia đình và bà con thân thuộc khinh ghét. Vợ gã không thèm lên thăm nuôi. Cô gái nạn nhân (đã là một cán bộ Nhà nước ở TP Buôn Ma Thuột), vì uất ức, đã viết thư vào trại sỉ vả tên bố dượng đồi bại. Chịu không nổi, M"Lô quyết chí trốn trại để về gặp cô gái... giải quyết, đồng thời trả thù bà con lối xóm vì đã nói xấu, khinh bỉ gã. Chưa kịp thực hiện những tội ác này, gã đã sớm bị bắt giữ, bị chồng thêm một bản án 3 năm tù bị tội bỏ trốn.

Tầm phào và khôi hài, song dù sao gã M"Lô bỏ trốn cũng còn có nguyên do. Nhưng vụ bỏ trốn của Nguyễn Phương Linh ở Phân trại K2, Trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên thì lục lọi mãi, gã cũng chẳng tìm ra lý do gì để mà khai báo. Linh phạm tội mua bán ma túy, án 12 năm tù. Chấp hành án đến tháng 6-2008, gã chỉ còn 7 tháng nữa là được tha tù. Theo lẽ thông thường thì ngoại từ bị thần kinh, còn không chẳng gã từ nào lại ngu ngốc bỏ trốn khi ngày tự do đã gần kề bên nách. Vì thế, Linh được trại bố trí cho lao động tự giác, làm công việc chăn bò ngoài vòng rào của trại.

Một hôm, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, gã sực nhớ ra là còn một ít tiền thăm nuôi trong túi. Vậy là buộc mấy con bò vào hàng rào, gã ghé qua chỗ người bạn tù được phân công làm công việc cắt tóc, cũng ngoài vòng rào khu giam, nhờ tay này báo lại nếu cán bộ quản giáo có hỏi thì bảo là gã đi hái nắm lá giang.

Dặn xong, Linh trực chỉ quán tạp hóa ở cách hàng rào trại hơn 1km mua một bịch rượu và ít bánh khô. Tiếp đó, gã lủi vào một ngôi mộ xây bằng đá bỏ hoang, bị cây dại che phủ um tùm, lôi rượu và bánh ra, nhẩn nha nhấm nháp chút khoái hoạt cuộc đời và mơ mòng giấc mơ ngày về với tự do. Chẳng biết giấc mơ có ngọt ngào không, nhưng nguyên cả bịch rượu thì cứ thế trôi vào cổ họng gã. Say ngắc ngư, gã lăn ra giữa một ngôi mộ ngủ say như chết.

Khi Linh tỉnh dậy thì đã quá nửa đêm. Ý thức dần dần quay trở lại khiến gã toát mồ hôi hột. Chắc chắn từ chiều đến giờ, việc gã trốn trại đã được báo động, lực lượng của trại đã được tung ra để truy bắt gã. Lỡ chơi dại, gã tù bấn lên đâm...ngu luôn, cắm đầu cắm cổ chạy. Không dám về trình diện, gã cứ đạp bờ bụi lần đường mà đi, đến đâu thì đến. 5h sáng thì đến xã Phú Hội, huyện Đồng Xuân, cách trại giam hơn 7km.

Lúc này, chính quyền các xã trong huyện Đồng Xuân đã được thông báo, các điểm chốt chặn đã được lập ra để truy bắt kẻ trốn tù. Được dân địa phương báo có một kẻ khả nghi vừa vào quán mua một lon nước bí đao, Thượng úy Thắng và một chiến sĩ của Phân trại K2 bèn quay xe lại. Áo quần nhàu nát, bẩn thỉu, cả người ướt đẫm sương đêm, Nguyễn Phương Linh đang ngã giá xe ôm để tiếp tục chạy trốn thì Thượng úy Thắng đến vỗ vai. Run bắn lên, nhưng đã quá mệt, cũng không có ý chí bỏ trốn, Linh ngoan ngoãn leo lên xe để hai cán bộ kè về, trở thành bị cáo trong một phiên tòa mới được xét xử ngay tại trại.

Áp Tết Nguyên đán năm 2009, Nguyễn Phương Linh chấp hành xong bản án 12 năm tù. Cầm tờ lệnh trả tự do, Linh vừa bước ra khỏi cửa trại giam thì lại phải đứng nghiêm. Có hai cán bộ của Trại giam chờ sẵn để đọc cho gã nghe lệnh bắt Nguyễn Phương Linh... quay lại trại giam để chấp hành bản án 30 tháng tù cho tội bỏ trốn khỏi nơi giam giữ!

Cũng ở Phân trại K2, Trại giam Xuân Phước, vụ bỏ trốn của phạm nhân Hoàng Văn Can còn ly kỳ hơn nữa. Đối tượng này bỏ trốn khi chỉ còn 6 tháng là hết án tù. Trại Xuân Phước nằm cách QL1 20km, lọt thỏm giữa một thung lũng khô cằn. Những ngọn đồi xung quanh trại chỉ phủ độc những lùm gai nhọ. Chẳng mấy khi có người lên đồi nên trên đó cả đường mòn cũng chẳng có.

Không thuộc địa hình, Can cứ nhắm hướng những ngọn đồi mà rúc. Đi ròng rã 3 ngày đêm, gã vẫn cứ loanh quanh lộn qua lộn lại bên những bụi gai dại, vẫn nghe tiếng kẻng của trại. Khi đã lết sang được địa phận huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, tiếng kẻng vẫn còn vọng đến, u u trong tai gã. Mệt, đói, tiếng kẻng của Trại khiến gã... nổi cáu. Đã thế thì không thèm trốn nữa, gã lần đường trở lại xin đầu thú. "Đằng nào cũng không thoát khỏi tiếng kẻng, ở tù coi bộ... khỏe hơn. Ít ra còn có cơm ăn, có chỗ ngủ", Can giải thích việc đầu thú của mình như thế!

Không phải kẻ trốn tù nào cũng hiền lành như Nguyễn Phương Linh hay Hoàng Văn Can. Hầu như biết rõ là không có cơ hội thoát, nhưng khi bị truy bắt, những kẻ âm mưu trốn tù đều chống cự quyết liệt, điên cuồng. Để không bị chuyển đi Trại Gia Trung, Gia Lai, ngày bị gọi tên, Sóc Anh - một phạm nhân nổi tiếng hung hăng ở Trại Z30D, Hàm Tân, Bình Thuận đã lập tức vớ ngay một chiếc đục vọt vào bên trong trại. Hai phạm nhân khác là "Thành nhái" và Hảo cũng lao theo, chụp lấy một phạm nhân tự giác đang trực buồng để khống chế. Sóc Anh tuyên bố sẽ tự tử nếu cán bộ vào bắt gã.

Dùng dằng cả ngày, vụ việc cũng không giải quyết được. Gần tối, đích thân Thượng tá Hồ Thanh Đình, Giám thị trại (nay là Đại tá, Cục phó Cục V6, phụ trách phía Nam) phải một mình, đi tay không mới vào được buồng giam tiếp xúc với những kẻ yêu sách mà không kích động chúng gây rối loạn. Thượng tá Đình yêu cầu Sóc Anh viết nguyện vọng của mình ra giấy ngay tại chỗ để Ban giám thị xem xét.

Trong khi hắn đang phân vân thì nhanh như cắt, Thượng tá Đình đã bóp chặt bàn tay đang khư khư nắm cán đục của Sóc Anh và quật ngã hắn để cho các cán bộ quản giáo khác vào còng tay. Thành và Hảo thấy thế bèn kè phạm nhân trực buồng lên giường tầng ngồi thu lu, dọa sẽ tạt nước sôi nếu cán bộ vào bắt. Hội ý chớp nhoáng, Thượng tá Đình và Trung tá Thông, Phó Giám thị đã vào hẳn trong buồng giam, dùng súng hơi cay và roi điện tấn công. Sau vài phút, "Thành nhái" và Hảo đã bị khống chế, phạm nhân con tin được giải thoát an toàn.

Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1978, thường gọi là "Hùng thẹo" đang thụ án tại Trại giam Gia Trung được bạn tù gọi là "vua trốn tù", bởi từ năm 1998 đến nay, tên này đã 7 lần bỏ trốn. Từ những tội trộm cắp lặt vặt và gây rối trật tự công cộng với những bản án chỉ nhằm mục đích răn đe nên không quá dài, sau hơn 11năm ngồi tù, án của tên này đã vọt lên 26 năm 10 tháng 29 ngày và sắp tới sẽ còn tăng nữa!

Càng bị tăng án, càng tuyệt vọng lại càng trốn, riêng tên Hùng đã "sở hữu" gần như đủ mọi hình thức trốn, càng về sau càng điên rồ và tinh vi hơn. Các năm 1998, 2004, ngồi tù ở Tiền Giang và Long An, Hùng trốn bằng cách cắt rào, trốn khi đi lao động. Năm 2007, Hùng là kẻ đầu têu vụ nổi loạn, trốn tù tập thể tại Trại Mỹ Phước, Thạnh Hòa, tỉnh Long An.

Lên Trại Xuân Phước rồi chuyển qua Trại Gia Trung, gã nhiều lần tìm cách để được đưa vào buồng biệt giam. Nhưng trước đó, gã đã bẻ nhỏ lưỡi cưa sắt, bọc trong găng tay cao sư nhét vào hậu môn, vào buồng biệt giam bỏ trốn. Bị phát hiện, thu hết mọi vật dụng kim khí, Hùng "sáng tạo" ra việc xé quần áo, làm ướt bằng nước tiểu và dùng gót chân đạp vỡ sàn xi măng buồng giam lấy cát trộn vải để thay lưỡi cưa cùm chân. Bằng lưỡi cưa có một không hai này, ở Trại Xuân Phước, tên Hùng đã từng cưa đứt cùm sắt phi 16 nhưng bị phát hiện nên không thoát.

Ngày 16-4-2008, hắn đã trốn được khỏi Trại Gia Trung. Khi bị cán bộ của trại lần theo và vây bắt tại ngã tư An Sương, quận 12, TP Hồ Chí Minh, tên này đã nhặt cục đá tự rạch tay mình lấy máu (Hùng có HIV chuyển giai đoạn AIDS) để chống trả những người truy đuổi nhằm tiếp tục chạy nhưng không thành công. Về lại Trại Gia Trung, mọi mánh khóe trốn tù đã bị lật tẩy, giữa tháng 7-2009, Hùng xé quần áo làm dây leo lên máng thoát nước của dãy buồng giam, chờ đến khuya sẽ bỏ trốn nhưng lại bị phát hiện. Riêng chuyện trốn tù và phạm tội của tên này, ghi chép hết cũng thành cả cuốn sách!

Trốn tù có thể xem là khởi đầu cho một đoạn bi kịch mới của chính người tù và cho cả xã hội. Với người tù, cơ hội tìm lại phần lương thiện ít ỏi và sự thanh thản đã bị cắt ngắn thêm. Nếu chưa bị tóm trở lại, trong điều kiện trốn chui trốn nhủi, để tồn tại, gần như chắc chắn kẻ đào tẩu sẽ phải sa chân vào hành vi phạm tội mới. Áp lực tâm lý và điều kiện sống sẽ khiến việc phạm tội càng tăng mức độ nguy hiểm, tàn bạo, ngày càng mất hết tính người.

Món nợ với pháp luật ngày càng nặng, sự tồn tại của kẻ đào tẩu sẽ bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Vì thế, truy bắt bằng được kẻ trốn tù, ngoài việc thể hiện sự công bằng, nghiêm minh trong kỷ cương, luật pháp, với các cán bộ ngành Trại giam, đó còn là việc cố níu lại cơ hội hoàn lương ít ỏi cho kẻ đã phạm tội, đồng thời giảm thiểu cho xã hội một mối nguy lơ lửng.

Theo Nguyễn Hồng Lam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.