Quá tải học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT vừa thực hiện việc kiểm tra tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học và trung học ở bốn thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiến, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Tuy mỗi thành phố có một đặc thù riêng, nhưng có một vấn đề nổi cộm là tình trạng quá tải học sinh ở một số nơi, chủ yếu ở lớp 1. Tình trạng này thấy rõ nhất tại Hà Nội. Cụ thể là có những trường tiểu học có sĩ số quá đông 55-60 học sinh/lớp, trong khi theo quy định chỉ nên 35-40 học sinh/lớp.

Tình trạng quá tải về số lượng học sinh khiến ở nhiều nơi học sinh phải học tập trong điều kiện chật chội. Có những lớp học thay vào việc xếp hai học sinh/ bàn học đã phải bố trí ba học sinh/bàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả dạy học...

* Tình trạng quá tải trên, theo ông, là do các trường vi phạm quy định, tuyển vượt chỉ tiêu hay do các sở GD-ĐT không sâu sát khi giao chỉ tiêu cho những trường không có điều kiện cơ sở vật chất tương ứng?

- Theo tôi, có sự bất ổn trong quy hoạch mạng lưới trường học ở các đô thị. Tại nhiều khu vực ở Hà Nội và các đô thị khác, dân cư tăng nhưng trường học không được mở rộng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Nhiều khu đô thị mới ra đời với mật độ dân cư lớn nhưng không có trường học. Bất hợp lý này khiến học sinh đổ dồn về một số trường. Năm học này có thêm một nguyên nhân khách quan là sự gia tăng dân số cơ học khiến số học sinh ở độ tuổi vào lớp 1 tăng vọt.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân đáng suy nghĩ là xu thế muốn lựa chọn những trường có chất lượng giáo dục tốt để gửi con của các bậc phụ huynh. Điều này dẫn đến việc có những trường phổ biến sĩ số học sinh trên dưới 60 em/lớp, trong đó có một số lượng tương đối lớn học sinh học trái tuyến, nhưng có những trường thì không thu hút được học sinh. Tình trạng này xuất hiện cả ở lớp 1 và lớp 6.

* Thanh tra Bộ GD-ĐT có kiến nghị gì để giải quyết bất cập trên?

- Tôi cho là cần phải rà soát và xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học, trong đó có sự tính toán để đảm bảo trường học đủ đáp ứng nhu cầu học của người dân, tương ứng với dự báo về tỉ lệ gia tăng dân cư các vùng khác nhau của đô thị. Nhất là đối với những khu vực đang được đô thị hóa mạnh như Hà Nội.

Chính quyền các thành phố lớn cần có những quy định chặt chẽ đối với các dự án xây dựng đô thị mới, phải đi kèm với việc xây dựng trường học. Chấm dứt cảnh có nhà ở nhưng thiếu các công trình công cộng, trong đó có trường học.

Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc cảnh phụ huynh lao đơn vào trường điểm, đằng sau đó là nhiều vấn đề gây bức xúc cho dư luận vào mùa “chạy trường”, cảnh học sinh ngồi học trong sự chật chội, quá tải, các thành phố lớn cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch luân chuyển giáo viên, kèm theo đó là chính sách đãi ngộ tương xứng.

Cụ thể là những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, tâm huyết sẽ được luân chuyển, bố trí dạy học ở các trường có đội ngũ giáo viên còn yếu. Việc luân chuyển phải có thời hạn nhất định, cam kết để giáo viên sau một thời gian cụ thể được trở về trường cũ hoặc các trường có điều kiện thuận lợi hơn.

Đồng thời chế độ lương, phụ cấp... cho giáo viên nhận nhiệm vụ luân chuyển phải được đảm bảo, có chế độ khuyến khích giáo viên giỏi tình nguyện bổ sung cho các trường học khó khăn. Đầu tư cho giáo dục phổ thông ở các thành phố lớn cũng cần phải quan tâm đến việc tránh tạo chênh lệch nhiều giữa các trường học, đảm bảo quyền lợi cho học sinh khi thực hiện đúng việc tuyển sinh theo tuyến.

* Nhiều năm qua, có một hiện tượng gây bức xúc cho dư luận là tình trạng tiêu cực trong việc xin học trường điểm. Qua thực tế kiểm tra, ông có nhận xét thế nào về việc này?

- Để điều tra việc “chạy trường” có màu sắc tiêu cực như dư luận nêu không đơn giản và phải có căn cứ xác thực, riêng ngành giáo dục không giải quyết được mà cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tôi chỉ nói đến khía cạnh bất ổn trong tâm lý “chạy theo số đông” của cha mẹ học sinh và quan niệm “phó mặc con cái cho nhà trường”. Việc giáo dục học sinh là một quá trình không chỉ diễn ra trong nhà trường.

Vì vậy, việc chọn trường điểm không phải là sự lựa chọn thông minh. Cùng với việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học, các chính sách đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường, theo tôi cần phải có sự tuyên truyền mạnh hơn để cha mẹ học sinh có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chọn trường.

Những trường hợp bị phát hiện có tiêu cực trong “chạy trường”, không chỉ người trong ngành giáo dục mà cả những người có hành vi “chạy tiền, xin học” cũng phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc cần thiết hơn bây giờ là nên tích cực tìm ra những giải pháp mang tính bền vững để giải quyết thực trạng quá tải học sinh.

Theo Trịnh Vĩnh Hà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.