Sách thiếu nhi nhiều mà vẫn thiếu

Đến bao giờ truyện tranh, truyện cổ tích và các bộ sách lịch sử của Việt Nam mới chiếm lĩnh thị trường trong nước?

Nhân dịp sinh nhật lần thứ chín của đứa cháu họ, chị Nguyệt Phương, 32 tuổi, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, đưa cháu ra nhà sách để bé tự chọn một bộ sách làm quà. Ý định tưởng chừng đơn giản nhưng mất cả buổi chiều dạo qua nhiều nhà sách, hai cô cháu vẫn không tìm được bộ sách như ý.

Nguyên nhân là chị Phương muốn cháu chọn truyện cổ tích hoặc lịch sử Việt Nam, nhưng thằng bé một mực không chịu. Nó đòi mua bộ truyện tranh Đôrêmon dù ở nhà đã có. Khi được hỏi vì sao không đọc truyện Việt Nam, cậu nhóc ngúng nguẩy trả lời: “Chán lắm, hình vẽ lại xấu”.

Sách thiếu nhi: muôn hình vạn trạng

Nhìn chung, thị trường sách thiếu nhi hiện nay khá xôm tụ với đủ thể loại, hình thức và dành cho nhiều lứa tuổi. Ở lứa tuổi mẫu giáo, các bé bắt đầu tiếp xúc với văn hóa đọc, qua đó, các em có dịp làm quen và học chữ. Sách dành cho độ tuổi này là những loại truyện tranh đơn giản, khổ nhỏ (12 x 17 cm) và mỏng (từ 15 – 20 trang) cùng các loại sách tập tô màu.

Lứa tuổi nhi đồng được làm quen với các thể loại văn học nhi đồng, truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, truyện lịch sử Việt Nam, sách kiến thức… trình bày dưới dạng vừa học vừa chơi. Những loại sách này có khổ lớn hơn (khoảng 14,5 x 20,5 cm) và nhiều trang hơn (từ 30 – 50 trang).

Dành cho tuổi thiếu niên là những bộ sách về danh nhân thế giới, kiến thức khoa học, các loại truyện ngắn phù hợp với lứa tuổi ô mai…

Ngoài ra, còn có các bộ truyện tranh hiện đại của nước ngoài như Đôrêmon, Conan… và các loại sách song ngữ.

Truyện dịch lấn lướt truyện Việt Nam

Tại các nhà sách lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như nhà sách Thăng Long, Nguyễn Văn Cừ… khu vực sách thiếu nhi khá phong phú. Dẫn đầu trong ngành xuất bản sách dành cho thiếu nhi là Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây cũng là đơn vị xuất bản được nhiều phụ huynh tin tưởng khi chọn mua sách, truyện cho con em mình.

Tiếp đó là Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thanh Niên… và một số nhà xuất bản địa phương như Nhà xuất bản Thanh Hóa, Đồng Nai… Chính sự đa dạng này đã dẫn đến sự phong phú về chủng loại và chất lượng sách, truyện dành cho đối tượng trẻ em.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại một số nhà sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, truyện dịch có khuynh hướng lấn lướt truyện Việt Nam. Lấn lướt ở đây nghĩa là những loại sách dịch, truyện tranh nước ngoài vừa nhiều hơn về chất lượng (nội dung và hình thức) so với các loại sách, truyện Việt Nam.

Bất kể ở thể loại nào, các bộ sách, truyện nước ngoài đều được cập nhật thường xuyên và chiếm khá nhiều không gian trưng bày trong các nhà sách. Trong khi đó, những bộ sách thiếu nhi Việt Nam chỉ quanh quẩn với các câu chuyện cổ tích, lịch sử, văn học… được tái bản và mỗi lần tái bản đều không có cải tiến đáng kể.

Bạn nghĩ gì trước thực tế khu vực sách khiến các độc giả nhỏ tuổi mê mẩn, có thể dành hàng giờ đứng đọc tại chỗ trong các nhà sách, là nơi trưng bày truyện tranh hiện đại như Đôrêmon, Conan… Tại sao cũng là những bộ sách được tái bản rất nhiều lần nhưng mỗi lần tái bản đều gặt hái thành công?

Trong khi đó, tại khu vực truyện thiếu nhi Việt nam, bạn chủ yếu bắt gặp các bậc phụ huynh đi tìm mua sách cho con em mình. “Tôi xem cuốn sách được trình bày có đẹp hay không, sau đó xem nội dung có phù hợp với lứa tuổi của con mình không”, anh Hữu Nhàn, 36 tuổi, quận Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn sách, truyện cho con.

Anh cũng như các bậc phụ huynh khác thường chọn mua các loại sách bổ trợ kiến thức, truyện về danh nhân với mong muốn con cháu mình cót hể học hỏi được nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, các độc giả nhỏ tuổi lại chỉ say mê những bộ truyện tranh dí dỏm, với các nhân vật có tính cách đặc trưng như Tí Quậy, Conan, chú mèo máy Đôrêmon.. Theo cảm nhận của các em, những truyện danh nhân, cổ tích không hấp dẫn.

Chúng ta có thể nêu hàng loạt những lý do khiến các ấn phẩm có nguồn gốc nước ngoài chiếm ưu thế trên sân khách. Đầu tiên, hầu hết đều được in trên giấy trắng, dày, láng mịn, màu in sắc nét, rõ ràng. Kế đến, các nhân vật trong truyện được khắc họa khá sinh động, lột tả được tính cách.

Những loại sách này mất thu hút và phù hợp với đối tượng trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo. Trẻ lớn hơn, thậm chí người lớn cũng khó cưỡng lại sức hút của loại ấn phẩm này.

Trong khi đó, những ấn bản như truyện cổ tích, sách lịch sử của Việt Nam thường không được chú trọng về hình thức. Chúng được in trên chất liệu giấy thường, không đẹp, in trắng đen hoặc nghiêng về một tông màu đỏ, tím hay xanh, tang giấy mỏng, đen, nhiều chỗ còn lem nhem màu mực.

Ngoài ra, hình vẽ minh họa các nhân vật khá thô cứng, máy móc. Chẳng hạn như hình ảnh vua chúa, quan quân trong bộ truyện lịch sử thường giống nhau dù đề cập đến hai thời kỳ lịch sử khác nhau.

Bên cạnh đó, có những cuốn truyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng hình vẽ lại rất ghê rợn, nội dung không mang tính giáo dục như Quỷ nhập tràng, Chồng người vợ ma…

Phải chăng những người làm công tác xuất bản cũng ý thức được thị trường dành cho sách Việt Nam không đáng kể? Do đó, họ không đầu tư nhiều vào sản phẩm để giảm thua lỗ? Hoặc chiến lược của họ là tập trung đầu tư vào những loại sách, truyện dịch nước ngoài, dù giá thành đắt hơn nhưng bán chạy hơn?

Những người làm sách nói gì?

Trước đây, sách, truyện thiếu nhi Việt Nam cũng có những bộ sách rất thu hút các em, thậm chí còn tạo nên một trào lưu đọc cho lứa tuổi cắp sách đến trường như bộ Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh. Tuy nhiên, đã khá lâu rồi, thị trường sách thiếu nhi trong nước không có những bộ truyện ăn khách như vậy. Lác đác cũng có những truyện ngắn của các nhà văn trẻ, nhưng chỉ thu hút bạn đọc nhỏ tuổi trong thời gian nhất định chứ chưa đủ sức tạo nên một trào lưu đọc.

Đã có hàng chục cuộc hội thảo về vấn đề này, ở cả cấp trung ương và đại phương, nhằm giúp sách, truyện Việt Nam giành thế thượng phong trên sân nhà. Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra. Thế nhưng, nguyên nhân chính vẫn nằm ở đội ngũ những người viết truyện cho thiếu nhi đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng những người thật sự có tâm huyết trong việc làm sách, truyện cho thiếu nhi.

“Sách, truyện dành cho thiếu nhi trên thị trường hiện nay khá phong phụ và đẹp nhưng chất lượng muôn hình muôn vẻ. Bên cạnh dòng sách, truyện thật sự hay, bổ ích, có không ít những quyển sách, truyện hay giả, bổ ích giả nhờ công nghệ P.R. Hiện tượng này giống như sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh thị trường tại Việt Nam những năm gần đây”, chị Thu Trân chia sử. Chị là nhà văn đã cho ra đời các đầu sách viết cho thiếu nhi khá thành công như Đường bong bóng bay, Ông thầy cũ kỹ, Những dòng sông búp bê, Nhà có cửa sổ tròn và Trò chơi của biển.

Theo chị, một trong những cái khó để “đứa con tinh thần” được các em đón nhận và cảm thụ là tác phẩm phải thật sự “đời”. Nghĩa là tác phẩm phải xuất phát từ cuộc sống, gần gũi để các em thấy được hình ảnh của chính mình trong nhân vật đó.

Chị chia sẻ thêm, việc phấn lớn các em thiếu nhi thích đọc truyện tranh, nhất là truyện tranh hiện đại của nước ngoài hơn những bộ truyện chữ không thể đổ lỗi vì thời đại fast food nên không có thời gian cho việc đọc. Ngoài việc chất lượng truyện chưa thu hút được đối tượng độc giả nhỏ tuổi, phụ huynh cũng là người một phần chịu trách nhiệm trong chuyện này. Khi không được bố mẹ hướng dẫn, trẻ rất dễ bị cuốn hút bởi những quyển truyện tranh hình nhiều hơn chữ, câu cú lủng củng, sai văn phong, ngữ pháp.

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng, loại hình truyện tranh comics còn rất mới mẻ với người Việt. Do đó, chúng ta không thể có được những thành tựu ngoài sức tưởng tượng như Nhật Bản, Hàn Quốc trong một sớm một chiều.

Thế nhưng, những gì phù hợp và gần gũi, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và mới mẻ của các “thượng đế” nhỏ tuổi sẽ được đón nhận. truyện tranh Việt Nam tuy chưa thể sánh kịp với những nước có nền “công nghiệp truyện tranh” nhưng cũng đã óc những tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt như Tí Quậy, Thần đồng đất Việt…

Anh cho biết thêm, nguyên nhân những loại truyện dịch có sức tiêu thụ tốt là do khâu chọn lọc đối tác và thẩm định tác phẩm. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Kim Đồng chỉ chọn mua bản quyền những tác phẩm bán chạy của các tác giả hàng đầu. Điều đó có nghĩa nếu được đầu tư tâm huyết trong khâu sang tác và xuất bản, những ấn phẩm của Việt Nam dành cho đối tượng thiếu nhi sẽ có thể giành lại sân chơi của mình.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.