Sông Hồng cạn nước: lại kỷ lục mới!

Lúc 1g sáng 29-12, mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên (Hà Nội) đã xuống thấp tới mức chỉ còn 0,66m. Cách đây hơn một tháng (ngày 18-11), nước sông Hồng xuống còn 0,76m, các cơ quan chức năng cho biết đó là kỷ lục thấp nhất trong vòng 107 năm kể từ khi có số liệu quan trắc từ năm 1902. Như vậy, đến nay kỷ lục đó đã bị phá vỡ.

Theo ông Đặng Ngọc Tĩnh - trưởng Phòng dự báo thủy văn Bắc bộ thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nguyên nhân khiến nước sông Hồng cạn nhất kể trên là do thời điểm này các hồ thủy điện đang tích nước chuẩn bị cho phát điện.

Vào thời điểm 1g sáng, các nhà máy thủy điện phát điện ít nên lượng nước xả về hạ lưu thấp, cộng với lúc thủy triều xuống thấp nên mực nước chỉ còn 0,66m. Đến 7g sáng cùng ngày, khi công suất phát điện lớn hơn, nước xả nhiều kết hợp với thủy triều lên, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã tăng lên mức 1,14m.

Ông Đặng Duy Hiển - trưởng phòng quản lý tưới tiêu Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) - cho biết hiện nay mực nước sông Hồng đang phụ thuộc sự lên xuống của thủy triều và việc phát điện của các nhà máy thủy điện nên có những biến đổi trong ngày. Thời điểm phát điện ít và thủy triều xuống thấp thì mực nước sẽ xuống thấp.

Mặt khác, do năm nay mưa ít, mùa mưa lại kết thúc sớm, lượng nước sinh thủy không nhiều nên hầu hết các hồ chứa, sông ngòi đều cạn kiệt. Hiện hồ thủy điện Tuyên Quang dù tích cực tích nước nhưng vẫn bị thiếu trên 1,1 tỉ m3 so với thiết kế, hồ Thác Bạc thiếu 1,3 tỉ m3 và hồ Hòa Bình thiếu gần 200 triệu m3. Nhiều hồ chứa nước lớn khác ở miền Bắc cũng chỉ tích được chưa đến 80% so với cùng kỳ năm 2008, thậm chí nhiều hồ chỉ tích được 40-50%...

Cũng theo ông Hiển, dù mực nước sông, hồ xuống thấp nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã cam kết sẽ xả khoảng 2 tỉ m3 nước để giải hạn cho miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2009-2010. Cụ thể, EVN cam kết sẽ xả nước các hồ chứa trong ba đợt, từ 26-1 đến 3-2, từ 7 đến 13-2 và từ 22-2 đến khi đủ nước tưới.

Trong ba đợt xả đó đều đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ đạt tối thiểu 2,2m để các địa phương dễ dàng lấy nước. Còn sau khi kiểm tra, đánh giá tình hình khô hạn, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh, tăng diện tích trồng lúa phải chuyển đổi sang trồng cây khác lên 50.000ha (tăng thêm 20.000ha so với dự kiến).

Còn theo ông Lê Văn Lương - giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6, nước sông Hồng cạn xuống mức 0,66m chỉ xuất hiện vào lúc thấp điểm trong phát điện nên giao thông thủy chỉ gặp khó khăn vào những thời điểm nhất định đó. Ngoài ra, tàu thuyền vẫn có thể lưu thông được trên sông Hồng.

Tuy vậy, do sông cạn nên đơn vị quản lý đường sông phải liên tục giám sát, cắm phao, biển báo luồng hướng dẫn tàu thuyền qua lại đảm bảo an toàn. Hiện nay công ty vẫn đang đợi sự chấp thuận của cơ quan chức năng để nạo vét sông Hồng khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền đi lại trong thời gian tới.

Theo T.Phùng - Đ.Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.