Sự lắp ghép tệ hại

Phần đầu là cổ tích VN, phần cuối là tích "ly miêu hoán chúa" thời Tống bên Trung Quốc... đó là những gì mà nhiều người đọc nhận ra ở cuốn truyện "Nguyên phi Ỷ Lan" của tác giả Huy Cờ.

Bìa sách ghi rõ "Tủ sách danh nhân", là câu chuyện lịch sử nói về những nhân vật có thật trong lịch sử VN nhưng nội dung lại nhuốm màu cổ tích thần thoại, lắp ghép lung tung.

Thật không thể tưởng tượng được cuốn sách thuộc: "Tủ sách danh nhân Việt Nam" lại có thể có một câu chuyện huyền thoại hoang đường như vậy. Phần giới thiệu tuổi thơ của Nguyên phi Ỷ Lan được bê nguyên xi câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" mà ai cũng thuộc nằm lòng. Tác giả Huy Cờ viết, bà Ỷ Lan thuở nhỏ được đặt tên Tấm. Năm Tấm lên mười thì mẹ lâm bệnh nặng qua đời. Thế rồi bố Tấm gặp một cô hàng rượu. Truyện viết: "Không hiểu cái con ma men có làm bà mối dẫn dắt chuyện tình hay không mà một tháng đôi lần cô bán rượu đến nhà ông Thiết (...). Cái con người có giọng nói rít qua kẽ răng ấy quả là ghê gớm".

Tiếp theo, tác giả cho mẹ kế của Tấm sinh em gái, đặt tên là Cám. Cám cũng đanh ác giống mẹ, luôn hành hạ đánh đập Tấm. Khi hai chị em cũng ra đồng bắt cua cá, Cám đổ hết giỏ của chị. "Cám bò đến giỏ đựng cua cá, Cám đổ hết xuống ao rồi bỏ ra về, Tấm ngồi thụp xuống bờ đầm sen, ôm chiếc giỏ không, khóc lóc thảm thiết. Bỗng có tiếng nói: Cháu làm sao mà khóc? Tấm giật mình,ngẩng lên nhìn, nhận ra người nói đó là... nhà sư Tăng Đại Điên. Nhà sư chỉ tay vào giỏ nói: Con hãy nhìn vào trong giỏ xem còn gì không? (...) Con hãy mang bống về thả nó xuống giếng, cho nó ăn cơm. Sau này nó sẽ giúp ích cho con. (...) Nhà sư Đại Điên bảo Tấm: Cháu hãy nhặt xương bống, chôn ở dưới chân giường, đúng một trăm ngày bới lên sẽ có lợi cho cháu". Đến khi bới lên thì có đôi hài "những sợi chỉ viền quanh đôi hài óng ánh, long lanh, những hạt ngọc bích đính trong xanh kì ảo, những viên hồng ngọc đỏ rực" (trích từ trang 24 đến trang 33).

Phần cuối câu chuyện còn ly kỳ hơn nữa với việc Ỷ Lan mang thai nhưng bị hoàng hậu Thượng Dương ghen ghét và "lấy con mèo đen bị bẻ gãy hai chân đầm đìa máu" tráo vào đứa trẻ, làm vua phải ngất đi (trang 62). Nguyên phi bị đuổi khỏi cung, "quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù, mặt mày hốc hác, điên loạn chạy khắp các ngả đường, miệng kêu gào thảo thiết" (trang 63), rồi trở thành bà già mù lòa ra ở lò gạch với đứa con nuôi. Khi hoàng tử lên ngôi vua, được thần báo mộng đi tìm mẹ thì "Thái úy gặng hỏi: Vậy trên thân hình đứa trẻ nhỏ bà sinh ra có dấu vết gì làm bằng chứng? Bà già nói: ... trên tay và chân nó có bốn chữ: SƠN-HÀ-XÃ-TẮC (trang 71).

Không hiểu vì sao NXB Kim Đồng lại có thể để lọt qua một cuốn sách viết về lịch sử cho thiếu nhi tệ hại như thế?

Theo Luyến Thương - Dương Xuân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.