Chiều 23/3, Công an phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết đã hoàn tất hồ sơ ban đầu, mời chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - người mua ve chai phát hiện 5 triệu yen Nhật - tới ký niêm phong toàn bộ số tiền đã giao nộp cho công an phường trước đó để chuyển giao cho Công an quận Tân Bình thụ lý giải quyết.
Liên quan tới vụ việc, ông Trần Vũ Thanh Phương - thẩm phán Tòa án nhân dân quận 8, TP.HCM - cho rằng: theo quy định, có thể hiểu chủ sở hữu số tiền trên đã vô tình để mất số tiền trong chiếc thùng, chiếc thùng có thể đã qua nhiều người sở hữu nhưng không ai phát hiện khối tài sản lớn bên trong. Cuối cùng, chiếc thùng thuộc về chị Hồng, trong trường hợp này chị Hồng là người chiếm hữu ngay tình. Chị Hồng đã có ý thức giao nộp cho cơ quan chức năng là đã chấp hành đúng quy định pháp luật.
Ông Phương cho rằng đơn vị tiếp nhận là Công an quận Tân Bình sẽ truy tìm chủ sở hữu số tiền trên, nếu trong hệ thống ngành công an không có thông tin khai báo của nạn nhân trình báo mất số tiền phù hợp với số tiền chị Hồng phát hiện, sẽ đăng báo để tìm chủ sở hữu. Trong thời hạn nhất định, nếu có người chứng minh được số tiền trên là của họ, chứng minh được nguồn gốc, lý do để mất khoản tiền này thì Công an quận Tân Bình sẽ trao trả lại. Trong trường hợp này, tùy theo ý chí của người tìm được tài sản, họ muốn trả cho chị Hồng bao nhiêu là quyền của họ, pháp luật không quy định. Nếu sau thời hạn đăng báo theo quy định, không có ai chứng minh được quyền sở hữu của họ với khoản ngoại tệ này thì số tiền sẽ được chia theo tỉ lệ nhất định. Chị Hồng là người chiếm hữu ngay tình, sẽ được hưởng một phần theo quy định, số còn lại được sung vào công quỹ.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngồi giữa) và các đồng nghiệp ở cùng nhà trọ chia sẻ câu chuyện tìm thấy 5 triệu yen trong thùng sắt cũ. |
Luật sư Võ Xuân Trung, đoàn luật sư TP.HCM - cũng phân tích: về góc độ luật pháp, việc số tiền chị Hồng phát hiện rơi vào trường hợp: vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên (điều 187, Bộ luật dân sự 2005). Việc chị giao nộp số tiền phát hiện ra cho cơ quan công an và cơ quan công an tạm giữ số tiền trên để tìm ra người sở hữu và hoàn trả lại cho họ là việc làm đúng luật pháp theo quy định tại khoản 2 điều 241 Bộ luật dân sự 2005. Theo quy định thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được. Nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần còn lại thuộc Nhà nước.
Theo ông Trung, ý kiến cho rằng chị mua ve chai đã bỏ tiền ra mua phế liệu thì bên trong phế liệu đó là vật gì cũng thuộc vật chị bỏ tiền ra mua là không thuyết phục, vì không ai lại đi bán thùng ve chai có 100.000 đồng nếu biết trong đó có số tiền hơn 1 tỉ đồng. Đây chỉ có thể là việc bỏ quên vật của người chủ sở hữu và sự việc này rơi vào quy định tại điều 241 của Bộ luật dân sự như vừa nêu.
Cùng chung quan điểm với luật sư Trung, ông N. - một điều tra viên cao cấp thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP - cho rằng: nếu Công an Q.Tân Bình không tìm được người sở hữu số tiền này, theo quy định số tiền sẽ được giao nộp ngân sách, sau đó dựa vào các quy định pháp luật hiện có để trích một phần số tiền cho chị Hồng.