Trường chuẩn, Hiệu trưởng chưa "chuẩn"

Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ, Quảng Nam) được công nhận trường chuẩn từ lâu, cơ sở vật chất vào loại nhất tỉnh; đội ngũ giáo viên rất uy tín với các bậc phụ huynh, trừ... Hiệu trưởng.

Thu, chi bất minh!

Theo Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 6-10-2005) và Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT và Nội vụ (ngày 23-8-2006), Hiệu trưởng trường tiểu học phải dạy mỗi tuần 2 tiết, Hiệu phó 4 tiết. Thực hiện đúng như vậy mới được nhận phụ cấp ưu đãi ngành. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ông Lương Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản chưa hề đứng lớp dạy giờ nào cả. Cả 2 Hiệu phó của trường cũng vậy.

Để hợp thức hóa việc này, họ kê khống là có dạy. Trong đó, ông Sơn kê "dạy" hộ cô này bận việc tang, cô kia nghỉ ốm...Tổng thời gian cả 3 người kê khống riêng năm học 2008-2009 là 253 tiết. Cứ Hiệu trưởng kê thì Hiệu phó duyệt và ngược lại. Nhờ "đảm bảo" giờ công, nên cả 3 vẫn được hưởng phụ cấp 2 ưu đãi ngành, riêng ông Sơn từ 2004 đến nay hưởng hơn 45 triệu đồng.

Tính đến ngày 30-7-2009, nợ tồn đọng của Trường Trần Quốc Toản lến đến 200 triệu đồng. Trong đó, nợ tiếp khách chiếm phần không nhỏ. Ở một bảng kê năm 2009, có tổng chi gần 26 triệu đồng, do mức chi này vượt quá kế hoạch, không đảm bảo Quy chế chi tiêu nội bộ của trường nên để giải quyết, ông Sơn phải dùng đến 7,5 triệu đồng tiền của Hội Cha mẹ học sinh. Ông nói với PV đã được đại diện Hội Cha mẹ học sinh đồng ý. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều phụ huynh phản đối: "Chúng tôi nộp tiền vào quỹ hội để hỗ trợ việc học của con em chứ không phải trả nợ tiếp khách cho trường".

Để ngoài sổ sách

Từ năm 2004-2008, tiền "hoa hồng" bảo hiểm tai nạn do công ty bảo hiểm chi lại cho trường hoàn toàn để ngoài sổ sách kế toán. Người giữ khoản tiền này là cô tổng phụ trách đội (TPT) kiêm cộng tác viên bảo hiểm, cũng là người quản lý, chi tiêu. Được biết trong 4 năm đó, tổng chi từ nguồn tiền bảo hiểm này trên 30 triệu đồng. Những chứng từ chi tiêu PV có được hầu hết đều là giấy viết tay của cô TPT và chữ ký của Hiệu trưởng Lương Văn Sơn. Ngay cả mức thù lao từ nguồn này, cao nhất cũng là Hiệu trưởng và cô TPT. Chẳng hạn, năm học 2004-2005, chi bồi dưỡng từ tiền bảo hiểm tai nạn, mỗi giáo viên được nhận trung bình 30.000 đồng, riêng Hiệu trưởng được 800.000 đồng (gấp 26 lần), cô TPT đến 1,1 triệu đồng (gấp 36 lần). Trả lời về việc để ngoài sổ sách kế toán khoản tiền này, ông Sơn nói do..."không biết quy định".

Tháng 5-2008, cô TPT làm thất lạc hồ sơ tài chính quỹ khuyến học và quỹ đội. Đến tháng 2-2009, ông Sơn mới tổ chức cuộc họp giải quyết. Trong cuộc họp có 3 người, ông Sơn, cô TPT, đối tượng phải kiểm điểm do để mất hồ sơ, lại làm thư ký, ghi biên bản cuộc họp. Cô TPT đổ lỗi cho Ban Thanh tra nhân dân nhà trường mượn chứng từ không trả, nhưng cuộc họp không có đại diện ban này. Cuộc họp liên quan đến vấn đề tài chính lại không mời kế toán. Cô TPT cũng chẳng hề có bảng tường trình sự việc. Ông Sơn kết luận cuộc họp không nêu hướng giải quyết, thời gian khắc phục, cũng chẳng quy trách nhiệm cho ai. Ông còn chỉ định thủ quỹ mới của Hội khuyến học mà không nói ai làm kế toán.

Theo Cẩm Châu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.