Tử tù Trịnh Nguyên Thủy: Kiếp người sót lại

Trịnh Nguyên Thủy lại khóc, đôi mắt đỏ hoe, nhòe nhoẹt. Nước mắt không đọng thành giọt, chỉ hoen mi, khiến khuôn mặt đàn ông chốc chốc rúm ró, đau đớn.

Nắng quái chiều hôm một ngày thu chưa qua đông đang tới nhảy nhót những tia sáng ma trơi trong căn phòng làm việc chật hẹp của Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La. "Ông trùm" sản xuất heroin, "doanh nhân thành đạt" Hà Nội những năm đầu thế kỷ XXI giờ đây đang đắm chìm trong những ngày tháng tuyệt vọng, hoảng loạn. Tử tù Trịnh Nguyên Thủy chỉ còn biết ôm ấp cho mình ước nguyện muộn mằn và duy nhất: Muốn được sống nốt kiếp làm người.

Thủy ngồi tạc tượng ở góc phòng, phờ phạc, uể oải. Khuôn mặt nhìn nghiêng có vệt xanh mờ râu quai nón còn lưu những đường nét khá điển trai, nam tính. 4 giờ chiều, Trịnh Nguyên Thủy mới vừa thức dậy. Vẫn là nỗi ám ảnh muôn thuở của những tử tù, đêm chong chong đợi sáng, căng mắt đếm từng giây phút qua.

Từ khi bị bắt, nằm trong buồng giam, đồng hồ sinh học của Trịnh Nguyên Thủy đã thay đổi. Anh ta chỉ có thể thiếp vào mộng mị khi bình minh bắt đầu ló rạng, thỏa thuê rắc nắng trên khắp cõi nhân gian. Những thanh âm xao động giản đơn của buổi sớm mai vọng vào khe cửa hẹp, nhưng lại lĩnh sứ mệnh mang đến cho Trịnh Nguyên Thủy thêm một khoảnh khắc vô giá của cuộc sống bình thường.

Hơn hai năm đằng đẵng đi qua kể từ buổi Tòa phúc thẩm y án tử hình, Trịnh Nguyên Thủy đã suy sụp nhiều. Niềm tin và hy vọng cứ ngày lại ngày, càng dần teo tóp. Sức chịu đựng của con người không bao giờ là vô hạn. Thời gian luôn có sự công phá khủng khiếp, kịp xóa sạch sành sanh phong thái hào hoa ở một "đại gia" từng có thời là đích ngắm của nhiều nhan sắc đương tuổi xuân thì.

Khác với trước kia, giờ này Trịnh Nguyên Thủy không còn nhắc tới vợ. Hỏi, anh ta chỉ nhát gừng, đáp lại qua loa, giọng nói vẫn đều đều, thủ thỉ. Trịnh Nguyên Thủy bảo lâu rồi vợ không lên thăm, trước cô ấy làm thủ quỹ ở Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn Thủy của gia đình, nhưng bây giờ thì chẳng còn tin tức.

Âm vực bất chợt cao lên, gương mặt nhàu nhĩ thoắt rạng rỡ lúc câu chuyện chuyển qua cậu con trai mà Trịnh Nguyên Thủy khăng khăng khẳng định là duy nhất. Như những người cha luôn hãnh diện về phiên bản của mình, Trịnh Nguyên Thủy háo hức khoe con. Cậu bé chớm bước vào tuổi 20, đang là sinh viên Đại học năm thứ 2, rất ngoan và vô cùng thương bố.

Tháng đến hai tháng một lần, cậu lại tay xách nách mang từ Hà Nội ngược đường số 6 lên Sơn La. Mỗi cuộc gặp giữa hai cha con chỉ đọng đầy nước mắt và những hoài niệm mãi tạc vào ký ức, để rồi đêm đêm, trong tiếng rả rích của côn trùng và sự căng thẳng đầy chết chóc, Trịnh Nguyên Thủy đem ra tua lại, tích tụ thêm cho mình nghị lực sống.

Lời con trai cứ quấn quýt, đeo bám bên Thủy giữa canh khuya: "Lúc bố bị bắt, con còn bé, chưa thấm được gì. Giờ con lớn, con hiểu, con thương bố nhưng không biết làm sao". Thủy cũng lắc đầu, phủ nhận sự hiện diện của người con nuôi từng được anh ta yêu thương nhất mực và gửi gắm biết bao hy vọng vào tương lai. Ít lâu sau khi Trịnh Nguyên Thủy bị bắt, cậu trai sinh năm 1983 không vượt qua được cú sốc tinh thần, a dua chúng bạn, phạm tội và phải chấp hành hình phạt tù tại Trại giam số 6 (Thanh Chương - Nghệ An). Có lẽ, đã nắm được thông tin đắng lòng ấy, nên Thủy xót xa, muốn lãng quên cho khỏi tủi phận. Trước nay, không ai nói cho Thủy biết điều này, và cũng chưa một ai nỡ hỏi cho tỏ tường rành rẽ.

Ngay cả khi mang án tử hình, ngày mai luôn là một câu hỏi không có đáp án, Trịnh Nguyên Thủy vẫn còn ấm ức. Anh ta nhất định cho rằng, mình đâu đến nỗi quảng giao và đào hoa như dư luận đã phóng tác lên nhiều khiến câu chuyện đời tư lại thành ra hoành tráng, hấp dẫn thế.

Trước đây, được người nọ người kia yêu quý không phải vì tiền nhiều thế lực lắm, mà đơn giản vì anh ta là một đấng nam nhi đàng hoàng, chỉn chu, giàu tình cảm: "Tôi có nhiều bạn gái, cũng có nhiều bạn trai. Các bạn gái quý tôi, các bạn trai cũng quý tôi. Nhưng sao mọi người chỉ muốn quan tâm đến chuyện bạn gái của tôi thôi".

Thủy trũng giọng, đôi vai rung rung: "Người ta bảo tôi đem bao nhiêu nhà tặng cho cô này cô khác. Cả đời tôi chỉ tặng nhà cho một người. Ai không tin cứ đến tận nơi xem, hoàn cảnh người đó có đáng thương, có xứng để được nhận sự giúp đỡ không?".

Rồi Trịnh Nguyên Thủy rành rọt đọc tên và địa chỉ của người đàn bà bí mật. Thế nhưng, thắc mắc đấy là bạn gái hay chỉ đơn thuần một mảnh đời bất hạnh, anh ta lại quầy quậy: "Tôi không nói. Mọi người cứ thử đến tận nơi xem câu chuyện trắng đen thế nào?!".

Trịnh Nguyên Thủy có cha gốc Phú Thọ và mẹ người Hà Nội. Nhà đông con, mấy anh em Thủy phải làm quen với lao động từ tấm bé. Cuộc sống một thời khốn khổ, ồn ào và xô bồ kiến Thủy ôm ấp khát vọng đổi đời, làm giàu nhanh chóng.

Năm 1978, Trịnh Nguyên Thủy đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn xử phạt tù về tội vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện. Chắc không biết cái "trích ngang" của mình đã được mọi người nắm rõ, Trịnh Nguyên Thủy vẫn đắm chìm vào những nức nở khôn nguôi: "Cả đời tôi chưa ngắt một cành hoa, chưa bao giờ cắt tiết một con gà?!. Tôi bản chất là người lam làm, chăm lao động, từng tự tay đào ao, thả cá, xúc từng thúng đất, vun xới từng gốc cây...".

Hỏi anh ta có thấy hiểu nỗi thống khổ của những gia đình lỡ có người mắc vòng nghiện ngập. Trịnh Nguyên Thủy quả quyết, hùng hồn: "Tôi rất ghét ma túy?! Ở công ty, tôi luôn đều đặn tổ chức "test" xem có ai mắc nghiện không để còn đưa đi chữa trị". Giữa lời nói và việc làm là một khoảng lặng quá xa, nên thực tế, Trịnh Nguyên Thủy đã tham góp vào việc hủy hoại cuộc sống của hàng vạn thanh niên bằng cách chiết xuất heroin ngay giữa phố phường Hà Nội thanh bình.

Trịnh Nguyên Thủy đôi khi nói như làm thơ, những lời lẽ mà nhẽ ra, đã phải thuộc về một tâm hồn khác: "Tôi vẫn một lòng một dạ với đất nước, sắn ngô khoai suốt mấy chục năm trời. Gia đình tôi cũng bộ đội, cũng thương binh liệt sỹ, cũng cống hiến. Kết cục này với tôi quả là đau đớn bẽ bàng"...

Mất ngủ triền miên làm đôi mắt tự dưng mờ dần, Thủy không thể đọc sách, nhưng anh ta cứ nhắc mãi tới cuốn truyện có tên "Khúc khải hoàn của AQ". Trong buồng giam, Thủy chỉ biết hát, hát để trấn an chính mình và những người xung quanh. Tự nhận hát không hay, nhưng những thanh âm cất lên khiến lòng dịu lại, Thủy đã cố dùng mọi cách để khuây khỏa, để quên và thanh thản.

Vô vọng hướng ra ánh chiều chạng vạng, chập chờn bóng núi, đôi mắt ằng ặc nước, khuôn mặt đờ đẫn nhuốm màu hoàng hôn, Trịnh Nguyên Thủy nấc lên từng chặp: "Tôi đã nộp đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước. Bất kể một con thú hay một con người cũng đều yêu cuộc sống. Giờ đây, tôi không mong ước gì, chỉ muốn được sống nốt kiếp làm người. Tôi mong được ân xá. Như thế, xã hội sẽ đỡ đau, gia đình tôi cũng đỡ tủi, đỡ hận".

Rồi Thủy đăm đắm nhìn vào bàn tay trái. Ở ngón giữa, Trịnh Nguyên Thủy có đeo một chiếc nhận là lạ. Tôi tò mò muốn biết đấy có phải là kỷ vật đáng giá với anh ta không. Thủy xòe tay, giọng nhẹ bẫng: "Cái này tôi tự làm bằng bàn chải đánh răng". Chiếc nhẫn nhìn gần thô ráp, có hình trái tim trên mặt và hai bên là hai chữ cái B.T.

Thủy háo hức: "Tên người nhà tôi đấy". Thủy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, anh ta đã khắc tên con trai mình. Ở trong phòng biệt giam, quẩn quanh với bốn bức tường, Thủy có cơ hội thể hiện nét tài hoa. Các đồng chí quản giáo ở Trại giam Công an tỉnh Sơn La cũng thừa nhận, Trịnh Nguyên Thủy rất khéo tay. Nhẫn nại mài cán bàn chải xuống nền xi măng, cọ sát vào vải quần, bằng những thao tác rất thủ công, ngày này qua ngày khác, Thủy đã hoàn thiện được chiếc nhẫn khá xinh xẻo.

Mỗi lúc tẩn mẩn thực hiện những động tác giản đơn, lặp đi lặp lại, Trịnh Nguyên Thủy đã tạm thời quên đi thực tại của mình. Thời gian vốn xông xênh và cũng cạn kiệt quá đỗi với tử tù, nên tự mày mò làm ra những đồ vật nho nhỏ bằng tay không là một cách để Trịnh Nguyên Thủy cùng những người đồng cảnh ngộ giải khuây cho trôi qua từng khoảnh khắc sống.

Trịnh Nguyên Thủy tháo chiếc nhẫn tự làm khỏi ngón tay và khăng khăng tặng nó cho tôi. Tôi bảo với anh ta biết đâu đấy là vật mang đến may mắn, và anh ta nên giữ cẩn thận bên mình. Nhưng Trịnh Nguyên Thủy lại muốn rằng, nếu là điềm may thì tôi nên cầm lấy, bởi như thế sẽ linh nghiệm hơn nhiều.

Trịnh Nguyên Thủy cũng tin vào số phận, tin vào thuyết nhân quả ở đời. Anh ta nói rằng năm tháng trong phòng giam đã khiến nhiều bạn tù tôi luyện được giác quan thứ 6, các sự kiện xảy ra trong những phút mơ màng mộng mị rất dễ ứng với đời thường. Luồng điện sinh học ở những con người đang giáp mặt với cái chết này cũng mạnh hơn, dường như việc nhàn rỗi chân tay dễ khiến tử tù giày vò đầu óc, tâm tưởng của mình.

Theo Hương Sen - Anh Hiếu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.