"Vô tư" tuồn "hàng nóng" qua biên giới

Chỉ cần nhìn đống lổn nhổn đao kiếm, nhiều khách qua "chợ Việt" Hà Khẩu đã thấy sởn da gà. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phía dưới những thanh kiếm "đa năng" "treo được, chém được" ấy mới là những thứ rùng mình thực sự: dùi cui điện, súng điện, thuốc xịt cay … sẵn sàng tuồn vào trong nước theo yêu cầu của bất cứ khách hàng nào.

Khác với vẻ trật tự trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cách một con sông nhỏ, ngay bên kia biên giới, là một thế giới tự do của kiếm dài, kiếm ngắn, đao, thương, dao bấm… Tất cả được bày bán la liệt công khai tại chợ người Việt ở Hà Khẩu. Khách muốn, chỉ cần xỉa tiền, "hàng" sẽ được "xách giùm" qua biên giới.

Chỉ cần nhìn cái đống lổn nhổn đao kiếm ấy, nhiều người có dịp ghé qua "chợ Việt" ở Hà Khẩu đã thấy sởn da gà. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phía dưới những thanh kiếm "đa năng" "treo được, chém được" ấy mới là những thứ rùng mình thực sự: dùi cui điện… sẵn sàng tuồn vào trong nước theo yêu cầu của bất cứ khách hàng nào.

Thế giới tự do của đồ chơi bạo lực bên kia biên giới

"Chợ Việt" ở Hà Khẩu là nơi những người tử tế bước vào đều không khỏi cảm thấy rờn rợn. Ở đó tồn tại một thế giới khác của người Việt: thế giới của giang hồ và mại dâm, của đồ chơi bạo lực, hung khí và thuốc kích dục.

Với sự "cho phép" của chính quyền địa phương, những thứ hàng hóa này được bán công khai, và gần như là thứ "hương sắc" chủ yếu của khu chợ. Đập vào mắt người ta ngay từ cổng là vô vàn những băng đĩa bẩn; dao đa năng; dùi cui điện; súng điện; thuốc xịt cay; kiếm chiến cái thẳng cái cong, long đao, kiếm Nhật, dao mác, mã tấu… bày la liệt. Đây cũng là một đầu mối gây ra tình trạng vũ khí nóng "loạn cào cào" trong nước mà báo chí đã lên án từ lâu...

Ghé vào sạp hàng ngay đầu chợ của một anh chàng trẻ tuổi, mặt hiền khô, chúng tôi hỏi mua một bộ kiếm treo 3 chiếc, và mới ngộ ra việc đưa những thứ hàng cấm này vào trong nước hóa ra quá đơn giản. Đa phần những cây kiếm ở đây có giá đủ "mềm" để khách hàng rước về cả bộ. Một cây đao đầu rồng có bệ đỡ rất đẹp, cũng mới chỉ có giá 250.000 đồng.

Nếu khéo mặc cả, khách có thể ung dung nhận "hàng" tại Lào Cai, với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí một nửa. Hầu hết những chủ hàng trong chợ này đều có những mối với nhà xe hoặc tàu. Thường thì hàng sẽ được giới xe ôm, cửu vạn chuyển qua các đường mòn lắt léo, tập kết ven sông Nậm Thi. Hàng được chất lên bè của những người giả làm dân địa phương đi chặt củi… và cứ thế "ung dung" cập bến Việt Nam qua hàng chục những bến đò dọc sông mà những kẻ buôn lậu lập ra.

Tiếp đó, hàng sẽ được ngụy trang chở đi các nơi. Nếu vận chuyển bằng tàu, chủ hàng chỉ cần "làm luật" với 1 nhân viên trên tàu, người đó sẽ có trách nhiệm lo phần còn lại với đủ các "ban bệ". Hàng chuyển bằng tàu thì an toàn hơn, nhưng giá sẽ cao hơn.

Giới làm ăn này cũng rất rõ ràng, chuyển hàng có bảo hiểm đàng hoàng. Nếu trên đường có lỡ bị các cơ quan chức năng phát hiện thu mất, thì người nhận chuyển sẽ đền toàn bộ. Thường thì chuyển về đến Hà Nội, giá hàng sẽ lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Chủ hàng này còn cho biết: Anh ta vẫn thỉnh thoảng phải đóng hàng vào tận TP HCM cho các mối quen. Được biết, dù từ Bắc vào Nam có rất nhiều cửa khẩu để tuồn hàng lậu vào trong nước, nhưng cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai là nơi tập trung nhiều hàng "nóng" nhất. Bởi vậy, dù có xa xôi, các chủ buôn vẫn phải nhập hàng từ đây.

Càng vào sâu trong chợ, những gian hàng như thế này càng nhiều và chủ hàng càng nhiệt tình chào mời. Bất cứ ai, chỉ cần ghé vào hỏi, các chủ này sẽ nhanh chóng đưa cho số điện thoại kèm lời hứa mang hàng về tận nơi. Vào đến các gian này, dùi cui điện 3 khúc chỉ còn giá 300 nghìn đồng. Các loại dao bấm, đao kiếm cũng rẻ hơn từ vài chục đến hàng trăm nghìn một chiếc.

Quá dễ dàng tuồn hàng vào trong nước?

Thấy chúng tôi hỏi han đủ kiểu, lại chỉ hết cây kiếm này đến cây kiếm khác, dáng tất tưởi có vẻ "con buôn", anh chàng chủ cửa hàng tưởng vớ được món hời đi nhập hàng về mở "đại lý" ở Hà Nội. Rút trong ngăn tủ ra một tấm giấy nhàu nhĩ, anh ta khoe luôn: "Lấy hàng về Hà Nội, thì chị phải xem cái loại này. Dưới ấy đang ưa chuộng lắm".

Hóa ra là "catalogue" các loại dùi cui điện đủ kích cỡ. Với giá tại Hà Nội (và một số đất "ăn chơi" khác) từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng/cây, đây là loại hàng được giới "giang hồ teen" rất thích, bởi không gây sát thương, nhưng có thể khiến đối thủ tê liệt hoàn toàn.

Chủ cửa hàng (lúc đó đã giới thiệu tên là Toàn) cho biết: Một cây dùi cui điện 3 khúc, bằng đúng kích cỡ dùi cui của Công an(?), giá tại chợ là 400 nghìn đồng. Nếu đưa sang bên kia biên giới là 600 nghìn và đưa về Hà Nội là 800 nghìn. Nếu chúng tôi cần, anh này sẵn sàng chuyển một lúc hàng trăm cây về bất cứ bến xe hay ga tàu nào, chỉ cần đưa trước 20% giá trị hàng trong lần làm ăn đầu tiên. Nếu đã quen biết, chỉ cần alô, hôm sau hàng sẽ về đến tận nơi. Để tăng thêm độ tin cậy, anh này còn giở điện thoại khoe số của những mối hàng ruột ở Hà Nội (1 người có cửa hàng ở Giáp Bát, và 1 người ở gần bến xe Kim Mã).

Từ những nơi hoạt động tràn lan, công khai như thế này, hàng loạt hung khí, công cụ hỗ trợ trái phép được tuồn vào trong nước. Càng thời điểm gần Tết, hoạt động này càng trở nên nóng bỏng. Và càng chứng kiến sự nhiệt tình hết mức của các chủ hàng người Việt khi tiếp thị “hàng nóng” cho đồng bào mình, nhiệt tình tuồn vào trong nước, càng cảm thấy có gì đó xon xót trong lòng.

Theo Vũ Hân - Ngọc Yến



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.