Xế container ký sự

Trong rất nhiều câu chuyện mà người đời vẫn thêu dệt, gán ghép, thậm chí là hiểu lầm về những người lái xe đầu kéo container, chúng tôi đã có một chuyến đi xuyên Việt từ đất cảng Hải Phòng đến thành phố Sài Gòn trong vai một phụ xe cùng những người tài xế Bắc-Nam để hiểu về cuộc đời của những con người "trên từng cây số", ngày đêm đu mình trên tay lái.

Họ đã chấp nhận sự may rủi với những tai nạn chết người luôn luôn rình rập và cả miệng lưỡi thế gian đôi khi oan nghiệt để mạch hàng hóa phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước được lưu thông.

Gia nhập thế giới "khủng long 18 chân"

"Nhìn ông cũng có cái tướng bụi bặm, vất vả như chúng tôi. Nhưng đi đường vẫn phải cẩn thận đấy, ngồi trên xe không được cho tay, ngó cổ ra ngoài, còn lúc xuống xe thì phải úp bụng và ca bin chứ mà quay lưng vào trong là có ngày gẫy cột sống đấy", phổ biến chút kinh nghiệm đường trường cho tôi, Sơn tài xế từ từ vặn chìa khóa điện, ấn nút, nhả phanh. Chiếc xe phì, phì hai tiếng rồi từ từ chuyển bánh khỏi đất cảng Hải Phòng, bắt đầu chuyến đi hàng nghìn km, "cõng" 58 tấn hàng vào Nam.

"Bác chủ quán ơi, cho cháu chai rượu", tôi cố lên gân để thể hiện, tính "hối lộ" mấy bác tài xế mà mình vừa gãy lưỡi xin đi cùng trước khi nhập mâm, cái bữa cơm mở màn cho chuyến làm phụ xe. Thấy thế, Sơn gạt phắt đi: "Bọn này khi lên xe là cấm tiệt rượu bia, lúc nào về nhà nghỉ ngơi thì uống chết bỏ cũng được". Đã chuẩn bị tinh thần cho buổi hội nhập vào cái thế giới container này của mình sẽ ngập ngụa trong rượu, bia, nhưng ai ngờ nó lại nhẹ nhàng, êm ái, chỉ có cơm, thịt và nước khoáng mặn để cánh lái xe đảm bảo sức khỏe và tỉnh táo suốt chặng đường khi bẻ vô lăng.

Nhìn những tia chớp nhằng nhịt như mạng nhện phía trời Đông, Sơn nói: "Hôm nay yếu trời đấy, anh em mình che bạt lóe, chạy cho nó yên tâm". Phân công xong, Sơn rút bỏ hương, bật lửa, đốt cắm lên đầu xe, rồi lầm rầm khấn lễ.

Đã quá thành thục, Hào và Huy - hai anh lái phụ nhanh như sóc trèo tót lên trên nóc thùng xe container, đưa tấm bạt rộng 4m, dài 19m vào đúng vị trí ngăn nước mưa tấn công hàng bên trong thùng xe. Xong xuôi đâu đó, Huy chui vào ca bin nói: "nếu sơ sẩy thì cứ gọi là đến ốm".

Yên vị ở ghế phụ trong buồng ca bin cao ngất ngưởng, lúc này tôi mới có dịp nạp những thông số của cỗ máy 750 sức ngựa đã có chuyến "cõng" 100 tấn hàng mà cánh lái xe vẫn ví von là con khủng long 18 chân này. Sơn nhanh chân giới thiệu với tôi, người đi đường nhìn thấy xe container cứ tưởng là hung thần lắm, nhưng thực chất xe này tương đối an toàn, nhờ hệ thống phanh hơi được thiết kế đặc biệt. Ngoài hệ thống nút điều khiển nhìn vào hoa cả mắt thì hộp số của con đầu kéo này cũng là loại "hàng khủng", gồm cả thảy 12 số với 10 số tiến, 2 số lùi, gấp đôi hộp số của các loại ô tô thông thường. Ngoài ra còn một chiếc hộp đen để ghi lại toàn bộ những thao tác và quá trình vận hành của xe trong toàn bộ hành trình chính xác như nhật kí máy bay.

Cứ tưởng ngồi trong đầu con khủng long này vất vả, cực khổ lắm, nhưng ai ngờ lại dễ chịu một cách lạ thường với giường nằm máy lạnh và cả dàn nhạc với hệ thống âm thanh hifi êm như ru. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ về sự vất vả của cánh lái xe tải này thì Sơn cười, mắt vẫn nhìn vào từng mét đường phía trước, nói với tôi: "ông cứ nếm mùi khắc biết mà".

Xe mới bon bon sang địa phận tỉnh Thái Bình thì "xì" một cái, rồi cả xe lảo đảo như tàu cá gặp giông giữa biển, đèn xanh trên bảng điều khiển nhấp nháy liên hồi. Huy lái phụ đang nằm vội nhỏm dậy hỏi: "Dính đinh rồi à?". Chiếc xe lảo đảo như tàu thủy giữa biển, kéo dài chừng 15km thì đứng khựng lại trước tấm biển ghi "làm lốp 24/24". Chẳng ai bảo ai, 3 người đi xe đều đồng loạt nhảy xuống, chui tọt vào gầm xe, dùng đồ nghề quay hạ lốp phụ xuống.

Chạy tiếp 40 km mới đến địa phận Ninh Bình. Sơn cho xe từ từ dừng lại, kêu "hàng nặng, lốp nóng, ì quá, kiếm nơi tưới lốp vậy". Những xô nước được chúng tôi chuyền tay nhau từ con mương bên đường lên, hất vào lốp xe. Những tiếng "xèo, xèo" phát ra, cũng phải 40 xô nước mới tạm đủ cho 18 "quả" lốp hạ nhiệt. Ngồi vê từng điếu thuốc lào, Sơn nhẹ nhàng cho tôi hay: "Đây mới chỉ là những công việc sơ đẳng ban đầu của nghề phụ xe đầu kéo thôi, mọi sự vất vả còn đang đợi trên từng cây số trước mắt"...

Trò xiếc của những "con sâu"

Đa số những lái xe container Bắc - Nam là những tài xế giỏi, yêu nghề. Nhưng vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh, là những tài xế nghiện ngập, luôn "làm xiếc" với hàng hóa và ngay cả với chiếc xe mình điều khiển để quay tiền phục vụ cho nhu cầu ăn chơi, hút hít.

Trước khi bị phát hiện nghiện ma túy nặng, Thắng đã có thời gian dài lái xe container. Chính anh ta đã từng "làm thịt" tất cả những "con xe" đã qua tay mình để lấy tiền hút hít. Tự khoe với tôi, Thắng kể: "Việc đổi đồ xe dạng dép mới đổi dép cũ em làm suốt rồi, chuyện hút bớt dầu máy bán lấy tiền chỉ là chuyện bình thường. Nếu xe kéo 50 tấn hàng với đường xá như hiện nay cũng phải tầm 40 lít 100km, khi đã căn dầu rồi thì phải phóng nhanh, phanh nặng, toát hết cả mồ hôi mỗi khi đạp phanh. 1 chuyến Bắc - Nam chạy như điên, tiết kiệm nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 1,2 triệu tiền dầu, chỉ đủ vài gói hàng trắng 200 nghìn nên đành phải tính cách khác".

Có đến 36 chiêu để lái xe vô lương tâm lột đồ chính "con xe" mình đang lái để ăn chặn tiền của chủ xe, chủ hàng, nhẹ thì không bục lốp cũng khai làm lốp, cả xe có 18 quả lốp, mỗi chuyến chỉ cần khai dính đôi, ba quả thôi cũng có vài trăm tiêu vặt. Rồi bán thước thăm dầu, bán hộp đen, không quá tải cũng kêu gẫy nhíp, để làm lại kiếm tiền.

Nhưng chiêu ăn đậm nhất là thay hộp số xịn, loại 12 số đã dùng rồi của xe đầu kéo cũng có giá khoảng 50 triệu hoặc cao hơn. Chỉ cần tạt xe vào bất cứ một gara nào bên đường quốc lộ 1, không đầy 30 phút là có thể cẩu bộ hộp số xịn ra, lắp hộp số sắp hỏng vào để chạy tiếp. Số tiền chênh lệch mỗi phi vụ như vậy cũng khoảng 30 triệu, đủ chích choác vài chuyến đường dài.

Khi đã đổi hộp số thì xe giỏi lắm cũng chỉ chạy được 3 chuyến là sinh chuyện mẻ hộp số. Nếu chủ xe vào loại gà mờ thì lại được lái xe giới thiệu mua chính hộp số vừa mới cẩu ra từ xe của mình vài chuyến trước với một giá cắt cổ. Vì cái giống xe container vẫn thường chạy ở nước ta chủ yếu là xe hàng bãi nhập từ Mỹ về nên đồ đạc thay thế là rất hiếm. Do vậy giá phụ tùng máy móc lúc nào cũng đắt hơn cả đồ mới.

Sau gần chục năm lái xe đường Bắc - Nam, Thắng đã xử lý 4 hộp số xe đầu kéo để lấy tiền hút hít rồi mà không bị phát hiện. Thắng nói: "Lúc vật thuốc trong nóng, ngoài lạnh, tóc dựng ngược, mà tiền lại hết. Em lướt thì thôi rồi, đường bé tí luôn, gặp chỗ đổi đồ là em làm luôn, có thuốc chích cho mặt đỡ buồn rồi mới lên xe đi tiếp được chứ".

Không chỉ "làm thịt" những con xe do chính mình lái, không ít lái xe còn rút ruột những hàng hóa do mình vận chuyển. Nói về chuyện này thì Tuyến là một cao thủ trong việc móc hàng từ những thùng container đã được kẹp chì. Tuyến bật mí với tôi: "Cái loại hàng rời, tính số lượng bằng kg thì bó tay thôi, chứ kiểu hàng điện tử điện lạnh thì có đến 10 lần kẹp chì em cũng có cách đột nhập vào. Vì trên đỉnh thùng container hắn đã thuê thợ khoét hẳn một chiếc cửa bí mật, lắp khít khìn khịt chỉ mình hắn biết, đợi kẹp chì xong xuôi đâu vào đấy, lúc chạy ngang đường hắn mới mở cánh cửa bí mật xe của mình ra, ngang nhiên cẩu đồ đi bán.

Nếu hàng ít mà không bán đứt được thì Tuyến đổi ăn chênh lệch giá, chỉ cần vài chiếc ti vi đời cao LCD của chính hãng sản xuất như Sony, Sam Sung..., hắn ra chợ trời thửa mấy con hàng Tàu, mẫu mã tem nhãn y chang ấn vào. Thế là êm phần tiêu thụ đã có người khác lo, không phải nghĩ lúc giao hàng vẫn nguyên vẹn kẹp chì, trời mà phát hiện được.

Quá tải - Né trạm cân

Sau 2 ngày đêm gà gật cùng những vòng quay của vô lăng, tôi vui ra mặt vì chỉ còn vài giờ nữa là thoát khỏi cảnh ngồi trong cabin, giống như ở trên đầu con khủng long, lúc nào cũng lắc lư như đầu lân sư giữ múa trung thu. Xe đang bon bon bỗng từ từ dừng lại, tài xế Huy giải thích cho tôi: "Sắp qua cửa ải Dầu Giây rồi, xe mình quá tải, không dám vượt qua trạm này vì nếu để mấy ông liên ngành mà túm được thì cứ coi như chuyến này ăn cám nên phải đợi thằng cò nó ra dẫn đường. Bọn nó chuyên nghiệp lắm, chỉ việc ăn rồi đi canh xem mấy bác cảnh sát, thanh tra giao thông ở đâu thôi". Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra rằng 58 tấn hàng cộng với trọng lượng của xe 17 tấn thì tổng cộng xe chúng tôi đã lên tới 75 tấn di chuyển trên đường. Như vậy là vượt quá rất nhiều con số quy định 36 tấn hàng đối với loại xe này.

Một người đàn ông khoảng 40 tuổi, phóng xe Honda tới, dựng xe rồi nhảy tót lên đánh đu vào cánh cửa xe nói: "Mấy cha đó hôm nay quây dữ lắm, phải đi đường xa hơn đấy. Phải chi cao hơn lần trước đó, dạo này phải chung chi cho nhiều mối lắm mới tìm được đường thoát nạn. Mối quen rồi chỉ lấy 500 ngàn thôi". Cuộc mặc cả nhanh chóng được xác nhận, người đàn ông lên xe máy phóng từ từ phía trước, con xe quá khổ của chúng tôi lặng lẽ bám theo sau. Cho dù cố gắng quan sát nhưng tôi chịu không thể định hình được đoạn đường chúng tôi đang đi như thế nào vì lúc này là 3h sáng, chỉ biết rằng đang đi vòng qua thị trấn Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.

Chiếc xe chạy trên con đường không biết mặt đường được làm bằng gì vì nó quá lầy lội, chỉ biết rằng mỗi vòng bánh xe quay qua là con đường cứ rung lên bần bật vì phải gánh một trọng lượng quá nặng. Cỗ xe "lầm lũi" nhích đi khoảng 2km thì bác "hoa tiêu" dừng lại nghe điện thoại, rồi đột ngột ngoắc tay thông báo: "Đường phía trước bị mấy cha liên ngành chặn rồi, mình phải đi đường khác thôi".

Khổ thân cho chiếc xe cồng kềnh, mang hàng nặng mà chúng tôi chạy vào con đường độc đạo quá nhỏ, phải đánh vật đến 15 phút mới quay được đầu để chuyển hướng đi đường khác. Vừa đứng đợi cho xe quay đầu, lúc này tôi cũng đã kịp biết tay cò dẫn đường của chúng tôi có tên là Phi, nhà ở gần trạm cân Dầu Giây. Hắn động viên chúng tôi: "Yên tâm đi, có tới 16 đường qua trạm cơ, kiểu gì tụi tôi cũng đưa được xe né trạm an toàn. Ở đây mấy cha cảnh sát, thanh tra giao thông không qua được mặt bọn này đâu, họ đóng chốt ở đâu tụi tôi giám sát hết rồi mà".

Hơn một giờ đồng hồ, chiếc xe container theo sự chỉ đạo của cò Phi dẫn đường, cuối cùng cũng tìm được ra đường lớn hướng tới Sài Gòn. Lại một lần nữa cò Phi bám vào cửa xe, nhận 500 ngàn đồng xong xuôi, hắn nói: "Mấy cha đừng tưởng ngon ăn đó nghe, phải chia cho "Chim lợn" phân nửa rồi chứ không làm được một mình đâu". Đút tiền vào túi, hắn nhảy xuống đất và leo lên xe máy phóng vào con hẻm ven đường, trước đó còn dặn với theo: "Mai mốt qua đây thì gọi nhé, mối quen đảm bảo an toàn tuyệt đối nghe cưng".

Giao hàng, tiền bỏ túi

Bỏ lại phía sau quãng đường ngót 2.000km, cỗ xe nặng 75 tấn cùng chúng tôi đã ngốn hết 900 lít dầu thì TP. Hồ Chí Minh cũng hiện ra trước mắt. Lúc này Sơn, ông thợ lái chính đã cầm lái vì đường phố quá tấp nập, những tay lái non không thể luồn lách được với mấy "món đặc sản" lô cốt chắn đường của thành phố đông dân nhất nước này.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đã giao đủ hàng cho chủ hàng ở phường An Khánh, quận Thủ Đức. Tính theo đơn giá 600 nghìn đồng/ 1 tấn hàng cho công kéo từ Hải Phòng vào đến Sài Gòn, lấy tròn con số 34 triệu đồng công tiền cước. Bỏ bọc tiền to như cục gạch vào tủ cá nhân khóa lại cẩn thận, Sơn quay sang thanh minh với tôi: "Không ăn thua gì đâu ông ơi, trừ tiền dầu mỡ đi đường, luật lá, ăn uống, sự cố khấu hao xe ra thì bọn tôi 3 đứa cũng chỉ được khoảng 2 triệu đồng cho mỗi chuyến hàng. Ăn dè hà tiện về đưa cho vợ 1 nửa là may mắn lắm rồi. Nhiều chuyến còn lỗ nặng vì đường dài lại ham vui". Do vậy để gỡ tiền dầu chạy ra Bắc thì cánh Sơn, Huy, Hào mà tôi đã được đi cùng xe đành phải ăn đợi nằm chờ ở Sài Gòn mấy ngày, đợi bao giờ móc được hàng ra thì mới về.

Sau 48 giờ đồng hồ vượt qua 2.000km theo chiều dài đất nước, chúng tôi đã có một cái nhìn chân thực về cuộc đời những người kiếm ăn bằng nghề vô lăng. Bên cạnh những người lái xe làm ăn chân chính, điềm đạm thì cũng có những kẻ bất chấp tất cả để có tiền hút chích, rút ruột xe, phóng bạt mạng coi thường tính mạng của chính mình và đồng loại.

Theo Khánh Nga



Mưa đá kèm dông lốc bất ngờ xuất hiện ở Yên Bái
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên cao, tại địa bàn huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn (Yên Bái) xảy ra mưa đá kèm dông lốc khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.