"Phế thải thời trang"

Rác cũng là thời trang – nhà thiết kế người Anh Alexander McQueen đưa ra thông điệp táo bạo qua bộ sưu tập mới nhất của mình. Thời trang có lẽ là giới duy nhất cực kỳ yêu thích những “cái tát tinh thần” như vậy.

“Phế thải thời trang”, những vật dụng còn sót lại sau những buổi trình diễn thời trang của Alexander McQueen từ những năm trước chất thành núi giữa sàn diễn của buổi tình diễn bộ sưu tập thời trang Thu Đông 2009-2010 của Alexander McQueen. Nền sàn là nhựa kính đen được cố tình làm cho rạn vỡ để gây ấn tượng của sự hoang tàn.

Trong cánh gà, từng hàng lon nước rỗng được xếp gọn gàng trên bàn trang điểm. Sơn trắng hoặc đen để loại bỏ tính chất của một lon nước ngọt vứt đi. Philip Treacy, một trong những nhà thiết kế mũ hàng đầu của thế giới tận tay quấn băng nylon xung quanh những cái lon này để tạo nên những chiếc “mũ” không thể bắt gặp ở đâu ngoài sàn catwalk của McQueen.

Tái sáng tạo

Thời trang “recycling” có lẽ sẽ rất hợp cho thời buổi khó khăn, nhưng McQueen không giống như Margiela cho dù anh có nhận rằng chịu ảnh hưởng lớn bởi nhà thiết kế người Bỉ này. Không thiết kế trang phục dựa trên những trang phục đã bị thời gian lãng quên, McQueen chọn chủ đề “tái chế” để gây ấn tượng cho show, làm trò đùa mua vui hay nói đúng hơn là dùng khái niệm này để chỉ trích lại thời trang.

Lấy “nguyên liệu” là phong cách đặc trưng của các bậc thầy đi trước, thời trang tái tạo lại Dior, Chanel, Givenchy trong một vòng quay muôn thuở. Biến cũ thành mới, để rồi tất cả lại trở thành “rác rưởi” chỉ sau một mùa mua sắm. Châm biếm thời trang, dĩ nhiên McQueen không tránh khỏi phê phán chính mình. Những chiếc mũ làm từ lon nhôm, lồng đèn hay thùng quay máy giặt không phải là những cái mũ “thật”. Và nếu có lúc nào đó McQueen “tái chế” lại ý tưởng của show Thu Đông năm nay, những trang phục đó hoàn toàn có khả năng được tái xuất hiện trên sàn diễn trong núi rác cùng với vô số chất phế thành sành điệu khác.

Đọc trình diễn thời trang

15, 20 phút của một show thời trang là thời cơ duy nhất để các nhà thiết kế truyền đạt những thông điệp cho mùa tới. Lý tưởng nhất khi những thông điệp này được “dệt” thành vải, “cắt” thành dáng áo, “vẽ” trên khuôn mặt của người mẫu. Tất nhiên, show, hay là trang trí sân khấu, âm nhạc, cách diễn của người mẫu đều có ngôn ngữ riêng không kém phần quan trọng của mình.

Buổi trình diễn của McQueen được đánh giá là một trong những điểm sáng của tuần lễ thời trang Thu Đông 2009 – 2010 ở Paris, thậm chí những thiết kế của McQueen được tung hô vượt lên “trên tầm” trang phục. Hãy quên đi dáng áo, chất liệu, màu sắc và họa tiết, cho dù trang phục của McQueen nổi tiếng với kỹ thuật tinh xảo và sự thực hiện công phu. Đơn giản là vì những bộ váy áo đắt tiền này không nói cho bạn thế nào là phong cách của thu đông năm nay, thậm chí, cũng không đề cập nhiều đến chủ đề của “không khí sành điệu” cho mùa tới.

Thông điệp của McQueen lần này “bêu riếu” sự thiếu sáng tạo của thời trang. Và cho dù nó dữ dằn và gây khó chịu bởi nhiều chi tiết phản cảm, mục đích là chỉ ra sự “vô nghĩa” của thời trang hiện đại. Những cảm xúc được McQueen đẩy lên mức cùng cực của sự bi kịch với những giới hạn được anh thản nhiên vượt qua không chút ngần ngại.

Rác thời trang

Không phải ai cũng ưa thích phong cách dữ dằn của show. Rác rưởi trên sàn diễn không phải là điều gì mới. Galliano đã có thời phải công bố lời xin lỗi cho bộ sưu tập haute couture lấy cảm hứng từ những người vô gia cư. Phản cảm hơn là trang điểm của người mẫu với đôi môi tô đỏ, “đẩy” người phụ nữ vào vị trí của những con búp bê kích dục.

Phải chăng đây là cái nhìn của công nghiệp thời trang (trong đó, tất nhiên, có cả McQueen), được anh phóng đại đến mức biếm họa? Giấy mời dự show của McQueen đề cập đến ý tưởng “tìm hiểu về “tái sáng tạo”, với một cách nhìn châm biếm”. Mở đầu show là trang phục phỏng lại bộ “New Look” của Dior của những năm 50, áo vest thắt đáy lưng ong, váy chữ A xòe rộng.

Họa tiết kẻ “răng chó” (houndstooth) điển hình cho phong cách cổ Paris được phóng to đến mức chói mắt. Váy “LBD” (little black dress), váy “bút chì” ôm sát hông, áo khoác trench hay bờ vai rộng của những năm 80 – những trang phục “hot” hiện nay cũng nằm trong số những “tái sáng tạo” được McQueen đề cập đến. Gây ấn tượng nhất có lẽ là váy dạ hội may bằng vải nylon siêu mỏng, trông như túi nylon đựng rác, nhưng được tạo dáng như một bộ váy haute couture thực sự.

Thời trang của McQueen chưa bao giờ lại là những trang phục “bình thường” hàng ngày, nhưng bộ sưu tập thu đông quá kịch tính có lẽ chỉ dành cho những phụ nữ chơi trội nhất. Không những chỉ hoàn thành mục đích chỉ trích thời trang, bộ sưu tập gây sốc cũng duy trì hình ảnh có một không hai của thương hiệu McQueen.

Từ Savile Row đến St.Martins

Năm 16, cậu con trai của ông tài xế taxi tại một quận nghèo nhất London, Lee Alexander McQueen khởi nghiệp thợ may với danh nghĩa học nghề tại “Anderson and Shephard”, và sau đó là “Gieves and Hawkes”, những nhà may có tiếng nhất của phố Savile Row, biểu tượng cho ngành may đo áo vest nam của nước Anh. Trước khi vào học trường mỹ thuật nổi tiếng St.Martins năm 1993, McQueen đã có lúc làm trợ lý thiết kế cho Koji Tatsuno và Romeo Gigli.

Thực ra khi đó McQueen, đã tích lũy được vốn kinh nghiệm may kha khá, đến với St.Martins với ý định xin làm thầy giáo. Chỉ có bà trưởng khoa thời trang Louise Wilson “khét tiếng” bấy giờ mới thuyết phục được McQueen vào học. Bộ sưu tập tốt nghiệp của McQueen gây ấn tượng cho Isabela Blow, stylist của Vogue đến mức cô nhất quyết phải tìm gặp bằng được McQueen. Đầu tiên Isabela nói chuyện với mẹ của McQueen, gặp anh, rồi bỏ tiền mua toàn bộ bộ sưu tập đầu tay của nhà tạo mốt trẻ.

Cô stylist có dòng dõi quý tộc và nổi tiếng với một phong cách kỳ cục “rất Ăng lê” Isablla Blow được coi là người đã phát hiện ra tài năng của McQueen. Đồng thời cô cũng là người thuyết phục anh nên bỏ tên chính Lee, chỉ để lại Alexander – cái tên “hợp” hơn cho một nhà thiết kế mốt thành đạt. Isabela tạo điều kiện để McQueen đạt được sự nổi tiếng trong làng thời trang, còn sự thành danh để có được thì McQueen phải tự giành lấy bằng sức lao động va tài năng của mình.

Cho đến năm 1996, khi tìm được công ty Nhật Bản bỏ tiền ra sản xuất các bộ sưu tập của mình, McQueen không có một xu dính túi để thực hiện các bộ sưu tập và tổ chức show. Vay tiền của mẹ và đồng thời “thuê” bà khâu vá. Tuy thế, show của McQueen nhanh chóng trở thành những sự kiện lớn củ tuần lễ thời trang London.

Chiến thuật gây sốc

“Tôi gấy ốc để tìm nhà bảo trợ” – McQueen nói đến “chiến thuật” của những ngày đầu tiên trên con đường công danh của mình. Trong bộ sưu tập “Cưỡng bức trên thảo nguyên” năm 195, chân váy mặc thấp hở bẹn, váy ren rách tả tơi. Người ta coi đây là một trong những điển hình của những ý tưởng kỳ quặc của thời trang về người phụ nữ.

Mặc dù McQueen giải thích từ “bị cưỡng bức” ở Scotland (McQueen mang dòng máu Scotland) do người Anh thực hiện trong lịch sử. Các mô típ bạo lực đầy bản năng luôn là chủ đề của các bộ sưu tập của McQueen trong những năm tháng anh tổ chức show tại London. Sừng hươu, móng vuốt thú dữ hay chim săn mồi tạo một phong cách mãnh liệt cho trang phục cực kỳ sexy và đòi hỏi kỹ thuật cắt may điêu luyện.

Theo nhà sử học Caroline Evans, thời trang “cực hình” của McQueen có nguồn gốc lịch sử, đặc biệt là các khám phá của khoa học giải phẫu từ thế kỷ 16, 17. Niềm say mê thuật mổ xẻ của McQueen cũng được thể hiện trong các bộ sưu tập giày cho Reebok về sau này, anh đặt vào đế giày bản sao bàn chân cảu chính mình. Cuối cùng thì kỹ thuật cắt may châu Âu, mà điển hình là corset ép cơ thể phụ nữ vào khuôn phép chặt chẽ của cái đẹp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách McQueen. Bộ áo vét bó sát người mặc với quần, váy dạ hội với corset, và đặc biệt là quần “bumster” cạp thấp đến mức… lộ phần kín trở thành những trang phục “đặc” McQueen.

“Quả bom” McQueen thực sự bùng nổ năm 1997, khi Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) khổng lồ tuyên bố chọn McQueen vào cương vị nhà thiết kế thời trang cho t hương hiệu Givenchy để thay thế cho Galliano. Arnault không nhầm về tài cắt may của McQueen, nhưng ông không tính đất chất phản kháng mạnh mẽ của anh chàng người Anh tự xưng là “một người phi chính phủ”.

Va chạm với một văn hóa haute couture quy củ và cứng nhắc, “tên mất dạy” của thời trang Anh McQueen không ngần ngại đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố rằng Hubert Givenchy, người sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng với trang phục cho Audrrey Hepburn, chẳng hề có một chút tài năng. McQueen thừa nhận rằng ba năm làm việc ở Givenchy là một cực hình, nhưng nhờ đó mà anh có đủ tiền và thêm kinh nghiệm để gây dựng thương hiệu của chính mình.

Năm 1999, sau những cuộc trò chuyện bí mật với Domenico De Sole, lúc đó là giám đốc điều hành của Gucci – một trong những đối thủ của LVMH, với sự ủng hộ thân thiện của Tom Ford, McQueen rời bỏ LVMH, bán 40% thương hiệu của mình cho Gucci và bắt đầu một sự nghiệp gây dựng thương hiệu xa hoa “của giới trẻ, cho giới trẻ”.

Bóng tối và ánh sáng

Thương hiệu Alexander McQueen mới bắt đầu đem lại lợi nhuận vào năm 2007, sau hơn 10 năm “gây đình đám” trong làng thời trang. Lợi nhuận đến từ thời trang và phụ trang cao cấp, nhưng cũng từ dòng thời trang cho giới trẻ McQueen, hợp đồng sản xuất thời trang “nhanh” với Target, bộ sưu tập giầy thể thao với Reebok, nước hoa Kindom, và danh tiếng từ đôi giày siêu cao gót kiểu geisha được Gwyneth Paltrow lăng xê trên thảm đỏ. McQueen mở cửa hàng riêng tại New York, Los Angeles, nơi phong cách kịch tính nổi trội của anh tìm được nhiều người hâm mộ trong số những nhà làm phim trẻ tuổi.

“Tôi cần rời bỏ bóng tối để tắm mình trong ánh sáng”. Bóng tối tức là những show gây sốc của những năm đầu tại London, và thỉnh thoảng cũng quay lại trên sàn diễn Paris. Nếu như người ta khâm phục một McQueen kịch tính bao nhiêu, thì người ta cũng trông đợi một McQueen lãng mạn bấy nhiêu. Lúc nào thì đó cũng là một McQueen đem lại những ấn tượng làm bật lên tiếng “wow” thành thật từ lồng ngực và nhịp tim đập mạnh.

Ví dụ như khi hai cánh tay người máy được điều khiển phun mực lên chiếc váy vai trần trắng muốt của người mẫu Shalom, mở đầu buổi trình diễn mùa hè 1999, hay khi hình hologram của Kate Moss bất ngờ bay bổng trong không trung trước khi hết thúc show cho thu đông năm 2006. McQueen của Xuân Hè 2004 thuộc về những cặp tình nhân khiêu vũ trên sàn diễn. Và thu đông 2008 lãng mạn trong các mô típ, màu sắc của nước anh thời nữ hoàng Victoria, với những bộ váy dường như được thiết kế riêng cho một nữ hoàng trẻ tuổi.

“Thế giới thời trang không có những thương hiệu xa hoa trẻ” – McQueen nhận xét – “ngoại lệ có lẽ là thương hiệu của Marc Jacobs”.Một ngày nào đó, McQueen hay Stella McCartney có thể trở thành những Chanel, Dior, Balenciaga bây giờ. Có thể hơi trái khoáy, khi một “kẻ phi chính phủ” ôm mộng dựng nên thương hiệu xa hoa, nhất là khi anh ta không tiếc lời chỉ trích thời trang. Nhưng thời trang có thể được ví như một người tình khổ nhục mê mệt những nhà thiết kế tài ba. Miễn là họ làm ra những chiếc váy đẹp lộng lẫy và những bộ vest quyền thế. McQueen hơn ai hết, cót hể tự tay cắt may những trang phục tuyệt vời đó, thậm chí nếu phải dùng đồ phế thải.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.