Điểm học và thi chênh nhau quá lớn

Học bạ của học sinh THPT lớp 12 đã xuất hiện "lỗ hổng" lớn, từ việc Bộ GD&ĐT chủ trương lấy điểm lớp 12 tham gia vào công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Học bạ của học sinh THPT lớp 12 đã xuất hiện "lỗ hổng" lớn, từ việc Bộ GD&ĐT chủ trương lấy điểm lớp 12 tham gia vào công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục có quy định lấy kết quả học lực lớp 12 tham gia vào việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh với tỷ lệ: 50:50.

Vênh trên 2 điểm

Một thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT về giữa điểm học và điểm thi THPT quốc gia nói lên nhiều điều. Kết quả của 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016 đã cho thấy có độ vênh đáng kể giữa điểm trung bình (ĐTB) lớp 12 với ĐTB các môn thi. Tính trung bình cả nước, độ vênh giữa ĐTB lớp 12 và ĐTB các môn thi khoảng gần 2,5 điểm.

Ở cáctỉnh, độ vênh đều trên 2 điểm, trong đó địa phương có mức chênh lệch cao nhất đến 3,31 điểm (Long An và Tiền Giang) và thấp nhất là 1,66 điểm (Bắc Kạn).

Tính theo cụm thi, các thí sinh thi tại các cụm ĐH (dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH) được thầy cô "cho" ĐTB lớp 12 cao hơn hẳn với điểm bình quân gần 7,5 điểm, trong khi học sinh (HS) dự thi ở các cụm tốt nghiệp (không dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường ĐH) có điểm bình quân của ĐTB lớp 12 chỉ vào khoảng 6,5 điểm.

Diem hoc va thi chenh nhau qua lon hinh anh 1
Học sinh lớp 12 đang ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Người Lao Động.


Nếu đối chiếu giữa các trường công lập với trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, độ vênh này rất khác biệt nhau. Phần lớn trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có độ chênh lệch giữa ĐTB lớp 12 với ĐTB thi cao hơn 3 và ở hơn 50 trường THPT có độ chênh lệch lớn hơn 4 điểm.

Có hơn 50% trường THPT trên cả nước đã "cho" ĐTB lớp 12 của HS từ 7 điểm trở lên, vì vậy không lấy làm lạ khi số HS rớt tốt nghiệp chủ yếu là do vướng phải điểm liệt (từ một điểm trở xuống) trong các môn thi.

Có việc nâng điểm vô tội vạ?

Mấy năm qua, nhiều trường ĐH, CĐ ở tốp giữa và cuối đã lấy kết quả học bạ (kể cả hạnh kiểm) để xét điều kiện tuyển sinh. Sau 4 năm thực hiện quy định trên, chúng tôi nhận thấy có một số mặt được: Ý thức học tập của các em lớp 12 tốt hơn, "tiếng nói" của thầy cô giáo giảng dạy có trọng lượng hơn, các môn "phụ" không có cảm giác bị học sinh bỏ rơi, coi thường nữa.

Tuy nhiên, quy định này cũng làm nảy sinh sự thiếu đồng bộ trong đánh giá, cho điểm học sinh và gia tăng thêm căn bệnh chạy theo thành tích, điểm số ở không ít thầy cô giáo, nhà trường.

Vì vậy, khi bàn thảo, chốt lại đề án tuyển sinh, vẫn có nhiều hội đồng tuyển sinh, các giảng viên ĐH, CĐ còn băn khoăn, lo ngại chưa tin vào kết quả đánh giá phổ thông, chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, các trường chưa dám dùng phương án xét tuyển bằng học bạ.

Thực tế, vẫn có các biểu hiện tiêu cực, dễ dãi, "bệnh" thành tích dẫn tới việc nâng điểm vô tội vạ… cho HS lớp 12.

Điều này đã có tính phổ biến, lây lan rộng khắp, khiến các thầy cô giáo tâm huyết, trung thực bức xúc, khó chịu. Nơi hội nghị, họp hành, nhiều lãnh đạo nói hùng hồn phải đánh giá, cho điểm chính xác, tuyệt đối không có chuyện nâng điểm nhưng trong thực tế lại "chỉ đạo" ngầm, "chỉ đạo" miệng cho giáo viên phải… "hết lòng" vì học sinh thân yêu của mình.

Lâu nay, trong nhà trường, nhiều thầy, cô giáo còn nảy sinh tư tưởng hoài nghi lẫn nhau; bản thân và nhà trường đánh giá, ghi điểm nghiêm túc, thực chất, đúng quy định thì liệu rằng đồng nghiệp khác, trường khác có làm giống mình không? Hoặc, tư tưởng điểm số trong tay mình tội gì mà không dễ dãi, nâng lên "làm đẹp" học bạ để học sinh được lợi, không thua thiệt học sinh các trường bạn.

Chính sự "lệch chuẩn" trong nhận thức và hành động của nhiều nhà trường, thầy cô giáo khiến các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về đánh giá, ghi điểm học sinh bậc THPT trở nên chông chênh, dễ đổ vỡ.

Nhiều học sinh lớp 12 biết nhà trường, giáo viên đang "thương" mình về điểm số nên càng chủ quan, lười biếng, thiếu chuyên cần trong học tập toàn diện. Thực tế cho thấy, con số thực, đánh giá đúng chất lượng dạy - học vẫn còn xa vời.

bệnh thành tích

Giáo dục

bệnh thành tích trong giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.