Làm hội trưởng phụ huynh vì con học dốt hoặc nhà có điều kiện

Trong lớp học, nhân vật quan trọng thứ hai sau giáo viên chủ nhiệm chắc chắn là hội trưởng hội phụ huynh. Mỗi người trong họ lại có những tâm tư riêng khi nhận vị trí lắm lời đàm tiếu này.

Trong lớp học, nhân vật quan trọng thứ hai sau giáo viên chủ nhiệm chắc chắn là hội trưởng hội phụ huynh. Mỗi người trong họ lại có những tâm tư riêng khi nhận vị trí lắm lời đàm tiếu này.

hội phụ huynh, hội trưởng hội phụ huynh

Ảnh minh họa Đinh Quang Tuấn. (nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết)

“Tôi như “tay sai” đòi nợ”

Có kinh nghiệm nhiều năm trong ban phụ huynh của lớp, chị Ngọc chia sẻ lại câu chuyện của mình.

Chị Ngọc kể rằng, đầu năm nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp với ban phụ huynh và có cuộc bàn bạc về đóng góp trước. Từ cuộc họp này sẽ bầu ra hội trưởng phụ huynh của trường. Đây là vị trí quan trọng bởi hội trưởng phụ huynh sẽ đứng ra kêu gọi đóng góp thay cho hiệu trưởng trên danh nghĩa là nhà trường.

“Mánh khóe” các trường thường dùng kêu gọi đóng góp thường là “Các anh chị đóng theo quy định, nhưng nhà trường vừa xây, trang thiết bị học tập còn thiếu, mong các anh chị giúp đỡ, hoặc là chung tôi còn thiếu cái này, cái kia để phục vụ học tập cho học sinh…”.

Theo chị Ngọc, việc làm hội trưởng phụ huynh không sướng gì, còn mất thời gian và thấy xấu hổ.

“Nếu con tôi học tốt hơn tôi sẽ không làm gì. Đằng này con tôi học dốt quá nên chỉ còn cách tôi nhận vào ban phụ huynh để tiếp cận cô giáo” – chị Ngọc cho biết lý do mình nhận chân tham gia ban phụ huynh.

Chị Ngọc cho biết, theo danh sách trong ban phụ huynh có đầy đủ trưởng, phó và thư kí, nhưng do hai vị còn lại không mặn mà với công việc, còn chị thì do ngại với cô giáo nên phải ôm việc cho cả ba người.

“Một mình tôi làm hết, từ chi thu, kêu gọi, thúc giục phụ huynh đóng tiền. Nói thật chứ tôi cảm thấy như mình là một tay sai đòi nợ cho nhà trường.

Mỗi lần các phụ huynh chưa đóng góp tôi lại phải gọi điện cho từng người để nhắc. Phụ huynh có điều kiện thì chỉ giục một vài lần là họ đóng, còn phụ huynh có hoàn cảnh vất vả thì có khi phải gọi tới gọi lui cả chục lần cũng chưa được”.

Đó là chưa kể những khoản kêu gọi mãi nhưng phụ huynh vẫn không đóng, thì cuối kì hoặc cuối năm khi tính toán lại, những người trong ban phụ huynh (hội trưởng, hội phó và thư ký) phải chia nhau đóng bù cho đủ.

“Tôi nhớ cảnh cô giáo hỏi đi hỏi lại có ai xung phong làm trưởng ban phụ huynh không, nhưng không có ai nên tôi đành làm. Họa hoằn lắm tôi mới làm chứ làm trưởng ban phụ huynh để mục đích kêu gọi đóng góp tôi xấu hổ lắm” – chị Ngọc than thở.

hội phụ huynh, hội trưởng hội phụ huynh

Ảnh minh họa Phạm Hải (nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết)

“Tôi làm trưởng ban vì 500 nghìn đồng biếu cô”

Trong khi đó chị Thu Thảo thì cho biết, cơ duyên chị “phải bất đắc dĩ” nhận làm hội trưởng phụ huynh cho lớp con chị là vì… nhà có điều kiện.

“Đầu năm học, vì sợ con bị cô “đì” và cũng muốn tiếp cận cô giáo nên tôi có bỏ phong bao 500 nghìn đồng đến biếu cô trước.

Không ngờ, trong cuộc họp phụ huynh, đến phần bầu bán thì không có một vị phụ huynh nào nhận nên cô giáo đã hỏi “Có phụ huynh của bé An Nhiên ở đây không?”. Khi tôi giơ tay bảo có, thì cô đã nhanh miệng “Nhờ phụ huynh bé An Nhiên làm trưởng ban phụ huynh cho lớp”.

Chị Thảo nhận xét rằng các cô giáo rất chú ý khi bầu ban phụ huynh. “Nếu không vì quen biết thì cũng là phụ huynh có điều kiện. Vì như vậy dễ kêu gọi các khoản đóng góp cũng như hỗ trợ lớp mà nhà trường”.

Lý giải thêm về việc lựa chọn phụ huynh có điều kiện làm trưởng ban phụ huynh, chị Thảo cho hay, nhà trường cũng nhắm vào khả năng đóng góp của các lớp để xếp loại thi đua.

“Dù cho rằng việc đóng các khoản ngoài quy định là tự nguyện nhưng chẳng có khoản nào tự nguyện. Nếu lớp đó đóng cho trường nhiều thì lớp được tuyên dương, giáo viên chủ nhiệm được tiếng và đương nhiên việc xếp loại đánh giá thi đua của cô giáo cũng sẽ tăng lên. Ngược lại nếu lớp nào mà có khả năng đóng góp cho nhà trường hạn hẹp hơn thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị nhắc suốt”.

Có thâm niên làm trưởng ban phụ huynh của trường suốt 3 năm con gái học cấp 3, anh Thanh Tùng cũng đồng ý với cái khoản “nhà có điều kiện”, hơn nữa, trưởng ban còn phải là người nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, để còn… đi tiếp khách với thầy cô.

“Trường đúng là có rất nhiều việc, nhiều mong muốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho giáo viên. Ví dụ như có lúc trường đề nghị phụ huynh hỗ trợ cho trường bộ loa đài tốt hơn để tổ chức các hoạt động tập thể. Cũng có khi trường đề nghị ban phụ huynh “giúp” một buổi tiếp khách là trường bạn tới giao lưu, hay cấp trên xuống làm việc… Chủ yếu là những gì có liên quan tới tiền nong” – anh Tùng “liệt kê” công việc.

“Có những lần tiếp khách, vì số tiền cũng không quá lớn, hơn nữa cũng vì tôi “có điều kiện”, nên lắm khi tôi lấy luôn tiền túi để trả, chứ chẳng tính vào tiến quỹ nữa. Có lẽ vì vậy mà được “tín nhiệm” hẳn 3 năm làm hội trưởng” – anh Tùng cười.

Tuy nhiên, theo anh Tùng, người hội trưởng cũng phải biết cân đối nhu cầu của nhà trường. “Có những việc mình thấy vô lý quá thì cũng lựa lời mà nói lại với nhà trường, như có khi trường gợi ý giúp quà cho sếp nọ sếp kia. Bên cạnh đó, hội phụ huynh cũng nên chú ý tới các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trong trường. Ngoài việc miễn cho các em tất cả các khoản đóng góp “tự nguyện”, chúng tôi còn kêu gọi hỗ trợ một khoản hỗ trợ các em học tập”.

Theo Vietnamnet


họp phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.