Tiến sĩ là phải... như thế

So với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đứng đầu về số lượng giáo sư, tiến sĩ, với khoảng 9.000 giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ.

So với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đứng đầu về số lượng giáo sư, tiến sĩ, với khoảng 9.000 giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ. Dư luận ví von, ở Việt Nam ra ngõ là “đụng” giáo sư, ra đường là “va” tiến sĩ quả cũng không ngoa.

Nhắc đến giáo sư, tiến sĩ ở nước mình là không ít người bĩu môi: Ôi giáo sư “mua”, tiến sĩ “giấy” ấy mà. Cách đây không lâu, phương tiện truyền thông bỗng rộ lên thông tin “xuất khẩu” giáo sư, tiến sĩ, dư luận ồ lên khi Việt Nam có bước tiến nhảy vọt vì đã có thể “xuất khẩu” lao động chất lượng cao.

Nói về vấn đề này, PGS. TS Hà Huy Thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) trả lời báo giới rằng, việc “xuất khẩu” không chỉ giải quyết số tiến sĩ “tồn đọng” mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiến sĩ là phải... như thế - 1

Ở Việt Nam, ra ngõ là "đụng" tiến sĩ. Ảnh minh họa

Thực tình, chức danh giáo sư, bằng cấp tiến sĩ ở nước mình... dường như không mấy được trân trọng, đánh giá cao. Một “cơ chế” chuộng bằng cấp nhiều hơn năng lực đã tạo nên phong trào đua nhau đi học, không có bằng tiến sĩ, giáo sư thì cũng phải thạc sĩ. Bằng cử nhân đại học chẳng khác nào ở diện mới thoát mù.

Dư luận nghi ngờ những danh hiệu, bằng cấp này không phải là không có cơ sở. Báo chí vẫn đăng tải ông giáo sư này, bà tiến sĩ kia “đạo luận án”… TS, GS, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính - nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của VN đã chỉ ra nguyên nhân: Thực trạng đua nhau để có bằng tiến sĩ, chức danh giáo sư xuất phát từ bệnh hiếu danh. Và đáng buồn là cơ chế của chúng ta lại đang khuyến khích “căn bệnh” này.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến: “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng”.

Cách đây không lâu, chuyện giảng viên trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ - Doãn Minh Đăng, từ chối quy hoạch vào vị trí Phó hiệu trưởng của trường làm dư luận dấy lên cuộc tranh luận “ở hay về" - với sự lên tiếng của những người thành danh từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình VN tổ chức. Những quán quân của cuộc thi này đều nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Và 13 quán quân đi du học thì 12 người ở lại, 1 người về.

Họ đã lên tiếng vì sao lại không về nước.

Lý do được đưa ra là vì không có đất dụng võ, không có môi trường làm việc, lương không tương xứng, ở nước ngoài thì có điều kiện phát huy khả năng, con cái được học hành trong môi trường tốt… Cũng chẳng ai trách họ chuyện “về hay ở”.

Nhưng cũng không phải là số ít mà nhiều tiến sĩ, giáo sư đã lựa chọn về nước sau quá trình tu nghiệp ở nước ngoài. Và tôi tin họ đã không hề thấy ân hận, không hề thấy nuối tiếc, không hề thấy sai lầm. Và họ là những tiến sĩ, là giáo sư thực sự.

Một trong số họ - người mà tôi muốn trân trọng nói đến đó là Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Mới đây, trong một lần tình cờ ngồi cà phê sáng ở đường Võ Văn Tần (TPHCM), tôi thấy một người đàn ông trung niên khiếm thị, bán vé số dạo trên đường. Ông đi không kém người sáng mắt. Đồng nghiệp của tôi cho hay rằng, người bán vé số khiếm thị đó đi đường giỏi là nhờ “kính mắt thần”.

Thế là tôi quyết phải gặp bằng được chủ nhân sáng chế ra “đôi mắt thứ 2” cho người khiếm thị - Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải.

Tiến sĩ là phải... như thế - 2

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải hướng dẫn cách sử dụng "kính mắt thần" cho học sinh khiếm thị. Ảnh: Xuân Tùng/ Tiền Phong

Bá Hải còn trẻ lắm, sinh năm 1983. Anh lấy bằng tiến sĩ năm 28 tuổi, với 5 phát minh sáng chế có ứng dụng cao ở Hàn Quốc. Từ chối lời mời ở lại với mức lương 5.000 đô la, Bá Hải trở về ngôi trường đã tôi luyện và tạo cơ hội để anh trưởng thành - trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Về lại trường, là giảng viên, bắt đầu từ: Không nhà, không xe máy, lương thấp. Thứ duy nhất mà anh có là một phòng thí nghiệm nho nhỏ được nhà trường dành cho, và đây cũng chính là “môi trường” tốt nhất để anh thỏa sức đam mê sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã học được.

Nhắc đến tên Nguyễn Bá Hải là phải nói đến “kính mắt thần” mà anh cùng các cộng sự dày công nghiên cứu. Sau 4 năm với 9 phiên bản, giờ đây “kính mắt thần” đã đem lại “ánh sáng” cho người khiếm thị.

Chiếc "kính mắt thần” hoàn chỉnh đầu tiên, Bá Hải đã đem tặng cho người thanh niên khiếm thị hát rong trên đường phố Sài Gòn - chính là người đã tạo “cảm hứng” để anh tìm ra chiếc "kính mắt thần”. Có doanh nghiệp trả giá cho bản quyền “kính mắt thần” 2,3 tỷ đồng, nhưng Bá Hải không chấp nhận và tặng cho xã hội, đất nước chiếc "kính mắt thần” đầy tính nhân văn này.

Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của các nhà khoa học trẻ, chỉ 10 phút nói về chiếc "kính mắt thần”, Thủ tướng đã “đặt hàng” mua 300.000 chiếc kính để tặng cho người mù hoàn toàn.

Hiện cả nước có trên 1,2 triệu người khiếm thị, khoảng 300.000 người mù hoàn toàn. Kính “mắt thần” của TS Nguyễn Bá Hải đã làm thay đổi cuộc sống của những người thiệt thòi vì không có được đôi mắt sáng.

“Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay” là vậy.

Mắt kính “thần 1” rồi mắt kính “thần 2”, người khiếm thị được cung cấp thêm tính năng không chỉ là biết sắp đụng vào vật chắn mà còn cảm nhận được vật ở xa hay gần, cao hay thấp, nhỏ hay to... ở khoảng cách với người dùng kính là 1,3 mét. Gần 1.000 người khiếm thị ở trong và ngoài nước đã được dùng kính “mắt thần” của TS Nguyễn Bá Hải.

TS Nguyễn Bá Hải đang ở trong một căn nhà bằng container. Tôi trân trọng khi nói về anh: Tiến sĩ là phải… như thế.

Theo Lê Nguyễn/Khám Phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.