Vì sao người Việt học 10 năm vẫn không nói được tiếng Anh?

Theo cô Đỗ Thúy Hằng, giáo viên luyện thi TOEFL iBT, nguyên nhân khiến nhiều người học tiếng Anh không thành công là cách học hời hợt.

 Theo cô Đỗ Thúy Hằng, giáo viên luyện thi TOEFL iBT, nguyên nhân khiến nhiều người học tiếng Anh  không thành công là cách học hời hợt.

Ngày nay, học sinh nào cũng phải học tiếng Anh như một môn bắt buộc ở trường. Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong tuyển dụng nhưng không phải ai cũng giỏi tiếng Anh. Nguyên nhân xuất phát từ việc học hời hợt.

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là gì? Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tập trung nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ cho người dân, biến nó thành thế mạnh của nước ta. 

Học từ vựng đừng nhớ mang máng

Nhiều bạn đặt ra câu hỏi học tiếng Anh cần biết bao nhiêu từ là đủ? Câu trả lời là không cần phải quan tâm đó là 3.000 hay 5.000 từ mà bạn nên ghi nhớ thật tốt những từ đã học và thường xuyên cải thiện số từ mình biết.

Có một thực tế là người học tiếng Anh quên từ vựng rất nhanh. Tôi có thói quen kiểm tra từ vựng của học sinh ngay đầu buổi học, nhiều em quên nghĩa của từ. Nguyên nhân chính là các em học hời hợt, không lưu từ vào sâu trong trí nhớ, mà chỉ nhìn lướt qua, xem nghĩa của từ là gì rồi chuyển qua làm việc khác, học bài khác.

Vi sao nguoi Viet hoc 10 nam van khong noi duoc tieng Anh? hinh anh 1
Cô Đỗ Thúy Hằng, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội.

Lời khuyên cho các bạn là nên để từ vựng liên hệ với cảm xúc và trải nghiệm cá nhân của mình nhiều nhất có thể. Như vậy, người học sẽ nhớ từ dễ dàng. Ví dụ, từ “gratitude” nghĩa là biết ơn, bạn hãy nghĩ đến một người mà trong lòng mình cảm thấy biết ơn nhiều nhất và gắn với người đó. Ngoài ra, việc ôn tập từ thường xuyên rất quan trọng. 

Đọc đừng hiểu sơ sơ 

Người Việt Nam không ham đọc sách nhưng thường đọc báo, lướt Facebook, xem thời sự để nắm bắt tin tức. Điều này góp phần hình thành một thói quen của không ít người là đọc lướt qua để nắm được ý chính của bài và không chú ý nhiều đến chi tiết.

Tuy nhiên, khi học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, nếu đọc theo lối hiểu “đại khái”, bạn sẽ bỏ qua rất nhiều giá trị của bài như từ vựng hữu ích, cách diễn đạt hiệu quả hay thậm chí là hiểu nhầm ý đồ của người viết.

Muốn phát triển kỹ năng đọc, bạn phải luyện thói quen đọc sâu để hiểu kỹ và nhớ lâu. Chúng ta thường quan tâm nhiều đến kỹ năng đọc nhanh mà không chú trọng việc đọc sâu. Đó là đọc thật kỹ nội dung, chú ý đến từng chi tiết và suy luận cả ý ngầm của tác giả. Có thể nói, đọc sâu là đọc để học chứ không đơn thuần lấy thông tin.

Muốn viết hay thì phải đọc nhiều, đọc sâu, hiểu kỹ. Khi thực sự chú tâm những gì đang đọc thay vì đọc qua loa, hiểu đại khái, kỹ năng đọc hiểu của bạn sẽ tốt lên rất nhiều. 

Vi sao nguoi Viet hoc 10 nam van khong noi duoc tieng Anh? hinh anh 2
Trình độ ngoại ngữ của Việt Nam so với một số nước và mặt bằng chung của khu vực châu Á. Số liệu của EF - tổ chức giáo dục quốc tế - đưa ra năm 2016. Theo đó, Việt Nam (54,06) kém chỉ số trung bình của khu vực (55,94). Đồ họa: Nguyễn Sương.

Nghe đừng hiểu loáng thoáng  

Có một vấn đề mà hầu hết người Việt học tiếng Anh gặp phải là thấy người bản ngữ nói quá nhanh. Người Việt thường nói chậm, vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên nếu nói nhanh sẽ khó nghe. Tuy nhiên, tiếng Anh lại là ngôn ngữ đa âm, tức là một từ có thể bao gồm nhiều âm khác nhau.

Đồng thời, một nguyên tắc khi phát âm tiếng Anh là phải nối âm. Ví dụ, với câu đơn giản nhất là “Thank you”, bạn phải nối phụ âm cuối của từ trước với nguyên âm đầu của từ sau chứ không thể đọc rời rạc từng từ. Bởi vậy, người nói tiếng Anh có tốc độ nói nhanh do các âm nối liền nhau là điều dễ hiểu.

Chính vì đặc điểm này mà người học cần phải dành nhiều thời gian và công sức để cải thiện kỹ năng nghe. Với tin tức, bạn có thể nghe lướt qua, nhưng với bài học thì nên nghe 2 đến 3 lần để có thể hiểu thật kỹ nội dung chi tiết.

Nếu đang luyện thi TOEFL iBT, IELTS hay TOEIC, người học nên nghe lần một rồi trả lời câu hỏi để đảm bảo giống thi thật. Sau đó, bạn sẽ nghe lại vài lần.

Việc nghe kỹ không chỉ giúp hiểu chi tiết nội dung của bài mà còn giúp học được rất nhiều điều, từ cách phát âm chuẩn của người bản ngữ, cách nối âm sao cho nhịp nhàng đến ngữ điệu tự nhiên. Đó là chưa kể bạn trẻ sẽ học thêm được từ mới, cũng như cách diễn đạt trong văn nói hiệu quả.

Muốn nói tốt thì phải nghe nhiều, nghe kỹ và thực sự hiểu họ đang nói gì thay vì nghe mơ màng, hiểu loáng thoáng. Đồng thời, bạn cũng nên chủ động trong việc nghe của mình.

Không nhất thiết phải đợi đến lúc làm bài tập hay học trên lớp mới nghe mà hãy nghe ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mình có thể như khi tập gym, chờ taxi hoặc làm việc nhà. Nghe chủ động và nghe kỹ sẽ giúp kỹ năng của bạn được cải thiện đáng kể. 

Theo Zing


học tiếng Anh

nói tiếng anh

tiếng Anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.