Báo động văn hóa học đường xuống cấp

Không chỉ học sinh, sinh viên thiếu văn hóa giao tiếp trong nhà trường mà một số thầy cô giáo cũng chưa đúng mực trong hành xử đối với học trò, tạo nên sự rạn nứt, đổ vỡ trong quan hệ thầy trò, gây bất bình trong xã hội.

Những điều xấu xa lẽ ra không thể có trong nhà trường đang hằng ngày diễn ra khiến người ta không khỏi bàng hoàng: Xâm hại tình dục và bạo lực với học sinh, xúc phạm học sinh dưới nhiều hình thức, dạy thêm với những biểu hiện hết sức tiêu cực, học sinh nói tục, chửi thề khá phổ biến, rồi gây gổ đâm chém nhau, hỗn láo với thầy cô giáo, thậm chí còn tạt axít, bỏ thuốc chuột để hại tính mạng thầy giáo...

Đó là thực trạng đáng buồn vừa được nêu lên tại hội thảo “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà” trường do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức tại TPHCM.

Quan hệ thầy trò đổ vỡ

TS Văn Thị Thanh Nhung, Trường ĐH Sư phạm Huế, đã tiến hành một cuộc khảo sát về lối sống của trên 160 sinh viên, kết quả cho thấy có những hành vi lệch lạc trong lối sống của sinh viên hiện nay như sinh viên thích chưng diện, chạy theo mốt thời trang, tiêu xài lãng phí, xem phim ảnh, sách báo đồi trụy, nghiện game... Trong cư xử với bạn bè, vẫn còn nhiều sinh viên nói tục, chửi thề, không quan tâm đến những người xung quanh, sống buông thả, thậm chí một số sinh viên sa vào cờ bạc, số đề, nhậu nhẹt.

Thạc sĩ Trần Đình Thích, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết vẫn còn kinh hoàng khi có sinh viên mang hung khí xông thẳng vào văn phòng bộ môn ngoại ngữ tại trường ĐH này rượt đuổi giảng viên hay việc sinh viên tạt axít vào thầy giáo tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. “Chính những hành xử vô văn hóa, bạo lực theo kiểu “xã hội đen” nơi giảng đường đã làm rạn nứt, đổ vỡ mối quan hệ thầy trò, gây bất bình, lo lắng trong xã hội”- thạc sĩ Trần Đình Thích nói.

Tuy nhiên, cách hành xử thiếu chuẩn mực của thầy cô giáo trong nhà trường cũng là vấn đề đáng báo động. Thạc sĩ Huỳnh Mộng Tuyền, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, đã làm một khảo sát nhỏ đối với 280 sinh viên về văn hóa ứng xử của giáo viên phổ thông. Kết quả cho thấy 41% kể lại ấn tượng xấu.

Đó là giáo viên chưa hiểu đúng học sinh (chẳng hạn một học sinh mất vòng cẩm thạch ngồi bên bạn bán vé số nên cô trách mắng bạn bán vé số), thiên vị (học trò tặng cục xà bông cô thờ ơ, còn tặng vải thì cô niềm nở), ngôn ngữ, hành vi thiếu văn hóa (chửi mắng học trò là đồ khùng, điên, rác rưởi, là ngu như trâu bò, có người đánh học trò đến nhập viện, dạy quy tắc bàn tay trái học sinh không hiểu nên thầy lấy compa đâm tay học sinh chảy máu...).

Khảo sát cũng cho thấy thầy cô giáo có 1.001 cách ứng xử khi học trò không thuộc bài, trong đó có những ứng xử chưa đúng như bắt học sinh quỳ bò trong lớp, bắt học sinh tự tát vào mặt, xé tập, liệng tập vào mặt học sinh... “Những ứng xử này để lại hậu quả rất nghiêm trọng là làm tổn thương tinh thần học sinh trong thời gian dài và dấu ấn ứng xử này có thể “di truyền” khi học sinh này trở thành cha mẹ, thầy cô” - thạc sĩ Huỳnh Mộng Tuyền đúc kết.

Làm sống dậy bài học “tiên học lễ”

Nguyên nhân của những ứng xử thiếu văn hóa trong trường học, theo thạc sĩ Trần Đình Thích là do ảnh hưởng bởi lối sống thiếu lành mạnh, thực dụng của nền kinh tế thị trường, trong khi nhà trường mới chỉ coi trọng dạy chữ mà chưa chú trọng dạy đạo lý, nghĩa tình cho học trò.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Huỳnh Mộng Tuyền cho rằng quá trình đào tạo sinh viên sư phạm chủ yếu là quá trình hình thành năng lực dạy học mà chưa chú trọng đào tạo năng lực hoạt động giáo dục, hình thành phẩm chất nhân cách của người thầy. Bên cạnh đó, trường sư phạm hiện chưa xây dựng tốt môi trường văn hóa ứng xử học đường, chưa có sự phối hợp đồng bộ trong xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử cho sinh viên mọi lúc, mọi nơi...

Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải xây dựng một môi trường giao tiếp văn hóa đặc trưng trong nhà trường mang tính chuẩn mực cao. Thạc sĩ Trần Đình Thích cho rằng không nên phó thác việc rèn luyện đạo đức cho học sinh phổ thông bằng môn giáo dục công dân và với sinh viên là môn tâm lý giáo dục. “Phải có sự phối hợp giữa nhiều bộ môn để nâng cao ý thức về văn hóa ứng xử cho học sinh, trong đó bài học “tiên học lễ” phải được chú trọng”- thạc sĩ Trần Đình Thích đề nghị.

Thạc sĩ Đỗ Hà Giang, Sở GD-ĐT Bắc Giang, thể hiện trăn trở: Thầy cô giáo tham lam, vòi vĩnh thì làm sao học trò không mua điểm, mua bằng? Thầy cô giáo đánh giá xếp loại không chính xác, chỉ lo thành thích thì làm sao học trò không gian lận trong khi thi? Thầy cô giáo trên bục giảng mà phì phèo thuốc lá, mặt đỏ vì say rượu thì làm sao học trò không quần áo hở hang, tóc xanh, tóc đỏ đến trường?... Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng để học sinh có văn hóa giao tiếp, trước hết giáo viên phải chuẩn mực về lối sống, đạo đức, ứng xử, trở thành tấm gương để học trò noi theo.

Theo Gia Thùy



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.