Cãi nhau với chồng cũng phải có chiêu!

Cãi nhau thế nào để hai vợ chồng thêm hiểu nhau, tình cảm không bị sứt mẻ thì các bà vợ đều phải có những độc chiêu của riêng mình.

Chị Trà (Quận 3, TP HCM) có những chia sẻ khá thú vị và đáng để các chị em học hỏi về việc khi cãi nhau với chồng, làm sao để giữa hai người không thốt ra những lời nói sỗ sàng, và xảy ra những điều đáng tiếc.

Chị cho biết vợ chồng chị từng rất nhiều tần lớn tiếng với nhau mỗi khi có mâu thuẫn hay bất đồng một vấn đề gì đó. Bình thường, tính chị đã nóng nảy rồi, nhưng mỗi khi gặp chuyện to tát mà hai vợ chồng không đồng thuận thì chị lại càng như bà hỏa làm tình cảm vợ chồng dành cho nhau không ít lần sứt mẻ. Chị kể: “Sau những lần chiến tranh lạnh, chồng nhiều khi tức vợ quá đâm ra đánh con vô cớ rồi gặp hàng xóm cũng không thèm chào khiến mình xót con, bẽ mặt với người ngoài lắm. Vì đã quá mệt mỏi với tình trạng như vậy nên mình quyết định tìm cách để cãi nhau dứt điểm luôn chứ không để cho nó cứ âm ỉ tồn tại mãi được”.

Chị Trà tâm sự, trước đây, mỗi khi cãi nhau, chị đều muốn hơn chồng cho bằng được. Nhưng sau nhiều lần chồng chị nhận thua, và chiến tranh lạnh với chị đúng 1 tuần thì chị quyết định sẽ “một sự nhịn chín sự lành” để gia đình êm ấm như ngày mới yêu vì: "Rõ là mình thắng đấy nhưng sau đó lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới, dai dẳng và mệt mỏi hơn nên thực ra mình lại trở thành người thua cuộc".

Có lần, chồng đi nhậu về trễ, chị ở nhà gọi điện biết bao lần nhưng chồng lại không bắt máy. Khi về đến nhà, chồng chị bị chị làm cho một trận "đại hồng thủy" tơi bời. Chồng chị bị vợ mắng vậy, vội quy chụp: “Chỉ biết canh giờ chồng về mà nói, nói cả ngày không biết chán à?”. Anh đau đầu quá nên vào phòng ôm gối định bụng sẽ ra sofa ngủ. Nhưng khi chồng chị mới ôm gối đi ngang cửa thì chị sực nhớ kế hoạch của mình, bèn nén tức giận xuống mà nhỏ nhẹ: “Anh cứ ngủ đây để mai có sức mà đi làm. Ngủ ngoài cảm lạnh bây giờ. Em ngủ ngoài cũng được”. Chị nhớ lại: "Chồng mình nghe vợ nói vậy dường như bất ngờ quá, lại có phần cảm động nên liền quay sang nhìn vợ bảo 'Anh biết hôm nay anh về trễ rồi, lần sau anh sẽ về sớm hơn. Giờ vợ chồng mình không ai ra ngoài ngủ hết, đi ngủ thôi cho đỡ mệt'”. Chị cười thầm trong bụng vì đã thu phục được chồng, cho chồng tự thấy sai mà nhận lỗi bằng 1 chiêu nhẹ nhàng và tình cảm nhất.

Chị cười rồi kể: “Có những lúc chồng sai mà anh không chịu nhận lỗi, cứ gân cổ lên mà cãi làm mình giận lắm. Nhưng những lúc như vậy, nếu mình mà càng cương nữa thì sợ đứt dây mất. Vì vậy, mình đành nhịn, cứ cho chồng nói thoải mái rồi sau khi cơn giận nguôi ngoai, mình mới phân tích cho anh hiểu sai đúng chỗ nào. Rất may chồng mình là người biết phải trái, đúng sai, chỉ là lúc nóng giận anh muốn bảo vệ quan điểm đến cùng thôi”.

Cãi nhau với chồng cũng phải có chiêu! 1
Chị thổ lộ bí quyết hàng đầu để giúp vợ chồng vẫn êm ấm sau khi xảy ra tranh luận gay gắt, đó là chị không bao giờ thách thức hay thách thức lại với chồng (Ảnh minh họa).

Cũng rất hào hứng với đề tài muôn thuở này, chị Thanh (24 tuổi, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ chị đã rút ra được vô vàn kinh nghiệm xương máu, làm sao để “giận thì giận mà thương thì thương” sau khi cãi nhau với chồng. Chị thổ lộ bí quyết hàng đầu để giúp vợ chồng vẫn êm ấm sau khi xảy ra tranh luận gay gắt, đó là chị không bao giờ thách thức hay thách thức lại với chồng.

Chị kể: “Cách đây 1 năm, sau một hồi cãi nhau kịch liệt vì mình không hài lòng về mẹ anh, anh lớn tiếng nói là ‘Tôi đi khỏi nhà này cho cô biết thế nào là lễ độ’, trong lúc mình không hề nói nặng hay nói hỗn láo. Mình tức quá bởi 1 phần mình ghét nhất là vợ chồng với nhau mà còn xưng tôi với cô, phần nữa vì anh dám tuyên bố ra khỏi nhà nên mình thẳng thừng đáp trả ‘Anh muốn đi đâu thì đi, đây không có anh vẫn thở được'. Vậy là chồng mình xách xe đi luôn 3 ngày không về nhà. Mình ở nhà ruột gan rối tung cả lên, lo lắng không biết chồng có giận quá mà làm liều hay không. Đúng 3 ngày sau chồng về, tay chân mình mẩy xây xẩm hết cả người. Mình hỏi cơ sự ra làm sao thì anh mếu máo nói do nhậu say quá nên khi lái xe về loạng choạng đâm rầm vào cột điện. Vậy là sau trận đó, mình không bao giờ dám thách thức chồng nữa, mà lúc nào mình cũng lấy nhu thắng cương. Chồng có to tiếng thế nào thì mình vẫn điềm đạm nói rõ ràng cho chồng nghe". 

Thêm một vụ việc khác chị đã rút ra bài học xương máu cho bản thân đó là hôm vợ chồng chị cãi nhau to đến mức hàng xóm phải sang can ngăn vì chị lỡ ném cái khung ảnh bằng sắt vào người chồng. Trong lúc không kiềm chế được bản thân, đàn ông vốn sĩ diện, cộng thêm phần, trước mặt hàng xóm mà bị vợ đánh, nên chồng chị hét lớn đòi ly hôn. Chị nghe đến 2 chữ ly hôn mà mình mẩy nổi da gà. Chị bắt đầu nhận thức được việc chính chị là người đã dồn ép chồng mình tới chân tường để chồng phải bật ra 2 tiếng ấy. Vậy là chị không dám thách thức lại chồng mà đi vào phòng và ngủ một mạch đến sáng mai bình tĩnh lại mới nói chuyện với chồng.

Sau này có lần hai vợ chồng đang ngồi với nhau, chồng quay qua hôn chụt vào má vợ mà thỏ thẻ: “Anh phục em quá, anh có nói gì em cũng nhường anh hết. Mà sao lâu em không nhất quyết đòi thắng thế vậy?”. Chị đùa lại chồng: “Đó là tại em nhịn anh đấy. Chứ em mà quyết ăn thua thì anh cũng không hơn được đâu”. 

Theo lời người phụ nữ 24 tuổi này, nhờ áp dụng chiêu "nói không với thách thức" mà nhiều trận chiến căng thẳng tưởng không có cách giải quyết giữa vợ chồng chị đã được xoa dịu một cách nhanh chóng. Gia đình chị ngày càng êm ấm và ít sóng gió hơn. Chồng chị cũng thêm nể phục vợ, ít khi lớn tiếng hay gây căng thẳng quá với vợ nữa. Chị chiêm nghiệm: “Đàn ông ai cũng nóng tính, sĩ diện, nếu cứ nhắm họ mà đối đầu thì có ngày gia đình tan vỡ không chừng. Mà đã là chồng mình rồi thì mình hơn thua với chính chồng mình để làm gì...”.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.