"Cùng tát biển Đông"

Bạn tiến đến hôn nhân vì mục đích gì? Được ở bên cạnh người yêu hay tạo dựng một gia đình hạnh phúc? Hãy cẩn trọng! Trong mối quan hệ này, sơ sẩy một chút, hạnh phúc có thể biến thành bất hạnh.

Trong cuộc đời làm báo, có lần tôi đã tham dự một vụ án ly hôn. Khi trò chuyện với đôi vợ chồng đang căng thẳng trước tòa, thẩm phán đã hỏi: “Vì sao trước kia anh chị cưới nhau?”. Cả hai cùng đồng thanh trả lời: “Vì chúng tôi yêu nhau”. Các câu hỏi sau đó của người thẩm phán đã dẫn câu chuyện ly hôn trở về những ngày đầu của cuộc sống chung. Không chỉ hai người trong cuộc mà những ai có mặt trong phiên tòa hôm ấy đều giật mình nhìn lại chính mình.

Bởi vì, để có một mái ấm hạnh phúc, người ta không chỉ cần tình yêu mà còn cần nhiều điều khác hỗ trợ.

Ông bà ta có câu: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, có rất nhiều “biển Đông” cần phải tát cạn hoặc vượt qua

Những điều này được xây dựng trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau cộng với sự đồng tâm hiệp lực để tiến đến một kết cục hạnh phúc. Các nhà xã hội học thường ví von: Hôn nhân giống như một đấu trường. Người trong cuộc, ngoài việc đấu tranh với những tác nhân, sự việc chung quanh, còn phải đấu tranh với chính người hôn phối của mình trong rất nhiều vấn đề. Như vậy, có gì mâu thuẫn khi một mặt phải đồng tâm hiệp lực với nhau để xây dựng hạnh phúc, mặt khác lại phải đấu tranh với nhau?

Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát hơn về vấn đề này.

Bất hạnh có thể khởi đầu từ ý nghĩ và hành động hợp lý?

Khi còn ngồi ở giảng đường đại học, Nam và Hà đã là một cặp đôi gắn kết. Cùng ở tỉnh lên thành phố học hành, gia cảnh nghèo khiến họ phải bươn chải tìm việc làm để có tiền trang trải các chi phí. Từng chia nhau từ miếng bánh, củ khoai, tình cảm của hai người cung dày lên theo năm tháng. Ra trường, khi mỗi người đều có công việc tạm ổn, họ cưới nhau. Sinh xong đứa con đầu lòng, công việc của Hà tiến triển tích cực. Cô được công ty đầu tư, cho đi học nước ngoài để có thể nắm giữ trọng trách cao hơn. Trong lúc đó, Nam cũng được đề bạt lên một vị trí khá tốt.

Vấn đề ở chỗ, nếu cả hai cùng bận bịu và Hà đi nước ngoài, ai sẽ chăm sóc bé Na? Bố mẹ hai bên ở xa và cả Hà lẫn Nam đều không muốn gửi đứa trẻ vài tháng tuổi về quê, bắt nó phải xa bố mẹ.

Sau khi suy nghĩ, đắn đo, Nam tình nguyện chuyển công tác sang một đơn vị nhỏ hơn, chấp nhận làm một công nhân bình thường để có thì giờ lo cho con. Anh bảo vợ: “Cơ hội đi học nước ngoài để phát triển công việc không phải lúc nào cũng dành sữa cho mình nên em đừng bỏ lỡ. Anh sẽ chăm sóc con cẩn thận, em đừng lo”.

Vậy là Hà đi. Trong suốt hai năm vợ vắng nhà, Nam đã giữ đúng lời hứa. Khi Hà về nước, nhìn thấy con bụ bẫm đứng bên cạnh chồng, cô đã òa khóc. Hà tự nhủ với lòng sẽ bù đắp mọi thứ cho Nam, không để anh phải thiệt thòi bất cứ điều gì.Thế nhưng, ý nguyện ấy chưa thực hiện được thì đứa con thứ hai ra đời. Đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, èo uột như cọng rau héo, một tuần thì hết năm ngày phải vào bệnh viện. Trong lúc đó, công việc của một phó giám đốc ở cơ quan khiến Hà quay như chong chóng, lúc nào mặt mũi cũng phờ phạc.

Một hôm, trong bữa ăn, Nam bảo vợ: “Cứ thế này thì không được, em ạ. Trong hai vợ chồng mình, phải có một người ở nhà lo cho con. Em có công việc tốt nhưng chăm con lại không kinh nghiệm bằng anh. Công việc của anh làng nhàng, không có gì quan trọng. Thế nên, anh sẽ nghỉ làm một thời gian để tập trung lo cho hai đứa nhỏ”.

Suy nghĩ mãi, Hà cũng không tìm ra được giải pháp nào tốt hơn. Thế nên cô buộc lòng phải đồng ý với chồng, để anh nghỉ việc, ở nhà lo cho con.

Ở đời muôn sự oái oăm. Khi Hà đi học xa và Nam một mình gà trống nuôi con, anh sống hết sức nghiêm túc và chung thủy. Nhưng khi trở thành một ông nội trợ thật sự, Nam lại không thể giữ được tình cảm với vợ. Đó là những lúc anh bế con vào bệnh viện, tất bật với những viên thuốc, bình sữa, quần áo nôn ói của con. Những lúc anh phải gửi đứa bé cho hàng xóm để đến nhà trẻ đón đứa lớn. Những lúc lo xong cho con ăn uống, ngủ nghỉ và ngồi bên mâm cơm chờ đợi vợ về. Những lúc lưng địu đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn đi học và tình cờ gặp đồng nghiệp ở dọc đường...

Trong lòng Nam luôn dấy lên một cảm giác buồn bực, hối tiếc xen lẫn giận hờn. Anh tự hỏi tại sao mình phải hy sinh nhiều thứ cho Hà như thế. Trong khi với vị trí người vợ, lẽ ra Hà phải hy sinh cho anh mới phải. Cho dù anh chủ động đề nghị nghỉ làm để trông con, Hà cũng phải từ chối, phải cản anh mới đúng... Những ý nghĩ hờn trách cứ tràn ngập trong lòng Nam, nhất là mỗi khi Hà về nhà, thấy con ngủ ngon, cơm nước có sẵn như một chuyện đương nhiên. Cô còn vô tư kể cho anh nghe những thành công trong công việc của mình.

Cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm được cứu vãn kịp thời

Không bày tỏ tâm tư xao động với vợ, vì ngại cô nghĩ mình ganh tị, Nam đi tìm sự chia sẻ, an ủi ở người khác. Đó là Phương, cô giáo giữ bé Nu, đứa con thứ hai của anh.

Cô là người đã cùng anh đưa bé Nu vào bệnh viện, giúp anh chăm sóc bé khi anh có việc phải ra ngoài. Cô cũng thay anh đi đón bé Nam, lo tắm rửa, cho bé ăn, khi thấy anh quá cập rập, không đảm đương nổi hai con cùng một lúc. Lòng biết ơn dẫn đến cảm tình lúc nào không hay. Nam đã thầm lén qua lại với Phương mà không nghĩ mình có lỗi với Hà. Trái lại, anh xem đó là một việc ắt phải có khi sống chung với một người vợ “chỉ biết lo sự nghiệp” như Hà.

Đoạn kết ly hôn sẽ phải xảy ra nếu không có một lần mẹ Hà từ quê lên thăm, đã cảnh báo con gái: “Sự nghiệp to đến mấy cũng không bằng hạnh phúc gia đình, con ạ”. Bà không biết chuyện của Nam và Phương mà chỉ thấy áy náy vì thấy anh con rể to cao lại phải đảm đương nhiệm vụ nội trợ để vợ đi làm. Bà bảo con: “Thằng Nam có tốt đến mấy cũng có lúc tự ái vì bị người ta châm chọc, nói ra nói vào là sống bám váy vợ. Con giảm bớt công việc, để chồng đi làm đi. Đừng có ỷ lại vào nó nữa. Thuê người giúp việc, trả lương cao một chút để họ toàn tâm, toàn ý lo cho mình”.

Nghe mẹ to nhỏ, Hà thấy cũng hợp lý. Nhất là trong một lần đột xuất đi đón con để chồng ngạc nhiên, cô nhìn thấy vẻ đầu mày, cuối mắt của Phương dành cho Nam. Đó là lúc cô giật mình nhìn lại bản thân và thấy mình quá chủ quan, hời hợt đối với hạnh phúc. Không hề mở một lời cật vấn hay trách móc chồng, Hà lẳng lặng thu xếp công việc cơ quan, dành thì giờ để đón con và về nhà sớm hơn. Cô cũng nhờ mẹ thuê một người giúp việc từ dưới quê lên trông nom bé Nu và thuyết phục chồng đi làm trở lại.

Cuộc hôn nhân đứng trước hố sâu được cứu vãn kịp lúc, trở về thuở bình ổn ban đầu. Sau khi đi làm, Nam cũng chủ động gặp Phương để xin lỗi và đề nghị chia tay. May là Phương cũng nhìn ra được lỗi của mình và vui vẻ chấp nhận. Hà kín đáo quan sát nhất cử nhất động mọi việc. Khi thấy chồng và cô giáo của con chỉ còn quan hệ xã giao, Hà thở phào nhẹ nhõm.

Câu chuyện của Nam và Hà là một ví dụ điển hình cho sự đồng tâm hiệp lực sai quy cách. Nam cứ tưởng anh hy sinh công việc, đảm trách việc nội trợ và chăm sóc con, giúp vợ xây dựng sự nghiệp là đúng. Hà cũng vậy. Do có chức vụ và vị trí xã hội cao hơn chồng, kiếm tiền nhiều hơn anh, cô mặc nhiên chấp nhận việc chuyển đổi vị trí người làm chủ gia đình, yên tâm đi làm trong khi chồng nghỉ việc, chăm con.

Hai người cứ ngỡ giải pháp họ đưa lựa chọn là sự đồng tâm hiệp lực, là hiểu biết lẫn nhau. Họ không lường được khi thực hiện giải pháp này, điều bất lợi gì sẽ nảy sinh? Mối quan hệ của Nam và Phương là một hiện trạng ắt phải có khi người đàn ông đi sia quỹ đạo của mình và rơi vào hụt hẫng. May mắn là Hà và Nam đã ngừng lại kịp và cùng cố cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm.

Sức mạnh của tình yêu có thể san bằng tất cả? Không hẳn!

Vụ án ly hôn mà tôi từng tham dự có vài nét giống như chuyện của Hà và Nam nhưng tình tiết lại khác hẳn. Để tiến đến hôn nhân, Thủy và Hưng đã phải vượt rất nhiều trở ngại từ phía hai bên gia đình. Bố mẹ Thủy chê Hưng là người an phận thủ thường, không có ý chí, có quá nhiều anh chị em. Bố mẹ Hưng lại chê Thủy ngoại hình kém cạnh, gốc gác gia đình nghèo nàn. Nhưng tình yêu của họ đã chiến thắng tất cả. Cuối cùng, hai bên cha mẹ cũng thuận cho họ cưới nhau.

Nhận định của bố mẹ Thủy về Hưng rất chính xác khi anh bằng lòng với việc làm một nhân viên văn phòng cấp thấp. Ngoài giờ làm việc, anh thích ngồi chơi game hoặc mở ti-vi xem đá bóng.

Trong lúc đó, Thủy không dừng lại ở vị trí nhân viên phòng quảng cáo. Tham vọng của cô là có thể lên một vị trí cao hơn, mức lương tốt hơn. Vì thế, sau giờ làm việc ở công ty, cô không nề hà nhận thêm việc về nhà với mục đích trau dồi chuyên môn.

Tuy tính cách khác nhau nhưng Hưng và Thủy lại rất yêu nhau. Thủy bảo: “Anh ấy không thích bon chen, thích làm người nhàn nhã có gì sai chứ? Ai cũng có mục đích sống. Nếu anh ấy thích như vậy, mình có bổn phận giúp anh toại nguyện”.

Phần Hưng, anh cũng khuyến khích vợ học thêm để đạt được điều cô mong muốn. Anh bảo: “Chỉ cần Thủy thấy hạnh phúc, cô ấy muốn làm gì cũng được”.

Thế là trong vòng năm năm, vừa sinh con vừa làm việc ráo riết, Thủy đã đạt được ý nguyện. Chức vụ trưởng phòng quảng cáo đưa đến cho cô nhiều mối làm ăn lớn.

Chẳng mấy chốc, Thủy đã ngồi ở ghế phó giám đốc công ty. Bạn bè, những người xung quanh hết sức kinh ngạc và thán phục Thủy. Họ không hiểu cô lấy đâu ra năng lượng để cùng một lúc vừa đi làm vừa lo hết mọi chuyện trong nhà.

Có thể nói, Thủy là người phụ nữ giỏi giang, biết sắp xếp có hệ thống cuộc sống của mình. Mỗi sáng, cô thức dậy thật sớm để lo điểm tâm cho chồng, đưa con đi nhà trẻ rồi đến thẳng cơ quan. Đúng giờ tan sở, cô lại đón con, ghé siêu thị mua thức ăn rồi về nhà nấu nướng. Trong khi Hưng xem đá bóng trên ti-vi, Thủy dỗ con ngủ, dọn dẹp bếp núc, giặt quần áo, lau nhà. Xong xuôi mọi việc, cô mới mở tập hồ sơ mang về từ cơ quan ra xem lại, ghi chú những việc mình cần làm vào ngày mai.

Nhiều lần thấy vợ mải mê lau chùi, dọn dẹp, Hưng bảo để anh phụ giúp, Thủy đều gạt đi: “Em làm một nhoáng là xong ngay mà. Anh là đàn ông, mó tay vào việc nhà làm gì, cứ thoải mái thư giãn đi”.

Câu nói của cô xuất phát từ đáy lòng. Cô yêu Hưng và muốn làm tất cả để anh được sung sướng. Căn bản là người tốt và cũng yêu Thủy thiết tha, nhưng vốn vô tâm, Hưng mặc nhiên xem chuyện Thủy tất bật làm mọi công việc ở nhà là bình thường. Đến nỗi, sau này khi đưa nhau ra tòa ly dị, Hưng đã kêu lên: “Chính cô ấy thích làm tất cả mọi việc trong nhà mà. Cô ấy không cho tôi mó tay vào bất cứ việc gì cả. Tôi chiều theo ý vợ là có lỗi sao?”.

Mâu thuẫn của Hưng và Thủy cũng giống như vợ chồng Nam và Hà. Đó là khi đứa con thứ hai ra đời. Thủy, giờ đây đã làm giám đốc công ty, công việc tối mắt tối mũi. Cô đã phải phá quy định của mình về giờ giấc làm việc, nhiều đêm về nhà khi chồng con đã ngủ say. Không thể đảm đương nổi công việc nhà, Thủy thuê người giúp việc và tạm bằng lòng với những món ăn không phải do mình chế biến.

Thế nhưng, giải pháp thuê người làm chưa phải là tuyệt đối, bởi còn hai đứa trẻ cần sự chăm sóc của bố mẹ. Đây mới là nguyên nhân gây ra đổ vỡ giữa hai vợ chồng. Đứa bé chưa đến tuổi đi nhà trẻ nên người giúp việc có thể trông coi khi hai vợ chồng Thủy đi vắng. Đứa lớn đang học tiểu học, Thủy không yên tâm để người làm đi đón con nên dù bận cách nào, cô cũng cố thu xếp đến trường đúng giờ con tan học.

Sau khi đưa con về nhà giao cho người làm, cô lại tất bật chạy về công ty giải quyết nốt công việc. Dù mệt mỏi nhưng Thủy tự hào là gia đình ổn định, tình yêu của hai vợ chồng vẫn thắm thiết, ngọt ngào.

Một hôm, người giúp việc xin nghỉ vài ngày để về quê. Dù không muốn nhưng Thủy vẫn phải đồng ý. Cô đưa bé sang nhà ngoại nhờ bà trông vào ban ngày, tối đón cháu về. Đứa thứ nhất vẫn do cô đưa đón. Về phần ăn uống, cô gọi ở ngoài. Hưng ôm vai vợ, khen: “Em tuyệt thật! Lu bu vậy mà vẫn giải quyết đâu vào đó. Anh cưới được em quả là có phước mấy đời!”.

Đứng trong bếp lau dọn chén bát, nhìn chồng ngồi xem ti-vi, lần đầu tiên lòng Thủy dấy lên một cảm giác mệt mỏi. Lát sau, cô đề nghị chồng: “Anh sang bà ngoại đón bé Bin về giúp em nhé. Em muốn tắm cho Bu rồi cho con đi ngủ trước. Tối, em còn phải làm chút việc”. Hưng kêu: “Không được. Sắp đến giờ trực tiếp truyền hình trận đấu ngoại hạng Anh rồi, anh không thể bỏ xem được. Em đi đón Bin đi”. Nói xong, anh tiếp tục dõi mắt lên ti-vi, xem tiếp. Thủy đành gọi điện thoại cho mẹ, bảo sẽ sang đón con trễ một chút rồi vội vàng làm tiếp việc nhà.

Sáng hôm sau, Thủy dặn chồng: “Chiều nay em tiếp đối tác, về trễ lắm, không đón Bu được. Anh đến trường đón con, đưa nó về bà ngoại. hai bố con ăn ở bên ấy luôn nhé, sau đó đón Bin về nhà mình luôn”. Hưng gật đầu: “Được rồi”.

Bảy giờ rưỡi tối, đang tiếp đối tác, Thủy nhận được điện thoại từ cô giáo của con trai: “Chị ơi, sao giờ này vẫn không có ai đến đón cháu? Em đưa cháu về nhà em, cho cháu ăn cơm rồi vì thấy cháu đói. Chừng nào đón cháu được, chị gọi cho em nhé!”. Tá hỏa, Thủy vội gọi cho chồng: “Anh sao vậy? Em dặn anh đi đón con, sao anh không đón?”. Trong máy, tiếng Hưng hốt hoảng: “Chết rồi, Anh quên bẵng mất. Anh chưa về nhà. Hôm nay có người bạn rủ đi xem đá bóng bên ngoài, anh vui quá nên đi luôn...”.

Hôn nhân là hành trình đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực của cả hai

Không chỉ một lần quên con mà hầu hết những việc Thủy nhờ Hưng, anh đều không làm được. Mỗi khi Thủy trách, anh bảo: “Tất cả mọi việc trong nhà, từ trước đến giờ em vẫn dành làm, anh muốn mó tay vào cũng không được. Anh không quen, không giải quyết được việc là do em, em còn trách gì chứ”. Thủy gào lên: “Em làm mọi thứ vì muốn anh được thư giãn, thoải mái. Điều đó không có nghĩa là cái gì anh cũng ỷ lại vào em. Anh là chồng em chứ không phải là khách ở trong nhà. Anh phải có trách nhiệm với vợ con chứ...”.

Tiếng bấc đi, tiếng chì lại, những cuộc cãi vã ngày càng nhiều hơn. Hưng trách Thủy hỗn, ỷ có vị trí xã hội cao, kiếm được nhiều tiền rồi khinh chồng. Thủy nói Hưng vô tâm, vô lý, sống ích kỷ, thiếu bổn phận làm chồng, làm cha. Hưng bảo: “Cô là thứ vợ gì thế? Muốn leo lên đầu chồng, sai bảo chồng theo ý mình à?”. Thủy gào lên: “Anh là kiểu chồng gì vậy? Ngay cả nuôi vợ, nuôi con cũng không có khả năng, chỉ hưởng thụ là giỏi...”. Lời nói ném đi, không lấy lại được, cả hai đưa nhau ra tòa, đồng ý ly hôn.

Trong buổi xử án, thẩm phán hỏi: “Vì sao trước kia anh chị cưới nhau?”. Cả hai đồng thanh đáp: “Vì chúng tôi yêu nhau". Những câu hỏi sau đó của bà đã đưa hai người trở lại thời kỳ họ phải đối phó với bao nhiêu trở ngại để lấy được nhau, giúp họ ngồi xuống, nhìn lại bản thân. Mặc dù cả hai đều thấy lỗi lầm của họ, nhưng sự tổn thương trong lời nói đã dành cho nhau khiến họ không thể hàn gắn trong một ngày, một bữa. Thêm vào đó, hai người cũng nhận ra, cùng với cuộc sống chung nhiều chênh lệch ấy, tình yêu của họ cũng tàn lụi quá nhiều.

Người thẩm phán, đồng thời cũng là một chuyên gia tư vấn, đã đề cập đến vụ án ly hôn của Hưng và Thủy trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo. Theo đó, hôn nhân hạnh phúc phải dựa trên tinh thần xây đắp đầy ý thức trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng.Ông bà ta có câu: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, có rất nhiều “biển Đông” cần phải tát cạn hoặc vượt qua. Bạn không thể một mình lèo lái con thuyền dù là hoa tiêu xuất sắc đến mấy. Chỉ một lỗ rò nhỏ bé cũng có thể làm con thuyền hạnh phúc ấy lật nhào.

Phụ nữ hiện đại ngày càng vươn cao hơn trong xã hội. Bạn có thể “đảm việc nước, giỏi việc nhà” thật, nhưng bạn sẽ cô đơn biết bao khi một mình làm việc ấy.

Hôn nhân có thể khởi đầu từ tình yêu, nhưng gia đình phải khởi đầu từ bổn phận và trách nhiệm. Trong đó, người chồng và người vợ phải thực sự là “một nửa” của nhau, là một bản thể tuy độc lập mà vẫn gắn kết chặt chẽ trong tất cả mọi khía cạnh.

Theo Phạm Ngọc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.